Nagano, vùng đất trường thọ của Nhật Bản
Misao Okawa sinh ngày 5-3-1898 ở Osaka, được Sách Kỷ lục Guinness trao tặng danh hiệu người phụ nữ sống lâu nhất thế giới vào ngày 27-2-2013 khi cụ bà được 114 tuổi và 359 ngày. Nay, bà cụ Misao Okawa đã 116 tuổi. Người Nhật Bản được ghi nhận có tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới và theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nước này sống thọ trung bình 87 tuổi, còn nam giới là 80 tuổi.
Cho đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi quanh vấn đề tuổi thọ của người Nhật Bản ở tỉnh Nagano cho dù cuộc sống ở xứ sở hoa anh đào này rất căng thẳng và chịu nhiều stress. Có lẽ chế độ ăn uống đóng vai trò đặc biệt giúp kéo dài tuổi thọ của người dân Nagano, song điều này vẫn còn trong vòng nghi ngờ.
Thiếu đất canh tác, khan hiếm cá tươi và hải sản
Takami Kuroiwa vẫn chăm chỉ chăm sóc vườn rau và cây ăn trái trong nông trại của gia đình ở tỉnh Nagano trên đảo Honshu suốt 12 giờ trong ngày dù năm nay đã 66 tuổi và ông xem đây là thú vui, là công việc suốt đời của mình. Kuroiwa nói: “Đó là lối sống ở đây. Khi còn trẻ thì làm việc trong văn phòng và đến lúc về hưu thì lui về nông trại. Nó chỉ là một giai đoạn tiếp theo của cuộc sống”.
Cụ bà Misao Okawa và chứng nhận người phụ nữ cao tuổi nhất Nhật Bản tại Osaka, ngày 27-2-2013. |
Và cuộc sống của người dân ở Nagano lại rất dài. Chế độ ăn thường ngày đạm bạc có lợi cho sức khỏe, vận động thân thể thường xuyên, trong đó kể cả việc làm lụng chăm chỉ có lẽ đã giúp người dân Nagano có tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất ở Nhật Bản và cả thế giới.
Phụ nữ ở tỉnh Nagano - vùng đất có diện tích 13.585 km², dân số hơn 2 triệu người - có thể sống thọ trung bình 87,2 năm, trong khi nam giới là 80,9 năm, theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Để so sánh: tuổi thọ trung bình ở Connecticut (Mỹ) là 78,6 năm ở nam giới và 82,9 ở phụ nữ; trong khi người dân ở Hawaii có tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao nhất nước Mỹ với 78 năm ở nam giới và 84,7 ở phụ nữ.
Lối sống ở Nagano, nơi diễn ra sự kiện thể thao Thế vận hội Mùa đông 1998, cũng giúp nơi này có chi phí y tế trên đầu người thấp nhất Nhật Bản - một yếu tố giúp tiết kiệm hàng triệu USD một năm tiền thuế của người dân.
Hiện nay, giới chức Nagano hy vọng sẽ nhân rộng kinh nghiệm ở tỉnh này ra phần còn lại của đất nước, và thậm chí xa hơn nữa. Takuji Shirasawa, giáo sư giảng dạy tại Viện Y khoa kiểm soát lão hóa thuộc Đại học Juntendo ở Tokyo, phát biểu: “Nagano là trường hợp độc nhất, song có những bài học có thể được áp dụng ở những nơi khác. Chìa khóa của việc không chỉ sống lâu mà còn sống khỏe mạnh cùng với tuổi tác ở nơi này thật đơn giản: Chế độ ăn hằng ngày được cải thiện, sống tích cực, khi tuổi đã cao vẫn tiếp tục làm việc”.
Chúng ta đều biết, Nhật Bản hiện đại là nơi có cuộc sống cực kỳ căng thẳng. Giới công chức phải chịu đựng sự di chuyển liên tục và dễ dàng bực dọc nơi chờ tàu điện ngầm vì sợ chậm trễ dù chỉ vài phút. Sức ép công việc rất cao mà tại sao người Nhật Bản vẫn sống thọ? Nhật Bản cũng là một trong những xã hội có số người già tăng nhanh nhất trên thế giới, với khoảng 1/4 dân số là người từ 65 tuổi trở lên.
Một góc Nagano. |
Chỉ riêng ở thủ đô Tokyo, sẽ có khoảng 3,1 triệu cư dân ở tuổi 65 hay cao hơn vào năm 2025, theo dự đoán từ Bộ Y tế. Giữ cho người dân sống khỏe mạnh và hữu ích cho xã hội là chìa khóa để kiểm soát chi phí cho hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, giúp bù đắp lại tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh sản.
Thoạt nhìn, Nagano có lẽ không giống vùng đất dành cho cuộc sống thọ và khỏe mạnh. 9 trong số 12 ngọn núi cao nhất Nhật Bản nằm ở Nagano và người dân ở đây luôn trải qua những mùa đông khắc nghiệt kéo dài trong lạnh giá, trong khi đất canh tác lại hạn hẹp. Bị bao bọc xung quanh là núi, Nagano được xem là nằm trong số vài vùng đất của Nhật Bản khan hiếm cá tươi và hải sản dành cho những bữa ăn theo tiêu chuẩn quốc gia của người dân nước này.
