NSND Lan Hương và vai diễn hai người đàn bà không đội trời chung trong lịch sử

Thứ Sáu, 22/10/2010, 09:15
NSND Lan Hương tâm sự, ngày đóng Trần Thị Dung trong vở kịch "Rừng trúc" mình đã khóc nức nở thương cho thân phận trớ trêu của bà Trần Thị Dung. Ngay từ ngày đầu bà vào cung đã luôn luôn bị mẹ chồng hãm hại, thậm chí bức tử. Nhưng bây giờ vào vai Đàm hoàng hậu lại thấy thương cho dòng họ Lý mặc dù biết là dòng họ này đã đến thời suy sụp, mà sao cay đắng quá.

Trong lịch sử Việt Nam, câu chuyện hậu cung đầy bí ẩn, gây tranh cãi và tò mò nhất lại là chuyện về hai người đàn bà nhất mực quyền uy, bậc mẫu nghi thiên hạ của cả hai dòng họ lớn và lâu đời nhất trong triều đại phong kiến nước ta. Cả hai đều tột đỉnh căm ghét nhau, họ đã từng chà đạp, thậm chí sẵn sàng đầu độc nhau; bà Đàm, Hoàng hậu của triều đại nhà Lý lúc đã đến hồi suy tàn, và Trần Thị Dung, người có công gián tiếp đưa nhà Trần soán ngôi nhà Lý.

Chuyện mẹ chồng nàng dâu thì muôn thủa, nhưng câu chuyện có thật trong lịch sử không chỉ nằm trong phạm vi gia đình mà còn là câu chuyện của bàn cờ chính trị, của tranh chấp quyền lợi dòng tộc, ảnh hưởng lớn đến vận mệnh quốc gia.

NSND Lan Hương như duyên định đã có may mắn được đóng qua hai vai, vở “Rừng trúc” vai Trần Thị Dung, và mới đây nhất, khi sắp bước vào tuổi 50, chị nhận được vai Đàm hoàng hậu trong bộ phim truyền hình dài tập, “Thái sư Trần Thủ Độ”.

Phóng viên (PV): Thật là chị quá trẻ so với tuổi, người ta bảo phụ nữ tuổi Nhâm Dần tất bật và vất vả lắm, nhưng nhìn chị trắng trẻo nõn nà và tràn trề sinh lực. Khi hạnh phúc thì người ta mới có được thể trạng rạng ngời như vậy. Thật phí quá!

NSND Lan Hương: Em nói sao?!

PV: Sau khi đóng vai chính trong bộ phim "Những người sống quanh tôi", chị được khán giả cả nước bình chọn nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất. Diễn xuất tốt như vậy mà dễ đến hơn chục năm trời "biệt tăm, biệt tích", không còn thấy chị đóng phim, thế chẳng phải là uổng phí tài năng hay sao?!...

NSND Lan Hương: Công việc ở Nhà hát bận lu bù, với lại cũng chưa tìm được kịch bản thật sự ưng ý, nhân vật phù hợp với bản thân. Nhưng, sắp rồi, khán giả truyền hình sẽ lại thấy Lan Hương trong vai diễn dài tập phim “Thái sư Trần Thủ Độ”. Đợt kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long phim về Thái tổ Lý Công Uẩn thì nhiều, nhưng phim về Thái sư Trần Thủ Độ chỉ có một thôi.

NSND Lan Hương trong một cảnh phim “Thái sư Trần Thủ Độ”.

PV: Chuyện này đã được giới truyền thông đưa tin rồi, NSND Lan Hương trong vai Đàm hoàng hậu, mẹ của Thái tử Sảm, (tức Vua Lý Huệ Tông), vị vua gần như cuối cùng của triều đại Lý, sau khi bị ép đi tu thì con gái là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi thay cha. Nhưng, làm thế nào mà lại có sự trùng hợp lạ kỳ này được nhỉ?! Cách đây đã cả chục năm rồi trong vở kịch "Rừng trúc" của tác giả Nguyễn Đình Thi, ngày đó, tôi đã rất ấn tượng với vai diễn Trần Thị Dung, mẹ của Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam do chị đóng. Hai người đàn bà dây mơ rễ má với nhau, một bên là mẹ chồng, Đàm hoàng hậu, một bên là nàng dâu, Trần Thị Dung... Họ căm ghét nhau đến tột độ, thậm chí Đàm hoàng hậu đã không từ một thủ đoạn nào để giết chết con dâu là Trần Thị Dung. Vậy mà chị...

