New Delhi trở thành nơi ô nhiễm nhất trên địa cầu

Thứ Tư, 12/04/2017, 10:15
Thủ đô New Delhi đang ngạt thở, và mọi người đều... không thấy gì ngay trong tầm nhìn. Mùa đông năm 2016, mức độ ngạt thở chạm đến mức mà thậm chí người dân thủ đô Delhi cũng cảm thấy bất ngờ.

Vào đầu tháng 11-2016, sau 6 ngày “sương khói” dày đặc lan tỏa khắp thủ đô, chính quyền bang Delhi đã ra thông báo: gần 1.700 trường học tại thủ đô New Delhi phải đóng cửa trong 3 ngày khi thành phố này đang hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Toàn bộ các hoạt động xây dựng, các công trường xây dựng và các trạm điện đốt bằng than đá tại New Delhi bị cấm trong 3 ngày.

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài và cố gắng làm việc tại nhà nếu có thể. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các khẩn cấp do ông Kejriwal triệu tập nhằm đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực thủ đô sau khi có thông báo cho thấy tầm nhìn xa trong thành phố đã giảm xuống còn 200 mét. Dòng trạng thái “quyền được thở của tôi” hiện liên tục trên Twitter, khi người dân kêu gọi chính phủ hãy nhanh tay hành động.

Mọi chuyện xấu đi nhanh chóng sau tháng 10, khi hàng ngàn nhà nông tại bang Punjab kề cận thủ đô đốt rơm khô còn sót lại sau khi thu hoạch lúa mùa, và khói bắt đầu thổi về hướng Delhi. Đến cuối tháng, nhân mùa lễ hội Diwali của Ấn Độ giáo, cư dân lại tiếp tục đốt pháo mừng lễ hội bất chấp lời khuyên từ chính phủ, khiến việc ô nhiễm càng trở nên tồi tệ hơn. Ngay sau ngày Diwali, nhà báo Zachari Rabehi, một cư dân Delhi cho biết sương khói quá dày đặc đến nỗi “đưa bàn tay ra trước mặt mà tôi cũng không nhìn thấy nó”.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp Ấn Độ. Năng suất xuất lúa ở miền nam Ấn Độ giảm rõ rệt khi những áng mây màu nâu che phủ cả bầu trời. Theo chuyên gia về môi trường Ấn Độ Shreekant Gupta thì tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ sẽ bị giảm 4% mỗi năm nếu tính các tác hại do môi trường gây nên.

Một nghiên cứu mới từ Viện Những tác hại về sức khỏe cho thấy con số chết trẻ do ô nhiễm tại Ấn Độ đã tăng khoảng 150% trong 25 năm qua. Theo một nghiên cứu khác vào năm 2015 của Viện Ung thư quốc gia Chittaranjan (Ấn Độ), 4,4 triệu học sinh ở thủ đô Delhi bị suy hô hấp và có lẽ sẽ không bao giờ hồi phục. Tỉ lệ thành phần bụi mịn ở thủ đô New Delhi cao gấp 10 lần mức báo động do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

Ô nhiễm khói mù trầm trọng tại New Delhi.

Các báo cáo cho biết những trường hợp mắc các chứng bệnh hô hấp ở Delhi đã tăng lên mức kỷ lục, và lượng mặt nạ chống độc bán ra tại các cửa hàng trang thiết bị y tế cũng tăng đột biến. Số lượng các ca nhiễm trùng hô hấp cấp tăng đáng kể ở Ấn Độ trong vòng 15 năm qua, thậm chí khi đã tính đến yếu tố tăng trưởng dân số.

Năm 2001, tỷ lệ số ca nhiễm là 2.000 trên 100.000 người. Sang năm 2012, tỷ lệ này là 2.600 trên 100.000 người. Đến nay, số lượng những ca nhiễm trùng hô hấp cấp vẫn gia tăng bất chấp các cải thiện trong lĩnh vực y tế, dinh dưỡng cũng như việc giảm sử dụng củi làm chất đốt ở nông thôn.

