Ngành công nghiệp nước hoa sử dụng người khiếm thị để làm gì?
Giờ cao điểm đối với hệ thống đường sắt ngoại ô thành phố Mumbai là 7 giờ 30 sáng với những chuyến tàu chật ních người. Trong khoang tàu dành riêng cho người khuyết tật, Ravi Vanniyar loay hoay với cây gậy dò đường để bước xuống sân ga. Sau khi xuống tàu, Ravi bước đi có vẻ tự tin hơn. Đó là hành trình thường ngày của Ravi.
Bên ngoài sân ga, một chiếc xe buýt Công ty Anthea Aromatics đang chờ để đưa Ravi đến nơi làm việc. Ravi làm việc tại phân xưởng xử lý nguyên liệu thô để sản xuất nước hoa và dung dịch thơm. Công việc của Ravi là ngửi mùi nguyên liệu thô để đánh giá chất lượng.
Ravi với vợ (cũng bị mù) và 2 con trai. |
Trước đây, Ravi kiếm sống bằng nghề bán dao kéo trong các sân ga. Cách đây 3 năm, Ravi tình cờ biết có một công ty tuyển dụng người khiếm thị để test khứu giác. CPL Aromas - tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính tại Anh chuyên sản xuất và cung cấp nguyên liệu trong ngành nước hoa và mỹ phẩm - tiến hành cuộc nghiên cứu ở Ấn Độ và nhận thấy những người khiếm thị có khứu giác nhạy bén hơn người bình thường rất nhiều. Sau đó, CPL Aromas bắt đầu thành lập chương trình huấn luyện người mù sử dụng khứu giác để phân biệt nhiều loại mùi hương khác nhau.
Sau khi tốt nghiệp khóa học của CPL Aromas, Ravi được nhận vào làm việc cho Anthea Aromatics. Mathew Menacherry, lãnh đạo phát triển kinh doanh Anthea Aromatics, đánh giá: “Họ (người khiếm thị) có đóng góp năng lực rất đáng kể. Họ thực sự sở hữu khứu giác cực nhạy”.
Trong một phòng thí nghiệm khác ở Mumbai, một nhóm học viên khiếm thị được hưởng chương trình huấn luyện tương tự như Ravi. Những chiếc đĩa Petri chứa đủ loại gia vị và những chiếc tô lớn đựng trái cây được bày đầy ra dãy bàn dài. 2 giáo viên chỉ dẫn cho số học viên mù cách xác định các loại mùi hương khác nhau.
Bà Renuka Thergaonkar đang huấn luyện học viên khiếm thị. |
Renuka Thergaonkar, người quản lý khóa học, cho biết: “Theo tôi, các học viên này học hỏi nhanh hơn người bình thường”. Nhưng bà cũng nói thêm rằng có nhiều thách thức trong việc thuyết phục học viên khiếm thị theo đuổi cho đến hết khóa học bởi vì có không ít người từ bỏ chương trình huấn luyện giữa chừng.
Bà giải thích: “Họ tìm đến chúng tôi với gánh nặng tâm lý mặc cảm. Thứ hai là, cũng có vấn đề về tài chính. Thật khó khăn cho họ khi phải vừa học vừa cố kiếm tiền nuôi sống gia đình”.
Ở Ấn Độ, luật pháp quy định ít nhất 3% công việc làm của chính quyền được dành riêng cho người khuyết tật. Trong những năm gần đây, lĩnh vực kinh tế tư nhân bắt đầu quan tâm tuyển dụng người khuyết tật nhiều hơn. Ví dụ, nhiều công ty thuê dụng người mù làm nhân viên trực điện thoại. Xu hướng sử dụng lao động khiếm thị có năng lực đang nở rộ ở Ấn Độ. Đó là trường hợp 6 công ty nước hoa tuyển dụng học viên người mù từ những khóa đào tạo năng lực khứu giác.
Hằng ngày, Ravi đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng (vốn không thân thiện với người khuyết tật ở Ấn Độ) để đến nơi làm việc. Ravi rất lạc quan về công việc của mình: “Tôi cảm thấy hãnh diện. Tôi kiếm được tiền giúp cho con cái học hành tiến bộ. Khi còn buôn bán hàng rong, tôi bị mọi người đối xử rất tệ. Nhưng, bây giờ mọi người ở chỗ làm đều cư xử với tôi rất tôn trọng. Tôi đang sống với phẩm giá của mình”.