Mỹ và Trung Quốc - Ai sẽ là cường quốc siêu đẳng?

Chủ Nhật, 23/12/2012, 21:30

Theo một kết quả nghiên cứu của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ (NIC) vừa công bố hôm 10/12, thì đến trước năm 2030, Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nhận định của NIC tương tự như những dự báo độc lập trước đó của nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế về sự lớn mạnh nhanh chóng của nền kinh tế hiện đứng thứ hai thế giới.

Chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Christopher Kojm cho biết: "Tính theo các chỉ số về sức mạnh toàn diện gồm dân số, tổng sản lượng quốc dân (GDP), chi tiêu quân sự và đầu tư kỹ thuật, châu Á sẽ vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại".

Trong khi kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn sau một giai đoạn suy thoái trầm trọng, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang tiến triển khá êm ả. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới chỉ thua kém Mỹ. Số liệu mới nhất cho thấy tiến độ hồi phục của Trung Quốc đang tăng dần, sản xuất công nghiệp và doanh số bán hàng tăng lên hơn mức dự đoán trong tháng 11/2012. Tuy vậy, tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc không có triển vọng tốt đẹp như vào thời kỳ trước kia với 10.1% mỗi năm về sản xuất công nghiệp.

Sau 9 quý GDP giảm liên tục, dấu hiệu tốt đẹp trong tuần lễ vừa qua là xuất khẩu của Trung Quốc đã gia tăng, nhưng mới chỉ 2.9% so với cùng thời gian năm 2011 và nhập khẩu vẫn chỉ ở mức bình thường. Tình trạng này không có gì ngạc nhiên vì hai đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc - Nhật Bản và Liên minh châu Âu - đều đang trong tình hình suy thoái. Giảm sút ở hai thị trường này chỉ được bù lại bằng sự gia tăng vừa phải về mậu dịch với Mỹ, nơi kinh tế hồi phục còn chậm chạp.

Các nhà phân tích dự đoán: Năm tới tăng trưởng tính theo GDP của Trung Quốc sẽ vào khoảng 8% so với ước tính 7.5% năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Andrew Batson, nhà phân tích thuộc Cơ quan Tư vấn Dragonomics ở Bắc Kinh nói rằng tăng trưởng trên 10% đã là chuyện của quá khứ, theo ông: "Nền kinh tế Trung Quốc bây giờ đã đến thời kỳ trưởng thành, mức tăng trưởng sẽ phải bình ổn lại và nếu bây giờ chúng ta có thấy sự tăng tiến chút ít thì đó là theo một chu kỳ".

Tăng trưởng hiện nay phần lớn do lĩnh vực xây dựng và tác động đến các ngành sản xuất như thép và xi măng. Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra chính sách khuyến khích dân chúng mua nhà mới và giảm lãi suất cho vay. Kết quả là giá nhà đã dần dần tăng trở lại trong 6 tháng vừa qua sau khi đã hạ xuống hơn 15%. Lạm phát 2% hiện nay mới chỉ là phân nửa mức trần mà chính quyền đã ấn định.

Tuy nhiên đằng sau những dữ kiện lạc quan ấy còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Giá sản phẩm xuất xưởng giảm 2,2% trong tháng 11/2012 sau 9 tháng giảm liên tiếp, các kho hàng đều đầy ắp và theo Yetan, một nhà phân tích kinh tế độc lập: "Dấu hiệu thặng dư sản xuất là rõ ràng. Ngoại trừ trường hợp thị trường nội địa có thể tiêu thụ hết những sản phẩm tồn kho, hàng loạt công ty sẽ đương đầu với những vấn đề mới".

