NSND Bạch Diệp: Mây trắng về trời

Thứ Ba, 27/08/2013, 20:35

Ngày 17/8 vừa qua, NSND Bạch Diệp từ giã cõi đời ở tuổi 84, người phụ nữ đầu tiên của bộ môn Nghệ thuật thứ bảy dấn thân vào nghiệp đạo diễn, đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam những thước phim để đời: “Người về từ đồng cói”, “Ngày lễ thánh”, “Câu chuyện làng dừa”, “Người chưa biết nói”, “Huyền thoại mẹ”… Sau này bà cũng có những phim truyền hình đầy ấn tượng: “Nguyễn Thị Minh Khai”, “Hai người đàn bà xóm trại”, “Kẻ không cầu may”…

Bà là 1 trong số 11 người được ghi tên trong danh sách những khuôn mặt tiêu biểu 55 năm Ngày Thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, từ lâu, tên tuổi của NSND Bạch Diệp được ghi trong cuốn Bách khoa toàn thư của Liên Xô (cũ) về các đạo diễn tài năng đóng góp cho nền điện ảnh thế giới.

Và, một điều nữa, mặc dù trải qua vài ba mối tình nhưng nữ đạo diễn sắc sảo này vẫn được biết đến là người đàn bà duy nhất của “Ông hoàng thơ mới”, nhà thơ Xuân Diệu. Cuộc đời của bà hệt như một cuốn tiểu thuyết mà ở đó có nhiều chương hồi hấp dẫn, ly kỳ khiến cho người ta bị dẫn dụ.

Cái tin NSND Bạch Diệp từ trần sau một thời gian dài gắng gỏi chống chọi với bệnh ung thư khiến cho đồng nghiệp và công chúng hâm mộ thương xót đến đắng lòng. Ai cũng hiểu đối mặt với căn bệnh ung thư phải trải qua sự đau đớn hành hạ về thể xác và tinh thần đến thế nào. Và, người đàn bà nghị lực, tinh thần thép, NSND Bạch Diệp trong những ngày cuối đời ấy bên cơn đau dữ dội vẫn không nguôi ngoai, khắc khoải với nghề đã từ lâu ăn sâu vào máu huyết - môn nghệ thuật điện ảnh.

Và, chính trong những lúc tưởng chừng như vô vọng vì tật bệnh này thì dòng ký ức thời gian vẫn như những thước phim sống động, chầm chậm quay về. Bà hiểu rằng, không ai tránh được quy luật của thời gian, chỉ ít lâu thôi bà sẽ sang thế giới bên kia, nơi đấy những đồng nghiệp cũ sẽ đón đợi bà: đạo diễn NSND Hải Ninh, NSND Trần Vũ, NSND Phạm Huy Thông, NSND Hồng Sến… Và, nơi ấy, còn có những người đàn ông mà một thời bà không thể nguôi ngoai, mối tình thoảng qua nhưng đầy thi vị với nhạc sĩ Tử Phác, cuộc tình ngắn ngủi để làm vợ nhà thơ lớn trong phong trào thi ca thơ mới Việt Nam - Xuân Diệu nhiều sóng gió và ồn ã.

Và, 15 năm gắn bó, nương nhờ, làm vợ với người đàn ông đích thực của đời mình Nguyễn Đức Tường, chuyên viên Bộ Công an. Và rồi, con chim tưởng như không biết mỏi ấy đã hóa kiếp về trời vào một ngày đầu thu, cuộc ra đi đã được báo trước để hội ngộ với những người thân. Cát bụi lại trở về với cát bụi.

Có những con người mà cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết nhiều chương hồi, ở đó có xung đột, có cao trào, có những vần thơ đầy lãng mạn, và có cả không ít sóng gió chông gai. Nữ đạo diễn Bạch Diệp là một người như thế.  Định mệnh, số phận đã chọn bà để đặt lên vai bà công việc của một đạo diễn, cái nghề "nặng nhọc", "lấm lem" tưởng chừng như chỉ dành cho đàn ông. Thế mà, người phụ nữ nhỏ bé đã làm những điều tưởng như không thể. Nhắc đến nền điện ảnh cách mạng Việt Nam không thể thiếu tên nữ đạo diễn Bạch Diệp.

