NSND Hải Ninh: Những tác phẩm xuyên thời gian

Thứ Hai, 09/03/2009, 20:35
Tối 1/3/2009, ông là nghệ sĩ duy nhất được nhận giải Cống hiến trọn đời của Hội Điện ảnh Việt Nam trong Lễ trao giải Cánh diều vàng 2008. Niềm vinh dự như được nhân thêm, khi lên trao giải cho ông, lại chính là 2 diễn viên đã thành danh từ những bộ phim do ông đạo diễn: NSND Thế Anh và NSND Lan Hương. Ông là NSND Hải Ninh.

Tên tuổi của ông gắn với lịch sử điện ảnh nước nhà. Nhắc đến đạo diễn - NSND Hải Ninh, không phải người ta nhớ đến nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, mà nhớ đến những dấu son của điện ảnh Việt Nam.

Một đời gắn bó với môn nghệ thuật thứ bảy, ông đã đạo diễn 12 phim truyện, 3 phim tài liệu, trong đó, có tới 9 phim được nhận cả giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải thưởng của Hội đồng Hòa bình thế giới cùng Giải quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Mátxcơva với phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; Giải quốc tế và Giải thưởng đặc biệt của Hội đồng Giám khảo LHPQT cho “Em bé Hà Nội”; Giải nhất UNESCO và Giải bạc LHPQT Tân hiện thực cho phim “Mối tình đầu”; Giải thưởng lớn Bồ câu vàng cho “Thành phố lúc rạng đông” tại LHPQT Lai-xich,... Ông cũng là người đã đưa tên tuổi của nhiều diễn viên đến với công chúng, như NSND Thế Anh, NSND Lan Hương,...

Năm 1954, khi đang là Vệ quốc quân, Hải Ninh cưới cô nữ sinh Lê Hồng Liệu - con gái một ông Tú tỉnh Thanh, em gái nhà văn Nam Mộc (Sơn Tùng). Cuộc sống vợ chồng bắt đầu bằng sự xa cách: ông học lớp quay phim đầu tiên ở Hà Nội, còn bà công tác tận Thái Bình. Một mình tần tảo nuôi con, bà vẫn vừa công tác, vừa đi học.

Gần 10 năm, khi bà chuyển về Ngân hàng Trung ương, vợ chồng mới có dịp gần nhau, nhưng "cũng chỉ là tượng trưng" như ông bảo. Vì đó là thời điểm Mỹ sắp đánh phá miền Bắc. Công việc của ông gắn bó với những dấu ấn lịch sử của đất nước khiến cuộc sống của ông chẳng khác chi người lính, cũng xông pha bom đạn, cũng xa nhà triền miên.

Việc nuôi dạy con cái ông đành nhờ cậy một tay bà. Mà hoàn cảnh khi đó vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đến giờ ông vẫn còn thương cái ước ao bé nhỏ của thằng Hải, thằng Vân là chỉ mong đến tết để được mẹ làm cho mấy chiếc bánh bích quy bằng bột mỳ mua ở cửa hàng mậu dịch.

Ông nhớ mãi hình ảnh bé Vân (nay là NSƯT Nguyễn Thanh Vân) còi cọc, yếu ớt, mà mấy tuổi đầu đã phải thay mẹ đảm nhận việc xếp hàng mua thực phẩm cho cả nhà. Thời kỳ gia đình ở ngoài bờ sông Hồng, ông đi công tác xa, bà đưa các con đi sơ tán, nhiều lần nhà bị lụt cũng chẳng biết. Khi về mới hay bạn bè đã mò lặn vớt đồ đạc lên giùm...

Giờ đây, NSND Hải Ninh vẫn nhận được sự hâm mộ của các sinh viên khi họ có dịp tiếp cận tác phẩm của ông. Những giọt nước mắt, sự xúc động chân thành của họ hơn mọi phần thưởng với ông. Các tác phẩm của ông quả có sức sống lạ lùng khi đã xuyên thời gian để truyền được thông điệp của người sáng tác đến những khán giả mà tuổi đời còn ít hơn nhiều tuổi của bộ phim.

