Nạn vay nặng lãi và lừa đảo hoành hành thời khủng hoảng kinh tế

Thứ Tư, 20/05/2009, 08:20
Một vấn đề đang gây bức xúc cho xã hội phương Tây hiện nay là sự tái hiện hình thức cho vay nặng lãi và đẩy con nợ vào cảnh đường cùng, rơi vào tình cảnh “sống vô gia cư, tử vô địa táng”. Cho vay nặng lãi tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng nhưng nay lại “tái xuất giang hồ”.

Công ty cho vay luôn tìm sơ hở để lừa

Một buổi chiều đầy nắng ấm, đáng lẽ bà Wanda Smith 61 tuổi phải rất hạnh phúc. Nhưng điều tủi nhục đã xảy ra với bà. Lý do là bà đã mất nhà từ tháng 12 năm ngoái. Đây có lẽ là kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời vì bà và người chồng quá cố đã từng chia sẻ ngọt bùi trong căn nhà đó.

Trước khi mất nhà, bà đã ở trong tình trạng bất lực do ốm đau nhưng lại thiếu tiền. Chủ nợ thì thúc ép bà và không cho giãn nợ. Bà liền gọi tới Công ty tín dụng NLC, một công ty có trụ sở ở California. Nhưng tất cả đều vô vọng.

Trước đây, công ty này đã cho phép Wanda vay một khoản và bà đã tin vào những lời mật ngọt của công ty đó. Các công ty “ma” thường tìm người đi vay “ngú ngớ” như bà  Wanda Smith, bởi vì họ dễ lừa những người đang trong tình cảnh túng quẫn - Tom Domonoske, luật sư của bà Wanda Smith tiết lộ.

Chủ nhà thường cho vay “hợp pháp” đối với những người như bà Wanda Smith một khoản tiền trị giá 15.000 USD (có thể nhiều hay ít hơn), người cho vay bắt đầu khống chế với con nợ bằng một văn bản thế chấp với lãi suất cao. Chính vì vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, gánh nặng nợ gốc và lãi cho bà Wanda Smith đã tăng lên tới 6.700 USD trong khi bà lại không làm ra tiền ngoài vài đồng trợ cấp.

Khi vay, bà Wanda Smith đã không ngại ngần ký kết một vài điều khoản với người đại diện ủy quyền của NLC, trong đó người cho vay cố tình giăng bẫy để tìm sơ hở lật lại bà. Kết cục là bà đã có một vài điều sai và 6 tháng sau khi đi vay bà đã phải mất  nhà, sống trong tình trạng vô gia cư.

“Những điều xảy ra đối với bà Wanda Smith hiện nay là không phải hiếm và đang trở nên phổ biến ở Mỹ” - chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng Mike Calhoun nhận định. Những kẻ cho vay dưới hình thức bóc lột đang tái xuất hiện ở Mỹ. Ước tính tại Mỹ, mỗi năm số người đi vay như bà Wanda Smith và bị mất nhà có giá trị khoảng 10 tỉ USD.

Hiện nay ở Mỹ đã có một số điều luật không khoan nhượng trong việc chống lại những kẻ lừa đảo bằng cho vay lãi nặng. Có cả những yêu cầu các cố vấn về tín dụng phải cung cấp những thông tin đầy đủ về khoản cho vay, tuy nhiên, ở một số bang của Mỹ lại không có điều này.

Calhoun, một luật sư có tiếng của bang Virginia nói rằng, điển hình trong số công ty cho vay nặng lãi là NLC. Họ không có trách nhiệm phân tích cho người vay về điều gì nên làm, điều gì tránh khi vay. Tuy nhiên, khi trả lời trước báo chí, lãnh đạo của công ty trên cho rằng, họ đã có hẳn chiến lược giúp  người tiêu dùng đi vay một cách minh bạch dựa theo một số điều luật.

Nhưng khi xem xét kỹ thì những phân tích hay tư vấn bằng văn bản lại không có. Hiện nay, bà Wanda Smith đang phải thuê phòng trọ và dành tiền thuê luật sư chống lại Công ty NLC.

Nạn “dịch” cho vay nặng lãi lan sang cả châu  Âu

Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của EU rất thấp thậm chí là bằng 0 trong năm nay. Nền kinh tế vận hành kém trong khi đồng euro tăng cao đã khiến cho việc đi tìm bài toán tăng trưởng cho nền kinh tế khu vực  là một khó khăn.  Trước tình hình đó, các công ty tín dụng “ma” luôn  tìm cách khuyến khích người dân đi vay tiền để tiêu xài đồng thời rêu rao đó cũng là cách để giúp cho nền kinh tế đất nước tăng trưởng cao hơn. Bài toán này không phải là không phát huy hiệu quả, nhưng mặt trái của nó là rất lớn.

