NSND Ngô Mạnh Lân - NSND Ngọc Lan: “Niềm vui duyên trời dành cho”

Thứ Năm, 30/03/2017, 11:00
Căn nhà ở Hoàng Hoa Thám của họ, ấm áp và dịu dàng, đầy sang trọng mà cũng đầy vui nhộn. Tôi có cảm tưởng căn nhà ấy luôn đong đầy xúc cảm mà hai người nghệ sĩ nổi tiếng, đa tài một đời gắn bó dày công vun đắp.

Những bức tranh, những kỷ vật, những bằng khen, những bức ảnh đại gia đình vui tươi, hạnh phúc sum vầy, nó như minh chứng của sự thủy chung, tình yêu cùng sự thăng hoa trên con đường sự nghiệp của hai người nghệ sĩ nhân dân...

Người nghệ sĩ đa tài

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, đó là một ngôi làng nổi tiếng đã đi vào sử sách: Làng Tả Thanh Oai (làng Tó hay Tó Tả) thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.

Năm 1950, chàng thiếu niên 16 tuổi Ngô Mạnh Lân từng hăm hở đi bộ suốt hai ngày, vượt suối, băng rừng, từ Ty Thông tin Phú Thọ đến Đại Từ, Thái Nguyên, là địa điểm thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trước đó, ông đã theo học một số lớp hội họa tại Liên khu X để phục vụ cho công việc kẻ khẩu hiệu, vẽ áp-phích kháng chiến, trang trí cho các kỳ hội họp của cơ quan. Hồi ấy, tuy Ngô Mạnh Lân là người trẻ tuổi nhất lớp nhưng thường được thầy Tô Ngọc Vân và nhiều thầy giáo khác khen ngợi về sự chuẩn mực và chỉn chu trong từng nét vẽ.

NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Ngọc Lan thời trẻ.

Ngay sau khi bế giảng khóa kháng chiến 1950 - 1954, trách nhiệm của một công dân đã được đặt lên trước nhất, các học viên đã tỏa đi khắp các nơi để tham gia kháng chiến. Nhớ lại những ngày hào hùng đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã chia sẻ: "Nhóm họa sĩ chúng tôi theo Trung đoàn Thủ đô đi chiến dịch lại có những nhiệm vụ khác nữa. Hành quân đêm đi, ngày nghỉ với bộ đội, truy kích địch, công tác ở trạm quân y, tham gia viết tin, vẽ tranh ở Ban Tuyên huấn, Đại đoàn, theo bộ đội đi đánh cứ điểm, khi chiến thắng vào Mường Thanh lấy tài liệu, vẽ chân dung Bác, phục vụ ngày 19-5,... là công việc của một họa sĩ đi phục vụ trong quân đội. Chúng tôi tranh thủ vẽ ký họa, hoặc tốc ký phác họa, hào hứng ghi lại những cảnh sinh hoạt của bộ đội trong hành quân, lúc đào hào, làm đường, nằm hầm, khi chuẩn bị hành trang xuất kích, lúc nghỉ ngơi, lăn quay ra ngủ, lúc tắm giặt ngoài suối, khi nhận thư hậu phương, lúc học tập nâng cao quyết tâm chiến đấu".

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông được Nhà nước cử đi học bên Liên Xô tại Trường Đại học Điện ảnh (khoa họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình). Ngô Mạnh Lân là một trong những sinh viên đầu tiên theo học tại trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Xôviết (VGIK). Khởi điểm từ một họa sỹ, cuộc đời của ông chuyển sang một bước ngoặt khác đó là gắn bó suốt cả chặng đường còn lại với phim hoạt hình.

Năm 1962, Ngô Mạnh Lân tốt nghiệp VGIK với tấm bằng đỏ xuất sắc. Ông trở về nước và được phân công về Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng Phim hoạt hình Việt Nam).

