NSƯT Tạ Duy Nhẫn: Còn lại niềm vui với nghề

Thứ Ba, 31/10/2017, 17:37
Ông là gương mặt thân quen của nhiều thế hệ trên sân khấu Xiếc, với tiết mục “Xiếc Khỉ” và rất nhiều tiết mục xiếc thú khác từng lấy được tiếng vỗ tay tán thưởng và những ánh mắt dõi theo đầy vui nhộn của khán giả và các em nhỏ.

Giờ đây, ông đã nghỉ hưu nhưng những tâm huyết dành cho những tiết mục xiếc hay, hấp dẫn cũng như việc làm thế nào để khán giả không quay lưng với xiếc truyền thống để khơi dậy lòng yêu nghề đối với những diễn viên xiếc, vẫn là những tâm tư sâu kín mà người nghệ sĩ cả đời theo nghề như ông trăn trở...

1. Gia đình NSƯT Tạ Duy Nhẫn ở tầng 5 căn hộ tập thể Bách Khoa cũ. Mọi thứ khá đơn sơ nhưng sạch sẽ và sáng sủa. Có lẽ vì căn nhà trên tầng cao có nhiều cửa sổ đón ánh nắng và gió trời, lại được bàn tay vợ ông, nghệ sĩ kèn sasophon Ngọc Lan chăm chút tỉ mẩn, dọn dẹp ngăn nắp nên mọi thứ tưởng là cũ kỹ ấy lại trông giản dị và ấm áp.

Khi tôi đến, nhà ông đang sửa lại căn bếp vì tường vôi cũ bị thấm nước nhỏ đầy xuống mỗi khi mưa. Ông lụi cụi cùng thợ làm việc nên bàn tay lấm lem. Ông cười hiền bảo tôi cảm thông vì nhà cửa “lem nhem lắm, nghệ sĩ biểu diễn xiếc gia tài chỉ vậy thôi!”.

Quả thật tôi có đôi chút ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng với một gia đình có 3 đời làm nghề xiếc, từ cụ thân sinh ra ông, NSND Tạ Duy Hiển được coi là người sáng lập ngành xiếc Việt Nam, sẽ ở trong một ngôi nhà khang trang hơn và ở đó có những chiếc tủ để đựng kỷ vật, bao gồm những huy chương danh giá của các thế hệ, những khung ảnh biểu diễn phóng to làm kỷ niệm trong bao nhiêu năm làm nghề của cha con họ. Nhưng trên tường vôi đã cũ úa màu của gia đình NSƯT Tạ Duy Nhẫn chỉ có những bức ảnh nhỏ, xen vào nhau trong một khung ảnh đã bị bụi phủ mờ cùng năm tháng.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn và vợ hiện nay.

Ngồi xuống, ông chỉ vào tấm ảnh người con gái yêu quý của mình, nghệ sĩ xiếc Tạ Thụy Phương, sinh năm 1979. Chị vốn là một tài năng trẻ đã được mời biểu diễn trong Seagame 23. Nhưng một tai nạn hy hữu đã xảy ra. Trong lúc chị biểu diễn tiết mục “dù bay” trên không, do hôm ấy trời gió nên sức gió đã tác động khiến chị bị tuột tay rơi xuống đất ngã bất tỉnh, chấn thương đốt sống cổ.

Tai nạn đó cũng đã khiến chị bị thương tật cong xương cổ và vĩnh viễn mất đi khả năng biểu diễn. Hồi ấy, chị giải nghệ để chữa bệnh. Nói về cô con gái “rượu”, gương mặt NSƯT Tạ Duy Nhẫn thoáng buồn.

