NSND Quốc Anh: Buồn vui cũng một kiếp người…

Thứ Hai, 26/09/2016, 16:00
Nghệ sĩ Quốc Anh xuất hiện trên màn ảnh từ rất lâu, anh hay đóng tiểu phẩm dí dỏm, mang tiếng cười đến cho mọi người. Thi thoảng vào dịp lễ tết, anh lại quần lĩnh áo the, khăn đóng, giọng ngọt ngào trầm bỏng ngâm thơ trên truyền hình.

Người ta bị ám ảnh bởi những luyến láy âm vang của Quốc Anh khi ngâm bài: "Ông đồ" của Vũ Đình Liên: "Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua...". Ở ngoài đời, Quốc Anh dáng cao dong dỏng, ít nói, khuôn mặt phảng phất nét buồn. Tôi thử tìm xem trên khuôn mặt ấy, ánh nhìn ấy chỗ nào để diễn hài được, thì thôi chịu, không tìm ra được một nét nào tươi vui, gây cười. 

Bất giác, tôi nhớ đến môt nghệ sĩ hài danh tiếng đã nói: "Cuộc đời của các nghệ sĩ hài thì chỉ tươi cười dí dỏm trên sân khấu, còn ở đời thực thì buồn nhiều hơn vui". Và, Quốc Anh cũng không là ngoại lệ. Mỗi lần nghe chuyện của anh, tôi lại ngậm ngùi...

NSND Quốc Anh.

So với nhiều nghệ sĩ khác, Quốc Anh thành danh từ khá sớm. Ngay từ giữa thập niên 90, Quốc Anh đã xuất hiện với mật độ dày đặc trên phương tiện truyền thông. Anh là diễn viên sân khấu chèo, nhưng lại rất có duyên với hài. Anh đóng lý trưởng, thầy bói mù, cậu tú làm quan... ở vai diễn nào cũng có nét duyên riêng, rất đặc trưng mà chỉ có Quốc Anh mới có.

Ông trời đã ưu đãi cho anh nét duyên đấy. Người trong nghề thì bảo là được Tổ nghề ưu đãi. Khổ nhất là diễn viên đóng hài ra sân khấu diễn căng cả người mà khán giả ở dưới chả ai cười. Quốc Anh thì khác, nhìn cái điệu bộ tức cười của anh, khuôn mặt liến láu tinh nghịch đã ra ngay chất của diễn viên thuộc hạng cừ khôi.

Tưởng đâu, đời anh chỉ có thể vào những vai hài cười tung tẩy, nhưng có một người đã nhìn ra, đã thấu hiểu, đã nhấc anh lên và đặt vào đúng vị trí của anh. Đó không ai khác là NSND Doãn Hoàng Giang, khi ông làm việc với Nhà hát chèo Hà Nội để tìm ra người đóng Nguyễn Trãi trong vở: "Nguyễn Trãi ở Đông Quan".

Nghệ sĩ Quốc Anh đã lọt vào mắt xanh của ông. Giới chuyên môn khẳng định: "Với vai Nguyễn Trãi, Quốc Anh như một cầu thủ cừ khôi, xuất sắc nhất của làng bóng sút tung lưới và ghi nên bàn thắng đẹp nhất, và không có cầu thủ thứ hai". Đêm diễn Nguyễn Trãi ở Đông Quan, cả khán phóng nín lặng, bị lôi cuốn, đắm vào tấn bi kịch của Nguyễn Trãi. Mỗi tiếng hát lời ca, mỗi hành động dáng điệu đều khiến người ta chết lặng với những vui buồn được mất ở cuộc đời đầy bi phẫn.

