NSND Chu Thúy Quỳnh: Sinh ra để… múa!

Thứ Năm, 01/06/2017, 16:00
Ở tuổi 75, NSND Chu Thúy Quỳnh nhận danh hiệu cao quý Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Từ lâu, nói đến NSND Chu Thúy Quỳnh người ta nghĩ ngay đến người nghệ sĩ có nhiều công tạo dựng, và đóng góp cho ngành múa Việt Nam suốt từ những năm kháng chiến chống Mỹ.

Cho đến giờ, ở cương vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, bà vẫn hăng say với niềm đam mê bất tận. Cánh chim không mỏi ấy vẫn tiếp tục sải cánh, là cánh chim đầu đàn cho ngành múa Việt Nam. Một giáo viên người Ấn Độ đã nói: "Chu Thúy Quỳnh sinh ra để múa!". Ngay từ thuở ấu thơ, nghiệp múa đã theo bà như một định mệnh...

Bà tiếp tôi trong căn phòng làm việc ở khu tập thể phố Nghĩa Tân, nhìn người phụ nữ nhanh nhẹn và năng động đang ngồi đối diện kia, chẳng ai có thể nghĩ rằng bà đã ở tuổi 75. Dường như thời gian không làm giảm đi nhiệt huyết và hăng say, sự trẻ trung trong thần thái của người phụ nữ đáng kính này.

Đoàn Ca múa Nhân dân chụp ảnh kỉ niệm với Bác Hồ.

Bà bắt đầu câu chuyện nói về nghề, rằng bà là người rất may mắn vì đã được đi học múa, con đường mà bà yêu thích từ thuở ấu thơ, và nhờ có học múa mà bà có những đoạn đời tươi đẹp nhất. Và bà bảo trong không gian nơi bà trưởng thành tuyệt đối trong sạch, mọi người yêu quý nhau, chăm lo cho nhau, hết lòng vì nhau, không hề có bon chen, ghen tỵ, ganh ghét. Được đùm bọc trong môi trường trải đầy hoa như vậy, bà được bay, được sáng tạo và được cống hiến, tỏa sáng hết mình.

Nói về giải thưởng vừa được vinh danh, bà bảo: Thật là một điều kì diệu và may mắn, mọi sự tình cờ nhưng cứ ngỡ như là cơ duyên, bởi vì đợt này cả bà và người bạn thân thiết từ thuở bé, cố nhà thơ Xuân Quỳnh, cùng được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bà trầm xuống, những hình ảnh khi xưa ùa về, kí ức đã qua từ lâu mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua.

Một trời kỷ niệm

Nhà Thúy Quỳnh không có ai đi theo nghề múa, chỉ có bố làm ở ty văn hóa. Ngày còn bé, Quỳnh hay được bố cho theo đoàn công tác đi các nơi. Theo bố đến vùng kháng chiến ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ở đó có đoàn văn công Vĩnh Phúc, những hôm bố đi làm việc là cô bé lại chạy sang đoàn văn công chơi. Đoàn văn công hay tập múa, hát, diễn kịch, sân khấu chèo. Những điệu múa lôi cuốn, những tiếng hát cứ đi sâu vào giấc ngủ, chập chờn, vậy là từ những ngày hôm sau cứ sáng dậy là Quỳnh chạy ngay đến đoàn háo hức chờ đợi những buổi tập của các anh chị cô chú trong đoàn văn công.

Mấy lần bố bắt gặp Quỳnh đứng nhìn các bài múa của các anh chị với sự say sưa mà quên hết xung quanh, bố lại gần bảo: "Con có thích không bố cho theo?" Quỳnh yên lặng không nói gì. Một thời gian sau về Hà Nội, cô bé bảo với bố: "Bố ơi, con thích đi theo nghề văn công lắm!".

NSND Chu Thúy Quỳnh.