Ông chỉ vào bức ảnh của cô con gái chụp thời hoàng kim rồi chia sẻ: “Bây giờ Phương sống ở Tây Ban Nha, hồi đầu thì đi làm nghề nail, bây giờ đi bán thực phẩm chức năng cho các cụ già. Cuộc sống cũng khá chật vật. Xa nhà cũng buồn nhưng con tôi vẫn chưa muốn trở về vì bên đó dù sao khí hậu và môi trường vẫn tốt hơn ở ta, tốt cho sức khỏe con bé. Mỗi năm có thời gian thì con về thăm chúng tôi được một lần. Thấy con vẫn vui vẻ và khỏe mạnh là mừng rồi.

Còn nghề xiếc, xét cho cùng, cũng chật vật lắm, nếu có theo đuổi cho đến bây giờ, chắc cuộc sống vẫn chỉ đến thế. Chỉ có điều, mình yêu nghề và có thứ để đam mê thì cuộc sống thú vị hơn rất nhiều... Như tôi đây, dù đã về hưu 2 năm nay rồi, nhưng sáng nào cũng phải vào đoàn Xiếc để thăm và tập tành với bọn khỉ đã gắn bó với mình trong nhiều năm trời. Xa chúng thì nhớ lắm, vì mình đã gắn bó gần cả cuộc đời với sân khấu, với xiếc, với khỉ”.

2. Nhớ lại những ngày đầu, NSƯT Tạ Duy Nhẫn vẫn cho rằng đối với gia đình ông, biểu diễn xiếc đã thành nghề “cha truyền con nối”. Cha ông, NSND Tạ Duy Hiển từ năm 1922 đã tập hợp môt số con cháu trong gia đình họ Tạ và thành lập nên “Gánh xiếc Việt Nam”. Đây là gánh xiếc đầu tiên do người Việt Nam tổ chức với đầy đủ tiết mục như xiếc thú, nhào lộn, đi xe đạp, đi dây, hề...

Ông cũng được đánh giá là một người dạy thú tài năng với khả năng huấn luyện khỉ, chó, gấu, hổ, voi, ngựa... Đến năm 1958 thì ông đem toàn bộ gánh xiếc của mình gia nhập Đoàn xiếc Trung ương, trở thành đoàn xiếc Thống nhất do ông làm trưởng đoàn. Một năm sau thì trở thành đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay).

Năm 1967 do bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời, thọ 78 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chia buồn: “Được biết cụ Tạ Duy Hiển vừa qua đời. Bác rất thương tiếc. Bác thân ái gửi lời chia buồn đến gia quyến cụ Tạ và đoàn xiếc Nhân dân Trung ương”.

Đối với nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn, cha là một người thầy mẫu mực đã mang đến cho ông nhiều bài học đáng nhớ ở cuộc đời. Ông theo cha đến nơi biểu diễn từ ngày còn để chỏm. 9 tuổi Tạ Duy Nhẫn được cha gửi vào trường Xiếc để theo học chính quy dài hạn. Có lẽ bởi có gen di truyền nên đối với ông, nghề xiếc đã ngấm vào máu. Những tiết mục xiếc người như “Đế trụ”, “Uốn dẻo”, “Thăng bằng trên cao”... đều được ông biểu diễn thành thục.

Nhưng rồi, một bước ngoặt đã đến trong đời ông, đó là khi đoàn lãnh đạo cao cấp của nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ tặng cho Việt Nam 10 chú ngựa đẹp làm quà trong một chuyến thăm. Số ngựa ấy từ thảo nguyên bao la của Mông Cổ đã được về rạp xiếc dưới bàn tay huấn luyện tài ba của Tạ Duy Nhẫn. Từ những chú ngựa “bất kham” ông đã thu phục chúng trở thành những người bạn diễn đón nhận bao nhiêu tiếng vỗ tay của khán giả trên sân khấu với tiết mục nổi tiếng “Ngày hội trên mình ngựa”.

Không chỉ biểu diễn trong nước, tiết mục này sau đó đã được lưu diễn trên nhiều nước trong khu vực. Sau này, ngoài ngựa ông còn huấn luyện voi và đặc biệt là khỉ. Ông cũng đã trực tiếp ra đảo Cát Bà để tìm những chú khỉ thông minh nhất để mang về huấn luyện.

