NSƯT Trung Anh: Băng qua đường hầm là ánh sáng
Quả thật, với tướng hình của Trung Anh thì thật không lẫn vào đâu được, người anh cân nặng khiêm tốn, mặt ngang dọc vết hằn của thời gian dù tuổi cũng chưa phải là cao lắm. Ở địa phận sân khấu anh tung hoành, khuấy nước chọc trời với nhiều vai diễn nặng kí hơn điện ảnh, khi đạo diễn cứ mãi đo ni đóng giày cho anh ở nhân vật khắc khổ, tồi tội.
Ngay cả cho đến giờ, bản thân anh lúc nào cũng đau đáu với nghiệp diễn dù rằng đã gắn bó trọn vẹn gần 40 năm. Anh thừa nhận: "Ngoài nghề đóng phim, diễn kịch thì chẳng còn biết làm gì".
NSƯT Trung Anh trong phim “Những đứa con của làng”. |
Cái con người như đã nhận "ngoài đóng phim, diễn kịch chẳng biết làm gì" sinh năm Tân Sửu 1961. Có hai diễn viên nổi tiếng cầm tinh con trâu, loài vật rất chăm chỉ và cần mẫn, đó là diễn viên Tự Long và anh, nhưng diễn viên Tự Long kém anh đến một giáp. Tự Long thì đường quan trường thênh thang rộng mở, đã lên đến chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo quân đội, rồi lên đến danh vị cao nhất với danh hiệu NSND.
Nếu Tự Long được biết đến là một diễn viên hài nặng kí thì trái ngược là một Trung Anh đau đớn, vật vã buồn thê thảm. Con đường quan trường của Trung Anh thì "sóng yên biển lặng". Anh chẳng thích lằng nhằng công việc quản lý mà chỉ thích làm nghề, nhưng danh vọng thì chói sáng, được cả nước biết mặt thuộc tên từ rất lâu với các vai hiền lành, tồi tội, khắc khổ được đạo diễn đo ni đóng giày trên truyền hình.
Dù đã đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, không chức tước quan trường, danh hiệu cao sang nhưng anh được hai cái lợi lớn, mà nhà Phật nói là tu nhân tích đức ngàn đời mới được. Đó là thành đạt cả trong gia đình và sự nghiệp. Gia đình hạnh phúc và tên tuổi, tiếng tăm trong nghề nghiệp.
Ơ, nhưng mà, hạnh phúc là thế, đầy đủ là thế, đời con người ta còn mong gì hơn ở gia đình và sự nghiệp nhưng sao khuôn mặt của anh lúc nào cũng mang nỗi buồn thương, khắc khổ đeo bám. Nhiều lúc, nhìn khuôn mặt ấy có cảm tưởng nỗi buồn nghìn cân ấy hẳn phải có sự tình gì dày vò, oan trái cay nghiệt lắm. Quả đúng vậy!
Anh sinh ra ở vùng đất nắng gió mưa lũ nhiều Hà Tĩnh. Những kí ức đau buồn của tuổi thơ vẫn ám ảnh anh khi chứng kiến cảnh mưa bom, đạn trút, những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ vào miền quê yêu dấu. Ở nơi đó, là những người thân thương ruột rà, mẹ, cô dì, chú bác, ông bà. Nơi quê hương bản quán đó mà ngay cả đến giờ mỗi lần nhắc lại lòng anh lại cuộn trào cảm xúc như sóng biển. Mảnh đất ấy trong chiến tranh đã quá ác liệt và giờ đây trong thời bình những người dân nơi đấy vẫn trống chọi với bão lũ, với thiên tai, họa hại không ngừng.
Cuộc đời anh gắn liền với lịch sử dân tộc. Anh là nhân chứng của tội ác chiến tranh. Cuộc chiến ấy đã cướp đi hàng triệu sinh mạng trong đó có những người thân thiết, ruột rà mà anh yêu mến nhất. Đó là vào một đêm năm 1968, Mỹ ném bom xuống sân nhà. Cậu bé 7 tuổi Trung Anh nằm dưới hầm nên may mắn sống sót.
Khi máy bay Mỹ đi, trên mặt đất ngay trước hiên nhà, một cảnh tượng thật thê thảm, hãi hùng. Mẹ, dì, và chị ruột trúng bom mất ngay tại chỗ. Trong tâm hồn non nớt của cậu bé cùng lúc phải mất đi mấy người thân. Đó là những ngày ảm đạm thê lương về vùng quê tang tóc, hoang tàn của chiến tranh. Thời chiến, sự liên lạc cũng thật là khó khăn, không có phương tiện để kịp báo tin cho bố và hai anh trai ở Thủ đô Hà Nội.