Để làm được điều này, ngành tài chính cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho vấn đề dùng thẻ tín dụng mua hàng hóa chịu. Kết quả là đã có rất nhiều quảng cáo, biển hiệu trên Internet.

Tại Đức, phương tiện thông tin đại chúng tung ra những lời rao bắt mắt như: “Thẻ tín dụng, không chỉ rẻ mà còn mang lại nhiều điều may mắn!”.  Một tổ chức tín dụng của Anh cũng tuyên truyền cho mọi người: “Bạn muốn có chiếc xe hơi sang trọng, tiện nghi trong nhà đắt tiền. Chỉ cần đến với chúng tôi là giấc mơ của bạn trở thành hiện thực”.

Tuy nhiên, khi  chủ nợ cho vay lại không tư vấn cho người tiêu dùng khiến  khách hàng  khi nhận tiền từ các công ty cho vay cứ ngỡ là “nhặt” được tiền nên tiêu xài thoải mái. Hệ quả là khi đáo hạn thì họ không trả được và phải bán nhà hoặc tài sản để trả nợ.

“Tất cả chúng tôi đang trong tình trạng phá sản, mọi chuyện lúc đầu tưởng như tốt đẹp vĩnh viễn nhưng giờ nó đã qua, để lại đằng sau đó là những nỗi buồn và sự hối tiếc cho mỗi người” - lời thừa nhận của các thành viên của ban nhạc Châu  Âu mới của Đức khi họ lạm dụng quá nhiều  vào thẻ tín dụng. Cho dù Đức được xem là quốc gia dè xẻn trong chi tiêu nhưng nợ nần tại thị trường của họ cũng đã tăng gấp đôi thời gian gần đây.

Số người vỡ nợ tại quốc gia này đã tăng lên tới hơn 100.000 người trong năm qua. Giải quyết nợ nần tại Đức đang là một công việc khá đau đầu với chính phủ nước này, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tại nước này đang ở mức khá cao. Trong số những nạn nhân “ngã ngựa” lại tập trung  không ít là phụ nữ. 

Tại Anh: Mức người dân nợ nần đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Thế chấp cầm cố nợ tại quốc gia xứ sương mù này hiện đã tăng gần 300%. Trung bình một người Anh hiện nay nợ là 4.000 bảng, ít hơn 40% so với mức nợ trung bình của Mỹ, tuy nhiên, khả năng trả nợ của người Anh thấp hơn của Mỹ, do mức thu nhập thấp hơn.

Giới trẻ từ 18-24 tuổi ở Anh hiện nay thích cuộc sống hưởng thụ mà họ không lo ngại phải đối mặt với tương lai nợ nần, khác với những năm 70-80 của thế kỷ trước, những người tiêu thụ là những người đang đi làm việc kiếm được nhiều tiền. “Tiêu tiền là mục đích hàng đầu của tôi”, Nokakovic, một sinh viên 27 tuổi tâm sự. Năm ngoái, anh đã mua chịu một giàn âm thanh trị giá 400 bảng, sau đó lại mua chịu nhiều khoản khác và tổng cộng nợ tới hơn 4.500 bảng”.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Mogan Stanley, trung bình các hộ dân ở Anh hiện giờ nợ nần đã vượt mức thu nhập của họ là 110%, so với Mỹ là 102%. Trong năm 2007, số nợ tổng cộng từ tiêu dùng gây ra đã tăng 12% ở Anh so với 3% của khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, Anh vẫn chưa phải là quốc gia có mức nợ nần cao nhất, mà Hà Lan đã vượt ở mức 131%, phụ nữ cũng là đối tượng đông trong số này. Italia được xem là quốc gia tiêu xài khiêm tốn nhưng hiện số phụ nữ mắc nợ cũng rất cao.

Thực tế lời cảnh báo này là có cơ sở khi mà số phụ nữ đi làm việc ở Italia ngày càng ít đi trong khi số người tiêu xài ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua sắm các đồ dùng đắt tiền như xe hơi, máy bay riêng... Tại các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha... việc chi tiêu còn khiêm tốn, nhưng những cảnh báo trên cũng khiến cho chính phủ các nước này phải thận trọng.

Richard Scase, chuyên gia về  tín dụng cho rằng: “Thật là sai lầm khi không thích tích trữ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Vì khi họ đi vay mà không có tư vấn thì dễ mất nhà như chơi”

Văn Nguyễn (tổng hợp)
.
.