NSND Như Quỳnh: Yên tâm với những gì đang có

Thứ Ba, 07/06/2011, 05:35

Từng đóng vai Kiều trên sân khấu rạp Chuông Vàng, là ái nữ của cặp tài tử cải lương nức tiếng thời 36 phố phường Tiêu Lang - Kim Xuân, nhìn Như Quỳnh là ra khí chất của một người Hà Nội từ trứng nước, không lẫn lộn với đám đông quanh mình. Ẩn sau vẻ ngoài giản dị, đôi khi lại quá chìm lắng, Như Quỳnh hiện hữu một nhan sắc bền lâu, cái nhan sắc tự nhiên không nề hà son phấn, khác xa thói thường tình.

Ngoài những vai diễn đóng đinh trên màn bạc Việt Nam thập niên 70, 80 thế kỷ XX như trong các phim “Đến hẹn lại lên”, “Mối tình đầu”, Như Quỳnh cũng ung dung bước được vào dòng chảy của nghệ thuật thời mở cửa, cấp tập giao lưu quốc tế. Các nhà làm phim Pháp, Hàn Quốc, cả các nhà làm phim người Mỹ gốc Việt khi trở về tìm một gương mặt đàn bà cốt cách Hà Nội, thể nào cũng dành thời gian săn đón chị - NSND Như Quỳnh…

Phóng viên (PV): Từ những năm của thập niên 70, tên tuổi của Như Quỳnh đã rất ấn tượng và được khán giả yêu mến qua nhiều bộ phim truyện nhựa, chắc rằng chị có nhiều fan hâm mộ đeo đuổi ghê lắm. Nhưng, sao chị không chọn một anh chàng thủy thủ tàu viễn dương, như mốt của các cô gái xinh đẹp thời bấy giờ mà lại chọn  anh nhà, một người có vẻ không khấm khá mấy…?

NSND Như Quỳnh: (Cười) Thời kỳ ấy chưa có đại gia như bây giờ đâu. Và, thủy thủ tàu viễn dương thì có giá lắm, đúng là hình mẫu lí tưởng của những cô gái đất liền. Ngày đó, nhiều lần tôi cùng đoàn nghệ thuật xuống diễn ở Hải Phòng, có nhiều tối diễn xong thì  thủy thủ tàu viễn dương mời các diễn viên đi chiêu đãi, họ rất quý bọn mình. Nhưng rồi chỉ dừng lại ở mức độ xã giao vậy thôi. Có lẽ, cũng một phần vì mình là người Hà Nội, nên đã quen với nếp sống và chơi với nhóm bạn có cùng gu với nhau. Mình đến vùng miền nào đó, chỉ có lưu lại những ngày diễn ngắn ngủi rồi trở về ngay thôi, không có thời gian để tìm hiểu, kết bạn người ở vùng đó đâu…

PV: Chị nói vậy, có nghĩa là trước khi làm vợ chị đã tìm hiểu rất cặn kẽ và kĩ càng người bạn đời của mình. Tò mò một chút, anh Nguyễn Hữu Bảo chồng chị có điều gì đặc biệt ấn tượng mà đã đánh bật nhiều vệ tinh xung quanh để chiếm được trọn vẹn trái tim một mỹ nhân điện ảnh thời bấy giờ…?!

NSND Như Quỳnh: Hồi đó, mình chỉ coi anh Bảo như một người anh trai vì mình đang có người bạn trai làm ở Liên đoàn Xiếc. Khi ở Đoàn Cải lương Chuông Vàng, mình có một người bạn gái rất thân, nên muốn làm mối giới thiệu anh Bảo với người bạn gái đó. Mỗi lần đoàn đi diễn ở xa như Nam Định, Thái Bình hay Hải Phòng thì bạn trai của mình lấy xe máy đưa anh Bảo xuống chỗ mình diễn để người bạn trai thăm mình còn anh Bảo thì làm quen với cô bạn gái của mình.

