Mỹ tái nhập TPP: Không phải muốn là được?

Thứ Tư, 18/04/2018, 17:35
Tuyên bố Mỹ có thể quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Tổng thống Donald Trump vừa qua khiến giới phân tích không quá bất ngờ, bởi lẽ như nhiều người từng nói, thì đối với ông Trump, bất kỳ sự thay đổi nào đều có thể xảy ra.

Việc ông yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế hàng đầu Larry Kudlow xem xét có thể thương lượng một thỏa thuận thực sự tốt hơn thỏa thuận thời Tổng thống Barack Obama, xem ra phát ngôn này không phải là đùa. Tuy nhiên, 11 nước thành viên của CPTPP sẽ chào đón việc Mỹ trở lại bàn đàm phán thương mại này ở mức độ nào thì chưa thể nói trước, bởi nếu Washington thực sự mong muốn quay lại thì điều đó dẫn đến một quá trình (đàm phán) hoàn toàn mới.

Suy giảm ảnh hưởng

Việc ông Donald Trump ngày 12-4 vừa qua chỉ thị các quan chức cấp cao xem xét khả năng tái gia nhập TPP nếu có thể đạt được "một thỏa thuận tốt hơn" đã được các nghị sĩ thuộc các bang có nền nông nghiệp phát triển của Mỹ hoan nghênh và coi đây là một tin tốt lành, bởi lẽ nó đánh dấu sự thay đổi 180 độ của Tổng thống Trump khi chính ông là người phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử và đã rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại này ngay sau khi nhậm chức hồi năm ngoái.

Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters thậm chí còn bảo vệ tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng khi nói rằng ông Trump nhất quán với các tuyên bố của mình trước đó. Tổng thống đã giữ lời hứa rút khỏi TPP... bởi thỏa thuận này không công bằng với các công nhân và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông vẫn kiên định rằng luôn để ngỏ với một thỏa thuận tốt hơn.

Một nhóm gồm 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa còn gửi thư cho Tổng thống Trump kêu gọi tái gia nhập TPP “để người Mỹ có thể tận dụng được các cơ hội lớn mà các đối tác thương mại mang tới”. Với  6 trong số 11 nước thành viên CPTPP đã có thỏa thuận song phương với Mỹ, Washington đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP khiến thương mại Mỹ gặp nhiều khó khăn trong những năm qua.

Rõ ràng, việc rút khỏi TPP phần nào khiến vị thế và vai trò của Mỹ trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng, khi mà khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho thấy Washington vẫn hết sức coi trọng châu Á, khu vực ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình trên thế giới. Chính những yếu tố này đang buộc Mỹ phải thừa nhận tầm quan trọng của CPTPP và cân nhắc việc tham gia thỏa thuận.

Giới phân tích an ninh và kinh tế châu Á, đánh giá: “không thể chối cãi là ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực châu Á đang suy giảm nhanh chóng và việc Mỹ trở lại CPTPP có thể thay đổi đáng kể tình trạng này".

Phức tạp từ bên trong

Ngay sau khi lên cầm quyền, ông Trump lập tức rút khỏi TPP, điều đó có nghĩa là tư bản công nghiệp và tầng lớp công nhân Mỹ đã xoay chuyển được thế thua thông qua người phát ngôn là... Tổng thống Mỹ. Điều cần nhấn mạnh là dù rút khỏi hay quay trở lại TPP thì xu hướng chính sách của Chính phủ Mỹ không được quyết định bởi mong muốn nhất thời của ông Trump mà được quyết định bởi cục diện chính trị nước Mỹ.

Vì vậy, nhận định liệu chính quyền của ông Trump có quay trở lại TPP hay không thì điều mấu chốt là phải xem ở nước Mỹ hiện nay có đủ các lực lượng chính trị ủng hộ TPP hay không, điều này liên quan đến 3 phương diện:

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều không ủng hộ TPP. Muốn quay trở lại TPP thì sự ủng hộ đa số của Quốc hội Mỹ là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay lập trường chủ yếu của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều là phản đối TPP. Các nhóm lợi ích và nhóm cử tri ủng hộ ông Trump cũng đều là những người phản đối TPP.

Ai cũng biết, trong chính trị bầu cử, các biện pháp chính sách của tổng thống được quyết định chủ yếu bởi các nhóm lợi ích đứng đằng sau và mong muốn chính sách của các nhóm cử tri, trong khi các nhóm chủ yếu ủng hộ Tổng thống Trump phần nhiều không ủng hộ, thậm chí phản đối quyết liệt việc quay lại TPP.