Chính quyền Trung Quốc đặt hy vọng vào sự phát triển kinh tế bằng sự gia tăng tiêu thụ ở thị trường quốc nội. Ma Xiaoping và Qu Hongbin, hai nhà phân tích thuộc Ngân hàng HSBC nhận định: "Nhu cầu tiêu thụ yếu ở nước ngoài là trở lực chính cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ trong nước gia tăng và đầu tư tiếp tục đều đặn, tăng trưởng kinh tế có thể trở lại ở mức ổn định 8% năm 2013".

Từ 30 năm trước đây, Trung Quốc đã là quốc gia phát triển kinh tế với tốc độ nhanh nhất thế giới với tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm, Trung Quốc dẫn đầu về xuất khẩu và đứng thứ nhì về nhập khẩu. Thị trường nhân lực rẻ là một yếu tố quan trọng để đạt được những kết quả này. Nhưng với sinh hoạt của dân chúng dần dần được nâng cao, tiền lương công nhân cũng sẽ phải tăng dần và kinh tế Trung Quốc không còn có thể dựa phần chính vào xuất khẩu.

Các chuyên gia Mỹ cho là Trung Quốc sẽ vươn lên số 1 về kinh tế nhưng không phải là cường quốc dẫn đầu thế giới.

Một vấn đề khác mà Trung Quốc sẽ phải giải quyết là tình trạng bất quân bình trong xã hội và giữa các địa phương. Những khu công nghiệp chế xuất trước đây tập trung ở các tỉnh vùng duyên hải hiện nay đang được phân bố đều hơn đến các tỉnh nội địa. Hầu hết các đại công ty đều là quốc doanh và nhiều trường hợp đem lại hiệu quả kém, sẽ gặp khó khăn với sự phát triển đều đặn của lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Mặc dù dự đoán Trung Quốc sẽ là cường quốc kinh tế số 1 trong hai thập niên nữa, tiến sĩ Matthew Burrows, cố vấn Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, trong buổi họp báo tại Washington hôm 10/12, nhận định: "Trung Quốc là một nước bí ẩn. Tôi muốn nói rằng hành động của họ có thể chính là kẻ địch đáng ngại nhất cho họ".

Các quan sát viên đều đồng ý rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, mối bang giao với Trung Quốc càng ngày càng thêm nhiều khó khăn khi họ đang tiến lên vị trí siêu cường, đồng thời với chiến lược hướng về châu Á của Mỹ. Giữa hai nước có không ít vấn đề, từ mậu dịch có thủ đoạn cho tới xâm phạm tác quyền và nhiều vấn đề phức tạp khác. Và theo tiến sĩ Burrows: "Nếu định nghĩa sức mạnh trên bình diện rộng hơn, không chỉ với GDP, chi tiêu quân sự và nghiên cứu phát triển, mà hãy quan sát đến những cái mà người ta gọi là sức mạnh mềm khác, thì cho đến năm 2030 Mỹ vẫn đứng cao hơn Trung Quốc, Ấn Ðộ và tất cả những cường quốc khác".

Tiến sĩ Burrows giải thích: "Mỹ dù không còn là một siêu cường nhưng vẫn là nước vượt trội nhất nhờ vai trò trong việc giải quyết khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc sẽ không thay thế được Mỹ trên phạm vi toàn cầu dù trở thành nền kinh tế lớn nhất. Số 1 về kinh tế không nhất thiết đồng nghĩa với việc trở thành quốc gia dẫn đầu".

Báo cáo của Hội đồng Tình báo quốc gia, được đưa ra mỗi 5 năm, cho rằng thế giới đang đi đến một giai đoạn kết nối thiết yếu của lịch sử nhân loại, sẽ không có một cường quốc siêu đẳng mà quyền lực được phân phối cho các mạng lưới và liên minh trong thế giới đa cực.

Sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ đưa tới những hợp tác toàn cầu rộng lớn hơn. Chuyên gia NIC cho rằng, kịch bản tốt nhất có thể xảy ra trong tương lai là Trung Quốc và Mỹ hợp tác trong một loạt vấn đề, dẫn đến hợp tác toàn cầu lớn hơn

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.