Hoàn cảnh xô đẩy, người bạn trai ra nước ngoài mưu sinh, mình bị hẫng hụt, anh Bảo lúc đấy đến với mình tình cảm thật tự nhiên. Vì, thật ra, trước đấy hai gia đình đã biết nhau rồi, anh trai anh Bảo lấy chị gái mình. Nên hồi hai người còn làm bạn thì đã rất hiểu và thân nhau.

PV: Rồi yêu nhau lúc nào không hay... Tình yêu thật kỳ diệu, nó luôn bất ngờ và chẳng có lý lẽ nào cả.

NSND Như Quỳnh: Năm 1980 bọn mình tổ chức đám cưới. Gia đình chồng mình có 4 anh em trai và 6 chị em gái. Trong 4 anh em trai thì 3 người làm về lĩnh vực điện ảnh, chỉ duy có chồng mình làm nghề nhiếp ảnh thôi. Cưới nhau xong, 3 anh trai của chồng thúc đẩy em dâu, bảo bỏ sân khấu để chuyển hẳn sang điện ảnh. Vì tuy là diễn viên cải lương nhưng mình được quần chúng biết đến là ở những vai diễn của nghệ thuật điện ảnh.

PV: Ở thời bao cấp việc thuyên chuyển công tác rất phức tạp, khó khăn chứ không đơn giản và dễ như bây giờ. Chị lại đương là một ngôi sao điện ảnh có tiếng nên cái sự đi hay ở còn mệt hơn người khác ấy chứ…?

NSND Như Quỳnh: Đúng là rất khó khăn. Sở Văn hóa không chấp nhận, các anh trai bên gia đình nhà chồng phân tích cặn kẽ, khuyên bảo nếu không thể chuyển cơ quan được đã thế thì bỏ. Bỏ hẳn sân khấu để về với điện ảnh. Cuối cùng mình cũng đủ dũng khí để chuyển. Về Hãng phim truyện mình được nhận ngay vì lúc đấy mình có giải thưởng về điện ảnh và vị trí trong lòng khán giả rồi.

PV: Chắc sự việc không chỉ dừng lại ở đấy…

NSND Như Quỳnh: Sau đó mình cũng bị liêu xiêu đấy. Sở Văn hóa gửi cả công văn xuống là không được nhận cô này nhưng Hãng phim vẫn cứ nhận mình vì họ thấy khả năng của mình.

PV: Hai cụ thân sinh ra chị đều gắn với nghiệp sân khấu, đàn ca sáo nhị, sâu nặng với sàn diễn cải lương như vậy, cha mẹ chị đồng ý hay phản đối với quyết định này của chị?

NSND Như Quỳnh: Các cụ biết mình sang điện ảnh sẽ có tương lai hơn, phù hợp với khả năng của mình hơn. Nghệ thuật cải lương cần phải hội tụ đầy đủ cả thanh lẫn sắc, diễn xuất và sắc của mình cũng tốt rồi nhưng thanh của mình không được nổi trội lắm. Mà giọng hát là yếu tố quan trọng đầu tiên với một diễn viên trong nghệ thuật sân khấu ca kịch, các cụ thấy mình nếu còn tiếp tục đi theo nghề này sẽ không có lợi thế đâu nên đã đồng ý ngay thôi.

PV: Chị là người rất biết cân bằng cuộc sống, vừa là người phụ nữ thành đạt trong đường công danh sự nghiệp và lại giữ được mái ấm hạnh phúc gia đình, hẳn chị có bí quyết gì chứ?

NSND Như Quỳnh: Theo mình, bản thân mỗi người tự quyết định cuộc đời của mình. Không biết người khác như thế nào, còn mình thì rất ngại sự thay đổi. Mình yên tâm với những cái gì mình đang có.

Mặc dù có thể nhìn ra bên ngoài có nhiều thứ hấp dẫn, có nhiều người khác chiều chuộng hơn, hoặc họ giàu có hơn chồng mình, nhưng mình đã sa sẩy trong mối tình đầu nên khi quyết định đi đến hôn nhân với ông xã nhà mình bây giờ thì điều quan trọng nhất vẫn là sự ổn định, chắc chắn của người bạn đời mang đến cho mình.

