Nam Đại Tây Dương lại dậy sóng vì dầu mỏ

Thứ Hai, 27/02/2012, 20:45

Sau cuộc chiến kéo dài 75 ngày năm 1982 giữa quân đội Anh và Argentina, hàng trăm tấm biển nằm dọc trên những con đường của Argentian đều ghi dòng chữ: Las Mavinas son Argentinas (quần đảo Las Mavinas là của Argentina). Thời gian gần đây, giữa hai quốc gia lại nổ ra xung đột sau khi Anh tuyên bố các công ty của nước này sẽ bắt tay vào khai thác lượng dầu khí ước tính trị giá đến hơn 100 tỉ USD trong vùng đảo tranh chấp. 

Liệu điều đó có nghĩa là Las Mavinas có thể trở thành chiến trường lần nữa hay không? Người ta dự đoán trong tình hình hiện nay thì một cuộc chiến tranh mới có thể sẽ khốc liệt hơn năm 1982. Bởi vì, trữ lượng dầu khí được phát hiện ở vùng thềm bao quanh quần đảo Las Mavinas (mà người Anh gọi là Falkland) có thể sánh ngang trữ lượng dầu mỏ ở vùng Bắc Hải, một nhánh của Đại Tây Dương và Argentina hiện đang được các nước Mỹ Latinh ủng hộ mạnh mẽ. Theo tính toán của các chuyên gia Anh, trữ lượng có thể lên đến 60 triệu thùng dầu, nhưng người ta cho rằng, con số này được hạ thấp bớt nhằm tránh kích động người Argentina. 

Sau khi giành được độc lập vào đầu thế kỷ XIX, Argentina luôn coi quần đảo Malvinas là vùng lãnh thổ của nước này. Vị trí địa lý của quần đảo nằm gần Argentina, lịch sử phát triển kinh tế và cuộc chiến gìn giữ nó là những yếu tố mà người Argentina đưa ra để sở hữu Malvinas. Argentina luôn coi việc xâm chiếm quần đảo của nước Anh là hành động cưỡng đoạt của thực dân. Do đó, việc giành lại chủ quyền đối với quần đảo Malvinas luôn là điểm mấu chốt trong chính sách ngoại giao của Argentina.

Khi ký kết Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945, một đại diện của Argentina tuyên bố đất nước của ông vẫn có quyền sở hữu Malvinas và quyền giành lại nó. Nhiều thập niên nỗ lực ngoại giao không thành đã khiến Argentina, dưới sự lãnh đạo của tướng Leopoldo Galtieri, phải dùng đến vũ lực để giành lại Malvinas. Vào đầu tháng 4/1982, quân đội Argentina tiến hành chiến dịch Rosario. Lúc đó tướng Galtieri chắc chắn Mỹ sẽ không can thiệp và người Anh sẽ buộc phải từ bỏ Malvinas.

Thực tế Washington đã ủng hộ mạnh mẽ đồng minh chiến lược của mình và London cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Argentina. Tình báo Mỹ cung cấp mọi thông tin về lực lượng của Argentina triển khai ở Malvinas. Chính quyền Anh do "Bà đầm thép" Thatcher lãnh đạo lúc đó đã gửi đến Malvinas một hạm đội - hơn 100 tàu, bao gồm 3 tàu ngầm hạt nhân, máy bay Hermes, nhiều tàu lội nước tấn công - và cả không quân. Trong cuộc chiến này Argentina đã thua trận và đầu hàng. Cuộc chiến kéo dài 74 ngày và kết thúc vào ngày 20/6/1982, đã cướp đi sinh mạng của 258 binh sĩ Anh và 649 người Argentina.

Tàu tuần dương được sử dụng trong chiến tranh thế giới lần 2 ARA General Belgrano của Argentina bị hải quân Anh đánh chìm trong cuộc xung đột Falkland năm 1982.

