“Ngài 300 tỉ Euro”

Thứ Tư, 21/04/2010, 15:35
Petros Christodoulou, tân Tổng giám đốc Cục Quản lý Công nợ ở Athens, được giao trọng trách đưa đất nước ra khỏi nợ nần. Cựu Giám đốc Đầu tư ngân hàng đã ghi tên mình vào hành trình 300 tỉ euro (nợ nần), sau bàn làm việc của ông là một chứng nhận đóng khung treo trên khuôn cửa sổ trong phòng, trên đó ghi: "Nhà vay nợ (thay cho) chính phủ giỏi nhất". Đó là một giải thưởng do tờ báo tài chính Anh EuroWeek trao tặng cho Chính phủ Athens vào năm 2007.

Đảm trách quản lý công nợ tại Athens là công việc hết sức nguy hiểm. Vậy mà, chỉ mới 3 năm thôi, cả thế giới phải nhìn lại Hy Lạp và tự hỏi làm thế nào đất nước này vừa quản lý tốt ngân sách vừa tránh được "tán gia bại sản".

Rõ ràng là  Hy Lạp không có khả năng gia tăng lợi nhuận đáng kể, Christodoulou tự biết phải tranh thủ các khoản vay ưu đãi trong các thị trường tài chính sao cho Athens có đủ tiềm lực trả nợ cũ rồi mới đến nợ mới. Thật ra, phương cách này cho phép thỏa hiệp tốt với các chủ nợ của Hy Lạp, giúp cho đất nước này vượt qua được khủng hoảng tài chính của mình, và góp phần bình ổn đồng tiền chung euro của châu Âu.

Mới hồi cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Georgios Papandreou, 57 tuổi, đã bổ nhiệm ông Petros Christodoulou vào chức vụ cao nhất trong ngành quản lý công nợ tại Hy Lạp: Tổng giám đốc kiêm Cục trưởng Cục Quản lý công nợ (PDMA). Đó vừa là vinh dự vừa là trọng trách khó khăn, bởi đất nước này đã gánh một khoản nợ đến 300 tỉ euro (tức 404 tỉ USD).

Người tiền nhiệm của Christodoulou đã phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 8 tỉ euro vào tháng 1, gây ra hậu quả giá cả bắt đầu leo thang ngay trong ngày đầu phát hành. Quả là cú ngã ngựa đau đớn của Hy Lạp.

Christodoulou từng học chuyên ngành tài chính tại Athens và tại Trường đại học Columbia ở New York, có nhiều kinh nghiệm nắm giữ các vị trí quản trị cao cấp tại nhiều viện tài chính nổi tiếng như Credit Suisse, Goldman Sachs, JP Morgan và gần đây nhất là Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp, trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ "cứu rỗi ngành tài chính quốc gia". Ông nói vui: "Tôi đang leo cao, rồi tự dưng rơi tự do với chiếc dù mà chẳng hề biết sẽ đáp xuống vùng đất nào".

Trụ sở chính của PDMA, như cách gọi của Christodoulou, trông không giống trung tâm đầu não của một chiến dịch chống hiểm họa phá sản gì cả. Đại sảnh PDMA sơn màu xanh lam và trắng như quốc kỳ Hy Lạp, có vẻ tĩnh lặng. Christodoulou, 49 tuổi, cho biết ông chỉ có 20 nhân viên, và có lẽ không cần thêm: "Cuộc đời tôi gắn kết với các thị trường tài chính. Tôi có mặt nơi đây để chứng kiến một điều gì mới, để nghe ai đó có ý kiến hay, bất kể sáng trưa chiều tối. Tôi thường trao đổi thư điện tử với Bộ trưởng Tài chính lúc 1 giờ sáng".

Khi được hỏi, nhận lấy trách nhiệm mới toanh về mình liệu ông có bị mất ngủ không? Christodoulou trả lời: “Nhận lấy trọng trách này rồi thì không có chỗ cho những suy nghĩ mông lung".

Tháng 4 này, ông và nhóm nhân viên của mình thực hiện kế hoạch trải đường mời gọi các nhà đầu tư Mỹ và châu Á. Dự án của nhóm là thuyết phục đối tác rằng Hy Lạp sẽ kết thúc thành công hành trình trả nợ của mình, và rồi tạo các cơ hội đầu tư tốt nhất mà các nhà đầu tư quốc tế không thể làm ngơ. Ông đang nhắm đến các trung tâm tài chính mới phát triển tại Đông Nam Á và đặc biệt quan tâm đến các nền kinh tế hội nhập.

Christodoulou bao giờ cũng đưa ra quyết định nhanh và có mục đích. Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ ước tính mức lương ở ngân hàng trước đây của ông vào khoảng 300.000 euro/năm, còn hiện tại lương của ông thấp hơn nhiều.

Ông cười tự tin: "Công việc bảo vệ niềm tin cho quốc gia thì không tính toán cao thấp. Tôi tin chắc một điều, tôi không làm việc để thăng tiến trên con đường chính trị, đơn giản vì tôi không có duyên với chính trị"

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.