Cụ thể, thứ nhất, tầng lớp công nhân là mấu chốt dẫn đến chiến thắng của ông Trump, rõ ràng là ngành sản xuất của Mỹ không thể chịu đựng được hậu quả của việc quay trở lại TPP. Để họ thêm phần ủng hộ mình, Tổng thống Trump đã để xảy ra va chạm thương mại thậm chí suýt nữa là chiến tranh thương mại với nhiều quốc gia kể từ khi ông nhậm chức.

Từ các hiệp định thương mại cho thấy Tổng thống Trump luôn tìm cách hủy bỏ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã ký với Canada và Mexico (hai nước này cũng là thành viên của TPP). Nói cách khác, để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ, ông Trump thậm chí không muốn cả NAFTA phiên bản đơn giản hơn, lẽ nào có thể trở lại TPP hoàn toàn trái ngược với mục đích của mình?

Thứ hai, các bang ở miền Trung và miền Nam là nền tảng cơ sở của ông Trump và đảng Cộng hòa, ngành nông nghiệp phát triển, ảnh hưởng chính trị của các chủ trang trại và khả năng vận động của các bang này là điều không thể bỏ qua. Trước đây, các nước đưa ra nhiều rào cản thương mại đối với ngành nông nghiệp của Mỹ. TPP lại hủy bỏ những rào cản thương mại này. Đây cũng là một lý do quan trọng khiến nghị sỹ đảng Cộng hòa ở các bang miền Trung và miền Nam từ bỏ sự chia rẽ nội bộ quay sang ủng hộ ông Obama đẩy mạnh TPP.

Đại diện 11 nước tham gia ký kết hiệp định CPTPP. Ảnh: Reuters.

Rõ ràng, việc rút khỏi TPP đã gây tổn hại cho lợi ích của ngành nông nghiệp và chủ trang trại, nhưng ông Trump cũng đã bồi thường cho họ. Kể từ khi lên cầm quyền, thông qua các cuộc đàm phán song phương, Tổng thống Trump đã đạt được hiệp định với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các nước Đông Á đã nới lỏng hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành, thịt bò, ngô. Do đó, các chủ trang trại đã có thu hoạch và còn được nhiều hơn sự kỳ vọng đã không còn động lực đẩy mạnh TPP.

Thứ ba, ngành năng lượng truyền thống là một chỗ dựa quan trọng khác để tạo ra công ăn việc làm và khôi phục nền kinh tế Mỹ, cũng là một nhóm lợi ích rất quan trọng trên chính trường Mỹ (đặc biệt là đối với đảng Cộng hòa). Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế, rất ít quốc gia áp đặt mức thuế cao đối với dầu và khí tự nhiên. Do đó, các tập đoàn năng lượng và công nhân ngành này cũng không thể trở thành người thúc đẩy nước Mỹ quay trở lại TPP.

Tất nhiên TPP vẫn có những người ủng hộ mạnh mẽ, cụ thể là các nhà tư bản tài chính, các tập đoàn đa quốc gia và các tỉ phú. Việc nước Mỹ rời khỏi TPP không những làm cho nỗ lực của họ trong nhiều năm qua trôi theo dòng nước, mà ngày càng có nhiều rào cản thương mại có khả năng gây tổn hại cho lợi ích lâu dài của họ. Nếu Mỹ quay trở lại TPP vào thời điểm này thì sẽ đưa vào nhiều đối thủ cạnh tranh có thuế bằng 0 và nhân lực có chi phí thấp hơn nhiều, thì các tập đoàn tư bản công nghiệp của Mỹ sẽ thế nào?

CPTPP và "mảnh ghép" Mỹ

Trong bối cảnh Mỹ còn hững hờ và tham gia liền lúc 2 cuộc chiến, thương mại với Trung Quốc và tấn công quân sự tại Syria, tuyên bố của ông Trump đang đặt ra những câu hỏi nghi ngờ từ cả trong nước và quốc tế về động cơ của chuyến trở lại này.

Quyết định gây bất ngờ của ông Trump cũng khiến ngay cả nhóm cố vấn kinh tế của ông lo ngại về sự tin cậy của tuyên bố trên. Trả lời tờ The New York Times, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết yêu cầu cân nhắc quay lại CPTPP của ông Trump là khá ngẫu hứng.

Quyết định đầy bất ngờ và "ngẫu hứng" như nhận xét của một số nghị sĩ Mỹ khiến nhiều quan chức Mỹ, các nhà hoạch định chính sách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tỏ ý nghi ngờ phát biểu trên.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh: "Nếu điều này là sự thật, tôi sẽ hoan nghênh", đồng thời cho biết cần phải kiểm chứng tuyên bố trên bởi Tổng thống Donald Trump "là người hay thay đổi và có thể nói điều gì đó khác ngay ngày hôm sau". Ông hy vọng Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump sẽ bàn thảo vấn đề trên trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tới đây.