Tiếp xúc với Quốc Anh trong căn phòng làm việc ở Nhà hát chèo Hà Nội trên con phố Nguyễn Đình Chiểu, tôi chắc rằng, không chỉ riêng tôi mà bất cứ người nào cũng bị ám ảnh bởi khuôn mặt anh thảng thốt nét đớn đau, thăng trầm, sầu tư sâu lắng, nó khác xa với những gì mà người ta mường tượng về anh khi thấy anh diễn hài, đóng hề. Chả có gì là khó để nhận ra anh, một người sống nội tâm. Chắc hẳn anh đã có những ẩn ức, kỉ niệm vật vã, và cả những vết thương dập dềnh ẩn hiện, rỉ máu trong tâm hồn người nghệ sĩ mong manh nhạy cảm.

Quốc Anh đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Chuyện ấy ở đời cũng là bình thường. Nhưng, bản tính quá đa cảm của anh lại gieo cho anh nuỗi buồn, những vết thương khắc sâu, rỉ máu. Anh bảo anh ra đời lúc sang canh vào tháng 2 âm lịch năm Nhâm Dần 1962. Hổ sinh mùa xuân lại ban đêm nên lỗi mùa, không thuận duyên, đường đời lắm gian truân, nhọc nhằn.

Ở cuộc hôn nhân thứ nhất, anh kết hôn với một đồng nghiệp cùng công tác tại Nhà hát chèo Việt Nam. Sau này vì một số lí do, anh chuyển sang công tác tại Nhà hát chèo Hà Nội. Cả hai cuộc hôn nhân, anh đều không có con.

Ở cuộc hôn nhân thứ nhất là với diễn viên cùng nhà hát, hai người chung sống với nhau được hơn chục năm. Trước khi đến với anh, chị đã qua một đời chồng và có cô con gái nhỏ 2 tuổi. Cuộc hôn nhân cũng trải qua những cung bậc yêu say đắm, rồi giận hờn, có cả đam mê và lãng mạn, nhưng cũng không qua khỏi số mệnh kết thúc, đời anh lại sang một trang khác. "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí".

Cũng với thời gian đó, gia đình mỗi người một ngả, công việc không được thuận lợi. Rời Nhà hát chèo Việt Nam với vết thương lòng, thực chất là do bị ban lãnh đạo Nhà hát hiểu lầm, cùng lúc ấy là việc li hôn với vợ, anh ngậm ngùi về Nhà hát chèo Hà Nội. Từ đây, khán giả cả nước bắt đầu biết tới Quốc Anh. Đó là năm 2002, anh đóng tiểu phẩm hài, quay clip, đóng phim truyền hình.

Mọi vết thương rồi cũng được thời gian lấp đầy. Cuộc hôn nhân thứ hai là với một nữ khán giả. Từ lâu chị đã mến mộ tài năng của anh, và chị đã chủ động tiếp cận với anh. Ít lâu sau anh bước tới cuộc hôn nhân thứ hai với người phụ nữ cũng đã có một lần lỡ dở và có con riêng. Hai người quen nhau trong một quán ăn. Cuộc hôn nhân này đến nay cũng kéo dài hơn chục năm. Qua hai cuộc hôn nhân dài, nhưng anh chưa từng có con chung với cả hai người vợ. Mọi buồn vui, sướng khổ đều giấu lặng vào trong...

NSND Quốc Anh trong các vai diễn.

Cũng tại Nhà hát chèo Hà Nội, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã khai phá ra Quốc Anh khi đưa gương mặt hài Quốc Anh vào vai nặng kí Nguyễn Trãi "Oan khuất một thời" hay vở "Quan lớn về làng". Quốc Anh lúc này như được gột rửa, bước lên một nấc thang khác của nghiệp diễn. Vai diễn của anh khiến khán giả có cái nhìn nhận khác về một người diễn viên đa tài, sâu sắc.

16 năm gắn bó công tác tại Nhà hát chèo Hà Nội, giờ ở cương vị Phó Giám đốc Nhà hát, kinh tế cũng đã ít nhiều dư giả, vậy nhưng hồi ức năm xưa vẫn như những thước phim quay chậm bồi hồi trong lòng người nghệ sĩ đa cảm. Anh kể tôi nghe chuyện về làng quê của anh cũng như bao miền quê khác ở đồng bằng Bắc bộ.