NSND Lan Hương: Ôi, em ơi! Tôi cũng ngạc nhiên lắm. Số phận chăng? Chuyện này thật tình cờ. Số là trước khi bấm máy bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ", đạo diễn Đào Duy Phúc vô tình xem phim mình đóng "Chuyện tình thế kỷ" trên truyền hình và ngay sau đó gọi cho ông Tất Bình nói: "Anh ạ, thuyết phục chị nhà vào vai Đàm hoàng hậu giúp em với, nhưng chắc chắn chị ấy sẽ phải gầy bớt đi mấy cân đấy".

Ôi dào! Mình có để ý đâu cơ chứ? Vì cứ nghĩ phim nói về Trần Thủ Độ, sẽ có Trần Thị Dung, mà Trần Thị Dung thì trẻ lắm, mới mười chín, đôi mươi. Chắc vai của mình chỉ là vai phụ, chạy qua màn hình tí thôi. Đến một hôm tình cờ đọc kịch bản, mới phát hiện. Trời! Chính là người đàn bà này đây.

Cái người mà ngày xưa trong vở "Rừng trúc" mình đóng vai Trần Thị Dung đã ra rả nói bà ta không ra sao. Bà Đàm hoàng hậu, bà mẹ chồng nanh nọc và vô cùng độc ác ấy, suốt ngày nghĩ mưu nghĩ kế để giết chết cô con dâu bằng đủ mọi thủ đoạn... Và, ngày đó, trong vai nàng dâu, mình đã ôm mối sầu tủi vì lẽ gì mà gặp phải bà mẹ chồng tàn nhẫn đến vậy. Hóa thân vào vai diễn, mình đã khóc, đã vật vã, đau đớn trên sân khấu biết nhường nào. Thế mà giờ đây, thật vô tình, đạo diễn lại muốn mình vào vai Đàm hoàng hậu...

PV: Hẳn là lúc đấy chị bị xúc động mạnh lắm?  À, nói mạnh thôi thì chưa đủ, phải nói là xúc động dữ dội mới đúng?

NSND Lan Hương: Mình bất ngờ quá, rồi mình cũng là người tin vào những điều trừu tượng, rất khó lý giải, mà người ta bảo là tâm linh ấy. Ngày đóng vai Trần Thị Dung, nỗi uất hận của Trần Thị Dung với Đàm hoàng hậu sâu nặng. Nhiều khi mình cứ nghĩ vơ vẩn, hay là vong hồn linh thiêng của bà Đàm hoàng hậu bảo: "Sao con lại oán trách ta? Thôi con hãy thử vào vai của ta đi, để con hiểu được nỗi lòng của ta, xem tại sao ta lại có thể có tính cách và hành động quyết liệt đến như thế".

PV: Nếu con người ta có đức tin thì người ta sẽ hết mình cho nó. Nhất là trong nghệ thuật, đức tin cũng là một liều thuốc bổ cực lớn để thăng hoa thành công trong vai diễn.

NSND Lan Hương: Khi đóng phim này mình về đền thờ cả hai bà, quỳ xuống khấn rằng: "Khi xưa con đóng vai Trần Thị Dung, con thể hiện những gì của con người ngày hôm nay nghĩ, còn ngày xưa chuyện của hai bà sự thực như thế nào thì sử sách chép lại cũng chưa đầy đủ, nên hậu thế bây giờ không thật tỏ tường về hai bà. Con cầu mong hai bà phù hộ cho con diễn đúng nhất, thật nhất các bà ngày xưa...". Lúc quỳ trước bài vị của Đàm hoàng hậu, mình cũng rất thành tâm mà khấn: "Bây giờ con đóng vai Đàm hoàng hậu, con mong Đàm hoàng hậu phù hộ cho con thể hiện thật đúng nhất con người bà, tại sao bà lại phải tàn nhẫn đến như thế? Đằng sau sự tàn nhẫn ấy là con người như thế nào?--PageBreak--

PV: Thế rồi khi hóa thân vào vai diễn chị đã cảm nhận ra sao về thân phận đặc biệt của hai người đàn bà uy quyền trong bối cảnh rất phức tạp của lịch sử lúc bấy giờ?