Thời điểm này, phim họat hình Việt Nam mới ở tuổi lên 2 đầy non trẻ. Sau bộ phim hoạt hình đầu tiên của điện ảnh Việt Nam "Đáng đời thằng cáo" (1960) bằng thể loại phim vẽ, rồi đến bộ phim cắt giấy "Con một nhà" (1961, đạo diễn Trương Qua) và phim búp bê "Chú thỏ đi học" (1962, đạo diễn Nguyễn Tích), đạo diễn trẻ Ngô Mạnh Lân mở đầu sự nghiệp của mình bằng bộ phim vẽ "Một ước mơ".

Với họa sĩ Ngô Mạnh Lân, phim hoạt hình như một thứ tình yêu cứ ngấm dần, ngấm dần rồi làm ông mê mẩn lúc nào không hay. Giờ đây, trong gia tài của ông đã có gần 20 phim với đủ thể loại từ hoạt họa, cắt giấy đến búp bê, bộ phim nào cũng mang đậm dấu ấn và là cả một thế giới đầy mộng mơ như cổ tích của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Một trong những bộ phim đầu tay nhưng đã khẳng định tài năng, phong cách làm phim ấm áp, dung dị mà không kém phần hấp dẫn của Ngô Mạnh Lân là "Mèo con" (dựa theo truyện ngắn "Cái tết của mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi).

Ông kể lại: "Giai đoạn làm phim "Mèo con" rất khó khăn bởi Xưởng phim Hoạt họa phải sơ tán về Mê Linh, Vĩnh Phúc. Suốt 5 tháng miệt mài vừa vẽ vừa quay từng cảnh bằng chiếc máy quay 16 ly sau đó in tráng thủ công. Đến khi chiếu duyệt phải vác máy ra trung tâm huyện mới có điện để chiếu. Nhưng chính cuộc sống gắn bó gần gũi với thiên nhiên, với bờ tre, gốc rạ, hàng cau đã tạo cảm hứng để đạo diễn thổi được cái chất trong trẻo, hồn nhiên vào từng khuôn hình.

Phim hoàn thành và được Ủy ban Văn hóa đối ngoại gửi đi tham dự Liên hoan phim (LHP) Mamaia (Romania) năm 1966 và giành giải Bồ nông Bạc trong sự bất ngờ, ngỡ ngàng của chính tác giả. "Mèo con" đã trở thành đại diện đầu tiên của hoạt hình Việt Nam chiến thắng tại LHP quốc tế. Đến năm 1970, phim lại tiếp tục giành giải Bông sen vàng ở LHP quốc gia.

Một tác phẩm nữa đánh dấu sự nghiệp đạo diễn phim hoạt hình của NSND Ngô Mạnh Lân là "Chuyện ông Gióng" để đến sau này, cái tên ông "Lân Gióng" vẫn là một kỷ niệm đẹp mà khán giả, đồng nghiệp dành tặng Ngô Mạnh Lân. Theo NSND Ngô Mạnh Lân thì đây là bộ phim "ngốn" mất nhiều thời gian, công sức nhất của ông và toàn bộ nhóm làm phim. Được giao làm từ năm 1964 nhưng đến năm 1969, bộ phim mới bắt đầu được thực hiện.

NSND Ngô Mạnh Lân vẫn nhớ: Chưa bao giờ đoàn làm phim phải thực hiện một lượng búp bê và cây cảnh nhiều đến như thế: hơn 100 con rối, hơn 20 bối cảnh lớn, rồi công đoạn nhuộm vải lụa may trang phục, vẽ mặt, sơn màu cho nhân vật. Con ngựa sắt đẽo bằng gỗ phải làm đi làm lại nhiều lần. Tiếp đến là vô vàn đạo cụ từ chõng tre, quạt lá đến hàng chục đôi quang gánh, hàng chục nong cơm, nong cà, hàng trăm bộ giáo mác, cuốc vồ, búa đe, dao rìu, trống cái trống con...

Hoạt hình Việt Nam có một bộ phim đoạt giải vàng "Chuyện ông Gióng" và một phim đoạt giải bạc "Mèo con" tại các LHP quốc tế thì cả hai bộ phim đó đều do Ngô Mạnh Lân làm đạo diễn.

