Nga có cần lao động nhập cư?

Thứ Năm, 21/11/2013, 09:45

Mấy tháng gần đây, chống nhập cư bất hợp pháp đã trở thành vấn đề thời sự ở Nga. Thông báo về việc bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp liên tục được cập nhật. Báo chí Nga cho rằng đã đến lúc cơ quan công quyền cần có giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Trong thời gian gần đây, nước Nga đang đối mặt với  cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Vào những năm 90, dân số giảm sút với tốc độ bình quân 1 triệu người/năm. Nếu năm 2011, ở Nga có tỉ lệ: 635 người mất sức lao động trên 1.000 người có khả năng lao động, thì tỉ lệ này vào năm 2030 sẽ là 831/1.000. Đến năm 2050, tình trạng thiếu lao động dự kiến sẽ là 10 triệu người.

Nói một cách đơn giản hơn, không có người nhập cư, nền kinh tế Nga sẽ không tồn tại. Nhu cầu về lao động của nền kinh tế đang gây áp lực mạnh mẽ đối với các nhà hoạch định chính sách. Người dân Nga muốn cuộc sống đàng hoàng, no ấm thì họ phải chấp nhận lao động nhập cư.

Do vậy, đã đến lúc người dân Nga cần phải nhận thức rằng sẽ không thể  sử dụng các biện pháp ngăn cấm. Giải pháp duy nhất là định hướng lại chính sách di cư. Cần khuyến khích doanh nhân làm việc minh bạch, người nhập cư làm việc theo quy chế hợp pháp. Xét về mọi khía cạnh, các cơ quan công quyền cũng đã nhận thức rõ được vấn đề này.

Mới đây, Cục Di trú Liên bang đã trình Duma Quốc gia Dự án luật, trong đó có tính đến đề nghị bãi bỏ hạn ngạch tuyển dụng lao động nhập cư.  Đây thực sự là bước đột phá. Các chủ doanh nghiệp có thể phải tính toán và đề nghị trước một năm số lượng, loại ngành nghề lao động và thậm chí là quốc tịch của người lao động mà doanh nghiệp cần. Theo nhiều nhà phân tích, yêu cầu cấp hạn ngạch lao động nước ngoài theo quốc tịch có lẽ là không hợp lý.

Cảnh sát Nga kiểm tra lao động nhập cư.

Việc bãi bỏ các hạn ngạch, nếu Dự án luật được thông qua, sẽ làm giảm bớt các rào cản hành chính và chấm dứt được nạn tham nhũng tồi tệ, khi những người môi giới hợp thức hóa việc nhận các lao động nhập cư để nhận hối lộ. Thực tế cho thấy, hiện nay để hợp thức hóa được một lao động nhập cư, các chủ doanh nghiệp phải chi cho "cò mồi" từ 15.000 - 40.000 rúp.

Chính vì vậy, người lao động nhập cư chỉ được nhận những đồng lương chết đói, trong khi họ phải lao động cực kỳ vất vả. Trên giấy tờ, người lao động nước ngoài được nhận tiền lương tương đương với người lao động trong nước. Nhưng, số tiền thực tế đến tay người lao động nước ngoài thấp hơn nhiều vì phải trích một phần để trả cho người môi giới.

Hệ thống các thủ tục do Cơ quan Di trú Liên bang đề nghị tiến bộ hơn. Nếu như, hạn mức cho ngành xây dựng là 30% lao động nhập cư thì, cứ mỗi 100 việc làm, chủ doanh nghiệp có thể thuê 30 người nước ngoài. Hiện nay,  các hạn mức được tính không hoàn toàn rõ ràng như vậy, nhưng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật. Cần nhận thức rằng hạn mức phải mềm dẻo, không nên chỉ ấn định một lần và không thay đổi.

Lý tưởng nhất, các chủ doanh nghiệp phải tự xác định số lượng và loại ngành nghề cần thuê lao động nhập cư. Tất nhiên vẫn sẽ còn hàng loạt khía cạnh có vấn đề và cần tranh luận. Vấn đề là phải dành sự ưu tiên cho việc thuê lao động người Nga trước khi thuê người nước ngoài là một ví dụ.