NSND Lan Hương: Bộ phim liên quan đến hai dòng họ lâu nhất trong lịch sử Việt Nam, triều đình nhà Lý kéo dài được hơn 200 năm và đang đến hồi suy tàn, còn nhà Trần thế đang lên rất mạnh. Khi nhập vai rồi mình mới hiểu, hai người đàn bà với hai nỗi niềm riêng. Cuộc chiến nội cung dai dẳng giữa mẹ chồng nàng dâu, thực ra là bi kịch của mưu đồ chính trị, soán ngôi đoạt chức, chuyển giao quyền lực.

Đàm hoàng hậu tâm trạng chất chồng sầu buồn vì con trai Lý Huệ Tông, tuy là vua mà khí chất bạc nhược, đất nước đang buổi rối ren, bà linh cảm có điều gì đó bất ổn. Có thể cơ nghiệp hơn 200 năm của Tổ tiên dòng họ Lý lại rơi vào tay kẻ khác. Mà, không ai khác, cô con dâu Trần Thị Dung chính là nguyên nhân đưa đến cái kết cục bi thảm có thể lường trước được đó... Trần Thị Dung là người đàn bà khôn ngoan sắc sảo, là người đàn bà có thể "làm tất cả và cũng có thể từ chối tất cả"...

PV:  Nhuần nhuyễn hai nhân vật đối chọi nhau, chị có đồng cảm với ai hơn?

NSND Lan Hương: Ngày đóng Trần Thị Dung trong vở kịch "Rừng trúc"  mình đã khóc nức nở thương cho thân phận trớ trêu của bà Trần Thị Dung. Ngay từ ngày đầu bà vào cung đã luôn luôn bị mẹ chồng hãm hại, thậm chí bức tử. Nhưng bây giờ vào vai Đàm hoàng hậu lại thấy thương cho dòng họ Lý mặc dù biết là dòng họ này đã đến thời suy sụp, mà sao cay đắng quá. Mình lý giải con người ta ở đỉnh vinh quang thì khi tụt xuống dốc thật kinh khủng... Khi đóng phim mình có bênh dòng họ Lý...

PV: Bênh ư?! Chẳng phải là diễn viên chỉ diễn trung thành theo kịch bản đó sao?

NSND Lan Hương với vai diễn Đàm hoàng hậu trong phim lịch sử “Thái sư Trần Thủ Độ”.

NSND Lan Hương: Không, mình có sáng tạo một tí, trong phim có cảnh quay, khi triều Lý thoái trào (suy vi), quyền lực bắt đầu rơi vào tay nhà Trần, Đàm hoàng hậu quỳ xuống xin một quan đại thần đã quay mặt lại với bà, "Ta xin ông hãy tha cho gia đình ta...". Mình nói với đạo diễn đừng bắt chị quỳ, hãy cho chị đứng, không được để một dòng họ lớn như thế phải quỳ. Mặc dù trong kịch bản, tác giả đã cho cả hai vợ chồng đều phải quỳ. Vua Lý Cao Tông ủy mị hơn nói: "Ta xin ngươi hãy tha cho vợ con ta...". Thì người đại thần kia lập tức không bắt ông ấy quỳ nữa... Mình muốn dù Đàm hoàng hậu có thất bại, dòng họ có tàn lụi nhưng nhất thiết không được phép quỳ.