Đối với NSUT Tạ Duy Nhẫn, khỉ là một loại động vật gần gũi nhất. Tưởng rằng, khỉ dễ huấn luyện vì nó có khả năng bắt chước, nhưng thực tình, đây là loài vật khá cáu gắt và chỉ cần mình gồng lên một chút là chúng phá phách ngay. Cho nên loài vật cũng giống như con người, phải tình cảm, chia sẻ, gần gũi và thậm chí là chuyện trò thì mới có thể huấn luyện thành công.

Tiết mục đu dây nhào lộn của Tạ Thúy Phương.

Có được điều này, ông bảo là vì tính cách của ông giống bố mình. Thời còn là huấn luyện viên, ông cụ rất yêu động vật, coi chúng như những người bạn. Có lẽ chính vì biết tính con trai nên cụ Hiển đã định hướng cho Tạ Duy Nhẫn theo ngành xiếc thú.

Nhắc về cha mình, nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn kể lại: “Cha tôi hiền lành là vậy nhưng đã làm việc thì phải đến nơi đến chốn. Có lần, tôi ngủ quên, không dậy tập tành, ông lấy roi da chuyên huấn luyện thú đánh cho tôi ba cái đau nhớ đời. Từ đó không dám dậy muộn nữa. Ông cũng nhắc nhở tôi về tính kiên nhẫn, có lẽ vì thế mà ông đặt tên cho tôi giống như mong ước của ông.

Trong cái nghề xiếc thú này, sự kiên nhẫn phải được đặt lên hàng đầu. Con vật dù có tình cảm thì bản năng của nó vẫn là thứ cao nhất. Không phải làm theo ý mình, nhưng khi đã kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu thì dễ thành công. Chẳng hạn như thế này, có lần đang dạy bọn khỉ, tôi để ý thấy Tứ (tên con khỉ) tập tễnh, ngồi lại kiểm tra thì tôi mới biết cu cậu bị tật ở chân, chân cao chân thấp.

Nhưng từ điểm yếu ấy tôi lại cho thành điểm mạnh. Cu cậu không thể đạp xe thì lái xích lô. Khi lái xích lô thì trông có cái dáng ngộ nghĩnh và hài hước vô cùng. Sau này tiết mục ấy cũng đã nhiều lần lưu diễn nước ngoài và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của khán giả”.

3. Nghề xiếc không chỉ mang lại cho NSƯT Tạ Duy Nhẫn một công việc đầy đam mê, còn mang lại cho ông một mối duyên với người vợ tảo tần xốc vác mọi việc trong gia đình để ông yên tâm dạy dỗ những con thú. Bà Ngọc Lan vốn là nhạc sĩ kèn saxophone cùng làm việc trong Liên đoàn Xiếc. Mối duyên đã đưa họ đến với nhau và có hai người con một trai một gái.

Bà kể: “Ở với nhau thì tôi hiểu tính ông ấy, chứ chắc người ngoài thì khó thông cảm lắm. Một năm gần như 365 ngày phải gặp gỡ bọn thú ấy. Đến nỗi sáng mồng 1 tết, mở mắt ra chưa hỏi han chúc tụng vợ con được câu nào, thì đã bảo ra ngoài rạp xem bọn khỉ nó thế nào!

NSƯT Tạ Duy Nhẫn và con gái Tạ Thúy Phương (năm 2017).

Bây giờ đến lượt cậu con trai tôi cũng theo nghề dạy khỉ của bố. Hai bố con về nhà toàn nói chuyện khỉ thôi. Âu cũng là số mệnh. Nghề xiếc, đấy như cô xem, nhà có gì đáng giá đâu, nhưng quan trọng là cái tình cảm và lòng đam mê. Như cái Phương nhà tôi ấy, cũng vì nghề mà rồi lỡ dở cả một đời. Đến nay đã ngót 40 nhưng vẫn sống ở xứ người. Gia đình tôi như là truyền thống ấy, 3 đời làm nghề rồi, dù có vất vả chật vật nhưng cảm thấy mọi điều vẫn ổn vì ai cũng được sống với đam mê của mình.

