NSƯT Quang Hưng : Cuộc đời như một khúc quân hành

Thứ Sáu, 16/05/2008, 11:45
Suốt 50 năm, NSƯT Quang Hưng được biết đến như một ca sĩ gắn bó với quân đội và những ca khúc ngợi ca về vẻ đẹp bộ đội Cụ Hồ. Ông cũng chính là người đã cất cao lời hát "Tiến về Sài Gòn" vào trưa ngày 30/4/1975 trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn mà quân ta tiếp quản.

Đến thăm người nghệ sĩ già vào những ngày cả nước kỷ niệm 33 năm ngày Đất nước thống nhất. Nhắc lại hồi ức, ông không khỏi những rưng rưng...

Từ chú bé “Gavơrốt” và  những bản hùng ca

Hà Nội một ngày mùa đông năm 1946. Tất cả ngọn đèn phụt tắt khi đạn của pháo binh ta từ pháo đài Láng nã vào Cửa Bắc, Cửa Đông, dội xuống đầu đội quân viễn chinh cướp nước. Và cũng cùng lúc ấy, một giọng hát trong trẻo, trẻ trung cất lên. “Cảm tử quân”, “Du kích ca” rồi “Diệt phát xít” như những ngọn lửa hừng hực cháy lan tỏa khắp các chiến hào.

Trong giọng hát ấy, người ta nhận ra khí thế quyết tử của người chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, nhận ra những giọt nước mắt thầm lặng đổ dài trước lá cờ Tổ quốc thiêng liêng được phủ lên những chiến sĩ cảm tử. Sáu mươi ngày đêm kháng chiến bùng nổ, tạm biệt mẹ và Hà Nội thân yêu, chú bé 13 tuổi Quang Hưng đã trở thành chiến sĩ - ca sĩ theo chân các chiến sĩ tiến bước trên mọi nẻo đường gian khổ của dân tộc.

“Tôi đã ra đi sau 60 ngày đêm sống chết với thủ đô và để lại chiếc áo nâu mẹ may cho hôm nào. Tôi không gặp lại mẹ cho đến năm 1954. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, mẹ tôi đã giữ chiếc áo đó và lấy ngày 19/12, Ngày Toàn quốc kháng chiến làm ngày giỗ của  tôi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn giữ chiếc áo như một kỷ vật vô cùng quý báu của cuộc đời chú bé tí hon năm xưa”.

Chao ôi, thì cũng vì cái kỷ niệm đơn sơ ấy để mà sau này, khi trải qua cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bôn ba qua nhiều chiến dịch thì trong sâu thẳm tâm hồn, với Quang Hưng, mẹ vẫn là một góc ân tình sâu đậm nhất.

Năm 1948, Quang Hưng tham gia Đội Tuyên truyền của Trung đoàn Thăng Long rồi về Bộ Tư lệnh Liên khu III. Năm 1954, anh chiến sĩ cao xạ trẻ tuổi Quang Hưng tham dự cuộc thi hát toàn quân “Người lính hát hay và hay hát” đã đoạt giải nhất, được Tổng cục Chính trị điều về Đoàn Ca múa Tổng cục làm ca sĩ và năm 1957 cùng Đoàn Ca múa tham dự Liên hoan Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ 6 tại Moskva.

Sau đó Quang Hưng được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô). Trở về phục vụ đất nước, ông đã cùng Đoàn Văn công giải phóng miền Nam thăm và biểu diễn tại 7 nước xã hội chủ nghĩa với tư cách là một nghệ sĩ đơn ca,  kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc.

Sau này có dịp vào TP HCM gặp lại Lưu Hữu Phước, hai con người tài danh ấy ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bảo: “Quang Hưng thấy bài Tiến về Sài Gòn của chúng mình có ngon lành không”. Ông ứa nước mắt bởi câu nói ấy, nhạc sĩ đã dùng từ “của chúng mình”, đã coi ông như một phần, là đồng tác giả của bài hát. Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Quang Hưng vẫn thấy trong cuộc đời có nhiều sự kiện như chân lý.

Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài “Tiến về Hà Nội” năm 1949, lúc đó thực dân Pháp tiếp tục  xâm lược đất nước  ta, quân và dân đang phải tạm thời sơ tán lên vùng kháng chiến nhưng những lời ca cao vút về ngày toàn thắng, ngày giải phóng thủ đô vẫn được Quang Hưng và đồng đội hát lên trên những mâm pháo, những căn cứ địa để rồi, 6 năm sau, năm 1954, chân lý đã được khẳng định, chúng ta đã “Năm cửa ô tiến về” giải phóng thủ đô. --PageBreak--

Cũng như ca khúc “Tiến về Sài Gòn” trong trận đánh Mậu Thân 1968. Cuộc kháng chiến đang hồi cam go ác liệt, nhưng rồi 8 năm sau, tháng 4/1975, lời ca và nhịp điệu hùng hồn: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô...” hiện lên như ca khúc khải hoàn của một chân lý bất diệt.

Người ca sĩ đầu tiên hát bài “Tiến về Sài Gòn”

Cuộc chiến tranh chính nghĩa sẽ nhất định thắng lợi, đó là chân lý không chỉ riêng ông mà tất cả người dân Việt Nam thuở ấy đều tin vậy và nó hoàn toàn có cơ sở. Ông thả hồn về những ngày cách đây 33 năm. Hơn 30 năm, lớp bụi thời gian đã dày thêm lên trong ký ức, nhưng với con người đã kinh qua hai thời kỳ hào hùng của dân tộc thì mỗi kỷ niệm vẫn như còn nguyên vẹn.

“Năm 1968, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ra Hà Nội đưa tôi bản nhạc “Tiến về Sài Gòn”  yêu cầu tôi ghi âm, một bản hát bằng tiếng miền Bắc, một bản nhất thiết phải hát bằng giọng miền Nam. Mãi sau này, tôi mới biết, anh Lưu Hữu Phước mang vào miền Nam hai băng ghi bài hát này.

Một băng anh giao cho nhóm chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Trận đánh không thành, các chiến sĩ hy sinh, băng nhạc cũng mất.

Băng thứ 2 anh cất giữ cẩn thận. Mùa xuân 1975, anh trao lại cho cánh quân đánh chiếm Đài Phát thanh. Trưa 30/4/1975, tôi theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn, vào lúc 12h15’, Đài bỗng im bặt, chợt tiếng nhạc hùng tráng bài "Tiến về Sài Gòn" vang lên. Tôi thót tim khi nghe tiếng hát của mình. Ta thắng rồi! Đất nước giải phóng rồi... Tôi bật khóc”.

Quang Hưng đã từng được tặng Huy chương Lênin (Hội đồng Xôviết Tối cao Liên Xô tặng nhân 100 năm ngày sinh Lênin), Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì và rất nhiều giải thưởng khác. Là một người đa tài ngoài giọng hát trời phú, Quang Hưng còn có khả năng viết báo với những kiến thức sâu sắc.

Ông từng tham gia viết cho các báo: Nhân dân, Văn nghệ, Quân đội nhân dân, Văn nghệ Quân đội... Một điều thú vị, đã bước sang tuổi 75 nhưng lòng yêu nghệ thuật và ca hát của ông vẫn còn sâu đậm như thời trai trẻ.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông trong dịp ông chuẩn bị tham gia một chương trình biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2008), trong đó, Quang Hưng sẽ tham gia hai ca khúc: “Tiến về Sài Gòn” (Lưu Hữu Phước) và “Anh quân bưu vui tính” (Đàm Thanh).

Ông tâm sự: "Tôi rất chờ đợi đêm diễn nghệ thuật này. Người nghệ sĩ ở tuổi 75 sẽ hát bằng trái tim và lòng yêu nghề như thuở 35, của thời trai trẻ có cơ hội được góp mặt vào cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để những người cựu chiến binh già như chúng tôi có dịp gặp lại nhau sau bao năm xa cách”.

Góp chuyện với chúng tôi, vợ ông, NSƯT Hoàng Mi bảo, dạo này ông ấy vui lắm. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, trong lòng ông bà lại chộn rộn những cảm xúc khó quên. Điều này cũng dễ hiểu, sống với nhau đã gần 50 năm, nhân dịp ngày lễ này, họ cùng ngồi nghe lại giọng hát thanh xuân ấm áp và hào hùng của thời khắc lịch sử trong chiếc đĩa ông thu bao năm trời.

Bây giờ đối với ông, bà nó như một báu vật. Người con trai đầu của vợ chồng nghệ sĩ Quang Hưng – Hoàng Mi đã có thời gian phục vụ trong quân ngũ, riêng người con trai út hiện đang là thiếu tá quân đội. Anh chơi đàn piano, nối bước con đường nghệ thuật của cha

Hải Châu
.
.