NSƯT Thanh Hiền: Muốn tìm đến sự thanh thản, yên bình chốn tâm linh

Thứ Ba, 19/07/2016, 08:15
Vẻ đẹp của chị dung dị, hài hoà, như một loài hoa thơm mát hương đồng, gió nội. Nó gợi cho người ta nhớ, ta mê về vẻ đẹp dịu dàng, man mác của một miền quê yên ả và thanh bình nào đó. Nét duyên dáng âm thầm ấy đã tạo nên một chất rất riêng, không trộn lẫn của diễn viên điện ảnh Thanh Hiền.

Nhiều vai diễn đã đóng đinh cho chị với hình ảnh người mẹ hiền, người vợ đảm đang tần tảo ở chốn làng quê Việt hay người phụ nữ thôn quê cam chịu, nhân vật có số phận trúc trắc buồn khổ.

Thanh Hiền là lứa diễn viên điện ảnh khoá 2, cùng với Phương Thanh, Thanh Quý, Minh Châu, Bùi Bài Bình, Diệu Thuần, Minh "di gan", Vũ Đình Thân, Bùi Cường, Hữu Mười... Lớp diễn viên hương sắc chọc trời khuấy nước tung hoành trên màn ảnh truyền hình suốt thập niên 70, 80, 90 của thế kỉ trước.

Trong lớp diễn viên ấy, cho đến nay, có người đã mất như Phương Thanh, nhiều người lên làm quản lý, đi dạy học, làm đạo diễn… Một số khác vẫn trung thành với nghiệp diễn trong đó có chị.

NSƯT Thanh Hiền.

Diễn viên điện ảnh Minh Châu bảo: "Hồi học ở lớp diễn viên, chị Thanh Hiền xinh nhất lớp". Quả thật, cho đến giờ chị vẫn giữ được nét đẹp thanh tú trên gương mặt trái xoan và dáng vẻ thanh mảnh. Chị không rực rỡ bốc lửa, cũng không ngọt ngào đàn bà. Chị mang vẻ đẹp hoa cỏ dung dị, ấm áp dễ gần.

Đã hơn 30 năm, từ cái ngày  đạo diễn, NSND Huy Thành về Bắc Giang chọn diễn viên cho phim "Chị Dậu"  ông đã bị một cô bé tóc túm đuôi gà gây ấn tượng ở ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Năm bước vào tuổi 19, chị vượt qua hàng nghìn thí sinh khác đến từ mọi miền đất nước vào Trường Điện ảnh Hà Nội học và như duyên định, chị trở thành diễn viên điện ảnh khoá 2 với diễn viên đình đám đã góp phần làm nên diện mạo nền điện ảnh nước nhà.

Chị nhớ như in cái ngày khi mới 20 tuổi, chị là diễn viên đầu tiên trong lớp được làm phim nhựa, (phim chiếu rạp) bộ phim của Đạo diễn NSND Trần Đắc, "Sao Tháng 8" , đóng cùng với dàn diễn viên solist như các cô Thanh Tú, Bích Hằng, bác Trần Phương...  Một dấu mốc, bầu trời nghệ thuật mở ra như đã an bài cho cô gái trẻ sẽ đi suốt chặng đường đời. Để rồi từ đó cho đến nay, hằng trăm vai diễn lớn bé đã qua, cô gái trẻ năm nào giờ đã là người phụ nữ trung niên với những thăng trầm trong cuộc sống.

Quê chị ở Bắc Giang, cha mẹ chị sinh 9 người con nhưng không ai theo nghệ thuật, chỉ có mỗi chị đủ duyên để trở thành một diễn viên. Sau này  chị lấy chồng cũng là một diễn viên công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam, chị chỉ có một cậu con trai duy nhất, sau này học tại Khoa quay phim, Trường Đại học Sân khấu & điện ảnh Hà Nội.

Chị sống trong căn nhà 30m chồng tầng trong khu tập thể của Hãng phim truyện Việt Nam trên con phố cổ Hoàng Hoa Thám. Trong ngôi nhà đó là ba trái tim nghệ thuật nhưng họ có một cam kết, không ai bàn luận đến nghệ thuật. Họ không tranh cãi về phim ảnh. Họ không bình luận về diễn xuất. Họ nói những câu chuyện khác. Những câu chuyện nằm ngoài nghệ thuật.

Chị mang trong mình trái tim đa sầu, đa cảm. Chị biết buồn với nỗi buồn của người khác, biết vui với niềm vui của người khác, và biết đau với nỗi đau của riêng mình. Có những nỗi đau không thể mang ra chia sẻ. Chị chọn cách hoá thân vào nhân vật để chia sẻ với nhân vật, với công chúng. Con người ta luôn có hai mặt. Khuôn mặt hình hài và khuôn mặt tính cách. Người nghệ sĩ thể hiện rõ nhất về phương diện này.

Nhạy cảm trong cuộc sống là thế, tận tâm với nghề là thế, tốt với bạn bè một cách tuyệt đối, dung dị dễ mến.

