Ngành Y tế: Phía sau những lời than thở là một sự lãng phí

Thứ Hai, 15/10/2007, 18:15
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta vẫn thường nghe ngành y tế than thở, rằng nơi này bệnh nhân quá tải, diện tích chật hẹp, nơi kia cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp... Nhưng mấy ai nhận ra phía sau những lời than thở ấy, là một sự lãng phí khó có thể hình dung được.

Từ những trạm y tế vắng như “chùa Bà Đanh”…

Căn cứ vào một thống kê, hiện tại trên địa bàn TP HCM có khoảng hơn 320 trạm y tế phường, xã và phần lớn trưởng trạm là bác sĩ nhưng mức độ tín nhiệm của người dân lại còn tùy vào tay nghề và uy tín của các vị trưởng trạm này.

Đi thực tế tại một số trạm, ngoài bàn ghế, giường tủ, tôi thấy trang thiết bị gồm một chiếc cân - có thước đo chiều cao, một - hoặc hai bộ ống nghe, máy đo huyết áp, bộ dụng cụ khám tai mũi họng, khám mắt... Nhìn vào tủ thuốc, thấy có khá nhiều chủng loại dược phẩm thiết yếu nhưng lắm thứ, cả năm mới phải dùng đến một lần.

Gần đây, theo tiêu chuẩn quốc gia, trạm y tế được trang bị máy siêu âm xách tay, máy đo đường huyết, máy xông khí dung, máy đo điện tim, bộ dụng cụ tiểu phẫu và bước đầu, một số trạm đã được cấp phát các loại này.

Theo chức năng, trạm y tế là tuyến cơ sở gần dân nhất, có nhiệm vụ khám, chữa những bệnh thông thường, hoặc sơ cứu ban đầu trước khi chuyển lên tuyến trên. Nhưng, một trưởng trạm tại quận 5 cho biết: “Địa bàn quận có nhiều bệnh viện công nằm gần nhau - chưa kể bệnh viện tư - như An Bình, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Trung tâm y tế quận. Hễ bệnh tật, bà con đi thẳng vào đó chứ có mấy ai đến chỗ tụi tôi”.

Rốt cục, công việc của cán bộ, nhân viên ở một số trạm  hầu như chỉ còn là cho trẻ con uống thuốc ngừa bại liệt, tiêm chủng mở rộng, quản lý bệnh nhân lao, da liễu, tâm thần, HIV, quản lý sức khỏe sinh sản... Và mặc dù trước đây, khi chưa chuyển chức năng về trung tâm y tế quận, các trạm đều được trang bị cả bàn sản khoa, nhưng trong nội thành, hầu như chẳng sản phụ nào chịu sinh con ở... trạm y tế!

Để tận dụng mặt bằng, một số trạm cải thiện bằng cách cho tư nhân thuê một phần diện tích mở tiệm thuốc tây, thuốc đông nam dược, hoặc cho nha sĩ mở phòng khám răng, phòng xét nghiệm. Có trạm, bác sĩ trưởng trạm sau giờ hành chính, thì làm luôn dịch vụ khám chữa bệnh ngoài giờ nên ban ngày trạm vắng vẻ đìu hiu nhưng cứ đến chiều tối, thì người ra kẻ vào tấp nập. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những trạm y tế ở quận Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi, cùng các quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8... sau khi được trang bị máy móc thì hoạt động rất hiệu quả (mà Chuyên đề ANTG sẽ có bài viết về các trạm này).

Trước thực trạng trên, đã có ý kiến nên sáp nhập một số trạm - nhất là những trạm mà cự ly quá gần nhau trong khu vực nội thành, rồi đầu tư đúng mức về trang thiết bị, về nhân lực để trạm có thể làm đúng chức năng y tế cộng đồng. Nhưng lại có ý kiến cho rằng trạm y tế là cơ sở gần dân nhất, nên cần phải duy trì.