Từ Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, mười sáu tuổi Quốc Anh rời quê ra Hà Nội. Lần đầu đến chốn phồn hoa đô hội, anh thấy cái gì cũng lạ lẫm. Nhà hát chèo Việt Nam là nơi đầu tiên đón nhận cậu học trò nhỏ. Vào Nhà hát, anh vừa là diễn viên, vừa đi học tại Trường Nghệ thuật Việt Nam (nay là Đại học SK&ĐA HN).

Những kí ức năm xưa vẫn chưa bao giờ bị xóa nhòa trong lòng người sầu cảm, đó là năm tháng thời bao cấp đói khổ, rét mướt, ăn bo bo và mì trắng thay cơm. Thỉnh thoảng cậu diễn viên cùng đám bạn học ra làng Đồng Xa kì cạch cả buổi chỉ câu được một con cá, mò được vài chú cua đồng, hay bắt được rổ ốc đá để cải thiện. Cuộc sống khó khăn đói khổ ấy không chỉ với một người mà cả một thế hệ, nhưng người ta vẫn cứ phải sống, phải đi, và tiến về phía trước. Ai đó đã nói "Cuối đường hầm là ánh sáng".

Có một câu chuyện mà đến nay anh vẫn không thể quên, hay muốn quên, muốn giũ bỏ nhưng nó đã là vết thương lòng hằn sâu trong tâm trí. Chuyện đã qua hơn 30 năm nay, nhưng mỗi lần nhớ lại, hay đi qua đoạn Thường Tín, Hà Tây cũ, là trong anh lại vật vã, trăn trở. Đó là năm đầu của thập niên 80, Quốc Anh khi đấy mới 20 tuổi, đi từ quê Thanh Hóa ra Hà Nội để vào năm học. Đi trên xe mà trong túi cậu học trò nghèo chẳng có nổi một xu. Xe dừng ở Thường Tín, bác tài đến thu tiền vé của anh.

Lúc đấy, Quốc Anh không có tiền, ấp úng nói mong bác tài thông cảm. Người đàn ông trung niên vằn mắt nhìn Quốc Anh: Trông thư sinh trắng trẻo thế, mà bảo không có tiền?! Bao nhiêu năm qua, con mắt ấy vẫn cứ ám ảnh anh.

Ông ta bảo: "Mày không có tiền thì ai bảo còn ngồi trên xe tao". Vừa dứt lời, ông ta dùng hết sức tát cái trời giáng xuống gáy anh. Rồi ném anh xuống xe. Chiếc xe lao đi. Còn lại mình anh trên đường, với tâm trạng vừa buồn, vừa tủi, vừa đuối lý. Cậu học sinh nghèo đi bộ 20 cây số vào một ngày cuối chiều mùa hè từ Thường Tín về Nhà hát chèo. Hơn ai hết anh thấm thía cái nghèo, cái khổ, cả nỗi nhục đói khát thiếu thốn... Chuyện chỉ có vậy mà ám ảnh. Không hiểu có phải vì đời buồn nhiều nên anh ưa thích màu đen?

Mỗi lần gặp anh là tôi lại bắt gặp màu đen quen thuộc. Áo trong, áo ngoài, quần, và giày một màu đen kít. Cả cái ô tô cũng màu đen. Màu đen là màu của bóng đêm, màu của những gì sâu xa, kín mít. Người bận đồ đen thường không thích lộ nội tâm của mình cho người khác, và họ nhìn đời theo một cách riêng?

