Nga tìm cách cứu vãn INF
- Mỹ chốt lịch rút khỏi INF, đóng cửa đối thoại với Nga
- Nga tiết lộ lý do khiến đàm phán cứu vãn INF đổ bể
Washington cáo buộc tên lửa mới của Nga, Novator 9M729 (NATO gọi là SSC-8), vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có từ thời Chiến tranh Lạnh, vốn cấm hai bên lắp đặt tên lửa tầm ngắn đến tầm trung trên bộ ở châu Âu. Mỹ từng đòi kiểm tra loại tên lửa này nhưng Nga nói sẽ không để Mỹ làm điều đó. Nga cho biết tên lửa 9M729 chưa được thử nghiệm ở tầm xa hơn mà Washington cáo buộc.
Nhật báo Kommersant hồi tháng 12-2018 dẫn lời các quan chức Nga cáo buộc Washington về những nỗ lực “cực kì soi mói” để phơi bày hoạt động sản xuất tên lửa của Nga và nói rằng trước đây Washington đã từ chối các yêu cầu của Nga xem bên trong các tàu ngầm của Mỹ theo một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác. Bất cứ một cuộc thanh sát nào như vậy - nếu diễn ra - không nên đơn phương mà nên diễn ra ở cả hai nước.
Nga nói tầm bắn của tên lửa mới hoàn toàn đặt nó ra ngoài hiệp ước bởi vì tầm bắn không dài như cáo buộc của Washington và điều đó có nghĩa là Nga hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF. Ngược lại, Nga cáo buộc Hoa Kỳ viện cớ để rút khỏi hiệp ước mà họ muốn từ bỏ để phát triển các tên lửa mới.
Trung tướng Mikhail Matveevsky phát biểu trong buổi họp báo ngày 23-1. |
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói tại một cuộc họp báo ngày 23-1 rằng Washington đã nêu rõ qua các kênh ngoại giao, rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là quyết định chung cuộc, không có gì để thảo luận nữa. Tuy vậy, Nga vẫn trình làng hệ thống tên lửa sau cuộc họp báo.
Một quan chức quân sự hàng đầu nói tại cuộc họp báo rằng tên lửa hành trình là một phiên bản hiện đại hóa của tên lửa 9M728 của Nga. Phiên bản mới có tầm bắn tối đa 480 km, ít hơn 10 km so với 9M728, điều đó có nghĩa là Nga hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF, Reuters dẫn lời Trung tướng Mikhail Matveyevsky, người đứng đầu lực lượng Tên lửa và Pháo binh Nga, cho biết.
"Tên lửa hành trình 9M729 là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa hành trình 9M728, thuộc tổ hợp Iskander-M. Tên lửa hành trình 9M729 được hiện đại hóa để tăng sức mạnh của bộ phận chiến đấu, cũng như nâng cao các tính năng về độ chính xác. Các tên lửa 9M728 và 9M729 được thống nhất hóa về hầu hết các cụm thiết bị chính", ông Mikhail Matveyevsky cho biết trong cuộc họp ngắn dành cho các tùy viên quân sự nước ngoài.
Theo ông, tên lửa 9M729 có trang bị vũ khí mạnh hơn và tổ hợp điều khiển trên tên lửa mới, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao hơn. Chỉ huy lực lượng Tên lửa và Pháo binh Nga nhấn mạnh rằng các tên lửa 9M728 và 9M729 được trang bị đầu đạn và chỉ được tiếp nhiên liệu trong điều kiện nhà máy.
Ngày 17-1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, Andrea Thompson tuyên bố phía Nga phải tiêu hủy tên lửa hành trình 9M729 gây tranh cãi, đây là điều kiện tiên quyết để duy trì Hiệp ước INF. Bà Thompson nhấn mạnh, việc sửa đổi tên lửa này không phải là giải pháp.
Ngày 23-1, ông Vladimir Ryabkov tuyên bố là Nga hoàn toàn không thể chấp nhận được yêu cầu của phía Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao nói thêm rằng, tên lửa 9M729 không thể được thử nghiệm cho phạm vi bị cấm bởi INF vì loại vũ khí này không được phát triển cho mục đích đó. Nga sẽ trình diễn tên lửa hành trình 9M729 cho đại diện các nước NATO, EU, CSTO và BRICS.
Tên lửa 9M729 của Nga tại buổi giới thiệu ngày 23-1. |
Ông Ryabkov nhấn mạnh rằng, Moscow không vi phạm Hiệp ước INF, do đó, ông tin rằng các lập luận của Mỹ về việc rút khỏi hiệp ước là không hợp lý. Hoa Kỳ cho đến hiện tại vẫn chưa đưa ra lời giải thích, dựa trên cơ sở thông tin nào họ đưa ra kết luận rằng tên lửa 9M729 đã được thử nghiệm ở phạm vị bị cấm bởi Hiệp ước INF, ông Ryabkov tuyên bố.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sở dĩ xảy ra tình hình hiện nay xung quanh Hiệp ước INF là do Washington không mong muốn đối thoại. "Như chúng ta đều biết, gốc rễ của những vấn đề tồn đọng là việc Nga và Hoa Kỳ đưa ra những yêu sách lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ hiệp ước.
Trong những cuộc thảo luận kéo dài nhiều năm, lập trường của hai nước chúng ta đã không xích lại gần nhau. Chúng tôi tin chắc rằng chỉ vì đường hướng do Washington lựa chọn, cũng như cách thức Mỹ tiến hành công việc mới dẫn tới tình trạng như hiện nay", ông nói.
Đồng thời, ông Ryabkov lưu ý rằng những yêu sách của Nga đối với Mỹ về INF đã xuất hiện từ 15 năm trước, khi đó Nga đề cập tới việc sản xuất và thử nghiệm các mẫu máy bay không người lái đầu tiên của Mỹ. Và cho đến nay, dưới vỏ bọc thử nghiệm chống tên lửa, Hoa Kỳ đang thử nghiệm các hệ thống bị cấm theo quy định của INF.
Theo Reuters, bế tắc sẽ tạo ra tiền đề cho Washington bắt đầu rút ra khỏi hiệp ước vào ngày 2-2-2019, một động thái có khả năng đặt ra những nghi vấn về tương lai của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác giữa hai nước.
Bàn về tương lai của Hiệp ước INF, người đứng đầu Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho rằng, Hoa Kỳ có thể đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF, thay vì ra khỏi nó, vì sự phản ứng của các nước NATO.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, sau ngày 2-2-2019, Mỹ sẽ không còn tuân thủ nghĩa vụ của mình theo hiệp ước này và kinh phí tương ứng để phát triển hoặc khôi phục các chương trình đã thực hiện trước đây cho loại vũ khí này đã được đưa vào ngân sách của Hoa Kỳ cho năm tài chính hiện tại. Tiền đã có, chỉ cần tạo ra cái gọi là khung pháp lý cho việc thực hiện. Tôi không nghi ngờ rằng điều này sẽ được thực hiện bởi người Mỹ. Tôi nghĩ rằng ban đầu họ sẽ hành động theo phương thức được đình chỉ nghĩa vụ theo hiệp ước và không rút khỏi hiệp ước vì họ không thể không tính đến những chỉ trích sẽ nảy sinh ở các nước NATO về kế hoạch này", ông Kosachev nói.