NSND Xuân Huyền: Đã về nơi xa lắm

Thứ Tư, 02/12/2020, 14:28
Ngày cuối cùng tháng 11, giữa những làn gió lạnh đầu đông, đoàn người vào viếng NSND Ngô Xuân Huyền, người đạo diễn nức tiếng của sân khấu nước nhà. Từ lâu, trong lòng người hâm mộ, NSND Ngô Xuân Huyền, cùng với NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng đã trở thành tên tuổi của sân khấu đương đại Việt Nam. Và giờ, một người đã ra đi, để lại khoảng trống mênh mông và lòng thương tiếc khôn nguôi...

Tại nhà tang lễ ở quận Cầu Giấy, những gương mặt nghệ sĩ thân quen đến để tiễn đưa người đồng nghiệp, người thầy của mình xếp thành hàng dài. Người ta gọi đạo diễn NSND Ngô Xuân Huyền là “ông đồ xứ Nghệ”.

Quê ông ở Thanh Nam, Thanh Chương, Nghệ An. Và ông đồ xứ Nghệ ấy, sau nhiều năm chống trọi lại với bệnh tật thì ra đi vào một ngày đầu đông. Ai biết về sân khấu hẳn không thể không biết đạo diễn NSND Ngô Xuân Huyền vì tài nghệ, sự tài hoa và sự kĩ tính vô cùng trong nghề. Nhưng, gần rồi, biết rồi mới hiểu có một NSND Xuân Huyền rất khác nằm trong con người ông.

NSND Lan Hương hiện nay là giảng viên Khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội  bồi hồi, thương tiếc người thầy lớn của mình: “Với tôi và những đồng nghiệp của tôi, NSND Xuân Huyền là đạo diễn thể loại kịch chính luận bậc thầy, chưa ai vượt qua. Mình tuy không được học thầy về nghiệp vụ đạo diễn nhưng những vở diễn của mình có thầy làm đạo diễn thị phạm mình nhận được rất nhiều. Thầy rất chiều theo ý kiến của mình, thầy cho phép mình tư duy đạo diễn trong vở diễn mà mình có vai. Thầy luôn nói là Lan Hương có tư duy đạo diễn tốt lắm, năng khiếu trời cho, diễn xuất lại tốt nữa và tự mình được thầy cho phép thêm bớt thoại. Thầy khen mình có khả năng viết... Nhiều lúc thầy nói... Trời ơi, sao Lan Hương không cao lên 10 cm nữa thì quá hoàn hảo... Tôi khâm phục cái đầu của cô... Cảm ơn thầy... Cảm ơn chú, người luôn mang đến cho cháu sự tự tin...”.

Tấm ảnh chụp cả 3 NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSƯT Chí Trung khi còn trẻ và ở giữa là đạo diễn, NSND Xuân Huyền

Nói đến đây, NSND Lan Hương lục giở tấm ảnh khi xưa. Tấm ảnh có 4 người, NSND Lan Hương cùng NSND Anh Tú, NSƯT Chí Trung, khi đấy cả ba mới chỉ ở tuổi đôi mươi. Ở giữa là người thầy, đạo diễn NSND Xuân Huyền trạc tuổi trung niên. Khi đấy, tất cả rạng ngời, tươi rói... Lan Hương cất giọng buồn bã: “Vậy là có hai người đàn ông trong ảnh gắn bó với sự nghiệp sân khấu của mình đã đi xa...”. 

NSND Anh Tú, nguyên Phó Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam (trước khi sang công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, anh đã có thời gian hàng chục năm gắn bó ở Nhà hát Tuổi Trẻ. NSND Lan Hương nói: “Giờ thầy trò họ (NSND Xuân Huyền - NSND Anh Tú) gặp nhau ở bên đấy. Nếu có kiếp sau rồi những người con của sân khấu lại quay cả về với sân khấu, để tiếp tục sự nghiệp...”. 

Nói đến học trò cưng của “ông đồ xứ Nghệ” Xuân Huyền, không thể không nhắc đến NSND Lê Khanh. NSND Lê Khanh vẫn vậy, với dáng vẻ yêu kiều và nền nã rất riêng của người con Hà Nội, từ khi hay tin người thầy của mình mất, lòng chị tràn ngập nỗi nhớ thương. Những kí ức cứ ùa về khi xa, khi gần. Những chuyện của ngày nào mà cứ như mới hôm qua, tất cả như thước phim sống động.