Nhiếp ảnh gia Pháp Rabehi sống tại Ấn Độ suốt 10 năm qua, chuyên viết và làm tư liệu về những cuộc khủng hoảng nhân đạo và các vấn đề xã hội. Những bức ảnh trong bài này là do ông chụp, nhằm lên tiếng cảnh báo một tác hại ô nhiễm môi trường và gây hại sức khỏe cộng đồng người Ấn Độ. Mùa đông năm nay, ông chụp cảnh ô nhiễm ở Delhi, những bãi rác lộ thiên, sông, quốc lộ, và khung cảnh “mờ mịt” do không khí bị ô nhiễm sương khói.

Rabehi cho biết ông muốn chứng minh không chỉ không khí và sương khói, mà cả nước và những tác động lên con người nữa. “Tôi muốn làm ảnh tư liệu về sự lặp đi lặp lại vấn nạn này trên toàn thủ đô”, ông nói.

Một phần tình trạng ô nhiễm của Delhi có nguyên nhân từ khói thải (động cơ diesel) xe cộ, và phần còn lại do bụi đường bốc lên trên không khí, hoặc do đốt nhiên liệu sinh khối cung cấp nhiệt sưởi ấm nhà cửa. Được biết, từ đầu năm 2016, chính quyền bang Delhi đã áp dụng chính sách xe cộ lưu thông trên đường luân phiên ngày chẵn - lẻ theo biển số xe.

Chính sách này áp dụng từ 8 giờ sáng cho tới 8 giờ tối (không áp dụng vào ngày Chủ nhật) bên cạnh việc áp thuế khí thải đối với tất cả các loại xe tải và xe thương mại khi vào thành phố này để nhằm cải thiện chất lượng không khí. Những bãi rác lộ thiên ở Delhi như Ghazipur (rộng 70 mẫu đất), giúp tiêu hủy rác sinh hoạt và các chất thải rắn không độc, được biết đang tăng khoảng 8.000 tấn/ngày, cũng góp phần làm cho tình hình tồi tệ hơn khi thải ra khói độc.

Rabehi cũng muốn lưu lại những hình ảnh về tác hại của ô nhiễm lên nguồn nước quan trọng nhất thủ đô. Dòng sông Yamuna, một phụ lưu của sông Hằng chảy qua trung tâm Delhi, dài 1.376km, chạy tới tận chân dãy núi Himalaya. Thủ đô Delhi có 15 triệu dân, thì chỉ có 55% dân số sống ở các khu vực có xử lý nước thải, phần còn lại, nước thải đều chảy thẳng ra sông Yamuna. Những khu công nghiệp gần kề xả chất thải hóa học ra sông Yamuna, khiến con sông này phủ trắng một thứ bọt độc hại.

Sông Yamuna không chỉ là nguồn cung cấp nước cho 57 triệu người mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của rất nhiều người theo đạo Hindu. Mọi người ở mọi lứa tuổi đều tắm và uống nước của sông Yamuna vì tin rằng, nước sông sẽ xóa tội lỗi của họ. Những ảnh chụp của Rabehi cho thấy những cụm bọt hóa chất màu xanh lam và trắng xếp hàng dài trên mặt con sông này, giống như tàn dư của một bồn tắm đầy bọt xà phòng, kèm theo rác thải và rác nhựa trôi đầy khắp.

Chính quyền Ấn Độ và bang Delhi đã chi tổng cộng 20 tỷ Rupi (khoảng 360 triệu Euro) cho các công trình làm sạch nguồn nước, ngoài ra Ấn Độ cũng đầu tư những khoản tiền lớn cho việc xử lý hệ thống nước thải. Nhưng không phải vì thế mà nước sạch hơn. 11 trong số 17 cơ sở xử lý nước thải không hoạt động hết công suất, khoảng 1/4 nhà máy chỉ chạy không đến 30% công suất, lý do chính là các hệ thống kênh rạch, cống không đưa đủ nước thải đến hệ thống xử lý vì bị tắc và hư hỏng.

Hiện có tới 8 cơ quan thuộc chính quyền thành phố, chính quyền liên bang và chính phủ giám sát các lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc xử lý ô nhiễm dòng sông Yamuna. Các cơ quan này cạnh tranh với nhau trong việc xin ngân sách nhưng luôn đùn đẩy cho nhau về trách nhiệm mỗi khi vấn đề ô nhiễm rộ lên trong công luận.

Lê Minh – Quốc Hùng (theo Newsweek)
.
.