Một bác sĩ trưởng trạm tại quận 10, cười: “Gần thì có gần thật, nhưng dân có chịu đến... gần hay không, lại là chuyện khác”. Nhiều người dân sống ở quận 5 cho biết: “Đời sống kinh tế khá nên khi đi khám bệnh, tâm lý người bệnh thường thích được cho làm các xét nghiệm như chụp X-quang, siêu âm, nội soi, thử máu. Nhưng nhiều trạm y tế lại không có mấy thứ đó nên bác sĩ chủ yếu chỉ hỏi han, nghe tim, nghe phổi, đo huyết áp, rồi viết cho cái toa thuốc là xong”.

Nếu cần phải làm xét nghiệm, bác sĩ viết giấy giới thiệu đến bệnh viện hay trung tâm y tế. Làm xong, lại phải đem về cho bác sĩ coi nên vẫn theo lời những người này: “Thà vào thẳng bệnh viện cho đỡ mất thời gian”.

Ngay cả những quận, huyện ở xa, không có nhiều bệnh viện công, bệnh viện tư như Nhà Bè, Cần Giờ, số người vào khám, chữa tại trạm y tế cũng chưa cao, mà chủ yếu họ đi các phòng mạch tư, hoặc đến trung tâm y tế, phòng khám đa khoa hay bệnh viện khu vực bởi lẽ có trạm y tế, sau 5 giờ chiều thì chỉ còn một nhân viên trực.

...Đến những máy chụp cắt lớp và phòng xét nghiệm trùm mền

Máy chụp cắt lớp (CT Scaner) được thế giới đưa vào sử dụng đến nay đã 20 năm có lẻ. Tại TP HCM, từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, một số bệnh viện đã nhập về để phục vụ bệnh nhân rồi sau đó, khoảng  năm 2000 trở đi, CT Scaner ồ ạt xuất hiện.

Cũng tại địa bàn quận 5, trên một diện tích chỉ khoảng 1km2, có 3 máy CT Scaner của Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nguyễn Trãi và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng hoạt động. Nếu tính ra xa hơn một chút nữa (nhưng cũng không xa quá 2km), là Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, nơi nào cũng có CT Scaner - có nơi còn có máy thế hệ mới nhất.

Trên địa bàn quận 10, Bệnh viện 115 và Bệnh viện Trưng Vương nằm cách nhau khoảng 1km, cũng có... CT. Một chiếc máy CT Scaner hiện nay, giá thấp nhất cũng là 400 nghìn USD nên nếu muốn hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi máy mỗi ngày phải có 30 đến 40 bệnh nhân, chi phí cho mỗi lần chụp khoảng từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng.

Ngoại trừ Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, Bệnh viện Đại học Y Dược và một vài bệnh viện nữa là đạt được con số này, còn những nơi khác trung bình chỉ khoảng trên dưới 10 bệnh.

Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện An Bình cho biết: “Rất khó đạt được 10 hay 15 bệnh nhân. Nếu ngày nào cũng có 10 bệnh chụp CT là... ngon lành rồi”.

Tại Bệnh viện Trưng Vương, nơi làm luôn cả nhiệm vụ cấp cứu cho toàn thành phố, bình quân mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 8 người bệnh chụp CT. Nhiều ý kiến cho rằng việc trang bị máy CT là để bệnh viện có thể độc lập, tự chủ trong chẩn đoán, giảm thiểu cho bệnh nhân không phải đi lại nhiều lần - nhất là những bệnh nhân nặng - như chấn thương sọ não chẳng hạn.