Nói không ngoa, tên tuổi của bà đóng đinh vào những thước phim của nền điện ảnh từ ngày ra mắt "Ngày lễ thánh", "Huyền thoại mẹ"… Bạch Diệp là người xóa tan định kiến "đạo diễn là nghề chỉ dành cho nam giới". Là người được coi có tinh thần thép, ý chí mạnh mẽ, sức sáng tạo phi thường, kỹ tính đến khó tính, trên trường quay bà được đồng nghiệp yêu mến tặng biệt danh: "Nữ tướng trường quay".

Sau này, khi đã ở tuổi ngoài 70, người phụ nữ ấy vẫn làm những bộ phim truyền hình ăn khách. Phim của bà dạt dào tình cảm, chân thật, đời thường, sống động. Những thế hệ diễn viên của ngày đó và bây giờ như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Chiều Xuân, diễn viên Mai Huê… nhớ đến nữ đạo diễn là lại hiện lên một người say mê hết lòng với công việc. Nguồn năng lượng khổng lồ, dạt dào cuồn cuộn chảy trong huyết quản của người đàn bà bé nhỏ. Khả năng sáng tạo phi thường và ở một đặc điểm nữa là đã làm gì thì làm cho tới cùng, đã đi thì đi tới bến. Trong công việc bà không khoan nhượng, không qua quýt, trái lại rất kỹ lưỡng và chỉn chu.

Diễn viên Mai Huê nhớ lại, bộ phim "Kẻ không cầu may" bấm máy vào năm 2000, khi nữ đạo diễn ở tuổi 70, bà trau chuốt tỉ mỉ cho bộ phim hệt như một người đàn ông kỹ tính khi ra mắt nhà người yêu. Đạo cụ trong đoàn làm phim, chỉ cần một cái thìa, một đôi dép, một cái đồng hồ không đúng ý là bà phải bắt tìm bằng được để thay ngay.

Thậm chí, một cảnh quay không đạt, bà giận bỏ đi nửa tiếng khiến đoàn làm phim nháo nhác đi tìm. Trong cơn say nghề đạo diễn, người phụ nữ ấy có thể la toáng lên, thậm chí quát tháo, la mắng, khiến cho diễn viên không thể không diễn xuất cho tốt. Lúc đấy, khuôn mặt của bà lộ rõ vẻ hài lòng, dây đàn vừa căng như sắp đứt lại như chùng xuống. Bản nhạc đang dữ dội nóng như lò lửa cả ngàn độ thì chợt dịu êm và yên ả như một mặt hồ trong xanh hiền hòa.

Người ta bảo, đôi khi yêu quá, hoặc tự giết chết mình, hoặc kết liễu người mình yêu. Nhưng tình yêu với điện ảnh khiến cho bà và nghề được thăng hoa. Hai cái như hòa làm một. Trong người phụ nữ bé nhỏ ấy có bộ môn nghệ thuật điện ảnh. Và trong điện ảnh có bà. Cả hai cùng tồn tại song song, bổ trợ cho nhau. Những cuộc tình duyên đầu đời không mang lại hạnh phúc thì người phụ nữ ấy tìm quên ở điện ảnh.

Cuộc sống ngoài xã hội với những cung bậc tình cảm tha thiết nhất được tái hiện trên phim khiến cho những thước phim của bà luôn sống động, chân thực, dung dị, gần gũi đời thường. Với những ai có may mắn từng làm việc với nữ đạo diễn Bạch Diệp đều có cảm xúc về bà.

Nhà của nữ đạo diễn nằm ở một ngõ phố của thủ đô Hà Nội, được xây 4 tầng cao to và bề thế. Phóng viên các báo khi đến gặp bà đều bị ấn tượng mạnh bởi người đàn bà trên bộ salon và bên cạnh là con mèo trắng với đôi mắt xanh biếc. Hình ảnh này cũng quen thuộc  khi đến chơi nhà NSND Hoàng Cúc, nữ diễn viên sân khấu và điện ảnh lừng lẫy một thời.

Cuộc hôn nhân không may mắn khiến cho chị trở thành một người độc lập. Chị hay chơi với mèo. Hình như, ở một ngưỡng nào đó, những người phụ nữ cô đơn thường ôm mèo bên khung cửa sổ. NSND Bạch Diệp - số phận trớ trêu khi cho bà chức phận làm vợ nhưng không cho chức phận làm mẹ.

Nghệ sĩ Bạch Diệp và nghệ sĩ Trà Giang.

