Ngành Y tế Cuba vượt qua phong tỏa của Mỹ đến với nhiều quốc gia

Thứ Tư, 02/01/2008, 08:30
Có thể nói, Cuba đã thành công rực rỡ trong phát triển sự nghiệp y tế. Nhiều người không tưởng tượng được rằng, tuy bị Mỹ phong tỏa gần nửa thế kỷ, nhưng hệ thống y tế của Cuba vẫn phát triển ở trình độ tiên tiến trên thế giới. Hơn nữa, nó đã trở thành một "vũ khí sắc bén" của chủ tịch fidel Castro và nhân dân cuba trong cuộc chiến cấm vận của Mỹ.

Mỹ cũng phải thừa nhận trình độ chữa bệnh tiên tiến của CuBa  

Thành tích trong lĩnh vực y tế mà Cuba giành được khiến thế giới khâm phục. Hiện nay, tỉ lệ trẻ em chết ở Cuba thấp hơn Mỹ, bình quân tuổi thọ của người dân Cuba bằng Mỹ; trình độ kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực nhãn khoa, phẫu thuật chỉnh hình, công nghệ sinh học... đã vượt nhiều nước phát triển.

Đặc biệt là hệ thống y tế Cuba đã thực hiện miễn phí đối với mọi người dân. Ngay từ năm 1982, trong một báo cáo của Mỹ đã thừa nhận, hệ thống y tế chữa bệnh của Cuba không chỉ bằng mà còn hơn một số nước phát triển.

Điều đặc biệt và đáng quý là, các bác sĩ và nhân viên y tế Cuba có truyền thống giúp đỡ nước ngoài, đã chữa bệnh miễn phí cho người dân của nhiều nước đang phát triển.

Cuối năm 2006, báo Vũ trụ, Mexico có bài viết: ngoại giao chữa bệnh đã trở thành hòn đá tảng của chính sách đối ngoại và viện trợ đối ngoại của Cuba sau khi Cách mạng Cuba thành công (1959) không lâu.

Điều kiện thù địch xung quanh đã thúc đẩy Fidel Castro tìm kiếm liên minh với các nước và khu vực bằng thúc đẩy phát triển ngoại giao chữa bệnh. Thậm chí, Mỹ cũng phải thừa nhận thành quả to lớn về ngoại giao chữa bệnh của Cuba.

“Phẫu thuật kỳ tích” đem ánh sáng cho 65 vạn người bị bệnh mắt

“Phẫu thuật kỳ tích” là một phần của kế hoạch chữa bệnh mắt miễn phí được ký kết giữa Chủ tịch Fidel Castro  (Cuba) và Tổng thống Hugo Chavez (Venezuela) năm 2000. Ở Mỹ Latinh và khu vực Caribbean có khoảng 4,5 triệu người vì mắc bệnh đục thủy tinh thể, bệnh tiểu đường... dẫn đến mù mắt hoặc lác mắt và các bệnh khác về mắt.

Cho đến cuối tháng  6/2007, đã có  65 vạn người bị bệnh mắt của  30 quốc gia nhờ kế hoạch “phẫu thuật kỳ tích” mà nhìn thấy ánh sáng. Họ được các bác sĩ nhãn khoa Cuba làm phẫu thuật mắt miễn phí, khiến cuộc sống của họ thay đổi. Chỉ riêng Venezuela đã có trên  15 vạn người bị bệnh mắt đến chữa khỏi bệnh tại các bệnh viên ở Cuba.

Nữ sĩ Sucoro Feyraleis,  67 tuổi, người Venezuela vì bệnh tiểu đường nên bị đục thủy tinh thể dẫn đến mù, do không đủ tiền phẫu thuật, khiến cuộc sống trở nên tuyệt vọng.

May mắn “phẫu thuật kỳ tích” giúp bà khôi phục thị lực. Sự nhiệt tình chăm sóc của các bác sĩ, y tá và những người công tác xã hội của  CuBa làm bà nhớ mãi. Bà cảm động nói: "Tôi như được sống lại và nay đã tự lo liệu được cuộc sống của mình".

Hiện nay, Cuba có khoảng  600 bác sĩ nhãn khoa, khoảng 1.200 sinh viên đang theo học khoa mắt. Cuba có kỹ thuật tiên tiến về y tế nhãn khoa, như phẫu thuật vi hình mắt; Cuba còn tự sản xuất được các thiết bị tiên tiến để kiểm tra thần kinh mắt.--PageBreak--

Nhân viên y tế Cu Ba có mặt ở hàng trăm quốc gia

Tính đến năm 2006, Cuba có hơn  3,6 vạn bác sĩ, y tá, nhân viên kỹ thuật y tế chuyên nghiệp được cử đến 107 quốc gia, giúp đỡ người dân địa phương công tác vệ sinh chữa bệnh, phòng chữa bệnh truyền nhiễm, đỡ đẻ cho phụ nữ, xóa mù chữ.

Venezuela là một trong những quốc gia được Cuba giúp đỡ nhiều nhất.  1,4 vạn bác sĩ và nhân viên y tế Cuba đến Venezuela, xây dựng 600 trung tâm chữa bệnh, 600 nhà hồi phục sức khỏe và  35 trung tâm nghiên cứu công nghệ cao.

