Nga-Trung muốn “hạ bệ” đồng USD?

Thứ Hai, 14/05/2018, 16:07
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây hay những đe dọa trừng phạt, khiến cho Nga và Trung Quốc cùng hợp tác theo hướng chiến lược hơn trong một lĩnh vực đang trở thành một hệ thống thay thế thực sự cho hệ thống USD.

Phát hành trái phiếu Nga bằng đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng sẽ là một cú hích có ý nghĩa cho quyết tâm của Trung Quốc đưa đồng tiền này trở thành đồng tiền được quốc tế chấp nhận.

Chính phủ Nga mới đây thông báo sẽ phát hành một lượng trái phiếu quốc gia tương đương 1 tỷ USD, nhưng không niệm yết bằng USD như thường lệ mà bằng đồng NDT. Quy mô của lần mở bán trái phiếu đầu tiên được thử nghiệm trên thị trường, sẽ là 6 tỷ NDT.

Việc phát hành trái phiếu do Ngân hàng Dầu khí Nga, Gazprombank, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China Ltd) và ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (Industrial & Commercial Bank of China), tiến hành.

Mặc dù 1 tỷ USD có thể dường như ít ỏi so với số nợ tổng cộng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là hơn 1.000 tỷ USD hay nợ liên bang của Mỹ là hơn 20.000 tỷ USD, nhưng ý nghĩa của nó thì vượt qua mức giá trị nhỏ nhoi đó. Đối với Chính phủ Nga và Trung Quốc, đây là phép thử tiềm lực tài trợ của nhà nước đối với cơ sở hạ tầng của mình, và các dự án khác, tránh nguy cơ từ USD do những biến dộng như các lệnh trừng phạt tài chính của Bộ Tài chính Mỹ.

Các bước để bắt đầu phát hành trái phiếu chính phủ của Nga bằng NDT đi liền với một bước tiến lớn khác để thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi hơn của quốc tế đối với đồng tiền Trung Quốc. Ngày 13-12-2017, giới chức Trung Quốc cho biết đã hoàn thành việc thử nghiệm cuối cùng nhằm triển khai một hợp đồng trả theo kỳ hạn về dầu mỏ, không bảo đảm bằng USD mà bằng NDT, và được đàm phán tại Sở Giao dịch hàng hóa theo hợp đồng có kỳ hạn Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange). Hệ quả tiềm tàng từ sự việc này được đánh giá là rất quan trọng.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới. Cho tới nay, việc kiểm soát các thị trường tài chính thanh toán theo kỳ hạn về giao dịch dầu mỏ là lĩnh vực dành riêng được giám sát chặt chẽ của các ngân hàng phố Wall và của các thị trường tài chính thanh toán theo kỳ hạn tại New York, London và những nơi khác cũng do những ngân hàng này kiểm soát.

Sự nổi lên của Thượng Hải với vai trò là trung tâm lớn của các giao dịch hợp đồng dầu mỏ thanh toán theo kỳ hạn, dựa trên đồng NDT, có thể làm suy yếu đáng kể sự thống trị của đồng USD trong thương mại dầu mỏ.

Kể từ cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970 và việc tăng 400% giá dầu của các nước Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Washington đã duy trì một chế độ chặt chẽ, theo đó dầu mỏ được thương lượng duy nhất bằng USD. Tháng 12-1974, Bộ Tài chính Mỹ đã ký với Cơ quan tiền tệ Saudi Arabia tại Riyadh một thỏa thuận bí mật nhằm “thiết lập một mối quan hệ mới, qua trung gian là Ngân hàng trung ương New York với các hoạt động cho vay của Bộ Tài chính Mỹ” để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ bằng thặng dư dollar - dầu mỏ.

Người Saudi Arabia đã chấp nhận chỉ bán dầu mỏ của OPEC bằng USD để đổi lấy việc Mỹ bán các trang bị quân sự mũi nhọn (dĩ nhiên là thanh toán bằng USD) và cam đoan bảo vệ nước này chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ Israel. Đây là sự khởi đầu của cái mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó, Henry Kissinger gọi là “tái tạo dollar - dầu mỏ”.

