Năm “vượt bão” thành công của PVN

Thứ Hai, 01/02/2021, 14:20
Năm 2020, lợi nhuận dự kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt trên 10 nghìn tỷ đồng (trên 430 triệu USD. Các chỉ tiêu về thăm dò gia tăng trữ lượng, sản xuất điện, phân đạm... đều đạt và vượt kế hoạch. Điều đáng nói, PVN là một trong số rất ít tập đoàn dầu khí trên giới làm ăn có lãi.

Dưới tác động của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với PVN, tập đoàn kinh tế chủ lực của nền kinh tế và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức được những rủi ro, thách thức đang phải đối mặt, PVN và các doanh nghiệp thành viên đã và đang chủ động tích cực triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể và được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt để thích ứng và trở nên hiệu quả hơn, vượt qua giai đoạn sóng gió này với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe người lao động, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục theo phương châm chỉ đạo của là “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”.

PVN một năm vượt bão thành công.

Nhờ vậy, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên đã triển khai hiệu quả gói giải pháp ứng phó tác động kép, tập trung tiết giảm chi phí, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. PVN tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+.

Hoạt động đầu tư của Tập đoàn đạt nhiều kết quả tích cực ở các dự án: Tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Lô 114; giàn BK-21; hòa đồng bộ tổ máy số 1 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vào hệ thống điện quốc gia; lắp đặt thành công khối thượng tầng Dự án SV-ĐN và đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ SV đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.

Lần đầu tiên xuất khẩu phân đạm của PVN trong năm 2020 đạt mức kỷ lục 371.000 tấn, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài.

Ngoài kết quả sản xuất kinh doanh đầy ấn tượng, PVN đã thành công trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Dù lúc dịch bệnh đang ở cao trào đe dọa nhất, chưa một công trình, dự án trọng điểm nào, chưa một nhà máy, xí nghiệp nào của Petrovietnam ngừng hoạt động. Gần 60 ngàn người lao động vẫn đang từng ngày miệt mài cống hiến, tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ kế hoạch được giao phó.

Có thể nói đây là thành công rất đáng ghi nhận của PVN khi tình hình dịch bệnh đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19, PVN đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch, yêu cầu Cơ quan Tập đoàn, các đơn vị cùng các đoàn thể trong toàn Tập đoàn tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, công nhân viên, người lao động đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường... Cùng với đó, thường xuyên có các báo cáo cụ thể, cập nhật về tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch tại đơn vị.

Đặc biệt, PVN và các đơn vị trong Tập đoàn cũng chủ động nắm bắt, cập nhật biến động giá của dầu thô, cung cầu sản phẩm dầu khí, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, không bị gián đoạn; đồng thời xây dựng phương án, kịch bản để tham mưu với cấp thẩm quyền và điều hành cụ thể tại từng thời điểm để tận dụng cơ hội hoàn thành kế hoạch, giảm thiệt hại do tác động của thị trường.

Để ứng phó với tác động dịch trong giai đoạn mới, Ban Chỉ đạo đã xây dựng các kịch bản ứng phó khẩn cấp trong nhiều tình huống, trong đó có tình huống xấu nhất là có người nhiễm COVID-19 để chủ động trong xử lý tình huống, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an toàn về con người, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, không để xảy ra sự cố làm gián đoạn hoạt động của các giàn khoan, công trình, nhà máy.

Có thể nói, những thành công về mặt doanh thu, lợi nhuận... chính là sự phản ảnh một cách rõ rệt nhất cho ý chí, nghị lực cũng như bản lĩnh của người lao động dầu khí. Càng khó khăn thì ý chí ấy càng thêm mạnh mẽ và xuất phát từ Văn hóa Dầu khí. Văn hóa Dầu khí đã có từ lâu và là động lực để bao thế hệ vượt khó đi lên; thế nhưng trong năm 2020, với “Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam”, văn hóa dầu khí tiếp tục là động lực giúp Tập đoàn chiến thắng COVID-19 và đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Sự lan tỏa của văn hóa PVN đã tạo dựng nền tảng trí tuệ, quan điểm đồng nhất, gắn kết mọi người, tạo nên động lực lớn lao, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng dầu khí.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, tình hình kinh tế nói chung và ngành dầu khí nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị trong Tập đoàn hoặc trong một số doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí có trường hợp bị giảm sút gây tác động không nhỏ tới tâm lý, tinh thần của người lao động. Thế nhưng, nhờ có văn hóa dầu khí, chúng ta vẫn thấy sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng tại các nhà máy, xí nghiệp, trên các giàn khoan, các công trình dầu khí.

Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phải thắt lưng buộc bụng, tiết giảm chi phí một cách triệt để, nhưng PVN vẫn luôn dành sự quan tâm tới cộng đồng, coi đó là một phần trách nhiệm của mình, đặc biệt trong cuộc chiến chống COVID-19. Từ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ chống dịch bệnh, hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung và người nghèo trong cả nước đã được trao đi bằng tất cả sự đồng cảm và sẻ chia.

Nguyễn Như Phong
.
.