Cậu bé 7 tuổi cùng họ hàng đưa mẹ, dì, chị ruột ra núi. Mấy mạng người mất cùng lúc. Bom đạn vẫn không ngừng trút xuống, máu người nhuộm đỏ đất quê hương. Nước mắt cũng đã cạn khô để khóc. Ít ngày sau đó cậu được họ hàng đưa ra Hà Nội để tìm cha và hai người anh. Con đường từ quê nhà ra Thủ đô dài gần bốn trăm cây số đầy những ổ trâu, ổ gà. Bom Mỹ vẫn không ngừng rải xuống. Con đường dài đầy những hiểm nguy rình rập.
NSƯT Trung Anh với vai Claudius trong vở kịch “Hamlet”. |
Dòng sông Lam cõng người qua sông, cảnh lật thuyền, xác người chết, tiếng khóc nấc nghẹn ngào và vô số cung bậc đau thương của năm tháng chiến tranh tàn khốc vẫn nằm trong phần kí ức cho đến giờ của người diễn viên đa cảm ấy. Tâm hồn ấy được nuôi dưỡng bởi một đoạn đời đau thương.
Sự mất mát quá lớn đã găm vào trí óc của trẻ thơ, có lẽ vì thế khiến cho anh mang một khuôn mặt đau buồn đầy ẩn ức? Sau này làm diễn viên, vào những vai thân phận, không cần phải cường điệu, lên gân lên cốt, chỉ cần gương mặt ấy xuất hiện là đã thấy cả bầu dông gió, gập ghềnh...
Ra đến Thủ đô, cậu bé được gặp cha lúc đó đang làm công tác hành chính ở Nhà hát Kịch Hà Nội, vài năm sau đó Nhà hát Kịch Việt Nam tuyển học sinh, anh được mọi người giới thiệu cho học.
Cũng phải nói thêm rằng, chính những ngày chập chững bước chân lên Hà Nội, được cùng cha xem các vở diễn ở Nhà hát Kịch Hà Nội thì tình yêu nghệ thuật, sự cảm thụ tác phẩm cứ lớn dần, phong phú thêm trong tâm hồn của cậu bé. Những buổi biểu diễn, lấp ló sau cánh gà, nhìn các cô chú diễn viên, cậu bé không ngờ rồi sau này mình sẽ lại được đứng ở trên mấy mét vuông sàn diễn và biến hóa không ngừng với các nhân vật.
Vào Nhà hát Kịch Việt Nam cùng khóa với Lan Hương, Đỗ Kỉ, Trọng Trinh... những người bạn thuở ấu thơ mà mãi sau này vẫn trung thành với nghề. Tuy rằng sau này mỗi người đi một ngả, họ vẫn làm công tác liên quan đến nghệ thuật. Sau khi học xong, anh cùng các bạn lên đường nhập ngũ rồi quay trở lại làm diễn viên ở nhà hát. Đất nước sau chiến tranh thời bao cấp đói khổ, cơ hàn.
Lúc đấy, không ít người làm nghệ thuật nản lòng nên rẽ ngang, đứt đoạn. Mọi người cũng cần phải ăn, phải sống, nhưng sẽ sống làm sao đây khi đồng lương và cát-sê eo hẹp. Anh cũng đã từng nâng lên đặt xuống trăn trở: "Hay là mình đi xuất khẩu lao động, dù gì thì kinh tế chắc chắn sẽ khá hơn?". Nhưng tổ nghề đã níu chân anh lại, không cho đi. Anh chọn nghề, hay nghề chọn anh, cũng chỉ một con đường ấy thôi.
Không còn ý định đi xuất khẩu lao động, Trung Anh ở lại nhà hát chắt chiu từng vai diễn. Khuôn mặt đấy tuy buồn đau khắc khổ, dáng hình gầy gò có phần ốm yếu dần thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Cát-sê có được từ công việc đóng phim tuy không cao nhưng cũng tạm ổn định. Những ngày lặn lộn mải mê phim trường, vợ anh một mình quán xuyến gia đình với hai đứa con, một trai, một gái.
NSƯT Trung Anh và vợ. |
Nhắc đến vợ, anh bao giờ cũng thấy yêu thương trìu mến. Để có được thành công của anh ngày hôm nay là phần hi sinh của chị. Vợ anh kém anh 10 tuổi, không làm trong nghệ thuật nhưng lại có mối đồng cảm sâu sắc với chồng.
Không tần tảo sớm hôm như hình ảnh con cò trên cánh đồng quê, nhưng vợ anh bằng cách nào không rõ chăm sóc vun vén cho gia đình vẹn toàn để anh đi làm nghề nhưng vẫn không mất đi nét xuân thì, quyến rũ. Vợ đẹp, con khôn, gia đình hạnh phúc. Có người nào hạnh phúc được như anh khi vợ lưu giữ trân trọng tất cả những bài báo viết về chồng, hay ở nhà xem say sưa những bộ phim chồng đóng, hoặc đến nhà hát thưởng thức những vai diễn mới của anh.
