Ngày buồn nhất lịch sử Toyota ở Australia

Thứ Sáu, 27/10/2017, 08:18
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Australia có thể nói được khai sinh từ năm 1925 với những chiếc xe đầu tiên mang hiệu Ford. Hãng xe Toyota đặt chân lên xứ sở chuột túi từ năm 1963, tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Australia có đến 5 nhà sản xuất ôtô vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX, nhưng tất cả đã rút khỏi Australia.

Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết bởi chính phủ khiến ngành công nghiệp sản xuất ôtô phải chấm dứt sự tồn tại. Tháng trước, chiếc Camry cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Toyota Australia. Và Max Yasuda - Giám đốc Điều hành ToyotaAustralia - trầm giọng thú nhận: “Đây là một trong những ngày buồn nhất lịch sử của Toyota”.

Còn Hãng Holden, niềm tự hào là thương hiệu xe ôtô dành cho người Australia cho biết, cứu cánh của họ là sẽ sản xuất những chiếc xe của hãng tại các nhà máy ở nước ngoài.

Chiếc Toyota Camry cuối cùng xuất xưởng tại nhà máy Altona, ngoại ô Melbourne. Ảnh: Toyota.

Không sản xuất ôtô nhưng vẫn là một trong những nước có giá xe rẻ nhất thế giới

Australia là nước đầu tiên ngoài Nhật Bản mà Toyota chọn mở nhà máy. Người đứng đầu Tập đoàn Toyota quả là có tầm nhìn xa trông rộng vì chẳng bao lâu sau, hãng đã được xếp hạng lớn nhất của Australia và cũng là hãng xe xuất khẩu lớn nhất.

Trong quãng thời gian 54 năm ở Australia, Toyota đã xuất xưởng tổng cộng 3.451.115 xe. Thời đỉnh cao của Toyota Australia được ghi nhận là vào năm 2007 với 149.000 chiếc xuất xưởng. Nhưng sau đó, Toyota bắt đầu thoái trào với khoảng 80.000-90.000 chiếc trong những năm gần đây. Không chỉ Toyota, từ năm 2013, cả 5 nhà sản xuất ôtô mỗi năm chỉ xuất xưởng “cầm chừng” trên dưới 200.000 chiếc.

Để tiếp cận thị trường nước ngoài, Australia bắt đầu theo đuổi các hiệp định thương mại tự do từ những năm 1980, từ đó chính sách bảo hộ ngành ôtô bị thay đổi. Năm 2016, thị trường ôtô Australia đứng thứ 16 trên thế giới, đạt doanh số 1,18 triệu chiếc, trong đó có đến 90% số xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước mà Chính phủ Australia đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

Những năm cuối thập niên 80, thuế nhập khẩu đối với ôtô giảm từ 57,5% xuống còn 45%, sau đó tụt xuống 37,5% năm 1991. Tiếng chuông cáo chung bắt đầu gióng lên khi Australia cắt giảm thuế nhập khẩu về 15% vào năm 2000, khiến Hãng Nissan quyết định đóng cửa nhà máy, dù mới “sinh cơ lập nghiệp” vào năm 1992. Và hiện tại, thuế nhập khẩu ôtô của Australia chỉ còn 5%.

Từ năm 1997 đến nay, Australia đã ký kết hiệp định thương mại song phương với tổng cộng 10 nền kinh tế khác nhau, trong số này, đáng kể nhất là hiệp định ký với Thái Lan - trung tâm sản xuất chính cho nhiều hãng xe Nhật Bản và Mỹ. Ôtô nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh nhất kể từ khi Australia đồng ý bỏ thuế nhập khẩu xe từ thị trường này: Hơn 2 triệu chiếc tràn vào như cơn lốc, từ cả các thương hiệu quen thuộc với người Australia  như Ford, Holden, Honda, Toyota đến Honda, Nissan, Mitsubishi, Mazda cùng nhiều hãng khác.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ Australia đã quá vội vã trong các bước thực hiện hiệp định, mở cửa hoàn toàn trong khi Thái Lan vẫn duy trì nhiều rào cản phi thuế quan. “Australia thuộc nhóm 13 quốc gia trên thế giới có ngành công nghiệp ôtô hoàn thiện, từ khâu thiết kế tới sản xuất. Nhưng việc mở cửa khiến xe nội địa mất lợi thế trước dòng xe nhập khẩu” - tờ Quartz bình luận - “Australia là quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất ôtô nhưng không có chính sách bảo hộ”.