Điều gì làm nên sự kỳ vĩ ấy? "Đó là sự đam mê nghề nghiệp đến khắc khoải, dám hy sinh và chấp nhận lao động cực nhọc để sáng tạo, đi đến thành công; là sự trau dồi không ngừng kiến thức, học vấn để làm cơ sở sáng tạo nghệ thuật; là vốn sống phong phú để phản ánh chân thật hiện thực" - Ông khẳng định.

Sự đúc kết đó được khẳng định bằng những thành công của ông mà đồng nghiệp quốc tế ghi nhận. Không chỉ có mặt ở Đức, Nga, Nhật, ông còn được mời sang Mỹ cùng các đạo diễn Hồng Sến và Nguyễn Thụ. Hôm ấy ở Los Angeles, truyền hình Mỹ có cuộc phỏng vấn các ông.

Mọi việc đã chuẩn bị xong mà những người Mỹ vẫn có vẻ lúng túng. Ông liền hỏi thì câu trả lời lại là một câu hỏi: Chúng tôi có được phỏng vấn các ông riêng từng người không? Vì nghe nói, các ông phải trả lời phỏng vấn chung, để người nọ còn theo dõi người kia...

NSND Hải Ninh bật cười và đáp ngay: Đó chỉ là những thông tin nhằm chia rẽ chúng ta, chứ sự thật không có chuyện đó! Thế rồi, 2 đạo diễn nổi tiếng liền đồng ý thực hiện phỏng vấn riêng, chứng minh ngay đó là những luận điệu sai lệch.--PageBreak--

Trong cuộc phỏng vấn ở Mỹ do Kiều Chinh - một nữ diễn viên điện ảnh của miền Nam Việt Nam trước đây phiên dịch, phóng viên truyền hình đề nghị NSND Hải Ninh bỏ kính ra giùm để khi quay không bị lóa, ông cười hóm hỉnh: Thế nếu bạn quay ngoài đường phố với những chiếc tủ kính thì sao?

Câu trả lời khiến gương mặt Kiều Chinh sáng ngời niềm tự hào, cô giơ ngón tay cái lên ngụ ý: Number one! Còn các phóng viên truyền hình Mỹ thì lúng túng điều chỉnh lại máy ...

Lần khác, nhìn bức ảnh ông và nhà quay phim Khánh Dư đang làm việc trước cổng Dinh Độc Lập đăng trên một tờ báo Mỹ, một phóng viên nước ngoài nói với ông rằng, trong khi người quay phim phải gồng mình lên vì công việc nặng nhọc, vất vả, thì ông lại đứng bên cạnh có vẻ... nhàn nhã quá, ông đã có một câu trả lời không chê vào đâu được: Đạo diễn làm việc bằng cái đầu!

NSND Hải Ninh luôn luôn nhớ rằng, điều cực kỳ quan trọng làm nên sự tồn tại cho tác phẩm nghệ thuật là sự phản ánh chân thật hiện thực. Điều này đòi hỏi cao vốn sống của người nghệ sĩ. Kịch bản “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khởi nguồn từ những chuyến ông vào tận Vĩnh Linh thực tế.

Tại đây, ông và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ gặp chị Diệu - một phụ nữ hoạt động cách mạng trong lòng địch và đã xúc động trước câu chuyện đời chị, nên cùng bắt tay viết kịch bản phim dựa trên sự thật ấy.

Từ đó, chỉ với những chiếc xe đạp, 2 ông đã nhiều lần vào giới tuyến, dưới làn mưa bom bão đạn, để thâm nhập thực tế. Ông còn mang kịch bản đến tận nơi những người dân chạy sang bờ Bắc lánh nạn, đọc cho họ, để họ góp ý về tính chân thực.

Với đạo diễn Hải Ninh, vốn sống mới chính là đôi cánh để người nghệ sĩ bay lên trong không gian sáng tạo huyền diệu và đầy ma lực của nghệ thuật, vì thế, phương pháp sáng tác của ông là luôn đi đến tận cùng cuộc sống thực.