Chồng mình rất hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của vợ. Công việc của anh làm lại tĩnh tại, mình có vắng nhà một vài ba tháng cũng rất yên tâm vì đã có chồng ở nhà lo cho con. Mình luôn tâm niệm cuộc sống như vậy, có người chồng như thế cũng thật là phù hợp với cuộc đời của người diễn viên như mình cho nên mình không nhìn chỗ này, chỗ khác nữa.

PV: Làm sao chị có thể gò mình trong khuôn khổ được khi nội tâm của con người thì luôn phức tạp, mâu thuẫn. Nhất là với một nghề đòi hỏi sự thăng hoa của cảm xúc như nghề diễn viên…

NSND Như Quỳnh: Con người ta ai cũng đòi hỏi sự hoàn hảo không riêng gì diễn viên mà người bình thường cũng vậy thôi. Cuộc sống thì thăng giáng thất thường, bấp bênh và không ổn định. Nhưng giữ được cân bằng hay không còn phụ thuộc vào tố chất, cá tính của con người và môi trường. Mình được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ làm diễn viên và các cụ chung thủy với nhau, gia đình duy trì được trật tự, nề nếp. Mình được thừa hưởng nề nếp gia phong ấy thôi…

PV: Chị có nhìn nhiều diễn viên thế hệ của chị và sau này khi lập gia đình đã không có hạnh phúc, chuyện tình cảm không được xuôi chèo mát mái. Bởi vì đời sống hôn nhân của cha mẹ họ cũng không mấy êm thấm, tốt đẹp gì. Phụ mẫu ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của con cái sau này…

NSND Như Quỳnh: Có chứ, ảnh hưởng nhiều chứ. Gia đình là bệ đỡ hình thành nên tính cách của một con người. Ông bà nội mình không phải gia đình giàu có, chỉ làm nghề buôn bán để lấy tiền nuôi con ăn học. Hồi nhỏ, bố mình được ông bà cho học ở trường Tây, được giáo dục rất cẩn thận. Gia phong nề nếp từ thời ông bà cho đến thời bố mình luôn luôn được gìn giữ. Trong gia đình luôn giữ được không khí êm đềm và không có sự thay đổi hay mâu thuẫn gì ghê gớm cả.

Đến khi mình được sinh ra thì cũng chịu ảnh hưởng bởi bố mình.  Đầu tiên bố mình chưa là diễn viên mà làm quản lý tài chính cho gánh hát của bác ruột mình.  Bác ruột mình lấy một ông chủ gánh hát và bác làm diễn viên chính trong gánh hát đó. Đoàn Cải lương Chuông Vàng - Nhà hát Cải lương Hà Nội tiền thân của nó là gánh hát Kim Chung. Kim Chung là tên bác ruột, chị gái của bố. Ông cụ làm giữ két cho đoàn nên rất là quy củ, chi tiết, kỹ càng trong cả cách sống lẫn trong công việc. Anh chị em mình đều ảnh hưởng sâu đậm bởi nhiều nét tính cách của cụ.

Cảnh trong phim “Đến hẹn lại lên”.

PV: Trong một đại gia đình làm nghệ thuật, cả bên nội lẫn bên ngoại đều có NSND, NSƯT sao chị không hướng cho hai cô con gái theo nghiệp của gia đình?

NSND Như Quỳnh: Con gái đầu của mình có 7 năm xa gia đình, 4 năm theo học đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc và 3 năm học thạc sĩ về báo chí. Mùa hè năm ngoái cháu về nước và công tác tại Ban văn nghệ VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Con bé năng động, vì ngay từ bé đã sống tự lập. Bây giờ cháu cũng nhìn nhận đời sống nghệ sĩ, đời sống như kiểu mẹ. Phim ảnh của Việt Nam đang sa sút rất nhiều. Mặc dù hiện nay có nhiều hãng tư nhân bắt đầu sản xuất dòng phim nghệ thuật mở ra tương đối tốt cho ngành điện ảnh, nhưng nhìn chung vẫn chưa đi đúng hướng và chưa nhìn thấy được cái hướng mở ra với điện ảnh. Con bé bảo nó phải làm cái nghề gì sống được.  Còn cô con gái thứ hai thì rất thích hội họa, năm nay thi đại học Mỹ thuật công nghiệp.