Trước tiên, trong dự thảo luật mới, các nhà làm luật muốn buộc chủ doanh nghiệp phải công khai số liệu các việc làm chưa có người đảm nhiệm trên sàn giao dịch lao động địa phương và chỉ sau 1 đến 2 tháng, nếu lao động người Nga không đăng ký, doanh nghiệp mới được thuê người nhập cư. Chủ doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận do sàn giao dịch lao động địa phương cấp theo đó xác nhận người Nga không có nhu cầu.

Có lẽ, việc quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho tệ tham nhũng khi cấp giấy chứng nhận.

Tất nhiên, thay đổi chính sách di cư là công việc lâu dài. Còn hiện tại, cần đặt thẳng vấn đề: Phải làm gì đây với những người đã đến và đang làm việc bất hợp pháp tại Nga? Và đây là vấn đề cần phải giải quyết ngay. Nhiều ý kiến cho rằng vì họ, tình trạng tội phạm tăng, họ hòa nhập với xã hội kém, không muốn liên kết cộng đồng, không chấp hành các tiêu chuẩn vệ sinh phòng bệnh…Nhưng, tất cả các vấn đề này xảy ra không phải từ lao động nhập cư, mà từ tình trạng bất hợp pháp của người lao động.

Lối thoát tốt nhất là cố gắng đưa tất cả những người nhập cư đang làm việc tại Nga vào môi trường pháp lý rõ ràng, mà không phải trục xuất họ. Hơn nữa, các khoản chi phí cho việc trục xuất cũng rất lớn.

Viện Giám sát kinh doanh đã xây dựng bản Dự thảo "ân xá di cư", trong đó có tham khảo kinh nghiệm về việc áp dụng các biện pháp tương tự ở Mỹ, Hy Lạp, Italia, Pháp, Australia. Theo Dự thảo này, có thể sẽ tiến hành hợp thức hóa rộng rãi cho người nhập cư. Song, họ phải tuân thủ một loạt các điều kiện. Người nhập cư phải có hợp đồng lao động với chủ sử dụng, đăng ký với cơ quan thuế và nhận mã số thuế. Chủ sử dụng lao động phải mua bảo hiểm di trú, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba và phải chịu mọi chi phí cho việc trục xuất nếu người lao động nhập cư vi phạm pháp luật Nga.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng họ cũng buộc phải trả các khoản chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tất cả các khoản chi phí mà chủ doanh nghiệp phải trả, theo ước tính, khoảng 30 nghìn rúp/năm. Nhưng, nếu tính toán một cách công bằng, họ chỉ có lợi. Họ không phải trả các khoản hoa hồng lớn hơn cho người môi giới, xóa bỏ được nạn nhũng nhiễu, và như vậy, nguồn lao động mà họ thuê sẽ rẻ hơn 10-12%. Người lao động nhập cư sẽ phải nộp thuế cho ngân sách Nhà nước Nga. Họ sẽ phải giữ gìn địa vị pháp lý của mình, nhờ đó mà số lượng các vi phạm và tội phạm do họ gây ra sẽ giảm.

Tuy vậy, cũng cần thống nhất nhận thức rằng những đề xuất trên đây không bao hàm việc trao quốc tịch Nga cho người lao động nhập cư. Nhập cư lao động không phải là cơ sở để được nhập quốc tịch Nga. Thời hạn hợp đồng lao động không được quá 3 năm. Đồng thời cũng cần đề ra các biện pháp để không phải tái diễn chính sách "ân xá di cư". Phải làm cho việc đăng ký, cư trú của những người lao động nhập cư ở Nga trở thành công việc đơn giản, dễ hiểu và thuận tiện, còn lao động bất hợp pháp trở nên bất lợi.

Rõ ràng, việc hợp pháp hóa lao động nhập cư hoàn toàn đáp ứng được các lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội của nước Nga

Hoàng Tuất (theo Moskov.Komsomol)
.
.