Bố thấy con gái thích như vậy liền ủng hộ, bố bảo với chú Hoàng Hà (nhạc sĩ Hoàng Hà) lúc đấy làm cùng ty văn hóa với bố Thúy Quỳnh: "Con bé nó thích nghề múa lắm, anh xem thế nào giúp cháu". Chú Hoàng Hà cũng rất vui vẻ nhiệt tình liền nói với ông Phạm Sửu (nhạc sĩ Phạm Sửu) khi ấy đang công tác ở Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Ông Phạm Sửu lại nói lại với mấy người trong đoàn: "Có con bé bố làm ở ty văn hóa, xem ra con bé thích nghề múa lắm, đợt tuyển sinh tới đây các anh chị xem cháu nó có năng khiếu không?".

Chờ đợi mãi rồi cuối cùng cũng đến ngày tuyển sinh của Đoàn múa Trung ương. Đó là một ngày tháng 2 năm 1955, Thúy Quỳnh khi đấy vừa tròn 13 tuổi, đến nơi tuyển sinh, Thúy Quỳnh thấy một người bạn gái cùng ghi tên vào tờ giấy tuyển sinh. Thúy Quỳnh nhìn vào tờ giấy của bạn, thấy bạn ghi tên là Xuân Quỳnh.

Hai cô bé trạc tuổi nhau ngay lập tức cảm mến và thân nhau nhanh chóng. Một người là Thúy Quỳnh, một người là Xuân Quỳnh, cả hai đều ở Thủ đô Hà Nội, đều yêu thích ca múa nhạc. Và rồi trong hàng trăm học sinh đến từ cả nước, hai cô bé đều may mắn trúng tuyển. Rồi ngày vào trường cả hai lại ở cùng phòng, ăn ở sinh hoạt cùng nhau thân như ruột thịt.

Ngày đó, cả hai đứa tuy nhà ở Hà Nội nhưng đã vào đoàn là phải xa gia đình, sinh hoạt theo tập thể ở khu văn công Cầu Giấy. Xuân Quỳnh hơn Thúy Quỳnh 1 tuổi nhưng không gọi chị em mà cả hai đều xưng hô ấy tớ, bạn bè. Khi Thúy Quỳnh làm gì, Xuân Quỳnh làm theo. Khi Xuân Quỳnh làm thơ, Thúy Quỳnh lại làm những động tác trẻ con để phụ họa cho bạn.

Cứ đến tối, hai đứa lại cùng nằm trên giường trùm chăn kể những câu chuyện cười hinh hích trong chăn. Một lần nằm cạnh bạn, Xuân Quỳnh xuất khẩu thành thơ tặng Thúy Quỳnh: "Thúy Quỳnh cô bé xinh xinh/ Suốt ngày cười/ Có hai răng khểnh rất là tươi/ Thúy Quỳnh ngây thơ ai cũng thích/ Đến lúc bực mình càng thêm tươi". 

Thúy Quỳnh lúc đấy mới 13 tuổi, còn Xuân Quỳnh thì 14 tuổi, cả hai cứ dí dỏm trêu ghẹo nhau và cười đùa. Tuổi trẻ ngây thơ hồn nhiên, vô tự lự, sống trong môi trường kỉ luật, cả hai cô bé đều hết sức chăm chỉ cố gắng. Cứ 6 giờ 30 phút sáng nghe tiếng kẻng là đã dậy để vệ sinh cá nhân, đến 7 giờ cả hai tung tăng lên lớp tập khởi động toàn thân giải phóng cơ thể cho đến 9 giờ 30 sau đó được tập những bài múa căn bản, tiết mục truyền thống, dân tộc.

Con đường thiên lý chia hai ngả

Cũng năm đó, năm 1955 sau khi vào đoàn được nửa năm thì cả hai cô bé được ông trưởng đoàn Nguyễn Văn Thương cho vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác xem. Bác nhìn đoàn văn công, cất tiếng hỏi: "Trong đoàn văn công cháu nào là bé nhất?". Ông trưởng đoàn chỉ Thúy Quỳnh nói: "Thưa Bác, cháu này là bé nhất ạ", rồi ông chỉ sang Xuân Quỳnh nói: "Cháu này tên là Xuân Quỳnh hơn cháu Thúy Quỳnh một tuổi".