Có được những thành công ấy tất nhiên không hẳn chỉ là sự đóng góp của đạo diễn mà còn có sự tham gia của cả tổ làm phim: những họa sỹ diễn xuất, những người quay phim, phục trang nhân vật và đặc biệt là đóng góp của họa sỹ tạo hình. Họa sỹ Mai Long là họa sỹ chính của phim "Chuyện ông Gióng" đã phát huy vốn hội họa dân tộc, tạo nên môt hiệu quả tuyệt đẹp giữa thiên nhiên bao la, hùng tráng với cảnh đồng quê thi vị và mơ mộng của nông thôn Việt Nam.

Kết quả của những tháng ngày vất vả ấy là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và giải thưởng Bồ câu Vàng tại LHP quốc tế Leipzik (CHDC Đức). Mỗi bộ phim, với họa sĩ Ngô Mạnh Lân, là một quá trình sáng tạo với niềm hứng khởi không mệt mỏi. Có những phim như  phim "Thạch Sanh"  thể loại cắt giấy, ông đã phải vẽ 468 bức phác thảo, để làm một bộ phim dài gần 1.500 m...

NSND Ngô Mạnh Lân là người nghệ sĩ thành công ở nhiều lĩnh vực. Ông là đạo diễn của nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng, họa sĩ của những bức tranh, tác phẩm đồ họa độc đáo và là một người thầy, một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ở cả lĩnh vực điện ảnh và hội họa.

Nhưng cuộc đời của ông, ngoài những tháng ngày lao động miệt mài cho công việc thì số phận còn dành cho ông một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ, một gia đình hạnh phúc với nữ nghệ sĩ tài sắc Ngọc Lan. Bà đã sinh cho ông những người con giỏi giang, xinh đẹp và hiếu thảo. Họ cũng nối nghiệp cha mẹ và trở thành những người thành đạt trong lĩnh vực điện ảnh. Đó là điều mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng mơ ước.

Mối tình đẹp như cổ tích

Gặp nhau lần đầu tiên tại LHP Moscow, NSND Ngọc Lan cùng chồng là đạo diễn, NSND Ngô Mạnh Lân đã dệt nên một câu chuyện tình yêu đẹp và diệu kỳ như trên màn ảnh.

Ông chia sẻ: Lần đầu tiên gặp cô diễn viên xinh đẹp của đoàn Việt Nam tại Liên Xô, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã bị chinh phục bởi vẻ duyên dáng, trong sáng của nàng nhưng vốn tính ít nói, nên chưa dám thổ lộ. Run rủi thế nào, Ngô Mạnh Lân khi ấy là đại biểu của trường Vgik lại được tổ chức phân công làm phiên dịch cho Ngọc Lan. Thế là có cơ hội được trò chuyện, tâm sự nhiều hơn. Do bị ốm nên Ngọc Lan phải nằm lại bệnh viện cách Moscow 10 km và cách ly trong phòng kính.

Vợ chồng NSND Ngô Mạnh Lân - Ngọc Lan.

Một buổi sáng, trong khi bà đang nằm trên giường bệnh buồn bã nghĩ chàng sinh viên trường Vgik mà mình hay trò chuyện đã về nước thì bất chợt cô nhìn thấy mái tóc quen quen qua khung cửa kính. Hóa ra, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã quyết định hủy vé máy bay để ở lại chờ Ngọc Lan về.

Những ngày sau đó cho tới khi bà khỏi bệnh, cứ sáng sáng, ông lại bắt tàu điện tới thăm, dù chỉ để nhìn nhau qua cửa kính. Và rồi, trên chuyến tàu hành trình trở về Việt Nam, họ đã hẹn ước cùng nhau đi hết cuộc đời, có với nhau những 4 người con: Ngô Phương Lan, Ngô Phương Ly, Ngô Lê, Ngô Lâm. Người con gái cả Ngô Phương Lan hiện nay là tiến sĩ, nhà lý luận, cục trưởng của một cơ quan quản lý văn hóa.