PV: Luật bất thành văn, bao giờ bắt tay vào cho ra một tác phẩm nghệ thuật về lịch sử, dù là sân khấu hay điện ảnh, thì các Đoàn nghệ thuật đều đến các nơi thờ tự của nhân vật lịch sử xin được tiếp thêm sức mạnh, hay mong được đấng thần linh vô hình che chở, độ trì... Bộ phim này có quá nhiều nhân vật lịch sử, nếu đi hết, sẽ rất nhiều nơi...

NSND Lan Hương: Không nói về đoàn làm phim, chỉ nói về Hương, thì ngay cả khi chưa nhận được vai diễn, là Hương đã đi rất nhiều hết đền Đô ở Bắc Ninh, lại sang đền Trần ở Nam Định. Bởi vì, chồng mình là nhà sản xuất phim, chịu trách nhiệm về bộ phim liên quan đến lịch sử, nên mình rất  chăm đi lễ, một năm mình đi mấy đợt. Âu cũng tìm được một cõi hướng nội. Đền Đô cách Hà Nội hơn 30 cây thôi, năm ngoái mình chăm lắm, thỉnh thoảng lại xách xô chậu, xà phòng về đến cổng đền đã reo: "Các bác ơi! Cháu hôm nay về lau chùi dọn dẹp nhé". Thế là mấy bác trông đền bảo: "Úi rùi ui! Lại về rồi đấy hả cháu. May quá, lau sạch vào nhé". Đền rộng như vậy mà mình hì hục lau suốt từ 10h cho đến 17h.

PV: Cả ngôi đền Đô rộng như vậy mà có mỗi mình chị về để lau hay sao?

NSND Lan Hương: Có khi chỉ đi một mình, nhưng có lúc rủ thêm con bé cháu nữa đi cùng cho vui. Một hôm có một đoàn khách của Chính phủ về tham quan làm lễ dâng hương, mình đang chui ở dưới gầm ban thờ để lau dọn thò đầu lên, mọi người giật mình... Ông Từ chỉ mình bảo: "Đây là NSND Lan Hương, người chuyên môn đi về đây để lau...".

PV: Chị thành kính quá. Thế còn đền Trần thì sao? Chị cũng đến cả đền Trần lau dọn nữa chứ? 

NSND Lan Hương: Đền Trần ở Nam Định khách thập phương, khách tín ngưỡng lúc nào cũng đông lắm, mới lại ở đây lại có một tổ các bác chuyên dọn dẹp, lúc nào đền cũng sạch sẽ, nếu không thì mình cũng sẽ lau chứ chả có ngại ngần gì đâu... Mình hay về mộ của ông Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung ở huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ngày xưa quang cảnh nơi đó thích lắm,  trên một quả đồi cao, có bậc lên, dưới tán si già là ngôi đền nhỏ xíu, bên trong có bài vị của ông. Nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà nước cho kinh phí xây lại lăng mộ của ông Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung, giờ nhìn giống công viên, đẹp vô cùng nhưng mất hẳn đi dáng vẻ cổ kính thâm trầm vốn có...

PV: Chị cứ lang thang và phiêu du về các miền quê, nơi quê hương của các dòng họ triều đại phong kiến Việt Nam, đấy cũng là sự giải phóng năng lượng của bản thân, đi nhiều vậy, chị thấy điều gì là lý thú?

NSND Lan Hương: Tết vừa rồi mình dâng tặng cho bà Trần Thị Dung và bà Đàm hoàng hậu mỗi bà một đôi đèn thờ. Mình đặt lên bệ thờ của cả hai bà. Mình chịu khó đi lắm, khi về Bắc Ninh ra thăm mộ bà Đàm và cháu nội của bà là Lý Chiêu Hoàng nằm ngoài cánh đồng. Mộ dòng họ nhà Lý quây quần lại, kiểu xây đơn giản, không phức tạp như họ nhà Nguyễn. Mộ của họ nhà Trần cũng đơn giản lắm, một số mộ ở Nam Định, còn ba mộ rất quan trọng thì ở Thái Bình. Trải qua bao nhiêu năm rồi mà ở Thái Bình vẫn còn mộ của ông Trần Thủ Độ, mộ của ông nằm cách 3 mộ của cụ tổ một cây số. Mình đi hết...

Trần Mỹ Hiền
.
.