Việc này đã khiến thị trường Australia tràn ngập xe ngoại, với giá rẻ hơn, tính năng cao hơn, hoặc thậm chí cả hai. Ở Australia giờ có nhiều thương hiệu xe hơn cả EU, Anh, Mỹ hay Nhật Bản. Thị phần của các hãng có nhà máy tại Australia đương nhiên bị “ăn mòn”. Thời đỉnh cao, Holden sản xuất 165.000 xe vào năm 2004, Ford làm ra 155.000 chiếc năm 1984, còn Toyota xuất xưởng 149.000 chiếc vào năm 2007.

Nhưng đến năm 2016, cả 3 hãng này chỉ bán được tổng cộng 87.000 chiếc sản xuất trong nước! Ngành sản xuất ôtô “thoi thóp” dần và phải cáo chung nhưng việc này không hề ảnh hưởng đến người tiêu dùng của đất nước, thậm chí họ còn “vỗ tay” tán đồng vì các hiệp định thương mại đã dần đưa Australia vào danh sách những nơi có giá xe rẻ nhất trên thế giới.

Hãng xe hơi nội địa Holden với bề dày lịch sử 161 năm ban đầu là một công ty sản xuất yên ngựa vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó, đến đầu thế kỷ XX, họ chuyển sang chế tác thân xe. Đến năm 1936, Holden lắp ráp xe cho GM và có thể hiểu GM Holden Ltd là chi nhánh của hãng sản xuất xe General Motors Co. của Mỹ. Sau Thế chiến thứ II, hãng được Chính phủ Australia hỗ trợ nhằm giúp ngành sản xuất xe hơi nội địa phát triển và hội nhập toàn cầu.

Sự ra đời của chiếc xe hơi Holden 48-215 đầu tiên vào năm 1948 đã mở đầu kỷ nguyên xe hơi “Made in Australia” nở rộ sau đó nhiều thập kỷ. Khi những dòng xe hơi khác xuất hiện trên thị trường, Holden vẫn có thể tự hào khẳng định rằng, đó là những chiếc xe hơi do người Australia sản xuất và dành cho người Australia.

Trong thập niên 1960 và 1970, Holden là bá chủ trên những cung đường của Australia. Thời đỉnh cao năm 2004, Holden sản xuất 165.000 xe. Thời gian gần đây, tình hình thu nhập tăng và lãi suất thấp kỷ lục đã khuyến khích người tiêu dùng mua xe mới, nhưng nhiều người không còn chuộng xe chở khách loại lớn như Holden.

Vì thế Holden dự kiến sẽ ngừng hoạt động ở phía bắc Adelaide, bang New South Wales vào cuối tháng này cùng với tuyên bố hãng không còn đủ tiềm lực để sản xuất xe hơi tại thị trường nội địa. Khi Ford và Toyota quyết định ngừng sản xuất tại Australia, Holden cho biết sẽ sản xuất những chiếc xe của hãng tại các nhà máy ở nước ngoài.

Hệ quả của một nền công nghiệp bị suy giảm sức cạnh tranh

Giáo sư Roy Green, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ UTS tại Sydney nhận định: “Ở một góc độ nào đó, ngành công nghiệp sản xuất xe hơi của Australia bị thất bại bởi ngay từ ban đầu, nó được dựng lên dựa vào các rào cản thuế quan rất cao. Điều đó khiến ngành công nghiệp ôtô Australia không thể cạnh tranh xuất khẩu khi thuế suất giảm. Thời điểm này các mẫu xe nhập khẩu tràn ngập thị trường Australia và ngành công nghiệp địa phương lại quá chậm chạp thích nghi thời cuộc để có những ý tưởng và phương pháp mới”.