Bây giờ dù đã về hưu rồi mà sáng ra ngày nào, ông ấy cũng đến thăm nom, dạy dỗ cho lũ khỉ ở rạp xiếc để thứ nhất không quên nghề, chúng nó cũng không quên động tác, mà ông ấy cũng đỡ nhớ, chứ gắn bó cả đời với chúng nó rồi. Lạ lắm, ông ấy trông hiền lành thế mà con thú nào cũng vừa sợ vừa xoắn xuýt với ông ấy. Như nhà tôi nuôi con chó phốc đây này, ông ấy về tận dưới đường xa tít tắp đã thấy nó ngoáy đuôi, kêu loạn cả lên. Chính vì cái “đồng hồ báo thức” này nên hễ cứ nó loạn xị ngậu reo vui trong chuồng là tôi biết ông ấy về để chuẩn bị dọn cơm ra”.

Trong căn nhà của NSƯT Tạ Duy Nhẫn, nơi trang nghiêm nhất là nơi thờ phụng và đặt bức tượng cụ Tạ Duy Hiển. Ông cụ như một tấm gương cả đời làm nghề để không chỉ những người trong gia đình, mà cả những ai yêu xiếc đều phải học hỏi. Gia đình ông bây giờ cũng khá chật vật vì vợ chồng ông nghỉ hưu, lương hưu mỗi người được gần 5 triệu, con trai ông mỗi đêm diễn được 100 nghìn tiền công, lương chẳng đủ sống và nuôi vợ con nên anh làm thêm bằng việc mở một cửa hàng điện thoại để kiếm thêm thu nhập.

NSƯT Tạ Duy Nhẫn từ ngày về hưu, rảnh rỗi hơn, ông đã lấy tiền dành dụm để mua chiếc xe ô tô 7 chỗ thỉnh thoảng chạy tuyến đường dài hoặc chạy xe chở khách đi du lịch dài ngày. Tuổi ngoài 60 mà có những hôm ông chạy hàng trăm cây số. Những lúc không có khách, ông ra quán rửa xe ô tô cùng người bạn để kiếm thêm thu nhập. Ông bảo, có người bảo ông là nghệ sĩ nổi tiếng mà đi rửa xe làm gì? Nhưng với ông chẳng có gì phải ngại ngần cả, mình làm việc chân chính để kiếm tiền chứ có làm điều gì sai đâu mà sợ.

Tuy ai cũng muốn được làm đúng chuyên môn, nhưng ông giờ đã là hưu trí, để lại công việc cho thế hệ sau tiếp nối. Bây giờ các em, các cháu cần hỏi han, giúp đỡ gì về nghề ông cũng sẵn sàng giúp đỡ, chỉ bảo tận tình và sẵn sàng bỏ công bỏ việc để chăm non, săn sóc cho đàn thú đã gắn bó với ông gần như cả cuộc đời.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế đáng buồn là nghề xiếc đang bị lấn sân bởi nhiều loại hình giải trí khác, chính vì thế mà rạp vắng bóng. Nó đã qua rồi cái thời huy hoàng của ông và những người cùng thế hệ, mỗi lần ra sân khấu là người người chào đón với tiếng vỗ tay tán thưởng và những ánh mắt hân hoan dõi theo.

Sân khấu bây giờ nhiều ghế trống và thưa thớt tiếng vỗ tay động viên. Đó là nỗi buồn chung mà bất cứ diễn viên nào làm nghề xiếc truyền thống hiện nay cũng phải xót xa, tiếc nuối và thậm chí tủi thân, sau những giây phút cười vui tưng bừng trên sân khấu tròn rạp xiếc...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.