Rồi Bác vẫy cả đoàn lại chụp ảnh... Đó là những ngày tháng tươi đẹp đầu đời của hai cô bé, mà cho đến giờ bà vẫn luôn nhớ về như một kỉ niệm khắc sâu và không thể nào quên, bà bảo: "Kỉ niệm đầu đời, tôi cảm thấy không phải ai cũng có may mắn như vậy, cũng không phải hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng có may mắn như tôi. Thấy mình thật may vì ở một môi trường tốt lại có những người đồng nghiệp, người anh, người chị cô chú đi trước dìu dắt giúp đỡ, vừa may mắn trong nghề nghiệp và trong cuộc sống lại gặp được cả những người bạn tốt. Cả hai chúng tôi đều là thanh thiếu niên thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, ý thức như vậy nên khi vào đoàn múa chúng tôi cùng học tập nghiêm túc về nghề nghiệp, về chính trị, sống rất chan hòa, đoàn kết, yêu thương nhau...".

NSND Chu Thúy Quỳnh trong lần đại hội múa giao lưu ở nước ngoài.

Xuân Quỳnh yêu thích thơ văn từ nhỏ, thuộc nhiều thơ và ngoài thời gian rảnh hay đọc sách văn học. Ở trong đoàn múa được vài ba năm sau thì Xuân Quỳnh nghỉ múa để theo nghiệp văn chương. Hôm chia tay Thúy Quỳnh, nhìn bạn khóc như ri, nước mắt cứ lăn dài trên má, Xuân Quỳnh dỗ thế nào cũng không nín, ngậm ngùi hai mắt đỏ hoe theo bạn. Bà bảo, ngày hai đứa ở cùng nhau, Xuân Quỳnh hay nhắc đến người chị gái tên là Đông Mai, Xuân Quỳnh rất yêu quý chị gái, tình yêu đấy lây cả sang Thúy Quỳnh.

Trước khi vào đoàn múa, cả chị Đông Mai và Xuân Quỳnh đều là nữ sinh trường Trưng Vương là ngôi trường danh giá có tiếng ở Thủ đô dành cho nữ sinh Hà Nội, còn Thúy Quỳnh vì điều kiện gia đình hay phải đi cùng bố nên học ở các ngôi trường làng, tuổi thơ êm đềm cứ như vậy trôi qua cho đến khi đến với cánh cửa định mệnh của cuộc đời - Đoàn ca múa nhân dân Trung ương. 

Thời điểm đó, NSND Chu Thúy Quỳnh có những bậc tiền bối đi trước dìu dắt đó là chị Phùng Thị Nhạn (Phùng Nhạn), anh Hoàng Châu, anh Nguyễn Mạnh Hùng. Anh Hùng là thầy của chị sau này lại là người bạn đời của chị.

Năm 1958, bà Chu Huệ Đức là chuyên gia Triều Tiên sang Việt Nam khi đến làm việc tại Đoàn văn công Trung ương, bà đã đặc biệt ấn tượng ngay với cô gái trẻ ở trong đoàn Chu Thúy Quỳnh, bà biết đây là hạt giống quý trong nghệ thuật múa của nước bạn. Năm 1960, một chuyên gia sang Việt Nam để dựng vở vũ kịch đầu tiên ở Việt Nam, “Tấm Cám”, ông đã chọn Thúy Quỳnh đóng Cám. Thấy tố chất năng khiếu tiềm ẩn ở cô gái Việt Nam, vị chuyên gia đã không ngần ngại để cô gái trẻ thử cả hai vai, Tấm và Cám. Và quả thật, không phụ lòng mong mỏi của vị chuyên gia đã chọn mình, Thúy Quỳnh biểu diễn xuất sắc thành công cả hai vai, Tấm và Cám.

