Ngăn chặn tai nạn giao thông từ xe container
Đây là những con số “biết nói” hết sức đau lòng về tình trạng TNGT do loại hình phương tiện vận tải này gây ra, khiến hàng trăm gia đình con mất cha, mẹ, vợ mất chồng. Đau lòng hơn, nguyên nhân chủ yếu của tai nạn là do chủ quan từ ý thức, đạo đức của lái xe và sự yếu kém, chưa đồng bộ trong quản lý.
Quản lý tốt hoạt động của lái xe container để phòng ngừa tai nạn. |
Ám ảnh hung thần xa lộ
Tối 1-7, tôi gọi điện cho lãnh đạo Đội CSGT, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội để hỏi về vụ TNGT do xe container trên địa bàn, đầu dây bên kia trả lời nghẹn thắt: “Thương lắm, đi xe máy va chạm với container thì còn gì...”. Nạn nhân là cán bộ công an ở thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15h30 chiều 1-7 trên đường Hà Huy Tập, Thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Vào thời điểm trên, xe máy BKS 99B1-190.9x lưu thông theo hướng Cầu Đuống đi Bắc Ninh đến địa điểm trên xảy ra va chạm với xe ô tô đầu kéo BKS 15C-111.8x kéo theo moóc 15R-100.2x lưu thông theo hướng ngược lại. Sau va chạm, người điều khiển xe máy ngã xuống đường và tử vong thương tâm...
Trước đó, khoảng 0h ngày 18-6 tại km số 256+700 Quốc lộ 18 thuộc địa bàn xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa xe container đầu kéo biển kiểm soát 14C-009.86, rơ-moóc 14R-007.16 do lái xe Lê Thanh Hải, SN 1967; trú tại thôn 9, xã Hải Xuân, Móng Cái điều khiển và xe ô tô Limousine biển kiểm soát 79B-029.12.
Thời điểm đó, xe container đi theo hướng Móng Cái - Hạ Long đến đoạn đường trên đã vượt xe trong điều kiện không đảm bảo an toàn, dẫn đến va chạm với xe ô tô Limousine đang di chuyển ngược chiều và bất ngờ đổ ra, sau đó đè lên, kéo lê xe limousine xuống vực sâu khoảng 5m.
Vụ tai nạn thảm khốc làm cả 3 người trên xe limousine là chị Hà Minh Trang (SN 1997, ở xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), lái xe Hoàng Minh Hà (SN 1981, ở thôn 1, xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái) và chủ xe là ông Dương Văn Tú (SN 1976, ở Thanh Sơn, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đều tử vong.
Chỉ vài ngày sau, 5h10 ngày 21-6, tại Km 239+700 Quốc lộ 37 đoạn qua thôn Phúc Khánh, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, xe container BKS 19C-069.55, rơ-moóc 20R-004.42 chở than do Phạm Văn Toán (SN 1988, trú tại xã Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ) điều khiển theo hướng Yên Bái-Tuyên Quang, đến địa điểm trên thì bất ngờ lật đè lên xe máy BKS 21B1-874.38, làm 2 mẹ con bà Lê Thị Bình di chuyển cùng chiều tử vong. Tại hiện trường chiếc xe máy bị rơ-moóc đè biến dạng hoàn toàn. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe đầu kéo vào cua rồi bị lật.
Khám nghiệm hiện trường tai nạn do xe container gây ra. |
Cũng trong tháng 6-2020, 2 vụ tai nạn khác xảy ra bất ngờ do xe container gây ra khiến dư luận bức xúc. Trưa 6-6 trên đường D1 giao nhau với đường N2 trong khu công nghiệp Đại Đăng thuộc phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, xe container biển số 72C-094.30, lưu thông từ khu công nghiệp Đại Đăng đi hướng thị xã Tân Uyên. Khi lưu thông đến ngã tư giao nhau giữa đường D1 và đường N2 thì xe container tông trúng hông của xe quân sự biển số KP-4402. Lúc đó, trên xe quân sự có 6 người. Vụ tai nạn làm 1 người tử vong và 5 người khác bị thương, thùng xe quân sự gãy rời rơi xuống đường.