Không có một người tự trọng nào luôn miệng kêu khổ, hay nằm dài kêu than. Họ vực dậy trong nỗi đau, và lần mò từng bước rồi lầm lũi đi.

Chị là một nghệ sĩ đích thực, lại là một nhan sắc, cuộc đời chị hẳn không thể đi toàn con đường phẳng.

Chị đã có lúc buồn và rơi lệ, đứng ở chân cầu của sự tuyệt vọng, hay không ít lần đứng mỉm cười như đang ở thiên đường của hạnh phúc. Cậu con trai  đã ngoài 30 tuổi mà vẫn cuốn chằm chặp lấy mẹ. Chị bảo, có những ngày đông lạnh giá, cậu con trai nằm vào giường của mẹ, khi mẹ đến, cậu ngồi dậy và nói: "Con vào nằm sẵn để lát mẹ nằm cho ấm". Chị hạnh phúc bởi những điều nhỏ nhoi và giản dị ấy.

Có một câu chuyện đã xảy ra cách đây chục năm về trước, lúc đó chị tưởng chừng như phải bỏ nghề khi mà sự nghiệp đang hồi lên cao. Chính nhờ câu chuyện này mà cho đến giờ chị vẫn thấy có niềm tin nơi tâm linh, và đức Phật, ngày rằm, mồng 1 hàng tháng chị năng đến chùa thành tâm cầu khấn.

Đó là một ngày đông rét mướt, một sáng ra chị thức dậy và thấy đôi mắt của mình như có một vật gì đó khiến cho chị rất khó nhọc để mở mắt. Chị vội vã chạy đến chiếc gương treo, và giật mình thấy đôi mắt của mình sưng to. Ngay hôm ấy chị đi khám, bác sĩ kết luận chị bị bệnh viêm mắt.

Về nhà, mỗi sáng thức dậy là chị soi gương, thấy ngày hôm sau mắt mình càng sưng to hơn ngày hôm trước, đến nỗi nó phồng lên như hai con đỉa ở mắt. Không thể nhận vai được với một đôi mắt như thế. Hàng tháng trời lăn lội ở các bệnh viện, ngay kể cả bác sĩ cũng kê đủ các đơn thuốc nhưng càng uống bệnh càng chẳng có chuyển biến gì. "Con đỉa" đó  bu lên hai đôi mắt của chị, mưng mủ, nhức đến tận óc. Thị lực giảm hẳn xuống. Bác sĩ kết luận:  "Không còn cách nào khác, phải mổ, sau ca mổ hoặc là sẽ nhìn thấy ánh sáng, hoặc sẽ vĩnh viễn mù".

Lúc đó chị đang là gương mặt được yêu thích của phim truyền hình dài tập quen thuộc với những vai người mẹ, người vợ thôn quê chân chất, lành hiền, chịu thương chịu khó, yêu chồng chăm con, nếu ca mổ không thành công đôi mắt chị sẽ vĩnh viễn mất đi ánh sáng. Không còn sự lựa chọn nào khác, chị tự tay kí vào tờ giấy mổ, lại một sự cố trục trặc nào đó xảy ra, sự trì hoãn đó kéo dài đến vài lần trong một tháng.

Chả hiểu, duyên do, trời xui đất khiến thế nào, người ta giới thiệu chị gặp được một nữ bác sĩ ở phòng khám tư nhân. Chị cũng lại tặc lưỡi thử, thôi thì còn nước còn tát, cứ cố hết sức để sau này chẳng phải ân hận. Người nữ bác sĩ ấy khám cho chị xong, đưa chị hai lọ thuốc tra mắt dặn dò kĩ lưỡng, chị về nhà tra mắt thì chỉ sau hai ngày mắt đã êm hẳn. Dăm ngày sau, "con đỉa" ở trên mắt cũng teo đi, và sau khoảng chục ngày thì bệnh dường như đỡ hẳn.

Chị thấy mình như được hồi sinh trở lại, cuộc sống như một phép màu nhiệm. Cậu con trai lúc đó đang là sinh viên đại học. Cậu con trai nói với mẹ: "Mẹ có biết tại sao mẹ lại khỏi bệnh không?". Chị xúc động trả lời con: "Mẹ thấy mình may mắn quá, vì với một người bình thường bị bệnh về mắt đã khổ lắm rồi, còn với một người làm diễn viên như mẹ là thậm khổ. Nhưng, mọi chuyện đen đủi đã qua rồi. Mắt mẹ đã sáng lành lặn trở lại rồi…".

Cậu con trai lúc đấy mới từ tốn nói với mẹ rằng hôm trước đã cùng bạn gái đến cầu phúc cho mẹ ở một ngôi chùa. Nghe con nói, chị tin vào phép màu của tạo hóa, chị tin vào tình yêu thương của các con dành cho chị đã làm trời đất cảm động, chị tin vào những điều huyền diệu trong cuộc sống.