Cố NSND Xuân Huyền.

Chị bảo: “Ngoài NSND Xuân Huyền vô cùng nam tính, kể cả sự khí khái trong nghề, sự gai góc, kiên định với quan điểm nghệ thuật của mình, nổi tiếng kĩ tính đến khó tính thì còn có một Xuân Huyền khác, rất khác. Khi mọi người biết đến một Xuân Huyền khác đấy chính là khi người bạn đời thân yêu của thầy đột ngột ra đi, để lại một khoảng trống vô cùng lớn trong thầy. Trước đây, khi người bạn đời của thầy còn sống, mỗi khi đi dựng vở ở đâu, ông luôn mang theo vợ đi cùng. Người ta bắt gặp hình ảnh một vị đạo diễn cao to lừng lững, bên cạnh là người vợ hiền nhỏ bé. Người bạn đời luôn song hành ở bất cứ nơi đâu, tận tâm chăm sóc cho chồng, chia sẻ tâm huyết khi làm nghề, hứng chịu nỗi niềm đôi khi như dông tố, với trắc trở chông gai trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của chồng. Bà là khán giả đầu tiên với những vở diễn của chồng. Họ đã bên nhau băng qua mọi thứ để đón ánh bình minh rực rỡ. 

Nhưng rồi, người bạn đời ấy mất đi, học trò của thầy chỉ thấy thầy lầm lũi một mình, thầy như rơi vào khoảng trống lớn, sự chông chênh, trống vắng, và ở đó là sự gào thét của cả sự tuyệt vọng nữa. Các học trò của thầy phải thốt lên: “Trời ơi, người thầy của mình đây sao? Thầy mong manh, dễ vỡ quá!”.

NSND Lê Khanh bảo: “Rất ít khi thấy thầy bằng lòng với các nghệ sĩ trong biểu diễn. Thầy luôn đòi hỏi phải hay hơn, hấp dẫn hơn, hoàn hảo hơn... Làm việc với thầy, ai không quen thì sẽ rất sốc vì năng lượng ngùn ngụt trong thầy và đặc biệt không khí lúc nào cũng rất căng...”.

Đạo diễn, NSND Xuân Huyền với vở diễn Nhà có 3 chị em gái.

Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Lê Khanh đã hóa thân vào hàng trăm vai diễn và ở vai diễn nào chị cũng có dấu ấn rất riêng. Nhưng, có một vở kịch không thể không nhắc đến - vở “Bến bờ xa lắc” của tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Xuân Huyền. Cách đây vừa tròn 24 năm, đó là vào năm 1996, khi đấy Nhà hát Tuổi Trẻ tập vở “Bến bờ xa lắc”. Đọc kịch bản ai cũng cho là hay, rất đời và có phần mềm mại. Lúc đấy, đạo diễn Xuân Huyền đang trên sân khấu thị phạm cho diễn viên, bên dưới là tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh ngồi chăm chú quan sát. 

Đến khoảng nghỉ, chị mới nói với đạo diễn: “Anh ơi, hình như không phải vở của em”. Lúc đấy, mọi người đều nghe thấy tiếng “rầm”, quay ra thấy đạo diễn Xuân Huyền mặt đỏ tía tai, tay đập xuống bàn, giọng vang lên nghe chắc nịch: “Không phải là vở của chị thì là vở của ai? Chị xem tôi có thêm bớt, cắt xét một từ nào trong kịch bản của chị đâu?”. Bầu không khí vô cùng căng thẳng, ngột ngạt đến nghẹt thở. Tác giả nhẹ nhàng bảo: “Em thấy kịch của em không căng quá như thế!”... 

Sau màn xung đột tưởng như tan vỡ tất cả là sự im lặng đến rợn người. Lúc sau, mọi người tản ra và đến khi quay lại để diễn tiếp, họ đã tìm ra chìa khóa của sự sáng tạo. Thì ra, trong lúc căng quá, căng đến nghẹt thở ở trong vở kịch lẫn ngoài đời thì chỉ một trò diễn nhỏ đã làm mềm lại sân khấu. Và, sau này, đó cũng là cảnh được coi là một trong những cảnh thành công nhất của vở diễn.