Quan hệ ngoại giao giữa Argentina và Anh chỉ được phục hồi vào tháng 2/1990. Thêm 5 năm nữa trôi qua trước khi hai quốc gia ký kết hiệp ước cùng khai thác trữ lượng dầu khí ở vùng thềm quanh quần đảo Malvinas. Một ủy ban phối hợp Anh và Argentina có nhiệm vụ giám sát sự hợp tác khai thác này. Tuy nhiên, hai bên đã không thiết lập được mối quan hệ đối tác cùng có lợi trong việc sản xuất và bán dầu mỏ. Sau đó, thông tin về việc người Anh có kế hoạch cho phép các công ty nước này triển khai hoạt động thăm dò và khai thác quanh khu vực quần đảo Malvinas đã gây nên phản ứng gay gắt từ Buenos Aires.

Tháng 4/2007, tại cuộc họp thượng đỉnh về năng lượng của các quốc gia Nam Mỹ, Argentina thông báo nước này ngừng hợp tác khai thác dầu mỏ với Anh. Tháng  2/2010, Tổng thống Cristina Fernandez của Argentina phê chuẩn luật bắt buộc mọi tàu bè nước ngoài phải xin giấy phép khi đi vào khu vực biển bao gồm quần đảo Malvinas cách vùng bờ biển Argentina 480km.

 Cũng trong thời gian này, Công ty Dầu khí Desire Petroleum của Anh trúng thầu khai thác dầu mỏ ở thềm quần đảo Malvinas. Để phản ứng, Cơ quan Hải quan Argentina bắt đầu ngăn cấm những chiếc tàu nghi ngờ chở ống dẫn dầu và các thiết bị dùng để khai thác dầu mỏ đến khu vực biển quanh Malvinas. Hải quân và không quân Argentina cũng được tăng cường trong khu vực. Về phía mình, chính quyền Anh cũng muốn gửi tàu tuần tra đến Nam Mỹ và có tin đồn nước này sẽ huy động cả tàu ngầm đến vùng bờ biển của Argentina.

Buenos Aires không ngừng sử dụng mọi biện pháp nhằm tống khứ người Anh ra khỏi Malvinas. Argentina tin tưởng Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp và buộc London phải tuân theo những quyết định của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, các tổ chức khu vực của Nam Mỹ - như Mercosur, UNASUR, Selac, ALBA - đều ủng hộ Argentina. Buenos Aires đang cố gắng biến sự đoàn kết này thành một sức mạnh chống lại người Anh. Và, một trong những biện pháp hiệu quả có thể xảy ra là hạn chế những chiếc tàu của các công ty dầu mỏ Anh đi vào các cảng Nam Mỹ.  

Tổng thống Hugo Chavez của Vanezuela cũng ủng hộ mạnh Argentina và đặc biệt quan tâm đến sự tăng cường hiện diện của quân đội Anh ở Nam Đại Tây Dương. Cách đây 2 năm, ông Chavez đã lên tiếng yêu cầu Nữ hoàng Anh rời bỏ quần đảo Malvinas của Argentina. Và trong tháng 1 năm nay, ông Chavez tiếp tục ủng hộ Buenos Aires khi yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron trao trả Malvinas cho Argentina. Giới truyền thông nhận định Venezuela sẵn sàng bảo vệ Argentina nếu nước này bị Anh tấn công. Nhưng hành động trước nhất của ông Chavez là đề nghị Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) phải có kế hoạch buộc Anh trao trả Malvinas cho Argentina.

Trong lúc này Washington vẫn tỏ thái độ trung lập, song người ta khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ đồng minh chiến lược của mình nếu xung đột leo thang. Hơn nữa, Công ty Dầu khí Anadarko Petroleum Corporation của Mỹ cũng bắt đầu có kế hoạch khoan thăm dò ở vùng thềm quần đảo Malvinas. Vừa qua, Hoàng tử William đã đến căn cứ Mount Pleasabt ở Malvinas, nơi Hoàng tử được huấn luyện lái máy bay trực thăng cứu hộ. Giới quan chức ở Buenos Aires coi chuyến đi này của William là sự thách thức mới từ nước Anh

Thục Miên (tổng hợp)
.
.