NSND Thu Hiền: Năm xưa đi trong mưa bom đạn lửa…

Thứ Năm, 22/12/2016, 15:31
Những cô gái tuổi vừa mới đôi mươi đã băng qua lửa đạn vào từng chiến tuyến ác liệt, dưới mưa bom, đạn trút để thực hiện sứ mệnh cao cả: Chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc! Một người trong số họ - NSND Thu Hiền, con chim xanh của cánh rừng Trường Sơn năm ấy.



Đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã sản sinh ra bao lớp nghệ sĩ - chiến sĩ. Như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: "Cô ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh. Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình/ Hai chị em trên hai trận tuyến/ Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang/ Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước/ Sáng ngời tên cô gái Việt Nam…".

Sáng ngời tên cô gái Việt Nam! Những cô gái tuổi vừa mới đôi mươi đã băng qua lửa đạn vào từng chiến tuyến ác liệt, dưới mưa bom, đạn trút để thực hiện sứ mệnh cao cả: Chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc! Một người trong số họ - NSND Thu Hiền, con chim xanh của cánh rừng Trường Sơn năm ấy.

Chị tiếp tôi trong căn phòng nhỏ, sạch tinh tươm ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội. Thu Hiền đó, người đàn bà hát đang ở trước mặt tôi bằng da bằng thịt. Tôi đã quen với chị từ lâu lắm, từ ngày ti vi chỉ có hai màu đen trắng, giữa thủ đô mà cái ánh điện tù mù của đường điện 110 vôn chẳng đủ sáng, vậy mà đến chương trình ca nhạc là cả nhà, ông bà tôi, bố mẹ tôi, cô chú tôi, và cả tôi đều chăm chú lên màn hình nhỏ thấy chị áo bà ba và khăn rằn quen thuộc hát, những năm đầu của thập niên 80.

NSND Thu Hiền.

Mọi người bảo người phụ nữ có khuôn mặt tròn bầu bĩnh, mái tóc thướt tha kia là Thu Hiền. Mọi người đều yêu quý chị. Mẹ tôi bảo: "Những người nghệ sĩ lớn bao giờ cũng có ma lực hấp dẫn, sự hấp dẫn này là hoàn toàn tự nhiên, do trời phú, không cầu mà có? Khi họ xuất hiện ở đâu thì tất cả đều như một hiệu lệnh đều quay lại và nhìn họ chằm chặp".

Đúng vậy, giờ thì chị đang ở trước mặt tôi, và tôi nhìn chị chằm chặp. Nhưng thật lạ kì, cứ ngỡ chúng tôi sẽ nói về một câu chuyện gì đó vui vui, hay chí ít ra nó cũng là câu chuyện không gây buồn, nhưng những gì chị kể đôi mắt chị thì đỏ hoe, còn tôi lần đầu tiên ngồi với một nghệ sĩ mà lại không ngừng rơi lệ. Chiến tranh đã lùi xa, đã thành quá khứ, tưởng đã chôn vùi vào dĩ vãng rồi, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Nỗi đau của tội ác chiến tranh.

Chị sinh ra trong gia đình có đến ba đời làm nghệ thuật. Ông bà chị hát chèo, cha mẹ chị được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú của làng chèo, rồi đến thế hệ của chị và các em chị cũng đi theo con đường thanh nhạc. Nhà chị có ba chị em, chị là cả, dưới chị còn có hai em trai. Người em trai kế chị là NSND Nguyễn Hoài Huệ, Trưởng đoàn Dân ca Bài chòi tỉnh Bình Định. Em dâu của chị cũng là NSND Hồ Thị Thu trong hội đồng nghệ thuật của nhà hát.

Người em trai út, anh đi chiến trường và bị nhiễm chất độc hóa học, con trai của anh bị nhiễm chất độc da cam từ bố và chị nuôi người cháu không may mắn này; nhưng rồi, cháu chị chỉ sống được đến năm 18 tuổi thì qua đời. Hiện nay, hằng ngày em trai chị vẫn đang bị chất độc hóa học hành hạ. Chị nói về người em trai đầy thương cảm pha lẫn nỗi xót xa. Trong khuôn mặt chị phảng phất nỗi buồn.

Năm 1962, cô bé Thu Hiền mới 10 tuổi học 4 năm sân khấu ca kịch bài chòi. Đến năm 1967, mới 15 tuổi, người thấp nhỏ và bé xíu xiu, vác ba lô vào chiến trường. Biết bao kỉ niệm của thuở đầu đời hằn sâu trong tâm trí của cô bé con đó là những ngày vượt khu IV nơi tuyến lửa ác liệt nhất. Chị đi sang Lào, qua Con Cuông, đi đường 7, vượt sông bến Thủy, sang đến Quảng Bình rồi lại vượt đường Trường Sơn để vào chiến trường.

