Đi tìm “thần dược” ở Quảng Nam:

Nấm lim xanh có chữa được bệnh ung thư?

Thứ Năm, 03/03/2011, 15:35
Đã gần một năm trôi qua, nhưng chuyện một số thanh niên ở xã Tiên Hiệp, huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, bị mắc những căn bệnh hiểm nghèo như: Viêm gan B, xơ gan cổ trướng, ung thư gan... vào rừng lấy nấm mọc trên cây thiết lim (lim xanh) bị chết, sắc lấy nước uống chữa hết bệnh, vẫn đang còn là vấn đề “nóng”, khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Để trả lời câu hỏi, nấm lim xanh ở miền núi Tiên Phước có chữa được bệnh hiểm nghèo hay không? Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu gửi Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm tra chất lượng và hiện đã có kết quả... 

Thoát chết nhờ nấm

Trở lại huyện miền núi Tiên Phước, Quảng Nam, gặp anh Nguyễn Đình Hoa (35 tuổi), người đầu tiên "liều mình" uống nước sắc từ loài nấm mọc trên thân gỗ cây thiết lim đã chết trong rừng Suối Bùn để chữa bệnh viêm gan B và cuối cùng đã lành bệnh, anh vui vẻ báo tin: "Năm ni tui cưới vợ!". Nhiều người dân trong xóm biết tin này cũng đến chúc mừng anh Hoa. Họ bảo rằng, một người may mắn thoát khỏi "cửa tử", sống lại khỏe mạnh thì cũng nên cưới vợ, có con để mẹ già vui lòng.

Nhà anh Hoa ở trên một triền núi thuộc thôn 5, xã Tiên Hiệp. Xung quanh là rừng thiết lim, anh Hoa mới trồng vào mùa mưa năm ngoái, nay những cây thiết lim con ấy cũng đã nhú đọt non xanh mởn. Mẹ anh Hoa, bà Trương Thị Chân 87 tuổi, kể rằng: Nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Khoảng 3 năm về trước, đang khỏe mạnh thì Hoa ngã bệnh, da vàng, bụng chướng to. Thương con, bà đồng ý để Hoa bán bò, heo và cả rừng keo trồng quanh nhà để mang tiền xuống Đà Nẵng, rồi ra Huế chữa bệnh.

Nhưng rốt cuộc, tiền hết mà bệnh ngày một nặng thêm, Hoa trở về nhà tuyệt vọng nằm chờ ngày thần chết đến đón đi. Tưởng rằng cuộc đời non trẻ của đứa con trai độc nhất thế là hết, song không ngờ lại được một anh làm ở Công an huyện Tiên Phước cứu giúp...

Nghe mẹ nói vậy, anh Hoa mới giải thích cho chúng tôi rõ ngọn ngành. Hoa nói, khi bệnh ngày một trầm trọng, anh đi ra một số bệnh viện lớn ở Đà Nẵng khám, xét nghiệm thì các bác sĩ cho biết, anh bị viêm gan B. Nghe lời một người quen hướng dẫn, anh đón xe ra một bệnh viện có uy tín ở Huế chạy chữa. Nhưng uống bao nhiêu thuốc mà bệnh tình không thuyên giảm, hông phải cứ đau thắt từng cơn, cơ thể yếu dần, đi đứng không vững. Tiền hết, anh phải về lại nhà.

Trong lúc tuyệt vọng thì gặp anh Cự, cán bộ Công an huyện Tiên Phước, cũng là người quen biết, giới  thiệu đến nhà anh Dũng ở xã Tiên Lãnh, có tài liệu nói về nấm linh chi hướng dẫn sắc uống có thể chữa được bệnh về gan. Lập tức, Hoa tìm tới xin tài liệu đọc rồi gắng gượng đi vào rừng Suối Bùn cách nhà hơn 10 cây số để tìm nấm linh chi uống cầu may.

Oái oăm là rừng Suối Bùn mọc rất nhiều cây thiết lim, nấm mọc ở gốc cây thiết lim đã bị lâm tặc đốn hạ từ những năm trước khá nhiều. Đủ các màu sắc: vàng, trắng, đen, xanh, đỏ tía... Hoa hái liều được 30kg mang về, rửa sạch rồi đổ vào nồi nấu trong vòng 4 ngày thì được hơn 3 lạng cao. Sợ nấm độc, Hoa nướng miếng thịt bôi cao nấm vào cho chó ăn. Thấy chó ăn không chết liền đem hòa với nước ấm uống mỗi ngày.