Khoảng 9h ngày 23-6, Trung tá Hồ Thị Thanh Hải (Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Quy Nhơn) và Thiếu tá Nguyễn Văn Minh đang điều khiển xe ô tô của đơn vị đi tuần tra. Khi xe đi tới đường Long Vân - Long Mỹ (TP Quy Nhơn, Bình Định) thì bất ngờ bị xe container BKS: 77C-156.30 chạy cùng chiều tông mạnh từ phía sau. Cú va chạm khiến ô tô của CSGT bị hất văng, lật ngửa trên dải phân cách. Vụ tai nạn khiến cả hai đồng chí CSGT giao thông bị thương, xe tuần tra kiểm soát bị hư hỏng hoàn toàn.
Ám ảnh nhất đối với tôi là vụ tai nạn xảy ra ở xã Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang khiến 2 nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nguyễn Thu Huyền và Lê Thị Mai Anh tử vong. Khoảng 11h30 ngày 11-6, tại đường gom dân sinh, hai em đi học về, đèo nhau trên xe đạp điện. Giữa buổi trưa nắng, lại đói mệt sau buổi học vất vả, các em đã không bao giờ trở về nhà được nữa sau cú chèn ép của xe container BKS: 29C-302.03, kéo theo rơ-moóc 43R-002.23, do tài xế Nguyễn Văn Hoàn (SN 1991, ở xã Đức Giang, huyện Yên Dũng) điều khiển.
Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
Nguyên nhân của các vụ tai nạn trên, cơ bản là do ý thức chủ quan của lái xe container từ việc phóng nhanh, vượt ẩu, không tuân thủ quy tắc về an toàn giao thông đến kinh nghiệm non kém, thiếu đạo đức lái xe, xe chở quá khổ quá tải, xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; bên cạnh đó, nhiều lái xe sử dụng ma túy, rượu bia nên không làm chủ được tay lái. Trên thực tế, cũng có một phần lớn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ quy định tốc độ, làn đường đến việc thanh tra, kiểm tra, xử lý và quy định chế tài xử phạt chưa đảm bảo nghiêm minh...
Từng trực tiếp đi cùng với lực lượng CSGT khảo sát tại một số tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ ở miền núi, chúng tôi nhận rõ thấy việc quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đã lộ rõ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ TNGT nghiêm trọng. Đặc biệt, trên nhiều tuyến đường, kể cả đường cao tốc, cho phép ôtô có tải trọng dưới 3.500kg trở lên; ôtô sơ-mi rơ-moóc, ôtô kéo rơ-moóc, ôtô kéo xe khác, ôtô chuyên dùng được phép chạy bằng tốc độ các phương tiện khác. Đó là một trong những nguyên nhân gây tai nạn vì đây là những phương tiện có nguồn nguy hiểm rất cao, nếu đi với tốc độ cao, quán tính lớn, khi gặp tình huống bất ngờ khó xử lý kịp.
Tình trạng này cũng là lo lắng của đa số cán bộ CSGT khi trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường, đặc biệt là tại các khu đông dân cư và địa bàn miền núi có vị trí địa lí, đặc điểm địa hình hẹp, cong cua, tầm nhìn hạn chế.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, xe contairner là phương tiện kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải giám sát chặt chẽ từ hành vi của lái xe trong lúc điều khiển phương tiện đến thời gian lái xe liên tục, việc chấp hành quy định pháp luật về ATGT... nhưng hiện nay, việc giám sát này chưa được quan tâm đúng mức nên chưa quản lý, theo dõi được lái xe trong hành trình điều khiển phương tiện. Thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đòi hỏi lái xe phải lấy hàng/giao hàng đúng thời gian quy định dẫn đến áp lực lái xe phải phóng nhanh, vượt ẩu để kịp giờ. Trên thực tế có những lái xe chạy liên tục nhiều giờ đồng hồ nên mệt mỏi, sức khỏe không đảm bảo, rất dễ gây tai nạn.