Mùa hè năm đó, nhà hát chọn vở này đi hội diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Ninh Bình. Vở diễn được huy chương vàng, Lê Khanh cũng được huy chương vàng. Vở diễn lôi cuốn, hấp dẫn đến độ gây nên một cơn sốt trong giới sân khấu và khán giả. Ngay tại thời điểm đó và nhiều năm sau này, người ta nghe thấy các bạn nghề vẫn thường nhắc đến “Bến bờ xa lắc”.

Các học trò và đồng nghiệp đến thăm NSND Xuân Huyền khi ông đang trong bệnh viện.

Khi đảm nhận vai diễn trong vở kịch này, NSND Lê Khanh mới ở tuổi 34, vừa sinh con gái đầu lòng. Bé Hến được 12 tháng và đang mang thai đứa con thứ hai. Chị kể, lúc đó cả đoàn hi vọng vào vở diễn lắm, ai nấy đều cố gắng và bản thân thầy Huyền thì khá xốn xang, sốt ruột. Sau thời gian dài tập vở, đến tối tổng duyệt thì Khanh bị động thai. Mà chị lại đảm nhận vai chính, rất khó tìm ra người thay thế. Tất cả vé mời đều đã được gửi đi, 8 giờ tối, cán bộ lãnh đạo thành phố, trên Bộ Văn hóa, sở sẽ về dự. 

Đến giờ, không thấy Lê Khanh tới, Đạo diễn Xuân Huyền vô cùng sốt ruột, thời điểm đấy thông tin liên lạc không dễ dàng như bây giờ. Mọi người đều vô cùng lo lắng vì mất tích diễn viên chính. Lê Khanh lúc đấy đang ở viện C, tâm trạng rối bời, lo lắng. Chị bảo với bác sĩ: “Chị ơi, tối nay có vở tổng duyệt, giấy mời đã phát đi hết. Mà em đến giờ này vẫn còn nằm ở đây”. Nữ bác sĩ ôn tồn trấn an: “Em yên tâm, bây giờ thời buổi hiện đại, có thuốc tốt, chị sẽ tiêm cho em một mũi, giữ thai ổn định trong vòng 3 tiếng, em có thể biểu diễn được”. 

Sau khi được tiêm thuốc ổn định, Lê Khanh lao như bay về nhà hát, vừa nhìn thấy Khanh, thầy Huyền đã vội vàng nói trong hơi thở gấp: “Con vào trang điểm nhanh lên, mọi người đang đợi”. 

Một điều kì diệu đã xảy ra, tối hôm đó, vở diễn thành công trên cả mong đợi. Chị nhìn thấy trên khuôn mặt của ông lấp lánh tia hạnh phúc của người yêu nghề, sống chết vì nghề. Và, chị cũng phấp phới một niềm tin, một tình yêu: rằng đã mang lại hạnh phúc cho mình và mọi người. Tối đó, cả đạo diễn, tác giả, diễn viên đều vỡ òa trong cảm xúc. Họ không thể nói lên lời, chỉ trao nhau bằng ánh mắt. Ngay sau đêm biểu diễn, chị lẳng lặng quay lại bệnh viện để điều trị. 

Sự việc này cho đến ngày hôm nay cũng không ai biết cả. Và khi thầy mất, những hình ảnh cũ cứ ùa về, hiển hiện trước mặt như một bộ phim không lời.

Vở kịch “Bến bờ xa lắc” khi ra đời đã được chào đón nồng nhiệt ở khắp các tỉnh, thành cả nước. Vở được diễn liên tục trong 7 tháng, không ngừng nghỉ. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, sân khấu 5B Võ Văn Tần, vở diễn này có những hôm đạt kỉ lục ngày 3 ca. Giờ thì “Bến bờ xa lắc” đã chìm vào giấc ngủ và đạo diễn NSND Xuân Huyền cũng đã đi xa lắc. Mọi điều đã trở thành kỉ niệm.

Trần Mỹ Hiền
.
.