Điều này hoàn toàn đúng, nhưng có nơi thì đầu tư quá nhiều, còn có nơi lại thiếu trong lúc phần lớn tiền mua máy móc, đều là tiền ngân sách bởi lẽ hiện tại, ở TP HCM mới chỉ có vài bệnh viện - như Bệnh viện Từ Dũ chẳng hạn, là tự chủ được tài chính về chuyện mua sắm này.--PageBreak--

Một lãng phí nữa, đó là phòng xét nghiệm và thiết bị chuyên dùng mà hầu hết các bệnh viện công, cùng một số trung tâm y tế quận, huyện đều trang bị. Ngoài các máy móc với những chức năng thông thường, một số bệnh viện còn nhập về máy xét nghiệm cao cấp nhưng họa hoằn lắm mới có bệnh nhân phải nhờ đến nó.

Tại TP HCM, một bệnh viện nhập về máy xét nghiệm độc chất, trị giá tròm trèm 7 tỉ đồng nhưng một năm, chỉ khoảng 20 người cần làm xét nghiệm ấy nên máy móc trùm mền, dẫn đến lãng phí tài sản là điều dễ hiểu. Một bệnh viện khác nhập máy chạy thận nhân tạo, trị giá xấp xỉ 40 nghìn USD rồi... bỏ đó, hoặc nhập giường đặc trị cho bệnh nhân bỏng, nhưng nhập về rồi cất vào kho vì không có bệnh nhân trong lúc một vài bệnh viện khác, cần giường loại này thì không có.

Theo yêu cầu kỹ thuật, một máy xét nghiệm - khi tiến hành làm các xét nghiệm đại trà, thì mỗi ngày phải chạy dung dịch chuẩn 3 lần để kiểm tra các thông số, nhằm cho ra kết quả chính xác. Với những xét nghiệm đặc biệt cho những bệnh lý đặc biệt, thì cứ mỗi lần làm là mỗi lần phải chạy dung dịch kiểm tra. Nhưng vài tuần, vài tháng mới có một bệnh nhân nên bệnh viện... lờ luôn cái việc chạy dung dịch kiểm tra vì quá tốn kém. 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói: "Tôi kịch liệt phê phán những nơi mua đồ mà không biết xài đồ...". Nhiều bác sĩ đã nêu ý kiến, rằng tại mỗi quận, huyện, các bệnh viện  chỉ cần liên kết xây dựng một trung tâm xét nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Bệnh phẩm của bệnh nhân được lấy tại bệnh viện nơi bệnh nhân đang nằm, rồi chuyển sang trung tâm.

Với mạng Internet phổ biến như hiện nay, kết quả sẽ được gửi qua máy tính nên không sợ kéo dài thời gian, vốn đầu tư cũng thấp. Nhưng... một bác sĩ cười: “Chắc là chẳng ai chịu đưa bệnh phẩm sang trung tâm vì làm xét nghiệm ngay tại sân nhà, bệnh viện cầm chắc về... thu nhập”.

Và lãng phí nhà, đất, lãng phí nhân lực

Trong số 320 trạm y tế xã, phường ở TP HCM, qua tìm hiểu thực tế, trạm y tế diện tích ít nhất cũng là 100m2 nhưng một số nơi, hầu như không sử dụng hết công năng.

Tại một trạm y tế ở quận 5, trên lầu 1 trước kia là phòng khám thai nhưng theo lời một nhân viên, thì: “Hiện tại, chỗ tụi tôi không còn nữ hộ sinh nữa vì chức năng này đã chuyển về quận, nên cả năm chỉ mở cửa vào lau chùi vài lần để Phòng Y tế quận đến kiểm tra”.

Ở quận 8, có trạm diện tích mặt bằng khá rộng, phòng ốc khang trang, thiết bị tương đối đầy đủ, lại có hẳn một vườn thuốc nam nhưng bệnh nhân đến trạm vẫn lèo tèo, thưa thớt.

Một bác sĩ ở Nhà Bè cho biết: “Trạm có bác sĩ giỏi, uy tín, làm lâu năm, được người dân tín nhiệm thì hàng ngày khám cho vài ba chục bệnh là chuyện bình thường. Ngược lại, lắm khi mỗi ngày chỉ vài ba bệnh...”.

