NSƯT Quốc Hưng: Muốn gửi lời tri ân tới những người giữ bình yên cho đất nước

Thứ Năm, 17/08/2017, 10:15
Vào lúc 20h ngày 18-8, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" nhân kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; 72 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Chương trình do Báo Công an nhân dân phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân và các đơn vị chức năng tổ chức. Tại chương trình này, các nghệ sĩ có dịp được hát những ca khúc tôn vinh, ngợi ca Hồ Chủ Tịch, ngợi ca người chiến sĩ trong suốt cả chặng đường 72 năm đã làm nên những chiến thắng, những thành tựu vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt Tổng đạo diễn chương trình lần này là ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng (sinh năm 1970) anh hiện là Tiến sĩ, Phó Khoa Thanh nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Gặp NSƯT Quốc Hưng khi anh đang tập luyện ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình",  một ca khúc mà nhạc sĩ, tác giả Đinh Trung Cẩn đã tự phối khí gửi tặng Quốc Hưng.

Khi bản phối lần đầu tiên được gửi ra, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi đã nghe và lập tức đề nghị nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tăng thêm màu sắc của kèn cor (một loại kèn đồng trong dàn nhạc giao hưởng). Âm sắc cor với những âm thanh vừa gần vừa xa, vừa vang lại như có sự kìm nén đã khiến cho phần phối khí của tác phẩm trở nên hiệu quả hơn. Đây cũng là ca khúc kết của chương trình "Âm vang chiến công" kỷ niệm ngày 19-8 sắp tới.

NSƯT Quốc Hưng.

Không chỉ riêng NSƯT Quốc Hưng mà các ca sĩ, nghệ sĩ đều toát lên sự tươi tỉnh và phấn chấn. Họ bảo, được hát đã là một niềm hạnh phúc, hát các bài hát ca ngợi công lao của những người lính vì độc lập tự do cho Tổ quốc thì càng hạnh phúc hơn. Họ hát như là gửi tấm lòng tri ân đến các lớp người đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc, cho ngày hòa bình ấm no...

NSƯT Quốc Hưng vẫn thường được giới chuyên môn gọi bằng một cái tên thân thuộc "Hưng Bass" bởi anh có chất giọng nam trầm số một Việt Nam hiện nay. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh được thừa hưởng nét hào hoa, phong lưu của người con Hà thành, vừa có sự tự tin, mạnh mẽ của một người đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Gặp Quốc Hưng, luôn thấy anh điềm đạm, nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy ân cần, chu đáo, dù đó là với một người mới gặp hay đã là bạn lâu năm. Nhiều lần, tôi có dịp gặp anh khi đang trên lớp học chỉ dạy các cô cậu học trò thanh nhạc. Anh vừa đệm piano, vừa xướng âm cho học trò, lúc đó, tình thầy trò như thể cha con, anh em, người thân thích. Quốc Hưng cho rằng, có được những năm tháng đẹp đẽ này, là vì bản thân anh, đã nhận được rất nhiều tấm chân tình của cuộc đời. Có những người thầy, người cô đồng thời cũng là ân nhân của chính anh.

Trước khi trở thành một ca sĩ dòng nhạc đỏ, Quốc Hưng đã từng là một diễn viên chèo. Anh đã có 3 năm theo học và làm việc tại Đoàn chèo Hà Nội. Hồi ấy, khi anh còn gầy gò, mảnh mai, thường được đạo diễn cho đóng cặp vai hoàng tử với nghệ sĩ Quốc Chiêm. Tuy nhiên, có những thời điểm sân khấu chèo ế ẩm, khán giả gần như không có. Khách thưa thớt, không có khán giả thì diễn viên không có tiền, rạp vẫn phải sáng đèn dù chỉ có dăm ba người khách.

Thời bấy giờ Quốc Hưng toàn vào vai "kép" chính vừa đẹp cả chất giọng lẫn ngoại hình, thực sự là "của hiếm" đối với sân khấu. Nhưng "lực bất tòng tâm" vì rạp vắng khách. Những lúc buồn, anh cùng vài người bạn hay lang thang đến Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Vì Đoàn chèo Hà Nội ở ngay Nguyễn Đình Chiểu, gần Cung nên những lúc rảnh rỗi anh thường cùng bạn bè qua chơi, xem hát.