NSND Ngọc Lan chia sẻ: Nếu như cuộc đời có những câu chuyện được gọi là định mệnh, thì chuyện tình của bà và NSND Ngô Mạnh Lân là duyên kiếp ba sinh. Vẫn nhớ thời bao cấp, khó khăn, có những vai diễn bà phải theo đến 2 năm. Ngô Phương Lan mới 10 tháng tuổi đã phải xa mẹ... xót xa lắm nhưng biết làm sao, vì công việc, vì đam mê, vì miếng cơm manh áo nên vẫn cố gắng... Song hành với nuôi dạy con, chăm sóc gia đình, bà vẫn tiếp tục những vai diễn như là chỉ dành riêng cho mình trong điện ảnh Việt.

Ngay từ vai diễn đầu tiên, “cô Nhàn" trong phim "Lửa trung tuyến" của đạo diễn Phạm Văn Khoa, NSND Ngọc Lan sau đó đã đảm nhận rất nhiều vai chính trong các bộ phim nổi tiếng như: “Một ngày đầu thu”, “Biển lửa”, “Lửa rừng”, “Biển gọi”, “Một chiến công”, “Quê nhà”, “Mảnh trăng cuối rừng”, “Thị trấn yên tĩnh”...

Với nét mặt đầy sắc sảo và tinh tế và gương mặt biểu cảm đã giúp bà khai phá những vai phản diện nhiều màu sắc và in đậm dấu ấn. Sau thành công với vai vợ cả Nghị Hách trong phim “Giông tố”, ánh mắt sắc như dao cau và khóe miệng trễ xuống sau mỗi lời cay nghiệt của bà đã được các đạo diễn "khai thác triệt để".

Bà cũng không ngại những vai phản diện, bà không sợ làm "xấu hình ảnh của mình, mà nó còn chứng tỏ bà đã vượt qua được những thử thách để sống một cuộc sống khác với chính bản thân tính cách của mình. Một loạt vai phản diện sau đó đã đi vào lòng công chúng như Lý trong “Mùa lá rụng trong vườn”, mẹ chồng trong “Bí mật Eva” hay vai bà nội trong phim “Bánh đúc có xương”.... Bà có thơ rằng: "bảy mươi mà vẫn ước mơ phim trường" bởi "niềm vui nghệ sĩ duyên trời dành cho"...

Giờ đây, ngoài đóng phim, bà còn làm thơ để trải lòng mình, như một tâm sự dành cho những thế hệ con cháu. Bà đã ra mắt tập thơ thứ tư trong đó bài thơ "Tiếng chổi đêm" đã có mặt trong tập "Ngàn năm thơ trữ tình" gồm 1.000 bài thơ hay do NXB Hội Nhà văn tuyển chọn.

Bà chia sẻ: Ngày xưa hai vợ chồng bà ở trong ngôi nhà mái lá hơn hai mươi mét vuông vẫn đủ đầy hạnh phúc, giờ đây, ngôi nhà đã thay đổi, cuộc sống cũng nhiều thay đổi, nhưng hai trái tim yêu vẫn chung nhịp đập, như thể là một đặc ân của số phận mà bà luôn nâng niu trân trọng.

Ông bà là những người thành đạt, hai người nghệ sĩ đã đi vào lòng nhân dân, những thước phim vẫn còn mãi với đời, với tháng năm. Và đối với hai ông bà, điều quan trọng nhất khiến cho cuộc sống bình an, suôn sẻ, đó là tình yêu, tình yêu thương dành cho nhau, cho công việc...

Bây giờ, ngày ngày hai ông bà vẫn bên nhau chăm sóc từng li từng tí như thuở ban đầu, bởi bà cho rằng, dẫn đường chỉ lối cho gia đình ngoài tình cảm chân thành thì lòng nhân hậu của người phụ nữ và chia sẻ với nhau những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống sẽ là nền tảng để gia đình ấm, êm hạnh phúc...

Thiên Kim - Mỹ Hiền
.
.