Uống hết 3 lạng cao nấm thấy bệnh thuyên giảm, bụng xẹp lại, Hoa tiếp tục vào rừng Suối Bùn hái nấm mang về sắc uống. Hoa uống nước sắc từ nấm mọc trên cây gỗ thiết lim được hơn 3 tháng, thấy người khỏe nên anh xuống bệnh viện ở Đà Nẵng khám lại thì hay, không còn bị viêm gan B nữa...

"Nghe tin tui uống nước nấm thiết lim bớt bệnh, một số anh em đồng trang lứa với tui ở trong xã như, anh Nguyễn Đình Hương (34 tuổi) trú ở thôn 1; anh Nguyễn Đình Phúc (40 tuổi), công tác tại Hội Cựu chiến binh xã Tiên Hiệp, đều bị bệnh xơ gan cũng tới tìm hiểu. Tui dẫn họ vào rừng tìm nấm thiết lim sắc uống và bệnh tình cũng dứt hẳn".

Các thanh niên xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, Quảng Nam, hái nấm lim xanh ở rừng Suối Bùn.

Tiếp xúc với anh Nguyễn Đình Phúc, chúng tôi cũng được xem giấy ra viện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, ngày 20/2/2009, xác định anh bị mắc bệnh xơ gan, viêm loét dạ dày. Anh Phúc kể rằng, anh bị bệnh đau ở vùng bụng, mắt vàng nên đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khám. Bác sĩ cho nhập viện, chưa đầy 5 ngày anh biết mình mắc chứng bệnh nan y. Nghĩ phận mình nhà nghèo, vợ (chị Đỗ Thị Trung, 36 tuổi) ở nhà cũng bị viêm loét dạ dày, đau ốm thường xuyên, lại phải nuôi 3 đứa con thơ dại, lấy đâu ra tiền chữa bệnh, anh quyết định xin bác sĩ cho xuất viện về nhà... chờ chết!

“Nào hay nghe tin anh Hoa uống nước sắc từ cây thiết lim đã hết bệnh viêm gan B, anh Phúc tìm tới dò hỏi, rồi cùng anh Hoa, anh Hương vào rừng kiếm nấm về sắc uống. Uống hơn 10kg nấm anh đã dứt hẳn bệnh; vợ anh uống nước nấm anh sắc cũng không còn đau dạ dày nữa. Từ đó, thỉnh thoảng anh vào rừng hái nấm về nấu cho cả nhà uống thay nước chè, đề phòng bệnh tật...

Kết luận của Viện Dược liệu - Bộ Y tế

Trước khi trở lại miền núi Tiên Phước, Quảng Nam, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với Dược sĩ Nguyễn Như Chính, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, về sự việc những thanh niên mắc bệnh hiểm nghèo ở xã Tiên Hiệp đã uống nước sắc từ loài nấm mọc trên cây thiết lim để chữa bệnh.

Dược sĩ Chính phấn khởi báo tin rằng, trước tết Tân Mão, ngày 14/1/2011, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, nhận được công văn phản hồi của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) về việc kiểm nghiệm số nấm mọc trên thân gỗ thiết lim ở rừng Tiên Phước mà Sở Y tế đã gửi đi vào tháng 10/2010.

Dược sĩ Chính cho hay, trước tình hình hàng trăm người từ các nơi đổ xô về huyện Tiên Phước mua nấm mọc trên cây thiết lim để sắc uống chữa các chứng bệnh hiểm nghèo, nhất là các chứng bệnh về gan, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhanh chóng cử đoàn công tác đến kiểm tra, khuyến cáo mọi người nên thận trọng khi dùng nấm; vì nếu bất cẩn trúng phải nấm độc ắt hậu họa khó lường. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, rất nhiều người uống nước sắc từ nấm mọc trên cây thiết lim, không một ai bị ngộ độc.

Trong khi, có thông tin phản hồi từ một số người mắc bệnh về gan uống nước sắc từ nấm thiết lim mua lại của anh Nguyễn Đình Hoa, bệnh tình có thuyên giảm rõ rệt. Do đó, Sở Y tế vận động anh Hoa giúp cho mẫu nấm thiết lim tự nhiên, nguyên mũ, nguyên cây để chuyển cho Viện Dược liệu, nghiên cứu xác định nấm có độc tính hay không, tác dụng sinh học và các thành phần hóa học có tác dụng chính của nấm là gì mà nhiều người uống chữa lành bệnh hiểm nghèo...

Dù đi tìm nấm trên thân cây gỗ thiết lim đã chết trong rừng rất khó khăn, song anh Hoa và bạn bè trong nhóm đi hái nấm của anh, cũng đã sẵn sàng ủng hộ Sở Y tế tỉnh Quảng Nam 3kg nấm để gửi Viện Dược liệu phân tích, kiểm định. Cuối cùng, Viện Dược liệu đã có công văn trả lời...

