Năm 2010: Thời của xe lửa cao tốc

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:00
Người Pháp luôn nhớ đến triết lý trong kinh doanh “Nếu không chinh phục được đối thủ, hãy là đối tác của nhau”. Và triết lý này trở thành câu cửa miệng của ban lãnh đạo Air France-KLM (lúc đồng thuận liên danh với Veolia) khi họ nhận định trong tương lai, chỉ có xe lửa cao và siêu tốc mới thật sự là phương tiện đi lại của mọi người.

Hồi tháng 2/2008, Hãng Alstom của Pháp lần đầu tiên giới thiệu xe lửa tự động cao tốc, gọi tắt là AGV. Theo kế hoạch, nó sẽ đi vào hoạt động phục vụ một tuyến đường cao tốc từ Milan đến Naples (Italia). Đó sẽ là phương tiện quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống xe lửa cao tốc của châu  Âu.

Khác với các chương trình xe lửa cao tốc trước kia, như TGV, từng dấy động quốc tế về mức xuất khẩu thành công, Hãng Alstom không lệ thuộc Hiệp hội Đường sắt Quốc gia SNCF của Pháp để phát triển AVG, mà Alstom tự bỏ ra 100 triệu euro để thực hiện dự án này.

Công ty Air France-KLM loan báo hôm 8/9 vừa qua sẽ bắt đầu liên danh với hãng cung ứng dịch vụ vận tải Pháp Veolia trong việc khai trương dịch vụ đường sắt cao tốc quốc tế.

Các tuyến đường theo hoạch định kể từ tháng 10/2010 sẽ bao gồm các tuyến nối ParisAmsterdam (tuyến khai thác chính của KLM) và ParisLondon. Du lịch đường sắt cao tốc tại Pháp và Đức hiện là độc quyền khai thác của hai hiệp hội đường sắt quốc gia SNCF và Deutsche Bahn.

Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2010, Luật Giao thông đường sắt của EU sẽ cho phép tự do hóa đối với giao thông quốc tế. SNCF vẫn sẽ giữ thế độc quyền vận chuyển hành khách trong nước Pháp cho đến năm 2017.

Nhiều thỏa thuận hợp tác tương tự giữa các hãng hàng không và xe lửa đã có tại một số quốc gia châu  Âu. Chẳng hạn ở Đức, hành khách của Hãng Hàng không Lufthansa có thể sử dụng vé máy bay của mình đến Frankfurt từ các thành phố gần đó như Stuttgart hoặc Cologne, thay vì phải bay một chuyến bay ngắn hay phải mua một vé xe lửa.

Tại Anh, Hãng Hàng không Virgin Air cũng cộng tác với chi nhánh Virgin Trains tương tự Air France-KLM và Veolia. Tuy nhiên, trong khi Virgin Air có 51% cổ phần với Virgin Trains, thì Lufthansa lại không sở hữu được tuyến xe lửa cao tốc nào cả.

Veolia là nhà cung cấp dịch vụ vận tải tư lớn nhất châu Âu về xe buýt và xe lửa, và cũng là đối thủ lớn nhất của Deutsche Bahn trong khai thác thị trường nội địa. Với loan báo mới, Veolia chính thức vượt trên SNCF và DB (cả hai có lúc từng bàn luận về khả năng hợp tác tương tự với Air France-KLM).

Nằm trong kế hoạch lớn hơn, Veolia và Air France-KLM sẽ tiếp tục đàm phán với Alstom - Hãng sản xuất xe lửa cao tốc TGV hiện được SNCF sử dụng - về khả năng mua hay thuê lại một số xe lửa cao tốc để phục vụ chuyên chở khách tuyến quốc tế trong năm 2010

Lê Minh(tổng hợp)
.
.