Ngay khi nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ và tỷ lệ tuổi thọ tăng lên trong thời hậu chiến tranh thế giới, Nagano vẫn là vùng đất cằn cỗi. Trong số người mắc bệnh tim, đột quỵ và phình động mạch não thì nam giới chiếm tỷ lệ rất cao.
Noriko Sonohara, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội Dinh dưỡng Nagano cho biết, thực phẩm chủ yếu ở địa phương là rau ngâm chua. Mùa đông phủ tuyết kéo dài khiến những bà nội trợ ở Nagano trải qua nhiều thế hệ có thói quen ngâm chua rau vì thiếu rau tươi. Dù mỗi ngôi làng đều có công thức bí mật riêng cho món ăn tsukemono (loại dưa muối của người Nhật Bản), song nhìn chung thì tất cả đều có một thành phần, đó là muối, thật nhiều muối!
Theo một cuộc điều tra, người dân Nagano tiêu thụ trung bình 15,1 gram muối một ngày - tức gần gấp 3 lần mức tiêu thụ tối đa ở Mỹ. Sonohara giải thích: “Vào mùa đông, người dân ngồi lại với nhau trò chuyện và thưởng thức món tsukemono suốt ngày. Năm 1981, Nagano là nơi có số người đột quỵ cao nhất Nhật Bản”.
Vấn đề trở nên nguy hiểm đến mức chính quyền phải đưa ra một số biện pháp cải thiện bữa ăn ở Nagano. Bước thứ nhất nhằm giúp tăng cao tuổi thọ ở Nagano là chiến dịch kêu gọi người dân giảm bớt tiêu thụ muối, đồng thời tuyên truyền cải thiện chế độ ăn hằng ngày có lợi cho sức khỏe hơn.
Món súp Miso (loại canh nấu với tương và một số nguyên liệu như rong biển, đậu hũ, hành lá) được dùng 3 lần một ngày tại nhiều gia đình ở Nagano và nó trở thành món ăn ưu tiên được giới chức y tế chú trọng. Sonohara cho biết, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những trường hợp cao huyết áp và bệnh tật liên quan đến nó bắt đầu giảm rõ rệt.
Hiện nay, khoảng 4.500 người ở Nagano tình nguyện tổ chức những cuộc hội thảo về chế độ dinh dưỡng tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và trong các cộng đồng. Họ cũng thường xuyên đến thăm từng gia đình để đánh giá lượng muối sử dụng trong các món ăn hằng ngày đồng thời đưa ra một số lời khuyên về dinh dưỡng giúp nâng cao tuổi thọ.
Sonohara giải thích: “Mục đích và động cơ của chúng tôi luôn là đặt tuổi thọ trung bình làm trọng tâm. Những nỗ lực cá nhân cùng sáng kiến của chính quyền địa phương đã dần làm thay đổi lối sống ở Nagano và kéo dài tuổi thọ trong khu vực nói chung”.
Những chương trình khích lệ lối sống lành mạnh
Tại chương trình nấu ăn tổ chức năm 2014 trong một ngôi chợ gần trạm tàu hỏa chính của Nagano, người tình nguyện và cũng là chuyên gia dinh dưỡng Sumiko Hirano thực hiện món ăn gồm thịt heo, hạt mè, nấm nâu shiitake và bí ngô xắt lát mỏng trong khi lượng muối rất ít - chỉ 0,9 gram. Hirano cùng những người tình nguyện khác còn vận động những người đến tham quan hạn chế sử dụng dầu ăn.
Những món ăn truyền thống đầy màu sắc của người Nhật Bản. |
Hirano kể: “Lúc đầu, rất khó thuyết phục mọi người thay đổi chế độ ăn, song dần dần sự việc trở nên dễ dàng hơn. Chính quyền cũng ra sức vận động người dân duy trì chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và cải thiện lối sống với nhiều hoạt động thân thể mà trước kia họ chưa có”. Các nỗ lực đã mang đến kết quả hết sức bất ngờ.
Năm 1990, tuổi thọ trung bình nơi nam giới tăng lên 3 năm và 3,5 năm nơi phụ nữ trong một thập niên ở Nagano. Tuổi thọ của người dân Nagano tiếp tục tăng lên cho đến năm 2010. Hiện nay, các tỷ lệ tử vong do ung thư, bệnh tim và thận, viêm phổi xuống thấp hơn mức trung bình quốc gia!
Sự kết hợp giữa các khẩu phần chia nhỏ, các thực phẩm thấp calorie như cá và rau, cùng với những món ăn đơn giản nhưng được bài trí đẹp mắt góp phần kéo dài tuổi thọ cho người Nhật Bản - Naomi Moriyama đánh giá trong cuốn sách tựa đề “Phụ nữ Nhật Bản không già hay béo: Những bí mật trong nhà bếp Tokyo của mẹ tôi”. Nữ tác giả bình luận vui: “Thực đơn hằng ngày của người Nhật Bản chính là iPod của thực phẩm. Thực đơn tập trung năng lượng kỳ diệu của thực phẩm thành những nguyên liệu cô đặc và mang lại sự thích thú”.
