Ngân hàng Nam Mỹ - đối thủ mới của WB và IMF

Thứ Hai, 31/12/2007, 15:00
Ngày 9/12 vừa qua, 6 nguyên thủ quốc gia Nam Mỹ đồng thuận phát động việc thành lập Ngân hàng Nam Mỹ (BoS), như một đáp ứng của khu vực Nam Mỹ về nguồn vốn tài trợ phát triển.

Các Tổng thống Nestor Kirchner (Argentina), Luiz Inacio Lula da Silva (Brazil), Nicanor Duarte (Paraguay), Rafael Correa (Ecuador), Evo Morales (Bolivia) và Hugo Chavez (Venezuela) đã ký vào văn bản thành lập Ngân hàng BoS.

Đó cũng là hoạt động tại nhiệm cuối cùng trên cương vị tổng thống của ông Kirchner trước khi phu nhân của ông, bà Cristina Kirchner tiếp nhận cương vị tổng thống từ chính ông vào ngày 10/12.

Tổng thống Tabare Vazquez của Uruguay không có mặt tại lễ ký kết này, nhưng hứa sẽ đến dự lễ nhậm chức tổng thống của bà Cristina Fernandez de Kirchner.

Vào năm 2006, hai ông Chavez và Kirchner khởi xướng xu thế thành lập một ngân hàng cấp khu vực, với hy vọng nó giúp khu vực Nam Mỹ thoát khỏi cái gọi là những ảnh hưởng tiêu cực của IMF và WB. BoS theo cách nói của ông Chavez là một phần của cuộc “chiến tranh” sâu rộng hơn với các quốc gia tiến bộ của Bắc Mỹ.

Ông Chavez nói: “Ngân hàng BoS là một minh chứng chính trị và là một phần cuộc chiến kinh tế mang ý nghĩa xã hội và ý thức hệ. Chúng ta không có tiền ư? Chúng ta có tiền, nhưng phải ký quỹ cho các ngân hàng miền Bắc, trong các tòa nhà ngân khố của Mỹ... bằng đồng euro và đồng yên Nhật. Thời cơ đã đến, để bắt đầu mang lại những nguồn siêu lợi cho khu vực Nam Mỹ chúng ta”.

Trước đây, chính ông Chavez là người đối đầu và trách cứ IMF không tiếc lời, gọi IMF là “tai ương” cho khu vực, là “những thể chế chính trị chuyên gieo rắc nghèo đói và bạo loạn cho người dân chúng tôi”.

Tổng thống Lula của Brazil tin tưởng việc thành lập ngân hàng khu vực giúp cho việc tài trợ tốt hơn các dự án trong một số lĩnh vực kinh tế quan trọng như cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, và tạo lợi thế cân bằng tốt hơn trong khu vực.

Người phát ngôn Chính phủ Brazil Marcelo Baumbach nhấn mạnh ngân hàng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hội nhập khu vực và củng cố Liên đoàn các quốc gia Nam Mỹ.

Tổng thống Rafael Correa của Ecuador hy vọng BoS cho phép Nam Mỹ thoát khỏi những vướng mắc về tài chính của khu vực, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn khu vực nói chung và Ecuador nói riêng.

Theo ông Correa, dẫu biết trước mắt vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường hội nhập khối Mỹ Latinh, nhưng với sự đồng tâm nhất trí cao, hy vọng lộ trình này sẽ nhanh chóng trở nên suôn sẻ cho từng quốc gia thành viên.

Tổng thống Evo Morales của Bolivia hoan nghênh việc thành lập Ngân hàng BoS, giúp cho khu vực Nam Mỹ phát triển hệ thống tiền tệ riêng của mình, cũng như chống lại những áp lực quốc tế về tư nhân hóa các công ty do nhà nước quản lý trước khi nhận được những khoản vay ưu đãi.

Ông cho biết, thông qua những công cụ tài chính mới như thế, khu vực Nam Mỹ có thể tạo ra sự bình đẳng giữa các quốc gia thành viên, điều mà ông ví von là “sự tái sinh” trước cái chết từ những áp lực kinh tế toàn cầu hóa của các viện ngân hàng cho vay quốc tế.

Ngân hàng BoS sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 7 tỉ USD. Có trụ sở chính đặt tại Caracas, thủ đô của Venezuela, BoS sẽ có các văn phòng đại diện khu vực tại Buenos Aires (Argentina) và La Paz (Bolivia).

Sau khi Ngân hàng BoS chính thức được thành lập, bộ trưởng kinh tế của các nước thành viên có 60 ngày soạn thảo một thỏa thuận về phương thức hoạt động của nó.

Một viên chức hữu quan Argentina cho biết, thỏa thuận sẽ thiết lập nên hàng loạt tiến trình hoạt động về sau, kể cả hệ thống góp vốn đầu tư, và thực thể này có giúp tạo ra những khác biệt về trọng lượng kinh tế các nước thành viên hay không.

Ngân hàng sẽ được điều hành bởi một ban giám đốc thành lập từ các bộ trưởng kinh tế những quốc gia thành viên.

Lịch trình quyết định Ngân hàng BoS đi vào hoạt động sẽ được đưa ra vào tháng 10/2008 nhân một hội nghị các bộ trưởng kinh tế

Lê Minh (tổng hợp)
.
.