Nét Việt xưa ở làng Nôm

Thứ Tư, 18/09/2019, 12:25
Ai về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình.

Câu ca dao xưa đưa ta về với một làng quê mộc mạc, thanh bình thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đó là làng Nôm, nay còn gọi là thôn Đại Đồng. Ngôi làng cổ còn bảo tồn được không gian văn hóa truyền thống với những nét đặc trưng của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Về làng Nôm những ngày đầu thu dịu nhẹ, ta càng cảm nhận được vẻ đẹp cổ xưa và nhịp sống bình dị ở ngôi làng hàng trăm năm tuổi này.

Đến làng Nôm, ấn tượng đầu tiên là vẻ cổ kính của cổng làng sừng sững được xây dựng bề thế gồm 4 trụ vuông với những họa tiết tinh xảo. Vòm cổng được đắp một đại tự gồm 3 chữ: “Đồng Cầu Nôm”.

Bước qua cánh cổng làng uy nghiêm, tất cả sự ồn ã của nhịp sống hiện đại như ngừng lại nhường chỗ cho một khung cảnh xưa cũ tự nghìn đời. Một hồ nước trong xanh phẳng lặng ở vị trí trung tâm làng như chiếc gương khổng lồ, soi bóng những hàng cổ thụ, tạo nên một cảnh tượng thật yên bình. Hai bên hồ là những cây cau thẳng tắp, những cây nhãn vàng ươm bởi những sợi tơ hồng quấn quýt. Đó còn là nơi tọa lạc những ngôi nhà thờ của các dòng họ trong làng, có những nhà thờ đã tồn tại gần một thế kỷ với đường nét kiến trúc cổ kính.

Những con đường làng được lát gạch đỏ uốn lượn mềm mại men theo những ngôi nhà cổ. Màu đỏ thâm trầm lưu trong mình bao vết dấu thời gian. Những bờ rào duối hiếm hoi còn lại xen lẫn với dãy bờ tường xây dẫn vào các ngõ ngách của làng.  Bao bọc quanh làng Nôm vẫn còn nguyên những rặng tre xanh kĩu kịt gió đưa gợi ta nhớ về những bình yên thuở trước.

Làng Nôm nhìn từ trên cao.

Linh thiêng Chùa Nôm

Đến làng Nôm, không thể không ghé thăm chùa Nôm - ngôi đại tự nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên xưa và nay. Chùa Nôm được xây dựng từ năm nào không ai rõ, duy có hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý: Thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này. Trải qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành ngôi chùa khang trang như ngày nay.

Theo truyền thuyết thì xưa kia chùa Nôm được xây dựng giữa rừng thông xanh bạt ngàn. Có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên là “Linh thông cổ tự”. Ngôi chùa chính tọa lạc dưới những tán cổ thụ, tạo nên không gian tĩnh mịch, trang nghiêm..

Theo những người dân nơi đây, kiến trúc chùa được thiết kế theo kiểu chữ Đinh, có nghĩa là bề thế kiên định. Bước qua tam quan chùa là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Ngày ngày tiếng chuông được thỉnh lên, thanh âm trong trẻo vang vọng vào không gian yên bình của khu chùa cổ. Điểm đặc biệt hấp dẫn du khách của chùa Nôm chính là khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc. Lầu Quan Âm của ngôi chùa nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga, lộng lẫy.

Dẫn vào lầu Quan Âm là cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là 2 tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc. Báu vật của chùa là 122 pho tượng cổ bằng đất sét, như tượng Tứ vị Bồ tát, Thập bát La hán... Mỗi bức tượng đều được chạm khắc với biểu cảm gương mặt phong phú, ấn tượng.

Cổng làng Nôm.

Đến với chùa Nôm, du khách còn được chiêm ngưỡng khu vườn mộ tháp bằng đá ong nằm bên cạnh ngôi chùa cổ. Đó là những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng vững như thách thức với thời gian.

Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử, gắn bó với người dân nơi đây cả trong thời chiến cũng như thời bình. Sự linh thiêng của chùa luôn thấm đẫm vào từng viên ngói, từng thớ gỗ, từng pho tượng... Điều đặc biệt nhất là qua hàng trăm năm lịch sử, có những năm cả ngôi chùa ngập trong trận lụt, nhưng những pho tượng đất này vẫn còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng

Cây đa - bến nước - sân đình

Cây đa - bến nước - sân đình là những hình ảnh in hằn vào tâm thức của mỗi người con sinh ra trên quê hương Bắc Bộ. Nó như một biểu tượng cho không gian văn hóa làng quê, gợi nhắc vẻ bình yên và thân thuộc. Ngày nay, ở nhiều vùng quê, hình ảnh ấy đã không còn rõ nét nhưng ở ngôi làng Nôm cổ này, quần thể ấy vẫn tồn tại nguyên vẹn.

Đối diện với cổng làng, bên kia hồ là một quần thể kiến trúc đẹp gồm đình làng, giếng cổ và cây đa cổ thụ. Đình làng Nôm khởi thủy chỉ là một miếu nhỏ nhưng trải qua nhiều lần xây dựng và trùng tu, ngôi đình hiện nay chủ yếu mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Cấu trúc đình gồm tiền tế, phương đình và hậu cung. Đây là nơi thờ đức thánh Tam Giang, một vị tướng dưới thời Hai Bà Trưng, có công đánh giặc giúp dân, cứu nước và hiển linh giúp Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống, được vua sắc phong là “Hộ Quốc Phúc Thần”.

Trước sân đình là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát cho cả một khoảng sân rộng lớn. Người làng Nôm không ai biết chính xác tuổi của cây nhưng nhìn vào cây đa lớn với thân to vài người ôm cùng bộ rễ hằn lên những nếp gấp thời gian, người ta có thể đoán nó đã trải qua mưa nắng ở vùng đất này hàng trăm năm. 

Tượng Phật bằng đất nung ở chùa Nôm.

Dạo quanh làng, ta sẽ được chiêm ngưỡng giếng đá cổ mang nhiều nét độc đáo hiếm có. Giếng được làm bằng đá xanh, có tuổi đời nhiều thế kỷ, được người dân làng Nôm coi là “mắt rồng”, nơi tập trung linh khí của làng từ xa xưa. Để bảo vệ sự linh thiêng, giếng được đặt trong một khuôn viên hình bát giác theo quan niệm phong thủy với tường bao quanh. Sau giếng có bình phong hình cuốn thư, tạc dòng chữ “Ẩm Hà Tư Nguyên”, nghĩa là uống nước nhớ nguồn, như lời nhắc nhở về đạo lý truyền thống của dân tộc.

Làng Nôm còn có một di sản vô cùng đặc biệt đó là cầu Nôm, chiếc cầu bắc qua sông Nguyệt Đức chảy quanh làng, đã tồn tại cách đây hơn 200 năm. Đây là cây cầu đá cổ nhất vùng châu thổ sông Hồng còn lại đến ngày nay. Cầu đá làng Nôm nổi tiếng tới mức người dân khắp xa gần không ai không biết tới những câu ca dao:

Đồng nát thì về cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha

Cây cầu gồm 9 nhịp, mặt cầu được ghép bởi những phiến đá xanh. 18 trụ cột của cây cầu được các nghệ nhân dân gian đục đẽo thủ công. Trên mỗi trụ cầu được chạm khắc hình đầu rồng tinh xảo, người dân còn quen gọi nó với cái tên dân dã là cầu 9 đầu rồng. Cây cầu đá này từ lâu đã trở thành biểu tượng của làng, là một phần hồn của làng Nôm mà ai đi xa vẫn luôn nhớ về.

Nhịp sống bình yên

Về thăm làng Nôm, vẻ trầm mặc, hoài cổ được lưu giữ qua bao thế hệ đã làm nên nét đẹp riêng của ngôi làng mà ngày nay chúng ta khó tìm thấy ở những vùng quê khác. Khuất trong những con ngõ nhỏ yên bình, làng Nôm còn giữ được những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm. Những căn nhà gỗ lim 5 gian hầu như còn nguyên vẹn đường nét kiến trúc xưa. Vết thời gian in hằn trên từng xà cột, cánh liếp.