Lúc đấy mới bước sang tuổi 15 chưa đủ tuổi để ra chiến trường nên chị ở lại Hà Tĩnh 1 năm  chờ cho đủ tuổi. Những ngày chờ đợi cho đủ tuổi, thấy mỗi đoàn xe đi qua để vào tuyến trong, mọi người chào nhau, các anh bộ đội ở trên xe kêu to: "A! Hà Nội đây!", "Nam Định đây", "Việt Trì đây"… Người ở trên xe để tay xuống, người dưới giơ tay lên cố gắng chạm tay vào người ở trên xe. Mọi người bắt tay nhau, và đến khi cô bé nghe thấy: "Thái Bình đây", cô bé cũng giơ tay lên nhưng chả ai bắt được vì thấp và bé tí. Cô sốt sắng kêu ầm lên thật to: "Cháu đây, cháu ở Thái Bình đây". Các chú bảo: "Làm gì đấy?". Cô bé bảo: "Cháu là văn công". 

Các đoàn xe cứ đi ra đi vào như thế, mỗi lần bom vẫn dội xuống mọi người lại hò nhau vào hầm trú ẩn. Rồi đến cuối năm 1967, chị nhận nhiệm vụ phải vượt sông Bến Hải sang bờ Nam, sang bên kia Quảng Trị. Chị vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên đó. Chỉ mới bước xuống phà Linh Cảm, bom mưa đạn trút, các anh bộ đội vừa mới ở trước mắt mình thì chỉ ít phút sau trúng đạn bom hi sinh. Máu chảy nhuộm đỏ cả đất. Máu tràn đỏ cả dòng sông. Những thân xác người không lành lặn…

Chị kể: Theo bản năng là mình khóc, thương và sợ. Đồng chí Chính trị viên hỏi: "Đồng chí bị nao núng à?". Chị cũng nhanh trí bảo: "Không, báo cáo là em nhớ mẹ". Chứ nếu không sẽ bị phải quay ra ngay. Sau những lần bom đạn dội xuống, không gian gầm rú rít rồi sau đấy tĩnh lặng, tất cả như chùng xuống. Trước mắt mình cảnh tượng máu chảy lênh láng, xác người chết, cả vùng đất nhuốm đầy màu tang tóc.

Chính trong lúc ấy, những tiếng hát cất lên, những giọng hò Hà Tĩnh. Họ hát về nỗi mất mát, thương đau. Họ hát để vơi đi nỗi buồn, sự đau khổ cùng cực. Họ hát để lấy thêm niềm tin và sức mạnh. Họ hát như một bản năng để sống. Họ gửi vào câu hò những lời lẽ thống thiết, thương mến cháy trong gan ruột cuồn cuộn sôi trào, mong sao đất nước có ngày thống nhất, hòa bình. Cảm xúc của “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” có lẽ cũng thành công từ những trải nghiệm ấy.

Cô Trò Thu Hiền và Lương Nguyệt Anh.

Chị nhớ lại: Khi chiến tranh ác liệt diễn ra ở Quảng Trị là mình mang tiếng hát vào đấy, vừa làm y tá, cứu thương, rồi kiêm nhiệm thêm phần nấu bếp mà trong quân đội hay gọi là "anh nuôi"; làm tất cả những gì có thể, và rồi làm nghệ sĩ. Nhưng chị đóng kịch nhiều hơn là hát. Chị có Huy chương vàng trong một đội kịch chiến trường, đội kịch Chim chèo bẻo. Chị hát những bài nổi tiếng của chị Thanh Huyền, anh Quốc Hưng như: "Mở đường".

Năm 1969, hay tin Bác mất, 17 tuổi ở trong cánh rừng Trường Sơn giữa những người lính, chị hát bài: "Trông cây lại nhớ đến Người". Rồi chị lại ở đấy trông về bên bờ bên kia hát bài: "Câu hò bên bờ Hiền Lương". Hát bằng loa Trung Quốc, loa này cứ phải dùng tay bóp công tắc loa thì mới phát ra được tiếng hát, nhưng cứ hát lại quên bóp, mà đến khi nhớ ra bóp được cái loa lại quên hát. Mỗi lần như vậy, anh Chính trị viên lại vỗ cho một cái vào vai thì nhớ ra để bóp và… hát.

Giặc Mỹ đánh xuống Cửa Việt, giao thông ở Cửa Việt đi lại cực kì khó khăn, chỉ đi một đường chân thôi, nếu không là sẽ mất mạng. Chị nhớ một lần đến Cửa Việt gặp một người quen ngày xưa anh ở Học viện Quân sự. Số là, trước khi vào chiến trường năm 1966, chị học 6 tháng triết học và y lý ở tỉnh Hưng Yên để chuẩn bị đi B. Anh cũng học ở đó. Đám học sinh của hai trường hay giao lưu thân thiết.

