Nạn đánh cắp bí quyết giữa các ảo thuật gia

Thứ Hai, 22/04/2013, 19:35

Jeff McBride là một trong những ảo thuật gia có tài năng hoàn hảo nhất trên thế giới và khán giả như bị thôi miên trước những tiết mục biểu diễn ngoạn mục của ông. Tiết mục nổi tiếng nhất của McBride là một loạt những cảnh biến hóa vô cùng phức tạp với nhiều chiếc mặt nạ như hút hồn người xem vào thế giới ảo thuật. Tuy nhiên, McBride phát hiện không chỉ mình ông có thể thực hiện được tiết mục đó - một video trên YouTube cho thấy một ảo thuật gia Thái Lan cũng biến hóa tài tình giữa nền nhạc sôi động trên kênh truyền hình địa phương! Thậm chí, ảo thuật gia này còn cắt và nhuộm tóc y chang McBride!

Nhờ sự giúp đỡ của Google Translate, McBride quyết định lên tiếng. McBride cho biết: "Đây không chỉ là sự sao chép một trong những tiết mục của tôi mà còn là hành vi bê nguyên xi chương trình của tôi. Nhưng, tôi không muốn dùng lời lẽ đao to búa lớn để chỉ trích ảo thuật gia Thái Lan mặc dù anh ta đã làm điều sai". Cuộc tranh cãi giữa hai bên cuối cùng cũng kết thúc trong êm đẹp, song câu chuyện của McBride đã cho thấy nạn đánh cắp các bí quyết ảo thuật hiện nay đang gia tăng.

Kevin James, ảo thuật gia có biệt danh "Nhà sáng chế" do ông đạt kỷ lục với nhiều tiết mục biểu diễn đầy tính sáng tạo, nhận xét: "Thật là tình huống đáng buồn. Nó như bệnh ung thư trong lĩnh vực ảo thuật của chúng tôi". Một số tiết mục độc đáo của Kevin James cũng bị sao chép và rao bán với giá rất rẻ trên các trang web của Trung Quốc, thậm chí sử dụng tên và hình ảnh của ông. Người ta cho rằng các ảo thuật gia bị sao chép có thể kiện vụ việc ra tòa án nhưng trên thực tế điều đó rất hiếm xảy ra - Sara Crasson giải thích. Crasson là nữ luật sư chuyên về quyền bảo vệ tài sản trí tuệ đồng thời cũng là ảo thuật gia.

Mới đây, một tòa án ở Hà Lan quy định những bí quyết và thủ thuật gây ảo giác về thực chất thì không được bảo hộ, nhưng khi chúng được đưa vào tiết mục biểu diễn của ảo thuật gia và lập thành một loại hình sân khấu thì sẽ được hưởng chế độ bảo hộ tác quyền. Nhưng, trên thực tế trường hợp này chỉ có hiệu quả đối với những ảo thuật gia - ví dụ như McBride - có toàn bộ tiết mục hay trọn chương trình biểu diễn bị sao chép.

Ngoài ra, thế giới ảo thuật tương tự như môi trường của miền Tây hoang dã nước Mỹ, nghĩa là ảo thuật gia chẳng được luật pháp bảo vệ. Không như công thức sản xuất nước giải khát của Coca-Cola hay bí quyết nêm gia vị cho thịt gà của KFC được coi là những bí mật thương mại được bảo hộ theo quy định của luật pháp. Crasson cho biết, những bí quyết đánh lừa thị giác của ảo thuật gia rất khó giữ bí mật vì những người sống trong lĩnh vực ảo thuật đều biết cách giải mã những bí mật đằng sau tiết mục biểu diễn.

Trong quá khứ đã có trường hợp liên quan đến Harry Kellar, ảo thuật gia Mỹ nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX. Kellar rất háo hức muốn nắm bí quyết tiết mục điều khiển thân người bay lên cao của ảo thuật gia Anh John Nevil Maskelyne nên đã sử dụng ống nhòm mỗi khi xem người này biểu diễn. Thậm chí, Kellar còn đến thật gần sân khấu để quan sát nhưng vẫn không biết được gì hơn. Cuối cùng, Kellar dùng tiền hối lộ một ảo thuật gia khác trên sân khấu để có trong tay sơ đồ thiết kế tiết mục của Maskelyne. Sau đó, Kellar đã biểu diễn tiết mục ăn khách sao chép được từ Maskelyne trên khắp thế giới.

"Chiếc bàn bay" mô phỏng của Trung Quốc (trái) và dụng cụ thật của ảo thuật gia Đức Losander (phải).

Trường hợp tương tự trong thời hiện đại xảy ra cho tiết mục "Chiếc bàn bay" của ảo thuật gia Đức Losander. "Chiếc bàn bay" không chỉ là tiết mục biểu diễn mà còn là di sản quý giá của Losander và nó được bán với giá hàng ngàn USD. Nhưng, không bao lâu sau, "Chiếc bàn bay" mô phỏng nhưng được quảng cáo là "hàng thật" rao bán lan tràn trên các trang web của Trung Quốc với giá rẻ bèo!

Losander ngán ngẩm nói: "Nếu cướp ngân hàng anh sẽ bị tống vào tù, còn ăn cắp ý tưởng thì chỉ bị rủa trời đất sẽ trừng phạt!". Giống như ảo thuật gia, các diễn viên hài kịch cũng than phiền tình cảnh những kỹ năng gây cười của họ bị những diễn viên cạnh tranh khác ăn cắp mà không hề được luật pháp bảo vệ. Cuối cùng, họ chỉ biết hy vọng vào "luật đạo đức" mà thôi. Trong thế giới liên kết như ngày nay, hành vi ăn cắp ý tưởng càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhưng "luật đạo đức" cũng được phổ biến rộng rãi hơn.

Mới đây, tạp chí Magic công bố Hàn Quốc đang là môi trường thuận lợi để các ảo thuật gia trẻ phát triển tài năng. Đồng thời, Hàn Quốc cũng là nơi khởi xướng chiến dịch gọi là "Không sao chép ảo thuật" - một trong những phong trào tích cực nhất chống lại nạn đánh cắp bí quyết trong lĩnh vực ảo thuật trên thế giới

Diên San (tổng hợp)
.
.