Sau cánh cổng làng Nôm, thời gian như ngừng lại. Sự hối hả, gấp gáp của cuộc sống hiện đại dường như không chạm đến nếp sống thôn quê, mộc mạc và chân thành của con người nơi đây. Lối sống giản dị, hồn hậu ấy ngày ngày được thể hiện rõ nét trong khu chợ Nôm. Chợ Nôm có từ thời Lê, được trùng tu lại vào thời Nguyễn.

Trước kia, chợ Nôm chính là phiên chợ nổi tiếng để trao đổi buôn bán nguyên liệu cho thợ đúc đồng của cả khu vực. Thời đó cả làng Nôm có tới 70% hộ làm thợ buôn bán đồng. Người làng Nôm thường lấy hàng đúc trong vùng đi rao bán khắp nơi rồi thu gom đồng nát lại hoặc đổi cho các làng đúc.

Nhờ những hoạt động buôn bán mà làng Nôm trở nên giàu có hơn các làng trong xã. Khác với chợ ở thành phố, chợ Nôm họp bên trong những gian nhà xây gạch không trát vữa. Màu gạch đỏ au, lở vỡ theo thời gian như một nét gì đó rất hoài cổ, xưa cũ. Chợ bán đủ mọi thứ, từ thực phẩm đến các vật dụng gia đình. Vào những ngày chợ phiên như mùng 1, 4, 6, 9 hằng tháng, chợ lại càng đông vui hơn.

Cầu đá cổ làng Nôm. Ảnh: Đình Nguyễn.

Xưa kia, nơi đây cũng là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất nhất của vùng Văn Lâm. Nay, chợ Nôm vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Nhưng giữa không gian tấp nập người nói cười, đâu đó những ánh lửa đỏ rực từ lò rèn duy nhất của vợ chồng người thợ dưới gốc đa ở chợ phát sáng bập bùng, bà cụ đang nhai trầu móm mém bên những cái rá cái rổ đan bằng tay... làm người ta ngỡ mình được đi ngược thời gian trở về mấy mươi năm trước. Với sự mộc mạc, dân dã, rêu phong theo năm tháng, chợ Nôm đã làm tốn biết bao giấy mực thi nhân.

Năm ngày hai buổi chợ Nôm/ Nhớ cô hàng xén có con mắt cười/ Hàng em có giá không mời/ Mà đông khách thế để tôi ngỡ ngàng/ Xin em một việc trông hàng/ Chỉ nhìn đến lúc chợ tan mới về/ Liếc qua vành nón nghiêng che/ Lúm đồng tiền ấy làm mê lòng người/ Chợ chiều ngả bóng chia tay/ Tôi nhìn theo mái tóc mây thẫn thờ/ Chợ Nôm vẫn có ai chờ/ Để cho nhau cái ngẩn ngơ nhớ hoài”.

(Chợ Cầu Nôm - Đình Quỳ)

Cuộc sống ở làng Nôm luôn gợi cho bất cứ ai đặt chân tới đây một cảm giác thật thanh bình, như tìm lại miền kí ức xưa. Chiều chiều, những đứa trẻ trong làng lại rủ nhau ra bờ ao chơi đùa. Không có sự xuất hiện của những thiết bị điện tử, chúng hòa mình vào không gian trong lành của quê hương với những trò chơi dân dã. Ngôi làng bình yên, thân thương ấy đã chứng kiến bao thế hệ lớn lên, trưởng thành, giữ gìn nền nếp, truyền thống của cha ông.

Một góc chợ Nôm.

Với lối kiến trúc cổ kính, hài hòa, với cảnh quan thiên nhiên đậm truyền thống của một làng quê Bắc Bộ xưa, làng Nôm sẽ là điểm đến thú vị cho những ai muốn tìm hiểu về nét văn hóa cổ, tìm về những hoài niệm và vẻ đẹp giản dị giữa nhịp sống đời thường. Làng Nôm khiến ta thêm tin bên cạnh vòng xoáy đô thị hóa, bê tông hóa ở các miền quê, dấu tích cũ xưa vẫn được gìn giữ như những di sản quý giá để lại cho thế hệ mai sau. 

Nguyễn Trung Thành
.
.