Những vụ tai nạn do xe container gây ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng. |
“Lực lượng CSGT chúng tôi xử phạt hành vi phạm nhưng không có dữ liệu để trích xuất các hành vi vi phạm, không có cơ chế để hậu kiểm nên việc xử lý lái xe gặp nhiều khó khăn” - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết và nhấn mạnh về bất cập trong quy định về tốc độ, làn đường dành cho xe container cũng chưa được quan tâm, xe container vẫn được đi tốc độ tối đa như các phương tiện khác. Ở các đường đi chung, đường hỗn hợp, đường hẹp, cong cua đèo dốc thì càng nguy hiểm hơn vì khi chuyển làn, chuyển hướng, vào cua thì bán kính cua của xe container rất lớn, dễ lấn sang làn đường phía đối diện gây nguy hiểm cho các phương tiện đi chiều ngược lại.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, Theo quy định của Luật Giao thông vận tải, chỉ có doanh nghiệp, HTX mới được kinh doanh vận tải bằng xe container. Tuy nhiên, trên thực tế còn một nhóm nữa là cá nhân có các phương tiện trên đã tự góp vào HTX, tự lái xe nên các doanh nghiệp, HTX khoán trắng, không quản lý lái xe. Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, theo quy định phải có bộ phận theo dõi ATGT, sử dụng thiết bị giám sát hành trình quản lý thời gian làm việc, quản lý giám sát hành trình của lái xe hoạt động trên đường, tốc độ... nhưng trên thực tế hầu như không thực hiện giám sát. “Trách nhiệm kiểm tra là thuộc sở giao thông vận tải địa phương, tôi cho rằng đây là một trong những điểm rất hạn chế của quản lý nhà nước trong kinh doanh vận tải” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Nói về việc lái xe không cài chốt thùng container dẫn đến việc thùng xe bị rơi, bị lật, gây tai nạn, ông Khuất Việt Hùng và Đại tá Đỗ Thanh Bình đều cho rằng mức xử phạt đối với hành vi này quá nhẹ. “Chúng tôi đang tổng kết các vụ tai nạn có liên quan đến việc chằng buộc hàng hóa, cài chốt thùng xe container, các loại xe kéo theo rơ-moóc để kiến nghị cơ quan chức năng có quy chuẩn rõ ràng cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm, nguyên nhân các vụ tai nạn thì trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về ATGT: “Trách nhiệm thuộc về những người như chúng tôi, từ quá trình xây dựng các quy định của pháp luật đến thực thi pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật chưa đồng bộ, hiệu lực hiệu quả chưa cao, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa đạt được hiệu quả mong muốn, việc thanh tra, kiểm tra chưa đạt yêu cầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, siết chặt lại việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, HTX vận tải. Yêu cầu, các sở giao thông vận tải phải thực hiện kiểm tra theo đúng quy định”.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, một trong những điều quan trọng để quản lý, giám sát, giúp đỡ lái xe, đó là cần có hội, hiệp hội quản lý lái xe vận tải để bảo vệ quyền lợi cho lái xe, đào tạo, hướng dẫn, giới thiệu công việc để lái xe yên tâm làm việc.
“Hiện nay, có tình trạng lái xe bị sa thải ở doanh nghiệp này thì doanh nghiệp khác sử dụng, kể cả lái xe sử dụng ma túy vì không ai quản lý, không có thông tin. Sắp tới, vào tháng 7-2021, Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, bắt buộc các phương tiện kinh doanh vận tải phải có thiết bị giám sát hành trình, camera để quản lý tốt hành vi của lái xe, không để tình trạng đáng tiếc xảy ra” - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết và đề nghị, đối với các lái xe vận tải vi phạm nồng độ cồn, ma túy, nếu hết thời gian tạm giữ giấy phép lái xe, muốn hành nghề lại thì ngành y tế, giao thông vận tải, CSGT phải kiểm tra lại kỹ năng, trình độ lái xe, sức khỏe... mới cho phép tiếp tục hành nghề, tránh việc lái xe không đủ trình độ, sức khỏe, kỹ năng mà vẫn tiếp tục ôm vô lăng trên đường.
Ngày 1-7, tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu cần xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, trách nhiệm của trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe khi có TNGT xảy ra: “Đào tạo, sát hạch, cấp bằng phải giáo dục từ đạo đức, ý thức, trách nhiệm của người lái xe, nhất là xe khách, xe tải trọng lớn bởi còn nhiều hiện tượng lái xe ra đường thiếu ý thức, không nhường nhịn nhau, chèn nhau. Do đó, Bộ GTVT cần xem xét lại quy trình đào tạo, sát hạch lái xe như đạo đức, chuyên môn, pháp luật, ứng dựng CNTT trong đào tạo, sát hạch, quy định độ tuổi đối với người lái xe tải trọng lớn. Từ đó, đánh giá đúng nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm quản lý, không để buông lỏng tình trạng này. |