Sau cú va vấp đầu đời làm vợ một người đàn ông danh tiếng nổi như cồn, được mệnh danh là "Ông hoàng thi ca", một trong những người "nổ phát súng" khai phá phong trào thơ mới - nhà thơ Xuân Diệu. Nữ đạo diễn lấy ông khi bà 27 tuổi, đang làm phóng viên của Báo Nhân dân, còn Xuân Diệu lúc đấy đang trong giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời cả về thể lực lẫn sáng tác, 40 tuổi.

Ngỡ rằng cuộc hôn nhân do ông trời xe duyên sẽ viên mãn nhưng nó lại kết thúc trong bi kịch mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Một ngày đông cuối năm 1985, nhà thơ Xuân Diệu qua đời, lúc này bức màn bí mật mới được vén lên. Thì ra, tác giả của những vần thơ cuồng nhiệt và say đắm, niềm đam mê khắc khoải, mối tình da diết và sục sôi… hình như tất cả chỉ dành cho một nửa của mình là đàn ông.

Ôi chao! Số phận trớ trêu và oan nghiệt. Tài nữ lấy nam nhân? Thì ra, bấy lâu nay, nữ đạo diễn mạnh mẽ ấy vẫn lặng im giữ hình ảnh đẹp cho "người chồng một thuở" của mình. Sau này, trong một lần tôi làm việc với nữ đạo diễn, bà mới tiết lộ cuộc hôn nhân kết thúc ngắn ngủi chưa đầy nửa năm và bà chưa khi nào có cảm giác hạnh phúc được làm vợ "Ông hoàng thơ tình". Tại sao bà lấy ông? Phải chăng giấc mơ về người đàn ông đích thực đã hoàn toàn sụp đổ một cách chóng vánh, thực ra là sau 3 ngày làm vợ chứ không phải kéo dài gần nửa năm như người ta thường biết.

Bà kể: lúc đó tuổi trẻ còn rất mải chơi. Một tối nhà thơ Xuân Diệu đến nhà của Bạch Diệp, khi đấy Bạch Diệp bỏ đi chơi với các bạn và nhà thơ vẫn kiên trì ngồi đợi bằng được "người yêu". Giữa đêm tối, lúc đó phải gần 12 giờ đêm Bạch Diệp mới về nhà và khi bà mở cổng bắt gặp "Ông hoàng thơ" đã ngoẹo cổ ngủ gật từ lúc nào ở thềm cửa. Cạnh ông là chú vện. Trong mảnh sân trăng soi vằng vặc ấy, cái xe đạp han gỉ dựng ở bên.

Nữ phóng viên xinh đẹp lay nhà thơ, ông choàng dậy nhìn nữ phóng viên, không vồn vã, không ân cần, không xa cách… Thật khó hiểu, ông nói: "Em đi chơi đã về đấy à? Thôi anh về đây". Nhà thơ đứng dậy phủi bụi ở áo quần rồi lững thững đạp xe ra về, chẳng kịp trao cho người con gái của mình một nụ hôn ngọt ngào say đắm như chúng ta vẫn thường thấy xuất hiện trong thơ ông. Bạch Diệp ngơ ngác, chưng hửng, nhà thơ làm cho bà cảm thấy khó hiểu quá chừng. Cái sự khó hiểu đấy chỉ khi làm vợ nhà thơ bà mới hiểu.

Làm vợ nhà thơ tài danh Xuân Diệu, bà sống trong căn nhà tại phố Điện Biên Phủ. Căn nhà ấy là do Nhà nước cấp cho hai nhà thơ danh tiếng Huy Cận, Xuân Diệu. Bà bồi hồi nhớ lại, phòng của vợ chồng bà sát ngay cạnh phòng của nhà thơ Huy Cận, và chỉ ngăn cách một tấm màn che. Ông Xuân Diệu đêm không ngủ mà hay thức bật đèn ngồi bên bàn viết, mắt nhìn vào hư vô suy nghĩ mông lung khiến một người con gái như bà cảm thấy lạnh lẽo và đôi chút sợ hãi.

