Ngăn ngừa bạo lực trong gia đình và học đường

Thứ Ba, 19/11/2019, 06:38
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng bạo lực học đường có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ bạo lực gia đình, từ cách đối xử của cha mẹ đối với con cái, gia đình không hạnh phúc... Nhiều trẻ thường bị cha mẹ đánh đã tạo cho các em ấn tượng về bạo lực nên đến trường học các em dễ ẩu đả với các bạn khi có mâu thuẫn.

Thiếu giáo viên tư vấn tâm lý học đường

Bạo lực học đường thời gian qua được rất nhiều phụ huynh quan tâm nhưng vấn đề này không phải là mới. Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra xong thì ngành chức năng mới vào cuộc xử lý, cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên nhiều vụ bạo lực mới lại tiếp tục diễn ra.

Những nạn nhân thường bị đe dọa không được nói với gia đình hay nhà trường, nếu nói sẽ bị đánh tiếp nên nhiều em phải nói dối là do té ngã bị trầy xước. Ngày 22-10, nữ sinh N. của Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Nhóm nữ sinh này đã dùng mũ bảo hiểm đánh, kéo một nữ sinh ngoài đường khiến em này bị chấn thương giập nhãn cầu, gây xuất huyết kết mạc mắt trái. Ngoài việc đánh bạn, những học sinh này quay clip và tung lên mạng xã hội. Do bị đe dọa nên nữ sinh bị đánh đã nói dối mẹ là bị té xe, chỉ khi đoạn clip ngắn quay lại sự việc bị đưa lên mạng, nữ sinh mới nói thật.

Đoàn viên thanh niên tuyên truyền pháp luật tại trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chị Trần Thị Phương Thúy (mẹ của N.) cho biết: “Cháu không dám nói với gia đình. Tâm lý của cháu bị ảnh hưởng nặng nề do bị đe dọa là không được nói với ai, nếu nói thì còn bị đánh tiếp”.

Ông Phạm Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) xác nhận có vụ việc trên xảy ra giữa các học sinh lớp 11 của trường. Hai em nữ sinh đánh bạn vẫn đi học bình thường, nhà trường đã cho viết tường trình, kiểm điểm. Sau khi có kết qủa xác minh của công an, nhà trường sẽ  họp và đưa ra hình thức kỷ luật. 

Ngày 21-10 nhóm học sinh Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đánh nhau với học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu và một số trường khác khiến hai học sinh Trường Marie Curie bị thương phải vào bệnh viện điều trị. Sự việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai nữ sinh.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho biết, sự việc xảy ra bên ngoài nhà trường nhưng khi biết được thông tin trên, nhà trường đã chủ động trình báo với công an địa phương để xác minh làm rõ vụ việc. Nhà trường cũng đang chờ kết quả xác minh của Cơ quan công an, sau đó sẽ họp hội đồng kỷ luật và xử lý những học sinh có liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận Gò Vấp cho biết, hiện nay trong nhà trường không có bác sĩ tâm lý. Lâu nay ngành đã đề xuất nhiều lần nhưng không cho biên chế, không có cơ chế để tuyển người. Mỗi trường học có 1 phòng y tế, chức danh thì có nhưng không có cơ chế tuyển trưởng phòng y tế cho nhà trường. 4 chức danh: kế toán, thủ quỹ, y tế, tâm lý học sinh hiện nay các trường đều giao cho 2 nhân viên kiêm nhiệm. Mỗi trường chỉ tuyển được 2 nhân viên lo 4 nhiệm vụ đó.

Hình ảnh nữ sinh một trường trên địa bàn quận Gò Vấp bị đánh hội đồng (cắt từ clip).

Công tác giáo dục đạo đức cho học trò phải phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường mới có hiệu quả. Gia đình cha mẹ phải nắm bắt được tâm lý con mình, thấy biểu hiện lạ, việc chơi với bạn bè, giao tiếp, có chuyện gì phải nắm bắt, báo cáo phối hợp với nhà trường để kịp thời ngăn chặn các xung đột (nếu có) gây hậu quả đáng tiếc. Việc ngăn ngừa nạn bạo lực học đường, một mình nhà trường không làm nổi.

Qua các nguồn thông tin khác nhau, qua bạn bè của con, qua thông tin trên mạng, cha mẹ phải nắm bắt được tâm lý của con mà kịp thời xử lý. Hội phụ huynh có thể gặp gỡ, phối hợp chính quyền, lực lượng chức năng mà giáo dục chỉnh đốn tư tưởng sai lệch, những mâu thuẫn giữa học trò kịp thời được hóa giải để ngăn ngừa không có chuyện xung đột học đường xảy ra.