Thế rồi như là một cơ duyên, một lần anh đi cùng bạn đến xin học lớp thanh nhạc của NSND Quý Dương, bạn thử giọng xong thì Hưng đứng ngay cạnh nên cũng được thầy mời vào thử giọng. Sau khi nghe Quốc Hưng hát, NSND Quý Dương khuyên anh nên thi vào trường nhạc vì anh có một chất giọng rất đặc biệt. Thầy còn viết hẳn một lá thư tay đưa cho anh mang đến gửi cô Diệu Thúy để xin thi. 

Theo lời thầy, Quốc Hưng mang thư tay đến nhưng cô Diệu Thúy yêu cầu anh vẫn phải thi như nhiều thí sinh khác vì đó là ngày cuối cùng tuyển sinh khóa học năm ấy. Hưng chưa làm hồ sơ đăng ký dự thi mà vẫn được tham gia, coi như là một đặc cách rồi.

NSƯT Quốc Hưng và vợ.

Dĩ nhiên, cuối cùng anh đỗ, mà đỗ với điểm số khá cao. Đó là một bước ngoặt thay đổi cuộc đời của NSƯT Quốc Hưng khi vào môi trường đó, anh được NSND Trần Hiếu giảng dạy và dìu dắt. Phải mất gần 2 năm anh mới có thể "quên" được lối hát luyến láy, í a vốn là đặc trưng của nghệ thuật chèo nhưng lại không phù hợp với dòng nhạc cổ điển mà anh đang theo học.

Trong ký ức của NSƯT Quốc Hưng, Trần Hiếu là một Nghệ sĩ nhân dân mẫu mực, người thầy dạy chuyên ngành thanh nhạc từng gắn bó với anh trong suốt chặng đường dài từ trung cấp lên đại học. Trong suốt 9 năm học Nhạc viện, chỉ có một thầy, một trò cùng cây đàn piano với vô vàn kỷ niệm không thể nào quên.

Thời đó, sinh viên rất nghèo, thầy cũng không khá giả gì, thế nhưng thầy vẫn dành dụm tiền cho Hưng vì sợ anh ngất, không đủ sức khỏe học tập. Mùa đông lạnh quá, Quốc Hưng thỉnh thoảng ngủ, thầy Hiếu lên tận ký túc xá gọi "Hưng ơi, dậy đi học" đầy yêu thương, trìu mến.

NSƯT Quốc Hưng tâm sự: "Chính tình cảm của những người thầy, người cô như thầy Hiếu và nhiều thầy cô khác dạy chúng tôi không chỉ âm nhạc, mà còn dạy bài học làm người. Đó cũng là lý do sau này, khi tốt nghiệp, tôi xin được ở lại trường giảng dạy và tiếp nối sự nghiệp nhà giáo. Tôi cũng muốn nối nghiệp các thầy, chở những chuyến đò sang sông để có thể mang lại một điều gì đó thật sự có ích. Hiện nay, nhiều học trò của tôi cũng đã trưởng thành, các em bay đi mọi chân trời. Những ngày vui gặp lại chúng tôi nhiều thế hệ mừng vui và hạnh phúc lắm!".

NSƯT Quốc Hưng khẳng định rằng, nếu không thi và học Nhạc viện, thì có lẽ, không có những bất ngờ và những khúc rẽ cuộc đời đến với anh. Như "cá gặp nước" nên từ thời sinh viên, Quốc Hưng đã tham gia nhiều cuộc thi và giành được nhiều thành tích đáng kể. Năm 1998 sang tập huấn tại CHLB Đức, sau đó trở về đóng vai vị thần Erimits trong vở nhạc kịch "Viên đạn thần" nổi tiếng thế giới của Veber.

Liên tục sau đó, nhiều giải thưởng như có duyên gắn bó với anh: Giải Nhất cuộc thi hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần thứ 2 năm 2000. Cùng năm này anh đoạt cúp Bạc Liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên). Năm 2003 anh tham gia vở opera hiện đại "Vụ án tình yêu" cùng với các nghệ sĩ Mỹ. Năm 2004 đoạt cúp vàng Liên hoan Âm nhạc quốc tế tại Bình Nhưỡng.