Nấm lim xanh tự nhiên đã được phơi khô.

Dược sĩ Nguyễn Như Chính không ngần ngại cung cấp cho chúng tôi Công văn số 08, do Viện trưởng Viện Dược liệu, TSKH Nguyễn Minh Khởi ký tên, đóng dấu gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vào ngày 10/1/2011.

Công văn có nội dung rằng: Được sự giúp đỡ của GS, TSKH Trịnh Tam Kiệt, công tác tại Khoa Công nghệ Sinh học Đại học Quốc gia Hà Nội và GS, TS Bae Ki-hwan, công tác tại Khoa Dược, Trường đại học Changnam, Hàn Quốc, Viện Dược liệu - Bộ Y tế đã xác định loài nấm mọc trên thân gỗ thiết lim mà Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, chuyển ra để phân tích, kiểm nghiệm, thì đó chính là nấm linh chi tự nhiên. Loài nấm này có tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst., còn có tên đồng nghĩa là Polyporum lucidus W. Curt., thuộc họ nấm lim (Ganodermataceae).

Văn bản nêu ý kiến của GS Trịnh Tam Kiệt cho biết, có thể sử dụng nấm mọc trên gỗ thiết lim theo y học cổ truyền mà không lo độc hại, độc tính của nấm... Vì vậy, Viện Dược liệu trao đổi với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nên khuyến nghị người dân dùng nấm lim xanh theo hướng dẫn đã có trong các tài liệu chính thống về dược liệu, như cuốn: "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS, TS Đỗ Tất Lợi và sách về "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" của tập thể tác giả Viện Dược liệu...

Tìm hiểu nghiên cứu của GS, TS Đỗ Tất Lợi, cây đại thụ ngành Đông y dược Việt Nam, thì tài liệu về những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của ông xác định: Cây thiết lim (lim xanh) còn gọi là Xích Diệp mộc, có tên khoa học là Erythrophloeum fordii Oliv, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae) mọc nhiều ở những khu rừng miền Bắc và miền Trung. Gỗ lim xanh rất độc, song nấm mọc trên thân gỗ nó lại không có độc tính.

Nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Viện Dược liệu đều khẳng định: Nấm linh chi Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) Karst có tác dụng bồi bổ cường tráng, giúp khí huyết lưu thông, làm tăng sức cho tế bào hấp thụ ôxy tốt hơn... Nó có công dụng trị suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ; các bệnh viêm gan, viêm khí quản mạn tính, huyết áp cao; đau dạ dày, chán ăn, thấp khớp, thống phong... Người bị bệnh đau gan mạn tính, hen phế quản, nên nghiền nấm linh chi thành bột khô mỗi lần uống 3 lần, mỗi lần từ 1-2g với nước nóng; hoặc phơi, sấy khô, thái mỏng đun nước uống.

Các công trình nghiên cứu của GS, TS Đỗ Tất Lợi còn đặc biệt lưu tâm việc Viện nghiên cứu linh chi hoang dại của Trung Quốc đã phát hiện trong hỗn hợp của 6 loại linh chi, gồm: Thanh chi (xanh), Hồng chi (đỏ), Hoàng chi (vàng), Bạch chi (trắng), Tử chi (tím đỏ), Hắc chi (đen), có hàm lượng germanium cao gấp 5-6 lần trong nhân sâm.   

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, PGS-TS Nguyễn Thị Chính, công tác tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) được mệnh danh là "Bà chúa nấm linh chi" cho hay, trong số loài nấm mọc trên cây lim xanh, có nấm linh chi, giá trị dược liệu cao. Song, nấm lim mọc trong tự nhiên có hoạt tính dược liệu nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng.

Anh Hoa cho biết, việc kiếm cực kỳ khó khăn, nhưng với người bệnh anh vẫn san sẻ với những người tới mua nấm anh đều ghi lại số điện thoại thường xuyên liên lạc thì thấy, phần lớn người bị bệnh giai đoạn đầu, bệnh tình có thuyên giảm nhiều. Riêng những trường hợp bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, nhất là ung thư gan, thì có uống nước sắc từ nấm mọc trên cây thiết lim cũng chỉ cầm cự một thời gian ngắn, chứ không qua khỏi. Tốt hơn hết là người thân của người bệnh nên chuẩn bị tinh thần lo chuyện hậu sự hơn là tìm mua nấm thiết lim sắc cho uống làm gì...

Ngẫm nghĩ lời tâm sự chân tình của anh Hoa mới thấy bản chất người thanh niên sống ở miền núi Tiên Phước thật chân tình. Nấm lim xanh chứ đâu phải "tiên dược" mà có công năng cải tử hoàn sinh chứ ?!...

Long Vân
.
.