Về giáo viên tư vấn tâm lý học đường, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây nhà trường hợp đồng với một người chuyên ngành tâm lý về làm giáo viên tư vấn tâm lý học đường nhưng do lương thấp nên người này nghỉ việc. Hiện, chủ yếu giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên dạy môn giáo dục công dân đảm nhận việc tư vấn cho học sinh. Thỉnh thoảng trường có mời chuyên gia tâm lý đến nói chuyện chuyên đề với học sinh.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã nhiều lần đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho tuyển biên chế vị trí này nhưng đến nay Bộ vẫn chưa cho tuyển. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn giao Sở Giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo các trường học cần có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các em học sinh vi phạm, tăng cường tuyên truyền cho học sinh cần có ý thức rèn luyện nâng cao nhận thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, các rối loạn tâm sinh lý, rối nhiễu hành vi của học sinh phổ thông không ngừng gia tăng trong những năm gần đây do áp lực trong học tập, thi cử, cuộc sống, sự kỳ vọng của cha mẹ... Những vấn đề đó đặt ra nhu cầu đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn tâm lý để giúp các em có kỹ năng vượt qua những áp lực, có kỹ năng sàng lọc thông tin và xử lý các tình huống. Công tác này cần phải trở thành một hoạt động chuyên môn bài bản, là một nhiệm vụ quan trọng của trường phổ thông nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh.

Tất nhiên tư vấn tâm lý học đường là rất cần thiết, tuy nhiên vấn đề cơ bản vẫn là giáo dục của gia đình. Các bậc phụ huynh cần quan tâm con cái, không tạo áp lực học hành đè nặng con và không bạo lực gia đình.

Học sinh Quảng Ngãi giao lưu, trao đổi về chủ đề bạo lực học đường. Ảnh: Internet.

Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực

Sáng 3-11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND quận 10, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề: “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” thu hút hơn 150 gia đình với hơn 300 thành viên trên địa bàn quận 10 và các quận lân cận tham gia.

Thông qua các trò chơi, các cặp cha con đã cùng nhau tìm hiểu những hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em bao gồm: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Các cặp cha con cũng chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian trên mạng và các không gian khác. Đồng thời, cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới.

Nhiều em nhỏ cho biết đã được trường học trang bị các kiến thức phòng, chống bạo lực trong gia đình nhưng các em vẫn rất khó nói với cha mẹ. Nhiều em ở nhà vẫn bị cha mẹ đánh mắng khi bị điểm thấp, khi phạm lỗi. Các em phải làm theo tất cả những gì cha mẹ bắt buộc, không được có ý kiến. Nhiều phụ huynh mải lo làm ăn, không quan tâm nhiều đến con cái. Con cũng không thể chia sẻ được gì với cha mẹ.

Tại sự kiện, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, sự kiện này nhằm huy động nam giới đồng hành chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì một gia đình bình đẳng, xã hội văn minh không có bạo lực, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các cha và con trai để nâng cao nhận thức cho họ, vừa để bảo vệ cho những người phụ nữ xung quanh, vừa để bảo vệ chính họ không vi phạm pháp luật.

Hầu hết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em do nam giới gây ra. Tuy nhiên, nam giới chưa hiểu rõ các hành vi của mình có thể gây tác động xấu đến người khác. Nhiều ông bố vẫn mặc nhiên cho mình quyền được dùng bạo lực để dạy dỗ vợ con khiến không khí trong gia đình căng thẳng. Hoặc nhiều người vẫn xem bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà.

Thiếu nhi thành phố Tây Ninh thuyết trình tranh vẽ tại diễn đàn Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số năm 2018. Ảnh: Quế Hương.

Nhiều đại biểu nữ cho rằng hầu hết chỉ có phụ nữ tiếp cận vấn đề bạo lực gia đình. Nam giới ít tham gia. Chính vì vậy, vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ cần có sự tham gia của nam giới, bởi họ chủ yếu là tác nhân gây ra bất bình đẳng giới. Năm 2019, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của TP Hồ Chí Minh đã có nhiều buổi truyền thông đến nam giới.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu khác của Action Aid Việt Nam năm 2014, có 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát tại TPâ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), 51,9% học sinh đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực. Tổ chức Save The Children Việt Nam đã trích dẫn Điều 19 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em trong các tài liệu truyền thông: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép làm tổn hại cơ thể cũng như tinh thần trẻ em như đánh đập, dọa nạt, xúc phạm hoặc bất cứ hình thức nào khác”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện chương trình phòng chống bạo lực giới của UNWomen, cho rằng hiện nay phần lớn những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Vì thế, để ứng phó có hiệu quả đối với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, mọi người cần gắn kết nam giới để vận động và thực hiện các chính sách về giới. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà còn là những đối tác, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Cha và con trai rất quan trọng và là đối tượng giúp thay đổi định kiến trong xã hội và góp phần tăng vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, tất cả những thành viên trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng trong phòng chống và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. “Có 58% phụ nữ từng bị bạo lực trong đời và 87% không đi trình báo vì họ ngại những rào cản về mặt xã hội, sợ bị lên án, chê trách nên họ giấu kín trường hợp của mình", bà Nguyễn Thị Thúy nói.

Như vậy, để ngăn chặn bạo lực học đường, ngoài việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh và có giáo viên tư vấn tâm lý học đường thì gia đình cũng là vấn đề cần được quan tâm. Cha mẹ cần gần gũi làm bạn tâm tình với con cái để kịp thời nắm bắt thông tin và giải quyết những khúc mắc của con.

Đồng thời, xã hội phải xây dựng được môi trường sống tốt hơn, văn minh hơn, tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến gương người tốt việc tốt, những câu chuyện học sinh giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, trong học tập...

Nguyễn Cảnh
.
.