Còn Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng cho rằng nếu Mỹ thể hiện mong muốn "chân thành", điều này sẽ tạo ra một tiến trình mới. Ông Eswar Prasad, chuyên gia thương mại thuộc Đại học Cornell, cho biết Mỹ khó có thể được "chào đón niềm nở" bởi các nước thành viên TPP hiện tại, hoặc sẽ phải chấp nhận những điều khoản ít có lợi hơn.

Đồng thời các cựu thành viên TPP (nay là CPTPP) tuy hoan nghênh Mỹ trở lại, nhưng tỏ rõ ý định phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận để phù hợp với Mỹ trong trường hợp Mỹ muốn quay lại.

Thể hiện rõ quan điểm của mình, ngày 15/4, Australia cho biết các nước thành viên CPTPP không nhận thấy sự hấp dẫn nào trong việc đàm phán lại nhằm đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Trả lời phỏng vấn giới báo chí, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nhấn mạnh không thể đàm phán lại toàn bộ để đáp ứng yêu cầu của Mỹ vào thời điểm này, tuy nhiên cũng không có nghĩa là các thành viên hiện nay của CPTPP không chào đón sự quay trở lại của Mỹ.

Khu cảng sầm uất ở Singapore, một nước tham gia CPTPP. Ảnh: IHS.

"Chúng tôi hoan nghênh Mỹ trở về, nhưng tôi không thấy “khẩu vị” cho việc đàm phán lại TPP 11", Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo phát biểu. Những phát biểu cứng rắn được phát đi cho thấy, việc thay đổi sẽ rất khó khăn vì thỏa thuận hiện nay đã cân bằng, Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Toshimitsu Motegi phát biểu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Mustafa Mohamed của Malaysia có cùng quan điểm, nói rằng, tái đàm phán sẽ "ảnh hưởng đến cân bằng lợi ích của các bên".

Rõ ràng Mỹ đã bị bỏ lại kể từ khi họ quyết tâm rút khỏi TPP. Bởi, từ thời điểm Tổng thống D. Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng 1/2017, 11 nước thành viên còn lại của hiệp định này đã quyết tâm đàm phán để đạt được một phiên bản mới của TPP không có Mỹ, đó là CPTPP.

Chuyên gia cấp cao Alexander Capri của Trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định CPTPP đã đi một "bước đi rất lớn". Ngoài ra, nó cho thấy sự sẵn sàng của các quốc gia trên khắp châu Á và châu Mỹ muốn duy trì các thỏa thuận thương mại rộng lớn, trong bối cảnh Tổng thống D. Trump đưa ra khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên".

Muốn tăng sức mạnh phải dựa vào CPTPP

Giới phân tích đánh giá việc tham gia lại CPTPP là phù hợp trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này "lời qua tiếng lại". Cách tốt nhất để Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc là mở rộng thị trường thông qua các hiệp định đa phương dạng như CPTPP.

Nhật báo Wall Street trích dẫn nhận định của David Malpass, Thứ trưởng Ngân sách cho các vấn đề quốc tế, cho rằng một trong những nhân tố làm thay đổi quan điểm của ông Trump về CPTPP là "thái độ của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế đang gia tăng trên quy mô toàn cầu". Giáo sư kinh tế Mohd Nazari Ismail thuộc Đại học Malaya, tuyên bố "rõ ràng" là Tổng thống Trump đang cân nhắc lại CPTPP vì ông nhận thấy rằng "sự vắng mặt của Mỹ có nghĩa là Trung Quốc sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong tương lai".

Thêm vào đó, những tháng gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng CPTPP có thể sớm kết nạp thêm thành viên mới như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Viện nghiên cứu chiến lược Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở ở Mỹ cho rằng nếu 4 quốc gia trên và vùng lãnh thổ Đài Loan tham gia CPTPP, tạo ra một CPTPP-16, nó sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế chung từ thương mại và làm tăng tổng thu nhập lên 486 tỷ USD vào năm 2030, cao hơn cả lợi ích mong đợi từ TPP-12.

Các chuyên gia còn cho rằng, Tổng thống Trump nên cân nhắc quay trở lại CPTPP bởi nó giúp xoa dịu quan hệ với các nước thành viên khác của TPP trước đây; tìm kiếm môi trường bên ngoài có lợi cho Mỹ; thúc đẩy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương; đặt nền tảng cho việc cải tạo hệ thống thương mại đa phương và khu vực; tranh thủ sự ủng hộ lớn hơn cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ... và quan trọng nhất là tăng cường sự phòng ngừa đối với các nước có xu thế đối đầu với Mỹ. Rõ ràng, Tổng thống Trump đã nhận ra giá trị địa chính trị của CPTPP.

Bảo Trân - Hoa Huyền
.
.