Mỹ: Vụ bê bối thuốc chữa ung thư giả Avastin

Chủ Nhật, 18/03/2012, 21:35

Lô thuốc chữa ung thư giả Avastin trị giá hàng tỷ USD được mua tại Thổ Nhĩ Kỳ trước khi được trung chuyển khắp vùng Trung Đông và châu Âu đến nước Mỹ. Avastin giả không chứa các hoạt chất kéo dài sự sống cho bệnh nhân mà thay vào đó chỉ là muối, tinh bột và nhiều loại hóa chất khác!

Milad Kamal Ayad, doanh nhân ở Công ty SAWA của Ai Cập, cho biết 167 lọ thuốc Avastin 400mg xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó qua trung gian một doanh nhân ở Ai Cập chuyển đến Công ty Hadicon AG ở Thụy Sĩ và cuối cùng được phân phối đến các bệnh viện ở California, Texas và Illinois của Mỹ.

Avastin được dùng để điều trị các bệnh ung thư ruột kết, phổi, thận và não. Theo bác sĩ Robert C. Young - cựu Chủ tịch Trung tâm Ung thư Fox Chase ở Philadelphia và hiện là chuyên gia cố vấn cho các trung tâm điều trị ung thư, việc đánh giá tác hại từ thuốc Avastin giả là rất khó bởi vì thuốc được tiêm cách nhau trong nhiều tuần và nhiều tháng.

Ví dụ, một bệnh nhân ung thư ruột kết sẽ nhận từ 18 đến 20 mũi tiêm Avastin trong 6 tháng. Công ty dược Roche bán Avastin tại 120 quốc gia và thuốc được đóng gói tại 8 nơi trên thế giới. Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đang nỗ lực điều tra nguồn gốc của thuốc Avastin giả nhập khẩu và phân phối đến các bệnh viện.

Việc phát hiện thuốc Avastin giả đang lưu thông trên đất Mỹ khiến người ta lo sợ hoạt động kinh doanh thuốc giả vốn trước đây chỉ tấn công những quốc gia nghèo thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ, đang tăng cao và xâm nhập vào Mỹ theo nhiều con đường khác nhau gây nguy hiểm cho bệnh nhân nước này. Trước vụ thuốc giả Avastin, ở Mỹ đã xuất hiện các loại thuốc giả mang nhãn hiệu khác như Viagra, thuốc điều trị cholesterol Lipitor và thuốc giảm cân Alli.

Hôm 14/2, Phó giám đốc FDA Connie Jung thông báo cơ quan này đang nỗ lực điều tra xuất xứ của những lọ thuốc Avastin đã bán cho 19 bác sĩ và 16 bệnh viện ở California, 2 bệnh viện ở Texas và 1 bệnh viện ở Chicago. Tuy nhiên, hiện thời FDA vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào về những bệnh nhân ung thư bị thuốc Avastin gây nguy hiểm cho tính mạng.

Theo các quan chức FDA, thuốc giả Avastin nhập khẩu vào Mỹ từ nước Anh và được phân phối bởi Công ty Volunteer Distribution, một nhà bán sỉ ở Gainesboro bang Tennessee. Cơ quan y tế Anh bắt đầu lưu ý với FDA về chất lượng những lọ thuốc Avastin nhưng mãi cho đến đầu tháng 2 vừa qua, FDA mới xác định được đó là lô thuốc giả.

Mặc dù vậy, FDA vẫn cam đoan nước Mỹ vẫn còn là một trong những thị trường dược phẩm an toàn nhất thế giới từ trước đến nay. Thông thường, thuốc giả phổ biến trong khu vực đang phát triển như  châu Á và Mỹ Latinh, những nơi mà 30% dược phẩm bán ra là hàng giả, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong khi đó, cũng theo WHO, chỉ có 1% dược phẩm phân phối ở Mỹ và các quốc gia phát triển khác được nhận định là giả.

Tuy nhiên, những báo cáo mới đây về thuốc giả của các công ty dược lớn cho thấy năm 2011 hoạt động kinh doanh thuốc giả đang tăng mạnh và 6% thuốc giả có mặt ở Mỹ. Theo vài đánh giá đáng tin cậy, kinh doanh thuốc giả toàn cầu trị giá hàng chục tỉ USD. Thuốc giả trở nên phổ biến trên khắp thế giới sau khi các kênh phân phối dược phẩm gia tăng trên khắp các lục địa.

Nhiều loại thuốc giả trong đó có Avastin bị bắt giữ ở Syria năm 2009.

Trong khi đó, trên 80% hoạt chất sử dụng trong dược phẩm ở Mỹ được sản xuất ở hải ngoại và các chuyên gia cho rằng thực tế đó đã mở đường cho những dược phẩm giả dễ dàng tràn vào nước này. Tom Kubic - Chủ tịch Viện An toàn dược phẩm (PSI), nghiệp đoàn do 20 công ty dược thành lập - nói: "Với các mạng lưới vận tải ngày nay, con đường vận chuyển dược phẩm từ một nguồn ở Pakistan hay Ấn Độ đến Mỹ được rút ngắn đáng kể".

Năm 2005, các công tố viên liên bang Mỹ buộc tội 11 nhân viên một doanh nghiệp ở Missouri liên quan đến vụ bán số thuốc Lipitor giả trị giá 42 triệu USD. Số thuốc giả này được "bào chế" ở Costa Rica sau đó nhập lậu vào đất Mỹ và được phân phối bởi những nhà bán sỉ. Các chuyên gia trong ngành kinh doanh dược phẩm cho biết, do lợi nhuận quá cao từ kinh doanh thuốc giả, thêm vào đó hình phạt thấp khiến cho thuốc giả ngày càng thu hút tội phạm ở Mỹ và hải ngoại. Một lọ Avastin bán được 2.400 USD và loại thuốc này bán được gần 2,7 tỉ USD trong năm 2011, trong khi hình phạt dành cho tội buôn thuốc giả ở Mỹ chỉ là 3 năm tù, còn hình phạt dành cho buôn bán tiền giả là 15 năm tù.

John Clark, lãnh đạo bộ phận an ninh toàn cầu của Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer Inc., giải thích: Bọn làm thuốc giả có thể bỏ túi được vài triệu USD một cách nhanh chóng mà nếu bị bắt giữ chúng sẽ xoay sở để chỉ ngồi tù khoảng 6 tháng. Theo Clark, bọn làm thuốc giả đầu tư tiền bạc khá thấpkhoảng 50.000USD, bao gồm 20.000USD cho công đoạn nén thuốc viên. Do đó chúng chẳng phải đầu tư đầu óc gì cả mà gom về được số tiền rất lớn giống như kẻ thắng bạc.

Clark cho biết, bộ phận chống thuốc giả trên toàn cần của Pfizer đã phát hiện một số lượng lớn các loại vaccin và thuốc kháng khuẩn được bán tại các quốc gia phát triển mặc dù những nơi này có hệ thống quản lý rất chặt chẽ. Bọn làm thuốc giả hết sức tinh ranh khi chúng thu lượm những lọ thuốc thật đã sử dụng từ bệnh nhân hay thùng rác bệnh viện rồi sau đó cho ra đời những lọ thuốc giả mà khó ai phát hiện được

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.