Anh ít nói, nhưng lại là người chân thành và trong những cơn rung động anh rất dễ thổ lộ những nỗi niềm chất chứa trong lòng. Mỗi câu chuyện của anh đều khiến người ta băn khoăn, day dứt, hay chí ít nó cũng khiến người ta man mác buồn. Bây giờ đã đề huề nhà cửa, đã vi vút ô tô, đã tiền tiêu rủng rỉnh, nhưng cái khổ, cái đói của một thời cứ luôn ám ảnh, đau đớn với những hồi ức.

Anh bảo: Đời diễn viên nghèo lắm, đi diễn khắp nơi cùng chốn, ngay cả những ngày giáp tết, anh cùng diễn viên nhà hát đi diễn khắp các tỉnh miền Bắc, hết ở đồng bằng trung du lại ngược lên miền núi, đi xuống miền biển, đói vẫn hoàn đói. Vậy mà đến ngày về chỉ mong mua sọt cam mang về quê cho cha mẹ, gia đình, nhưng rồi tiền cát-sê hai tháng cũng chẳng đủ để mua được sọt cam.

Nhiều năm anh phải ở lại Hà Nội vì không đủ tiền mua vé về quê sum họp ngày tết với gia đình... Anh dừng lại, ánh mắt mông lung buồn.

Đã 13 năm từ ngày bố anh mất, anh không có cái tết nào ở Hà Nội, rời xa thành phố nhộn nhịp, phồn hoa đô hội, anh về quê ăn tết với mẹ già, tuổi đã ngoài 80. Mẹ anh cũng như bao bà mẹ miền quê khác, vết hằn nhọc nhằn dọc ngang của năm tháng và thương nhớ con vô hạn. Bao nhiêu năm nay, người mẹ già, lưng còng tóc bạc, mặc áo ấm cứ ngóng ra cửa, chờ con trước cổng nhà vào đêm 30 tết...

Buổi cuối cùng của năm cũ chào đón năm mới, đêm 30, anh và các diễn viên Nhà hát chèo vẫn diễn một đêm cuối để chào đón năm mới trên đường Pháp Vân. Những năm trước đến 11 giờ là diễn xong, anh lại vội vàng bắt chuyến xe khách cuối cùng trên quốc lộ về Thanh Hóa, nơi có mẹ già đang ngóng đợi. Vậy là bao nhiêu năm, cứ vào dịp giao thừa là anh ở trên chuyến xe khách cuối cùng về với mẹ.

Dăm năm trở lại đây, anh đã mua ô tô riêng, sau khi xong buổi diễn cuối cùng trong năm, anh lại vội vàng một mình lái xe về quê, về với vòng tay yêu thương trìu mến của người mẹ già tần tảo. Về với mẹ, hai u con lại tản bộ đến những ngôi chùa trong thôn, trong xóm rồi đi xa hơn một chút nữa là chùa trong huyện, trong tỉnh. Cả chục năm nay chỉ có hai u con cùng nhau đi lễ chùa.

Anh xuất phát từ miền quê, nơi có giếng nước, mái đình, cây đa, những bờ tre, bụi chuối, những cánh đồng lúa xanh rì hay vàng óng thơm nức mùa lúa chín, cả mùi rơm rạ, tiếng chim hót líu lo đầu hồi, khung trời cao xanh vời vợi... tất cả những cảnh yên bình sống động ấy đã dung dưỡng làm nên tâm hồn anh, cho anh tiếng hát, câu hò, điệu múa. Anh yêu giá trị truyền thống đến nao lòng.

Giữ gìn, say đắm với bộ môn Sân khấu Chèo truyền thống là giữ gìn hồn cốt tinh hoa dân tộc. Quốc Anh đã chọn con đường đấy, từ khi tuổi trẻ cho đến giờ. Anh đã đi trên con đường đó, dù thăng trầm, nhưng ước mơ và khát vọng đã chắp đôi cánh cho anh. Và anh đã bay như một chú chim xanh trên bầu trời mênh mông, thênh thang, cao vời vợi, lộng gió...

Trần Mỹ Hiền
.
.