PV: Chị là gương mặt được lựa chọn hàng đầu khi mà các đạo diễn Việt Kiều về nước săn tìm diễn viên. Như với Trần Anh Hùng thì bộ phim Việt nào của vị đạo diễn này đều có sự tham gia của chị.

NSND Như Quỳnh: Giữa tôi và Trần Anh Hùng có kỉ niệm rất thú vị, đến giờ chúng tôi vẫn chơi rất thân với nhau, thỉnh thoảng thư từ email qua cho nhau. Trước đây, nhà tôi có mở quán cafe Quỳnh ở phố cổ duy trì từ thập niên 80, 90 đến năm 2002 mới đóng cửa. Bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" có nguồn gốc là năm đó Trần Anh Hùng mang phim "Mùi đu đủ xanh" về nước chiếu ở Hội Điện ảnh thì có đến quán nhà mình ngồi uống nước và không khí của quán cafe ấy đã gợi cho Hùng để viết kịch bản "Mùa hè chiều thẳng đứng" khi viết về những người đàn bà Hà Nội. Đến khi làm phim "Xích lô", Hùng đến quán cafe nhà mình mời mình vào một vai trong "Xích lô", đóng xong bộ phim thì bọn mình trở nên thân thiết từ đó…

PV: Chị vẫn giữ được dáng vẻ, phong thái của người Hà Nội khi xưa rất riêng biệt: dịu dàng, mềm mại, tinh tế lại thanh lịch. Tiếc rằng Hà Nội ngày nay đã không còn giữ được hồn cốt khi xưa nữa mà bị lai tạp đi rất nhiều…

NSND Như Quỳnh: Giờ đây, mình ít khi ra đường, mình không phải là người hay ngao du. Ra phố bây giờ thật vô cùng là ngại bởi cái sự ồn ào, huyên náo, pha tạp rất là kinh khủng. Còn đâu nữa không khí Hà Nội với sự vắng vẻ, yên bình, tàu điện leng keng ngoài ngõ phố, mùa đông se lạnh gió heo may đầu mùa của những năm 60, 70… Chỉ vào ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết  thì Hà Nội mới gần như trở lại những năm 60, 70. Nó vắng vẻ, yên tĩnh, và những con phố dường như được nghỉ ngơi. Điều đó không chỉ người Hà Nội mà người ngoại tỉnh cũng muốn Hà Nội có một không khí như vậy. Nhưng mà, sầm uất, quá tải như hiện nay cũng là quy luật tất yếu thôi.

PV: Hiện nay, Hà Nội bây giờ có quá nhiều quán cóc mọc lên ở các phố cổ và ngay cả ở những con phố Tây.

NSND Như Quỳnh: Hà Nội biến tướng chỗ nào cũng có thể bày bàn ra ngồi ăn, chứ Hà Nội xưa không phải như vậy. Người Hà Nội xưa có muốn ăn quà, thì một gánh bún riêu đi qua nhà, người ta mua mang vào nhà để ăn chứ không phải ngồi ở vỉa hè ăn đâu. Có ngồi ở quán cóc cũng là uống một chén nước trà hoặc là ăn một cái kẹo lạc vào buổi sáng để ngắm phố xá, buổi chiều ngắm hoàng hôn, ngồi thư thái chứ không phải ăn uống tùm lum, bầy bàn ghế ra ngoài hè như bây giờ đâu. Đấy không phải là của Hà Nội ngày xưa. Bây giờ thì quá kinh khủng rồi, đi đến chỗ nào cũng thấy ngồi ăn, bất kể vỉa hè, cống rãnh…. Trong Sài Gòn ăn, họ vào tiệm chứ ít khi ngồi vỉa hè, hoặc nếu có ngồi cũng chỉ là uống cốc cafe hay ăn một bát bánh canh nhưng cũng phải là góc khuất chứ không phải là ở đường phố lớn như Hà Nội

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.