Tại Guatemala, một số bác sĩ Cuba đã đi đến các vùng núi cao, rừng sâu để tìm hiểu nguồn gốc của bệnh sốt phát ban, dịch tả, sốt rét, bệnh truyền nhiễm...

Họ đã tiêm vắcxin cho dân, chữa trị khỏi cho rất nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, còn giúp đỡ huấn luyện, bồi dưỡng cho nhân viên y tế địa phương về công tác y tế dự phòng.

Tại Honduras, các bác sĩ Cuba đã giúp đỡ phụ nữ kỹ thuật đỡ đẻ, tiến hành bồi dưỡng kiến thức sinh đẻ cho người dân địa phương, từ đó đã giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do sinh đẻ khó.

Tính đến tháng 2/2006, tổng cộng có khoảng 1.300 bác sĩ và nhân viên y tế Cuba đến Bolivia làm việc và điều trị cho hơn 5 triệu người bệnh. Ngoài ra, Cuba còn tặng nhiều máy móc thiết bị y tế cho 20 bệnh viện ở Bolivia.

Sau khi Mỹ gặp tai họa do cơn bão Katrina gây ra, Cuba đã cử hơn  100 bác sĩ, y tá mang vật tư y tế cần thiết đến Mỹ giúp đỡ người dân ở đây chữa bệnh, Chính phủ Bush từ chối sự giúp đỡ này, nhưng nghĩa cử của Cuba khiến nhân dân Mỹ rất cảm động.

Đến Cu Ba học ngành Y miễn phí, lưu học sinh Mỹ hiểu rõ sự thật

Tại Mỹ, chi phí cho học đại học ngành y rất đắt, một số thanh niên Mỹ gốc châu Phi và gốc châu Mỹ Latinh cơ bản không chịu nổi tiền học phí. Chính phủ Cuba đã tạo cơ hội cấp học bổng cho một số thanh nhiên Mỹ đến học ngành y tại Cuba 6 năm. Những người này sau khi tốt nghiệp ngành y tại Cuba, họ không chỉ biết tiếng Tây Ban Nha và chuyên môn y học mà còn trở lại Mỹ làm việc.

Tersha Tomas, một sinh viên Mỹ đầu tiên tốt nghiệp ngành y tại Cuba năm 2004 đã về Mỹ làm việc tại một bệnh viện có tiếng. Chị cho biết, nếu học ngành y ở Mỹ, tối thiểu chị phải làm việc từ  20 đến 30 năm mới dành dụm trả hết được khoản tiền vay ngân hàng khi học đại học. Còn ở Cuba, chị được học miễn phí.

Từ năm 1962, các trường cao học ở Cuba đã mở cửa đón nhận thanh niên các nơi trên thế giới. Cho đến nay đã có khoảng 4,5 vạn lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học ở Cuba. Chỉ riêng Trường đại học Y dược Santiago đã có tới 1.200 sinh viên của trên 40 quốc gia đến lưu học.

Chủ tịch Fidel Castro cũng rất quan tâm đến những lưu học sinh nước ngoài đến học tập tại Cuba. Trước khi bị bệnh (7-2006), năm nào ông cũng đến một số trường thăm học sinh và diễn giảng.

Phát triển kỹ thuật sinh học

Cuba không chỉ chú trọng phát triển y tế điều trị cơ sở và bồi dưỡng nhân tài y học, mà còn chú ý phát triển công nghệ cao và thuốc chữa bệnh sinh học. Thành tựu trên lĩnh vực nghiên cứu thuốc chữa bệnh và y học của Cuba đã được thừa nhận và đánh giá cao tại nhiều hội nghị y học và hội nghị giao lưu y tế quốc tế.

Rất nhiều sản phẩm thuốc và thiết bị máy móc y tế chữa bệnh mà Cuba tự nghiên cứu phát triển sản xuất đạt trình độ tiên tiến thế giới. Chính phủ Cuba cũng thường tặng các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế cho các nước đang phát triển.

Mấy năm gần đây, công nghệ sinh học ở Cuba phát triển rất nhanh. Louis Erala, Giám đốc Trung tâm công nghệ gien và kỹ thuật sinh học Cuba cho biết, hiện nay có khoảng 38 loại sản phẩm sinh học của Cuba được cấp giấy phép và ứng dụng ở  45 quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt là Cuba đã tự nghiên cứu phát triển vắcxin phòng dịch cấp  5 thế hệ thứ hai, có thể dự phòng 5 loại bệnh cho trẻ em. Hiện nay những vắcxin này đang được ứng dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Sức khỏe là cơ sở cho con người và xã hội phát triển. Sự giúp đỡ về y tế  của Cuba đối với nhiều nước đã mang lại hiệu quả tích cực. Hành động này không chỉ cải thiện rất lớn quan hệ giữa Cuba với các nước, khiến Cuba giành được sự ủng hộ trên nhiều diễn đàn quốc tế, mà còn đem lại cho Cuba sự giúp đỡ song phương hoặc đa phương trong hoạt động mậu dịch, cho vay và đầu tư... Chính sách ngoại giao chữa bệnh đã khiến Cuba được hưởng vinh dự toàn cầu 

Nguyễn Mau (theo Hoàn cầu)
.
.