Sự gặp nhau trong tư tưởng, tình cảm và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của những nghệ sĩ tài danh đã đem lại cho điện ảnh Việt Nam tài sản vô giá là bộ phim sử thi hoành tráng "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Bộ phim không chỉ đưa tên tuổi của ông cùng các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái vượt ra ngoài biên giới, mà còn giúp bè bạn trên thế giới hiểu hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc  ở Việt Nam.

Với tính nhân văn lớn trong “Em bé Hà Nội”, đạo diễn Hải Ninh một lần nữa được giới điện ảnh quốc tế khâm phục. Tấm áp phích phim “Em bé Hà Nội” ở Đức với ý nghĩa triết lý sâu sắc vẫn được ông treo trên tường như kỷ vật vô giá: Hãy xua đi những đau thương của chiến tranh và chỉ dành cho em thơ những nụ  hồng hạnh phúc.

NSND Hải Ninh (người ngoài cùng bên phải) vinh dự nhận Giải cống hiến trọn đời.

Cô con gái hơn 10 tuổi của ông bà Philip Noil, đạo diễn người Mỹ, đã nói: "Nhìn về cuộc chiến Việt Nam, người Mỹ có cách nhìn của người Mỹ, người Việt Nam có cách nhìn của người Việt Nam. Nhưng đối với tôi, cô bé đóng vai ấy thật tuyệt vời, làm cho tôi xúc động".

Còn lý do ông bà Sato chọn “Em bé Hà Nội” sang Nhật chiếu, là vì: "Nó mang tiếng nói của nhân loại". Chính bởi phim mang tiếng nói chung của nhân loại mà ngay cả những người bên kia ý thức hệ cũng cảm được điều ông gửi gắm!

Miền Nam giải phóng, ông lại lên đường với sứ mệnh của mình. Sau thành công vang dội của bộ phim tư liệu “Thành phố lúc rạng đông”, ông mạnh dạn đi vào vấn đề xã hội bức xúc lúc bấy giờ: định hướng tư tưởng cho lớp trẻ sau ngày giải phóng!

Ông cũng có thể tự hào rằng đã là người dự báo vấn đề ma túy ngay từ thời đó thông qua tác phẩm của mình. Lòng đam mê, sự lao động nghệ thuật hết mình của cả đạo diễn và diễn viên đã một lần nữa ghi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam một dấu ấn rực rỡ với phim “Mối tình đầu”.

Nhiều người không tin rằng êkip làm phim là người Bắc, bởi những điều đưa lên phim phản ánh quá chân thật và sống động xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Báo chí thêm một lần ca ngợi đạo diễn Hải Ninh bởi những giải thưởng quốc gia và quốc tế tới tấp dành cho phim.

Đó là kết quả xứng đáng của sự sáng tạo và bứt phá, lòng tự tin và bản lĩnh nghề nghiệp của người đạo diễn tài danh, bởi khi phim chưa hoàn thành, đã có ý kiến từ Hà Nội rằng, ông hơi "quá liều" khi đưa sex lên màn ảnh (cảnh tên Mỹ giật áo của Diễm Hương)! Có người còn hỏi ông một cách ẩn ý, rằng sao một đạo diễn chuyên làm phim anh hùng ca giờ lại đi làm phim "bụi đời"?

Giờ đây, NSND Hải Ninh có quyền nói rằng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Ông quả là một người hạnh phúc, thứ hạnh phúc được xây từ sự nỗ lực của chính bản thân.

Không hề là sự may mắn. NSND Hải Ninh có thể cùng người vợ yêu tự hào rằng, cùng với thành công trong sự nghiệp, ông bà còn rất thành công trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành: Con trai cả Nguyễn Hồng Hải giờ là PGS.TS, Phó chủ nhiệm Khoa Công nghệ - vật liệu Trường đại học Bách khoa; NSƯT Nguyễn Thanh Vân cũng đã là một đạo diễn tài năng, còn cô con gái út Nguyễn Hồng Hà đang là giảng viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh.

Rời nhà ông, tôi vẫn nghe tiếng cười hạnh phúc của ông bà quyện lẫn vào nhau...

Thanh Hằng
.
.