Bên cạnh đó, nếu không đúng vào dịp cho trẻ con uống thuốc ngừa, hoặc tiêm chủng mở rộng hay điều tra dịch tễ, điều tra dân số, điều tra sức khỏe sinh sản thì nhiều trạm chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều mạnh ai nấy đi, chỉ để lại một nhân viên trực.

Một bác sĩ ở quận 3 cho biết thêm: “Có trạm, do diện tích rộng nên trưởng trạm ngăn thành nhiều phòng nhỏ, cho... thuê. Vì vậy, mỗi lần tập huấn hay họp hành, trạm lại phải mượn nhờ hội trường của Ủy ban phường”, rồi ông kết luận: "Sự lãng phí này đã diễn ra hàng chục năm trước, từ những đời lãnh đạo ngành y tế TP trước mà đến nay, lãnh đạo Sở Y tế đương nhiệm vẫn đang ra sức chấn chỉnh".

Lãng phí vật chất kéo theo lãng phí về nhân lực. Như đã nói ở trên, phần lớn các trạm y tế ở TP HCM đều có bác sĩ là trưởng trạm. Nhưng một số bác sĩ sau khi tốt nghiệp, và chưa xin vào được những bệnh viện lớn, thì họ chọn trạm y tế làm chỗ nương thân chứ không chịu đi vùng sâu, vùng xa hoặc về tỉnh.

Một bác sĩ trưởng trạm ở quận 6 cho biết: “Bệnh nhân ít, riết rồi tôi chỉ còn làm những việc thuộc về hành chính sự vụ, như đi họp, ký giấy tờ, triển khai, kiểm tra các chương trình y tế cộng đồng...”.

Do không va chạm với thực tế, lâu ngày tay nghề của họ yếu đi - nhất là những người không quan tâm tìm hiểu, cập nhật thêm kiến thức chuyên môn.

Khám bệnh tại trạm y tế.

Có bác sĩ sau khi về trạm y tế một thời gian, thì tìm cách xin đi học sơ bộ chuyên khoa - vừa học vừa thăm dò chỗ khác rồi khi kết thúc, được bệnh viện nào đó nhận vào làm là... vẫy tay chào nhau, trong lúc rất nhiều địa phương trên cả nước, vẫn đang rất cần sự có mặt của bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở.

Cũng có bác sĩ do việc làm ít, nên tranh thủ đi học những khóa đào tạo ngắn ngày như chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn, để mai kia nếu có xin việc ở chỗ khác, thì tấm bằng chứng nhận đã học xong lớp này, lớp nọ, vẫn lợi thế hơn.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận khá nhiều bác sĩ ở trạm y tế, yếu về chuyên môn, đặc biệt là khả năng phát hiện bệnh sớm - một yêu cầu rất cần thiết của cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhất là khi Nhà nước áp dụng chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, cho người nghèo...

* * *

Cho đến nay, không thể phủ nhận những nỗ lực lớn lao của Sở Y tế TP HCM trong việc duy trì  vai trò tích cực của trạm y tế xã, phường vì đó là nơi đầu tiên phát hiện, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh, là nơi quản lý, theo dõi sức khỏe người dân.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thì ngành y tế TP đang tích cực triển khai hệ thống thống nhất từ các trạm y tế  phường, xã đến các bệnh viện trực thuộc TP.

Theo đó, cán bộ trạm có thể đi thẳng lên bệnh viện học về chuyên môn rồi quay lại phục vụ người dân trong địa bàn vì việc phân cấp điều trị đến nay đã chứng tỏ tính hiệu quả của nó.

Cũng không thể phủ nhận vai trò của các bệnh viện với những thiết bị hiện đại, hàng ngày cứu sống cả nghìn mạng người. Tuy vậy, những lãng phí trong ngành y tế ở TP HCM là điều cần tiến hành khắc phục, để tăng kinh phí nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn

Vũ Cao
.
.