Sự đam mê với nghề múa cứ lôi cuốn cô gái trẻ trên con đường thành công. Say mê, tận tâm với nghề, cô gái như con ong chăm chỉ đi hút nhụy hoa nhả mật cho đời. Có đoàn nghệ thuật nước bạn sang là Thúy Quỳnh lại gắng lòng học hỏi, với đoàn ca múa Trung Quốc, Thúy Quỳnh học "Hái chè bắt bướm", "Múa hoa sen"...

Với sự đam mê và tìm tòi không ngừng, mỗi khi có đoàn ca múa của nước bạn sang kiểu gì thì cô gái trẻ ấy cũng chăm chỉ học những điệu múa của nước bạn và rồi thì cô biết múa Nga, Hungary, Mông Cổ, Indonesia, Lào, Campuchia, Ấn Độ. Rồi lần lượt học các điệu múa của dân tộc vùng cao Thái, Nùng, Dao, Mông...

Từng bước thành công

Năm 1962, Thúy Quỳnh được chọn làm gương mặt trẻ tiêu biểu đi sang Trung Quốc dự Đại hội Thanh niên thế giới. Trưởng thành trong Đoàn ca múa Trung ương, NSND Chu Thúy Quỳnh đã đi khắp các vùng của đất nước trong những năm tháng chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bà nhớ, mỗi năm cứ đến độ tết đến là bà lại cùng các bạn và anh chị trong đoàn múa vào diễn ở bên này sông Bến Hải.

Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Những cái tết đáng nhớ, Thúy Quỳnh ở bên bờ bên này sông Bến Hải múa, đồng bào ta ở trong vùng địch chiếm cứ đứng từ bờ bên kia nhìn sang bờ bên này. Họ cầm nón lên trên đầu để quạt, thật ra là để vẫy chào đoàn văn công.

Trong những năm mưa bom đạn trút ác liệt nhất, bà đã cùng với đoàn đi biểu diễn cho các anh bộ đội, du kích, dân quân, tự vệ và đồng bào ta ở các chiến tuyến như Quảng Bình, Quảng Trị... Đó là những lần biểu diễn dưới anh đèn măng xông, những người lính khi đó giữa trùng trùng bom rơi đạn trút. Có thể hôm nay các anh đang vui cười xem biểu diễn nghệ thuật nhưng ngày mai ra trận, các anh sẽ vĩnh viễn nằm lại.

Là một diễn viên có năng lực lại giàu nhiệt huyết nên ngay từ năm 1970, bà đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội ở Hà Nam (nơi quê hương của mẹ bà) và đã trúng cử là đại biểu quốc hội các khóa IV, VIII, IX, X. Năm 1988, bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 1998 bà được tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 2001 bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Và thời điểm này, bà vinh dự nhận danh hiệu cao quý nhất của người nghệ sĩ - Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trong những ngày này, sau khi nhận được giải thưởng, bà vẫn còn rưng rưng xúc động, kỉ niệm đầu đời về nghề múa đã dẫn dắt bà hành trình suốt cả một đời người đi trên con đường thảm đỏ để tới bục vinh quang.

Từ sau ngày người bạn đời NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng mất, ngoài công việc hết lòng về nghề múa, bà chăm lo cho cậu con trai duy nhất Nguyễn Hải Linh, hiện anh là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Chính là cái nôi mà cha mẹ anh, NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng và NSND Chu Thúy Quỳnh đã học tập, lao động sáng tạo, dày công cống hiến và gây dựng...

Bà ngồi đó, ánh mắt hướng ra đường, nắng chiều mùa hè hắt xuống hồng như áng lửa, rực một trời kỉ niệm ngày nào vẫn cứ ùa về mãi không thôi.

Trần Mỹ Hiền
.
.