Lấy nhau được một tuần thì Bạch Diệp về thăm cha mẹ. Mẹ mới hỏi con gái, Bạch Diệp thuật lại sự tình. Bố của Bạch Diệp gọi con rể lên dặn dò và cắt cho nhà thơ mấy chục thang thuốc bắc. Ông dặn: "Nếu uống hết số thuốc này trong vòng 3 tháng vẫn không có tiến triển gì thì hai đứa chia tay". Hằng ngày, Bạch Diệp vẫn cặm cụi đun thuốc cho chồng. Nhưng rồi, cái gì đến cũng phải đến. Cả hai chia tay trong bẽ bàng và chán chường.

Cuộc hôn nhân quá ngắn ngủi không hề mang lại cảm giác thăng hoa, hạnh phúc. Nó thực sự là một cú sốc với cô gái trẻ.  Nhưng, có lẽ ở con người bản lĩnh và can đảm đấy đầy tình bao dung và vị tha, người phụ nữ ấy đã chọn cách im lặng không kêu ca, oán thán.

Sự im lặng của người đàn bà duy nhất, người vợ hợp pháp của nhà thơ Xuân Diệu khiến cho "Ông hoàng thơ ca" không có điều tiếng gì. Sự thật chỉ được bộc lộ khi nhà thơ mất. Sau này khi tiếp xúc với phóng viên, vốn là một người khảng khái và trung thực bà không giấu giếm gì, nhưng vẫn phải dặn dò kỹ lưỡng: "Viết làm sao đừng để người ta "ghét" Xuân Diệu".  Tôi biết, một người đàn bà chỉ yêu tha thiết và không thể quên được một người đàn ông khi anh ta làm cho người phụ nữ của mình quá sung sướng hoặc quá đau khổ.

Xuân Diệu không có cái may mắn đó. Nhà thơ lướt qua đời bà mong manh như một cơn gió thoảng, không lưu lại mùi hương. Ngay kể cả khi về già, nhắc đến ông, nữ đạo diễn vẫn giữ sự kính trọng nhưng đó là sự kính trọng với một tài năng, còn sự giao thoa về tâm hồn thì không có. Duy nhất, kỷ niệm lưu luyến với nhà thơ là trong hàng trăm bài thơ tình mùi mẫn, cuồng nhiệt, say đắm có một bài thơ mà "Ông hoàng thơ" tặng người đàn bà duy nhất của đời mình không dữ dội như những vần thơ thường thấy của ông, nó khắc khoải, trầm buồn…

Bà đọc cho tôi nghe: "Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/ Dạ lan thơm nức lạ lùng/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương".

Thỉnh thoảng trong hồi ức của nữ đạo diễn khi nói chuyện với phóng viên phảng phất hình ảnh người trai trẻ, nhạc sĩ Tử Phác. Đó là thời con gái 19 tuổi của bà, những rung động đầu đời, mà đến khi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy bà vẫn không quên hình bóng ấy, và bài thơ người ta viết tặng mình. Nhạc sĩ Tử Phác mất rất sớm, hai người cũng không có duyên nợ lâu dài.

Sau khi kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi với nhà thơ Xuân Diệu, nghệ sĩ Bạch Diệp càng lao vào công việc điện ảnh. Tình yêu nghề khiến cho bà thêm dồi dào sức lực, để rồi năm tháng dần trôi cho đến mãi sau này, khi đã ở tuổi ngả bóng về chiều, duyên trời mới đưa đẩy. Mặc dù cuộc tình nồng nàn với người đàn ông định mệnh, người chồng thứ hai của NSND Bạch Diệp, ông Tường làm ngành khác hẳn, thuộc Bộ Công an, hết lòng ủng hộ chia sẻ với công việc của vợ, nhưng hạnh phúc của họ cũng không hẳn trọn vẹn vì hai người không có con.

Sau khi ông Tường mất, nữ đạo diễn vẫn tung hoành với phim trường. Mỗi khi rời đoàn làm phim về nhà, để khỏa lấp nỗi cô đơn gặm nhấm, bà lại chơi với con mèo trắng. Con mèo - người bạn đồng hành, người bạn tri kỷ, tri âm. Nhà rộng, lại không có con, bà nuôi một đàn cháu ở quê ra học đại học. Cứ lứa này đi, lứa khác lại đến. Thi thoảng có mấy nữ diễn viên còn nhớ tới người đạo diễn già, họ đỗ ôtô ở cửa rước "nữ tướng trường quay" lên xe đi chơi. Giờ, bà đã xa rời cõi tạm, mây trắng về trời. Một đời người. Một số phận.

Trần Mỹ Hiền
.
.