Ảnh minh họa.

Giờ đây, với NDT - dầu mỏ, Trung Quốc phủ nhận hệ thống USD dầu mỏ theo cách khác. Điều khác biệt là Nga và giờ đây Iran, với sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc, hợp tác với nhau để tránh bị USD chi phối do sức ép của Mỹ. Đối với USD, đây là một thách thức lớn hơn nhiều so với những thách thức của Iraq hay Libya.

Hợp đồng trả theo kỳ hạn về dầu khí, được niêm yết bằng NDT, sẽ cho phép các đối tác thương mại của Trung Quốc thanh toán bằng vàng hoặc chuyển đổi NDT sang vàng mà không cần đặt tiền của họ vào cổ phiếu của Trung Quốc hoặc đổi sang USD. Các nước xuất khẩu dầu như Nga, Iran hay Venezuela, đều là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, giờ đây có thể tránh được sự trừng phạt này khi tránh giao dịch dầu mỏ bằng USD.

Tháng 9-2017, Venezuela đã phản ứng với sự trừng phạt của Mỹ bằng cách lệnh cho công ty dầu mỏ quốc gia và các thương nhân, niêm yết các hợp đồng bán dầu bằng euro và không thanh toán cũng như nhận thanh toán bằng USD nữa.

Sở Giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải sẽ sớm cho giao dịch qua các hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn về dầu thô niêm yết bằng NDT. Hợp đồng này của Sở Giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải sẽ hợp lý hóa và củng cố tiến trình bán dầu cho Trung Quốc trả bằng NDT mà Nga đã bắt đầu thực hiện sau các lệnh trừng phạt trong năm 2014. Điều đó cũng sẽ cho phép các nước sản xuất dầu mỏ khác trên thế giới bán dầu lấy NDT hơn là USD.

Hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn về dầu thô sẽ là hợp đồng hàng hóa đầu tiên tại Trung Quốc mở cửa cho các quỹ đầu tư, các công ty môi giới và các công ty dầu mỏ. Để biến dịch vụ này trở nên hấp dẫn hơn, Trung Quốc đã gắn hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn về dầu thô với việc chuyển đổi một cách dễ dàng đồng NDT sang vàng, thực hiện tại Sở Giao dịch Thượng Hải và Hong Kong.

Theo Wang Zhimin, Giám đốc Trung tâm toàn cầu hóa và hiện đại hóa của Viện Kinh tế và Ngoại thương Trung Quốc, khả năng chuyển hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn từ NDT sang vàng sẽ mang lại cho các hợp đồng này của Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh so với các chỉ số tham chiếu hiện nay của thị trường là Brent và West Texas Intermediate.

Hiện nạy, Nga, Iran hay những nước sản xuất dầu mỏ khác có thể bán dầu cho Trung Quốc lấy NDT hoặc đồng ruble, tránh hoàn toàn việc sử dụng USD. Sự thay đổi này sẽ diễn ra trong thời gian tới khi hợp đồng thanh toán theo kỳ hạn về dầu mỏ bằng NDT chính thức được thực hiện. Trong tháng 10-2017, Trung Quốc và Nga đã thiết lập một hệ thống thanh toán cân đối giữa đồng NDT và đồng ruble để giảm bớt các nguy cơ thanh toán đối với dầu mỏ và các mặt hàng khác.

Việc bán dầu và khí đốt của Nga cho Trung Quốc đã được thực hiện bằng đồng ruble và NDT kể từ mưu toan điên rồ của Mỹ nhằm cô lập Qatar trong vùng vịnh Persian. Trung Quốc hiện đang gây sức ép mạnh để Saudi Arabia phá vỡ thỏa thuận ký năm 1974 với Washington và bán dầu lấy NDT.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.