Tiếp đến, dĩ nhiên là “Thực đơn Okinawa” - đến từ một đảo có sự khác biệt rất lớn với cả nước Nhật Bản, về cả thực phẩm lẫn phong tục. Giới chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, tuổi thọ cao của người Nhật Bản một phần nhờ vào những món ăn ít gây nguy cơ mắc ung thư dạ dày hay xơ cứng động mạch như đậu hũ, rong biển konbu, mực ống và bạch tuộc.
Hiệu quả từ cải thiện bữa ăn hằng ngày cũng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ở Nagano đưa ra những chương trình kích thích lối sống lành mạnh. Ví dụ như ở Matsumoto, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Nagano, một ngân hàng bắt đầu đưa ra sáng kiến tặng chuyến vui chơi ở khu Disneyland tại Tokyo cho những người thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ trong 3 năm liên tiếp.
Trong năm 2014, một cửa hàng phục vụ đêm tổ chức khoảng 40 hội chợ y tế tại nhiều địa điểm khác nhau. Mọi người tham gia hội chợ sẽ được đo huyết áp, trả lời các câu hỏi về y khoa và được cung cấp thông tin về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Akira Sugenoya, nhà phẫu thuật và là Thị trưởng Matsumoto, cho biết: “Nhiều người không bao giờ viếng thăm tòa thị chính, song họ thường lui tới những cửa hàng phục vụ đêm cho nên đây là cách tốt nhất để tiếp xúc với họ”.
Các nỗ lực y tế dự phòng thực sự đã góp phần làm giảm chi phí y tế ở Nagano xuống chỉ còn khoảng 2.488 USD năm 2009. Trong khi đó, chi phí y tế trung bình trên đầu người ở Nhật Bản là 3.120 USD - theo điều tra của Quỹ Gia đình Kaiser - so với Mỹ là 8.233 USD. Chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Nhật Bản cũng được cải thiện. Sugenoya nhận định: “Y tế dự phòng vẫn ít tốn kém hơn là đưa người dân vào bệnh viện”.
Một chìa khóa khác không có gì là bí mật cho tuổi thọ cao nhất nước ở tỉnh Nagano là lối sống lành mạnh, sôi nổi được giới lãnh đạo địa phương khuyến khích. Ở Matsumoto, giới chức chính quyền có sáng kiến phát triển một mạng lưới hơn 100 con đường đi bộ nhằm khích lệ người dân tập thể dục hằng ngày!
Các nhóm cộng đồng và các tổ chức lân cận cũng tổ chức những cuộc đi bộ vì cộng đồng - một điều không mấy khó khăn nơi đất nước Nhật Bản luôn định hướng hoạt động theo nhóm.
Ngay cả trong mùa đông rét buốt, nhiều nhóm người dân cũng vẫn đi bộ đều đặn hằng ngày dọc theo những con đường, con kênh, công viên trong thành phố Matsumoto và xung quanh lâu đài lịch sử thời Trung Cổ ở địa phương. Sugenoya nhận định phương pháp đi bộ rất có hiệu quả cho sức khỏe: “Điều đầu tiên chúng tôi muốn là mọi người đi bộ để giúp xây dựng một ý thức cộng đồng khỏe mạnh”.
Không chỉ thế, chính quyền còn kêu gọi những người về hưu tiếp tục lao động để duy trì sức khỏe. Ở Nagano hiện nay, gần 1 trong 4 người trên 65 tuổi vẫn còn lao động - một tỷ lệ cao nhất ở Nhật Bản. Hiroko Akiyama, giáo sư Viện Lão khoa thuộc Đại học Tokyo, nhận xét: “Chúng tôi thực sự không biết người lớn tuổi ở Nagano tiếp tục làm việc do họ còn sức khỏe, hay là họ khỏe mạnh nhờ lao động hằng ngày. Nhưng chúng tôi tin rằng lao động tác động đến sức khỏe”.
Riêng ông Takami Kuroiwa, làm nghề kế toán, về hưu cách đây vài năm, nhưng vẫn tiếp tục giữ công việc quản lý một trung tâm du lịch mới thành lập tại địa phương năm 2013.
Trước đó, Kuroiwa dành phần nhiều thời gian trong ngày để lao động trong nông trại nhỏ của gia đình - nơi trồng rau, lúa và cây táo. Cha mẹ của Kuroiwa vẫn cần mẫn lao động dù tuổi đã ngoài 80! Kuroiwa chân thật nói: “Không ai ở đây biết chuyện chúng tôi sống thọ hơn người dân ở những nơi khác. Chúng tôi thật sự không có bí mật gì hết. Chúng tôi chỉ lao động chăm chỉ mỗi ngày”.