Cuộc đời anh được trải nghiệm cũng nhiều từ thời đất nước chiến tranh rồi đến thời kì đất nước thanh bình, từ thời bao cấp đến chuyển sang kinh tế thị trường. Được chứng kiến cảnh phim trường thăng trầm, lúc thời kì làm phim mì ăn liền, rồi Văn nghệ chiều Chủ nhật, phim truyền hình ngắn tập, dài tập...
Ở lãnh địa sân khấu, anh đã gắn bó và coi đấy là nơi nương náu tâm hồn, nơi thỏa thuê khát khao của sự sáng tạo, cả những cung bậc cảm xúc dồn nén được đẩy lên đến tận cùng. Ở cơ quan anh không thích bon chen, nhưng lại là người khảng khái. Dám nghĩ, dám nói, dám làm chẳng ngại làm mất lòng ai. Người nhỏ bé mà miệng lưỡi có gang có thép. Khi nói về vấn đề gì liên quan đến nghề anh cũng đều sòng phẳng, quyết liệt. Anh yêu nghề và trăn trở vì nó.
Thời thế hệ trước anh, những diễn viên gạo cội của Nhà hát Kịch như Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng... rồi đến thế hệ của anh, những Anh Dũng, Lan Hương, Đỗ Kỉ... sau thế hệ này sẽ là ai? Thời gian cho ta nhiều cái nhưng cũng lấy đi nhiều thứ. Có người đi xa ở mảnh đất khác, có người vĩnh viễn yên nghỉ về với đất mẹ bao dung, có người đã thôi, sang làm nghề khác, sân khấu rồi sẽ đi về đâu? Quãng thời gian dài rất dài gần 40 năm gắn bó, sao dễ gì đành lòng được.
Anh trăn trở vì những vai diễn, anh muốn những vở diễn phải được diễn cho công chúng, những vở diễn chính kịch có khán giả chứ không phải diễn để chào mừng cho liên hoan hay chỉ diễn trong kì hội diễn. Nhà hát Kịch Việt Nam mang vai trò "anh cả đỏ", tiên phong cho các nhà hát ở Thủ đô, quá nhiều năm trời lình xình với điều tiếng.
Ban lãnh đạo bị nâng lên đặt xuống nhiều lần với việc tìm ra người thay thế. Anh nhiều lần khảng khái nói lên tiếng nói của mình một cách công minh, chính trực. Sự thẳng thắn của anh không ngại làm mếch lòng ai, tất cả cũng vì lợi ích chung, mà anh chỉ là một cá thể trong vòng tròn tập thể. Không đua chen vào vị trí lãnh đạo, anh không màng đến quyền lực, anh vẫn đều đặn tìm niềm vui hăng say trong công việc diễn xuất phim trường hay sân khấu.
Còn 5 năm nữa mới đến tuổi về hưu, đã có lần thấy nản anh xin về sớm, nhưng nhà hát cần người nên giữ anh ở lại. Đúng là cả đời người gắn bó với sân khấu, người ta bảo: "Ánh đèn sân khấu ma mị lắm".
Quả đúng vậy! Nói thôi dễ gì thôi ngay được? Việc đó cũng giống như là trước đây vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, anh đã định xin nghỉ để đi xuất khấu lao động theo phong trào nhưng rồi dùng dằng giữa ở và đi đấy thôi.
Cho đến giờ anh vẫn ngóng trông thế hệ sau sẽ tiếp bước để vực sân khấu dậy. Nhưng để vực nền sân khấu dậy là cả một câu chuyện dài mà không dễ gì có thể làm trong một sớm một chiều, anh biết vậy những vẫn mong, chờ đợi.
Ngoài cuộc sống, khi nói chuyện anh cũng hay cười, nụ cười cũng tươi đấy, nhưng ngay cả khi cười, đằng sau ánh mắt ấy là cả một khoảng lặng, mênh mông buồn hun hút, đến khó hiểu. Có lẽ đấy cũng là duyên làm nghề của anh, vì anh không có vẻ hào hoa theo kiểu công tử, lãng tử, lại càng không giống như một quan chức vinh danh thành đạt, hay một nhân viên văn phòng mẫn cán.
Ngay cả xem anh vào những vai ác hiểm, hay cả hàng chục vai nhọc nhằn, khổ sở tội nghiệp, lành hiền thì tôi vẫn thấy ở anh có ngoại hình của một ông giáo làng, thẳng thắn đấy, đau đời đấy, và cũng mênh mông ưu tư ngẫm ngợi đấy...
Chả hiểu sao, lúc này đây tôi lại thấy hình ảnh về bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt Nam, ở đó có giếng nước, mái đình, cây đa, với đàn bò gặm cỏ, và con trâu lầm lũi trên cánh đồng, có mục đồng thổi sáo cưỡi trên mình trâu với quang cảnh yên bình và thơ mộng như thế...