Chị đi lễ tạ. Mùi nhang khói, tiếng chuông chùa, những pho tượng uy nghiêm mà gần gũi… Chị đứng hàng giờ trước tượng Quan Âm Bồ Tát trên tay bình cam lồ. Từ ngày đó đến nay, diễn viên Thanh Hiền vẫn năng đi lễ chùa, đến với suối nguồn trong trẻo để tỏ lòng thành kính.

Chị kể, ngay cả những lúc buồn, cô đơn nhất, chị đặt niềm tin nơi cửa Phật, chị ngồi hàng giờ trong ngôi chùa nào đó ở Hà Nội cảm thấy tĩnh tâm, thanh thản lạ lùng. Chị mặc những bộ nâu sòng giản dị quỳ lạy thành kính trước ban tượng Phật, hay tha thẩn trên ghế đá trong khuôn viên nhà chùa. Sự thanh bình trong chùa như gột rửa nỗi lòng của người nghệ sĩ.

Chẳng hiểu có phải do vậy không, đôi mắt của chị sáng trở lại. Chị không phải bỏ nghề diễn, mà ngay cả cho đến giờ chị vẫn đều đặn hàng năm tham gia vào các dự án phim truyền hình, hoặc giả có đám trẻ sinh viên cần làm bài tốt nghiệp mời chị đóng phim chị cũng sẽ xăng xái nhận lời không câu nệ.

Hàng tuần, thậm chí cả tháng theo đoàn làm phim rong ruổi khắp nơi cùng chốn, đến lúc trở về nhà chị lại như bao nhiêu người phụ nữ khác tỉ mẩn đi chợ chọn những quả cà về muối, rửa những bẹ rau làm dưa, hay kì cạch bên nồi cá kho thơm phức. Tính chị cẩn thận, sạch sẽ, lại tề gia nội trợ đảm đang, nhưng tiếc thay nhiều năm mâm cơm ấy lại không đông đúc gì, một mình một bóng hoặc cậu con trai cùng với mẹ thưởng thức món ăn. Chị tìm vui trong vai diễn.

30 năm nay tình yêu ấy cũng không hề đổi thay. Bỏ đi tất thảy những bận tâm, những bủa vây của đời sống, chị quên hết thảy những biến cố phức tạp của tình yêu để đắm mình vào hồ nước nghệ thuật tha hồ bơi lội, vẫy vùng, gào thét giải tỏa. Ngay cả khi bây giờ nhiều bạn đồng nghiệp đã bỏ nghề vậy mà chị vẫn cặm cụi diễn xuất miệt mài trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân sang chị lại thấy nao nao bâng khuâng buồn. Chị bảo: "Không khí trong gia đình khiến cho mình có cảm giác đó". Nhưng bù lại chị vốn là một con người ưa nét xưa, thích sự ấm áp  của ngày Tết. Khi cụ thân sinh còn sống, chị thường về quê ăn Tết. Chị thích nhất ngày gần Tết về quê, ra mộ bố mẹ, cặm cụi thắp hương lau chùi dọn dẹp. Chị cắm những bông hoa cúc thành một vườn hoa trên mộ của bố mẹ, ông bà, tổ tiên trong dòng họ. Rồi chị cứ ngồi lặng lẽ ở đấy với ông bà cha mẹ mấy tiếng khi mặt trời xuống bóng, khi ánh nắng đã tắt hẳn mới về…

Bây giờ đời sống người diễn viên như chị có khá hơn, nhưng kí ức xưa cũ chị vẫn không thể nào quên, một thời của chiến tranh, một thời của đói khổ, một thời bao cấp thiếu thốn. Những buổi cầm tiền đi chợ phân vân không biết nên mua gì để ăn trong ngày? Buổi khó khăn ấy, nhiều văn nghệ sĩ đã trải qua, và giờ đây, tất cả đã là kí ức.

Bạn bè chị khóa diễn viên năm đó, nhiều người đã khá giả, còn chị cho đến tận giờ vẫn giản dị, thanh cảnh. Chị sống một cuộc sống nghiêm túc, lành mạnh đến độ mẫu mực. Với nhan sắc đó, chị có thể tha hồ..., hay chí ít ra có kiểu yêu đương vương giả của một diễn viên màn bạc, nhưng chị đã chọn cho mình một lối sống của loài hoa sen, tỏa ngát hương trên vùng đầm lầy.

Sau mỗi lần theo đoàn làm phim rong ruổi, chị lại trở về ngôi nhà nhỏ, dành thời gian chăm chút những khóm cây nhỏ xinh. Vào những ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, chị lại năng đến cửa chùa, cửa đền để tìm về suối nguồn trong trẻo tìm sự bình yên cho tâm hồn. Chả hiểu sao mỗi lần nhìn thấy dáng vẻ mềm mại của chị với tấm lòng thành kính hướng tâm linh là tôi lại nhớ đến những thân phận phụ nữ mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã mô tả trong cuốn tiểu thuyết "Mẫu Thượng Ngàn". Tôi nói với chị điều đó, chị chỉ cười.

Trần Mỹ Hiền
.
.