Mỹ: Đạo luật mới bảo vệ ý kiến người tiêu dùng trực tuyến

Thứ Tư, 07/01/2015, 11:00
Tòa án tiểu bang California, cũng là địa bàn đông dân nhất ở Mỹ vừa ra phán quyết, khẳng định người tiêu dùng khi mua hàng trên mạng Internet, có quyền nêu nhận xét của mình về chất lượng dịch vụ của công ty cung cấp món hàng liên quan. Đây là vụ án chưa có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Mỹ thời hiện đại.

Đứng tên nguyên đơn là hai vợ chồng Jennifer Palmer và John Palmer ở thành phố Layton thuộc tiểu bang Utah, khởi kiện Hãng mua bán trực tuyến Kleargear.com chuyên bán lẻ các mặt hàng gồm quần áo may sẵn, đồ chơi và dụng cụ văn phòng phẩm, có trụ sở tại tiểu bang California. Án kiện Liên bang bắt đầu vào ngày 18/12/2013.

Theo đó vào cuối năm 2008, vợ chồng nguyên đơn đặt mua một vật trang trí để bàn và một chiếc móc chìa khóa, với tổng trị giá dưới 20USD nhưng bị phía Kleargear.com từ chối, do không biết khách hàng có chịu thanh toán qua hệ thống chuyển tiền điện tử PayPal hay không.

Quá bực mình vì không mua được món đồ đã chọn, vợ chồng nhà Palmer liền gửi tin nhắn lên trang web RipoffReport.com, một website phi lợi nhuận chuyên đăng tải các ý kiến nhận xét của khách hàng, phàn nàn về cung cách phục vụ của Hãng Kleargear.com.

Đột nhiên đến đầu tháng 5/2012, họ nhận được thông báo từ Công ty Kleargear.com về khoản tiền phạt là 3.500USD, do đã vi phạm quy định không được khiếu nại; đồng thời phải gỡ bỏ ngay lập tức đoạn tin nhắn đã đăng. Nếu trong thời hạn 30 ngày họ không trả tiền phạt, thì Kleargear.com sẽ gửi thông báo đến công ty thu nợ, gây tác động xấu ảnh hưởng đến mức đánh giá tín dụng của nhà Palmer.

Thống đốc J. Brown ban bố đạo luật mới bảo vệ người tiêu dùng.

Thông thường các công ty bán hàng trực tuyến đều có điều khoản hợp đồng đi kèm, buộc người tiêu dùng không được lên tiếng phàn nàn về món đồ đã đặt mua, cũng như bày tỏ công khai những lời chê bai của mình trên mạng Internet. Quy định này được hiểu nôm na là điều khoản "không được gièm pha", nhằm tránh gây tổn hại đến uy tín của nhà cung cấp.

Ngoài ra, theo một công trình nghiên cứu chuyên sâu của Trường Kinh doanh Harvard đầy uy tín, được công bố vào cuối năm 2011 thì ý kiến khen chê của khách hàng trực tuyến, có thể ảnh hưởng từ 5% đến 9% mức doanh thu thường niên, góp phần làm sụt giảm hay tăng mạnh so với tổng doanh số bán ra.

Về phần mình, vợ chồng nhà Palmer cương quyết không chịu nộp khoản tiền phạt "từ trên trời rơi xuống". Đến ngày 25/11/2013, họ nhận được một bức thư ngỏ từ Văn phòng Hãng Public Citizen, cũng là nơi phát hành và quản lý thẻ tín dụng của nhà Palmer, đòi họ phải trả cho Công ty Kleargear.com số tiền tổng cộng lên đến 75.000USD, cộng dồn 18 tháng từ khoản tiền phạt nói trên kèm lãi suất phát sinh để tránh bị xếp hạng tín dụng xấu, cũng như không được gièm pha các hãng bán lẻ trực tuyến trong tương lai nữa.

Nhiều công ty mua bán trực tuyến đang áp dụng điều khoản cấm khách hàng "không được gièm pha".

Bị dồn đến đường cùng, vợ chồng nhà Palmer quyết định nộp đơn khởi kiện ra tòa. Ngồi ghế chánh án là thẩm phán Liên bang Dee Benson. Phiên xử bắt đầu từ cuối tháng 8/2014, kéo dài hơn 3 tháng mới có được phán quyết cuối cùng, kết luận Hãng Kleargear.com đã vi phạm Đạo luật về Thông tin tín dụng của người tiêu dùng (FCRA), được Quốc hội Mỹ thông qua và có hiệu lực từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Đồng thời tòa cũng buộc Hãng Kleargear.com phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho vợ chồng nguyên đơn số tiền là 306.750USD, cũng như 47.596USD là tiền án phí và chi phí thuê luật sư của bên nguyên đơn.

Rút kinh nghiệm từ vụ án "không được gièm pha" khiến công luận đặc biệt lưu tâm, ông Jerry Brown, Thống đốc tiểu bang California đã ký ban hành một điều luật mới nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đó nghiêm cấm các công ty mua bán trực tuyến ngăn cản ý kiến nhận xét của khách hàng dưới mọi hình thức. Ai vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt từ 2.500-10.000USD, đồng thời có thể bị truy tố ra tòa nếu người tiêu dùng thỉnh cầu cơ quan tư pháp can thiệp.

Điều luật mới sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2015, cũng là văn bản pháp lý đầu tiên ở Mỹ bảo vệ ý kiến của khách hàng trực tuyến.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.