Nga đối phó với trừng phạt tài chính của Mỹ

Thứ Ba, 10/11/2020, 08:33
Các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đối với Nga chủ yếu bao gồm đóng băng hoặc tịch thu tài sản, cắt đứt các kênh đầu tư tài chính quốc tế và hạn chế quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế. Để hạn chế các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Nga đã áp dụng một loạt biện pháp đối phó.

Điều đầu tiên, Chính phủ Nga cung cấp sự hỗ trợ cho các tổ chức bị trừng phạt trong nước. Chính phủ Nga đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo đảm hoạt động bình thường của các tổ chức tài chính trong nước. Để giải quyết vấn đề thiếu tính thanh khoản ngoại tệ do các biện pháp trừng phạt, Ngân hàng Trung ương Nga lần đầu tiên đưa ra thỏa thuận mua lại ngoại tệ để cung cấp đồng USD cho thị trường, bên cạnh việc ổn định tỷ giá đồng ruble, giúp đỡ các tổ chức liên quan Nga có được nguồn vốn ngoại tệ.

Đối với các ngân hàng bị trừng phạt, Chính phủ Nga cũng đã thực hiện một số biện pháp mang tính đối xứng. Ví dụ, để đối phó với vấn đề Ngân hàng Sberbank của Nga không thể góp vốn bằng trái phiếu trên thị trường vốn ở châu Âu và Mỹ do các biện pháp trừng phạt, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua một số lượng lớn trái phiếu mới phát hành của ngân hàng này. Để hỗ trợ Ngân hàng Ngoại thương Nga bị trừng phạt, Bộ Tài chính Nga coi ngân hàng này là cơ quan quản lý duy nhất các hoạt động bán trái phiếu quốc tế của chính phủ.

Nga đã tích cực thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ của tài sản bằng đồng USD trong dự trữ quốc tế, tích cực mở rộng việc sử dụng đồng ruble trong ngoại thương, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Điều này bao gồm một số công ty năng lượng, nông nghiệp và khai thác mỏ của Nga bắt đầu tìm cách sử dụng đồng tiền khác để giao dịch ở nước ngoài.

Ngân hàng trung ương Nga thiết lập hệ thống trao đổi thông tin tài chính riêng để đối phó với những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tháng 3-2019, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và một công ty của Tây Âu đã hoàn thành thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên đầu tiên bằng đồng ruble. Chính phủ Nga cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch không sử dụng đồng USD thông qua nhiều biện pháp. Từ tháng 10-2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Nga đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương Trung - Nga. Kể từ tháng 10-2015 đến nay, nhiều giao dịch của hai bên đã sử dụng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này và thúc đẩy sự phát triển của thanh toán tiền tệ song phương, giảm sự phụ thuộc vào USD.

Ngoài ra, Nga còn tích cực thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng nội tệ với các nước BRICS. Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Nga công bố, trong tháng 6-2018, tỷ lệ tài sản bằng đồng USD trong dự trữ quốc tế của Nga đã giảm mạnh, từ hơn 40% trước đó xuống còn 21%.

Để tránh bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, Nga đang tích cực phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình. Trong bối cảnh Visa và Mastercard ngừng cung cấp dịch vụ cho Nga, Duma quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật về việc thành lập hệ thống thẻ thanh toán quốc gia, sau đó công ty cổ phần hệ thống thẻ thanh toán quốc gia được thành lập để phát hành thẻ ngân hàng "Mir" dựa trên hệ thống thanh toán quốc gia. Ngoài thiết lập hệ thống thẻ thanh toán quốc gia, Nga còn thiết lập hệ thống thanh toán nhanh vào năm 2019.

Nga cũng đang cố gắng phát triển hệ thống thông tin thanh toán tương tự SWIFT (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế - là một tổ chức hợp tác phi lợi nhuận giữa các ngân hàng quốc tế). Ngân hàng Trung ương Nga đã thiết lập hệ thống trao đổi thông tin tài chính của riêng mình - hệ thống chuyển thông tin tài chính (SPFS), để đối phó với rủi ro bị cắt đứt liên hệ với hệ thống SWIFT. SPFS được đưa vào sử dụng từ năm 2015, hiện có gần 400 ngân hàng ở Nga sử dụng hệ thống này. Nga cũng đã thúc đẩy hệ thống này được ứng dụng trên phạm vi quốc tế thông qua các biện pháp khác nhau.

Tháng 6-2019, Duma quốc gia Nga đã thông qua dự luật cho phép người nước ngoài được tiếp cận SPFS. Theo dự luật, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sẽ cung cấp dịch vụ chuyển thông tin tài chính cho các ngân hàng nước ngoài, tổ chức quốc tế và ngân hàng trung ương khác. Nga cũng từng bước tăng cường hợp tác với các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... với hy vọng hệ thống này sẽ được mở rộng đến nhiều tổ chức tài chính ở nước ngoài hơn.

Về vi mô, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nằm vào Nga sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của các đối tượng bị trừng phạt và làm tổn hại khả năng huy động vốn bằng đồng USD của các công ty có liên quan ở Nga và về vĩ mô sẽ khiến thị trường tài chính của Nga hỗn loạn, gây ra bất ổn tài chính. Ảnh hưởng trực tiếp nhất của các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đối với Nga là khiến dòng vốn chảy khỏi Nga tăng lên.

Theo thống kê, dòng vốn chảy khỏi Nga trong giai đoạn 2014-2018 đã vượt 317 tỷ USD, ở mức độ rất lớn và điều này là do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Dòng vốn chảy ra bên ngoài không chỉ khiến các thị trường như thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu biến động mà còn khiến sự suy thoái kinh tế của Nga tăng lên.

Các biện pháp đối phó với trừng phạt mà Nga thực hiện đã có những hiệu quả nhất định, đặc biệt là nhân cơ hội đối phó với trừng phạt, Nga đã thiết lập hệ thống thanh toán và hệ thống trao đổi thông tin tài chính của riêng mình và ở mức độ nhất định đã giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, điều này đã đóng vai trò rất lớn đối với việc Nga bảo vệ an ninh tài chính trong nước. 

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.