Lúc ở Cửa Việt, anh em gặp nhau mừng lắm, anh dí dỏm nói: "Ngày xưa là tao thích mày lắm đấy!". Hai anh em cười cười đùa đùa, chị vui miệng bảo: "Ở trong này gặp được nhau thật là vui, không biết anh em mình sẽ còn gặp nhau bao nhiêu lần nữa rồi thì chiến tranh kết thúc nhỉ?" . Đến khi chị quay trở lại thì đơn vị ấy xóa sổ hết. Không còn một ai. Thế là chị khóc. Chị bảo: "Dù sao có những tình cảm của tuổi đầu đời, bước chân đi với tình thân của đồng chí, đồng đội, họ đã hy sinh từ khi còn rất trẻ. Những tâm hồn trong sáng, và hy sinh cho lý tưởng, sẽ không bao giờ mình có thể quên được!". Sau này, khi ra Bắc, chị đến nhà anh ở Cửa Nam thắp hương cho anh.

Cuộc chiến khi địch rút hết ra Cửa Việt, bộ đội ta lấy dù của lính Mỹ ngụy chết trận ra làm chiến lợi phẩm. Rồi khi đánh vào Ái Tử, dân quân ta lại lấy những dây điện nhiều màu sắc tết lại gửi ra Bắc làm quà kỉ niệm… Cuộc chiến tranh mỗi lúc một khốc liệt, mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị thấm đẫm máu và nước mắt.

Những người lính trúng đạn bị thương, được đưa vào trong hang, ở ngoài bom vẫn thả, đạn vẫn bắn, chị đã cất tiếng hát cho các anh bộ độ nghe khi các anh phải mổ mà không có thuốc giảm đau. Do thương vong quá nặng, rồi các anh cũng “đi”. Chị vẫn nhớ những khuôn mặt như thế. Thời gian tuy đã xa nhưng kỉ niệm luôn luôn ở trong tâm khảm.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình rồi, chị bảo: "Mình may mắn còn sống sót trong khi nhiều đồng chí đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường thì mình phải sống như thế nào?! Điều mong nhất là làm sao phải có sức khỏe,  vì mình có sức khỏe thì mình mới làm được con đường của mình. Hiện giờ mình không hát được như hồi trẻ nhưng nếu hát vẫn phải hát một câu hát cho trọn vẹn".

Chị không thích xem các thông tin trên mạng internet. Chị bảo: Khen chê với chị bây giờ tốt nhất là nên tránh. Ở dưới mỗi bài báo, độc giả bình luận, nghệ sĩ vốn nhạy cảm, người ta chỉ cần nói một câu không đúng là mình sẽ đau lòng. Tốt nhất mình cân bằng cuộc sống, làm những việc mình cho là việc tốt. Năm 2007 chị chính thức nghỉ hưu, một năm sau chị chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống với chồng và con. Cứ mỗi độ Tết đến, năm nào tuy ở giữa đất Sài Gòn chị cũng phải có cành đào. Mai thì năm có năm không, nhưng đào thì không bao giờ thiếu, vì nhìn thấy đào là chị lại nhớ đến miền Bắc. Chị cứ cảm thấy Hà Nội như trái tim mình.

Chồng chị là Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Ngọc Đỉnh, từng bắn rơi 6 máy Mỹ. Đến dịp Tết, ngoài Hà Nội gửi đào vào. Có những cây đào thế rất đẹp. Nhưng chị thích cây đào phai và cũng rất thích mùi thơm nồng nàn, say đắm của hoa ly. Còn tại sao lại cắm hoa ly thì đó là những bí mật không nói vì chị muốn giữ riêng cho chị. Mà ai chẳng có những điều bí mật? Chị nhớ cái lạnh căm căm của miền Bắc.

Nhớ những cơn mưa xuân lất phất đâm chồi non lộc biếc, mà chị bảo không thể nào bỏ gia đình để ra ngoài này để ăn Tết một mình. Chị có hai cô con gái. Người con cả có dự án riêng đang sinh sống ở nước ngoài, con gái thứ hai đang làm tiếp viên trưởng Vietnam Airlines, con rể làm cơ trưởng, Tết cả hai vợ chồng con gái và con rể càng bay nhiều hơn, khi con vắng nhà chị quây quần cùng chồng và các cháu.

Tôi nhìn thấy trên bàn những củ su hào, cà rốt, súp lơ… Chị bảo lát nữa thôi chị ra sân bay, mang vào trong Nam để mai nấu cho chồng con thưởng thức hương vị Hà Nội. Chị tóc búi cao, điện thoại cho đến giờ vẫn chỉ dùng để nghe và gọi.

Chị kể chị cũng không có nhiều quần áo, chỉ có nhiều áo dài và những bộ bà ba để lên sân khấu, còn ở ngoài thì đơn giản lắm. Và cao hứng, chị hát cho tôi nghe câu hát ru bằng giọng hát ngọt ngào truyền cảm. Vẫn là nét đẹp thật đôn hậu và giản dị. Nét đẹp từ thần thái toát ra khiến người ta trân quý, một phẩm chất cách mạng của những người lính Cụ Hồ năm xưa. Yêu chị biết bao, người con gái Việt Nam, năm xưa đi trong mưa bom đạn lửa…

Trần Mỹ Hiền
.
.