Năm 2007 Quốc Hưng đóng vai Saratro trong vở nhạc kịch "Cây sáo thần" của thiên tài âm nhạc thế giới A.V Mozart. Ngoài giảng dạy, anh tham gia biểu diễn, sáng tác các vở nhạc kịch để giảng dạy cho sinh viên. Anh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nhưng song hành cũng phát hành nhiều album, DVD như "Những bản tình ca đỏ", "Hà Nội ơi, thầm hát...".

NSƯT Quốc Hưng và người thầy của mình, NSND Trần Hiếu.

Tôi đặc biệt ấn tượng khi đọc trong bìa album (ấn phẩm CD) Quốc Hưng đã ghi dòng chữ: "Hát cho người nằm xuống. Hát cho người bước đi...". Đó là tâm huyến của một người trẻ, một thế hệ đi sau đang thể hiện tình yêu đất nước quê hương bằng một cách khác. Một sự tiếp bước thế hệ và nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Chúng ta nghe nhạc là nghe cả tinh thần ấy. Có lẽ bởi vậy mà những ca khúc do Quốc Hưng thể hiện có sức lay động ở những lứa tuổi khác nhau.

Anh chia sẻ: "Tôi không ra album nhiều, nhưng mỗi sản phẩm ra đời, tôi đặt toàn bộ tình cảm và tâm huyết vào trong từng câu chữ và hơi thở. Với sản phẩm âm nhạc mới này, tôi ít sử dụng giọng trầm và hát theo lối hát nhẹ nhàng để người nghe cảm thấy dễ chịu hơn, đi vào lòng người hơn".

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khi nghe NSƯT Quốc Hưng hát, đã nhận xét: "NSƯT  Quốc Hưng sở hữu một giọng hát hiếm đối với nền nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam hiện nay: Giọng bass. Hiếm ở chỗ với đặc điểm về giọng nói của người Việt chủ yếu chúng ta phù hợp và phổ biến giọng nam trung.

Trong khi, Quốc Hưng giọng trầm lại có thêm lợi thế về chất giọng khỏe khoắn, truyền cảm, có thể thể hiện được đa sắc thái. Từ trữ tình, bi thương tới kịch tính, dữ dội. Điều này có được không chỉ bởi giọng hát đặc sắc mà còn trải qua một quá trình dài luyện tập. Tôi cho rằng bên cạnh thời gian học với NSND Trần Hiếu cùng các thầy cô ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì thời gian học chèo chuyên nghiệp đã giúp giải quyết cho Quốc Hưng rất nhiều điều mà một nghệ sĩ cần như giải phóng cơ thể, cách biểu đạt tâm lý nhân vật bằng các động tác, bước đi, nụ cười, ánh mắt...

Điều hạnh phúc nhất đối với Quốc Hưng, là ngoài sự nghiệp hanh thông, anh có gia đình hạnh phúc với người vợ yêu từ thuở sinh viên. Chị được bạn bè gọi là Quyên "tì bà" vì chị là nhạc công đàn tì bà. Họ đã có với nhau 2 cô con gái, cũng đam mê âm nhạc như bố mẹ. Chị Quyên chia sẻ, trong cuộc sống, NSƯT Quốc Hưng là người cha, người chồng có trách nhiệm và yêu thương gia đình. Họ luôn cùng nhau đi làm từ thiện để giáo dục con cái tình yêu thương, chia sẻ. Đối với anh chị, gia đình là một bến đỗ bình yên để trở về...

Hỏi NSƯT Quốc Hưng về dự định sắp tới, anh cười vui: Sắp tới anh có nhiều dự án âm nhạc. Ngoài các chương trình kỷ niệm được mời làm đạo diễn, dàn dựng, anh sẽ ra album riêng. Hiện tại, trong thời điểm này, anh đang tập trung cao độ làm đêm nhạc "Âm vang chiến công" để bày tỏ tấm lòng tri ân với những chiến sỹ đã và đang ngày đêm giữ gìn bình yên cho đất nước.

Đồng thời, thông qua các ca khúc cách mạng, ôn lại truyền thống 72 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân; tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng tận tụy vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; Ca ngợi phẩm chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...

Thiên Kim – Mỹ Trân
.
.