Đến năm 2013, các quỹ trợ giá của Chính phủ Australia đã trở nên trống rỗng sau hàng chục năm gồng mình trợ giá. Công nghiệp ôtô Australia từ đó tới nay phải “gồng mình” trả chi phí nhân công cao thứ hai thế giới, chỉ sau Đức. Theo ước tính của Chính phủ Australia, có khoảng 40.000 lao động làm việc trong ngành ôtô, riêng của Toyota là khoảng 4.000 người. Khi ngành sản xuất ôtô “đội nón ra đi”, hàng ngàn người này sẽ làm gì?

Holden - niềm tự hào của Australia - cũng sẽ phải sản xuất những chiếc xe của hãng tại các nhà máy ở nước ngoài.

John Spoehr, Giám đốc Học viện Chuyển đổi công nghiệp Australia tại Đại học Flinders, có vẻ lạc quan khi nhận định: “Dù ngành công nghiệp ôtô sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp lại đang có xu hướng giảm nhờ ngành năng lượng và một số lĩnh vực khác đang đi lên”.

Niềm lạc quan của John Spoehr căn cứ trên sự bùng nổ công nghiệp khai khoáng những năm đầu thế kỷ XXI này đã tạo ra dòng thu nhập rất lớn từ việc xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô. Giới chuyên môn gọi đây là “căn bệnh Hà Lan”, thuật ngữ chỉ hiện tượng khu vực sản xuất của một quốc gia bị mất đi tính cạnh tranh khi nền kinh tế lại dựa vào nguồn thu chủ lực từ xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô.

Giá nhân công cao là hệ quả đầu tiên, khi ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng nóng đã đẩy mức lương lên rất cao để thu hút nguồn nhân lực buộc các ngành khác phải tăng lương theo đễ giữ chân lao động.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Hãng Ford, chi phí sản xuất ở Australia gấp đôi châu Âu, gấp 4 lần so với châu Á. Australia không thể xuất khẩu để thoát khó vì “vây” quanh là các nước đang phát triển với chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều. Nhân viên lắp ráp ôtô ở Thái Lan được trả công khoảng 6 USD/giờ, tương ứng 12.500 USD/năm, còn nhân viên ngành ôtô Australia có mức lương gấp 5 lần - trung bình 69.000 USD/năm.

Nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp ôtô Australia đã tạo ra việc làm cho nhiều thế hệ lao động. Tuy nhiên, chỉ trong 10 năm qua, ngành này đã phải nhận hỗ trợ hơn 5 tỷ AUD từ chính phủ. Trước gánh nặng về chi phí nhân công như thế, những ông chủ đầu ngành buộc phải tính toán lại.

Năm tài chính 2013 có thể coi là một trong những năm đen tối nhất trong lịch sử hoạt động của Holden với lượng hàng bán ra chạm đáy trong vòng 20 năm. Tổng thua lỗ sau thuế của hãng xe hơi này trong năm tài chính 2013 là 553,8 triệu USD. Đồng cảnh ngộ, Hãng Ford tại Australia cũng có mức bán hàng thấp nhất trong vòng 22 năm và thua lỗ tới 267 triệu USD.

Ngoài ra, đồng đô la Australia tăng giá trong 10 năm qua cũng là hệ quả của việc bùng nổ xuất khẩu hàng hóa, vừa làm mất sức cạnh tranh của giá xe hơi nội địa so với giá xe ôtô nhập khẩu, vừa tạo thành rào cản ngăn cản việc xuất khẩu xe ra nước ngoài như một cách để mở rộng quy mô thị trường.

Ông Dave Buttner,  Chủ tịch Hãng Toyota tại Australia, cho biết Toyota sẽ cắt giảm gần 4.000 nhân viên xuống còn 1.300 nhân viên tại nước này, nhưng lãnh đạo hãng khẳng định họ sẽ được hỗ trợ để hạn chế bị ảnh hưởng. Phát biểu với báo giới sau thông báo của Toyota, Wade Noonan - Bộ trưởng Công nghiệp bang Victoria nói, ngày Toyota đóng cửa là “một ngày tồi tệ” đối với bang Victoria khi phải chứng kiến hàng nghìn công nhân sẽ mất việc làm không chỉ ở Hãng Toyota mà còn trong các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ông Noonan cho biết chính quyền bang Victoria đã có thời gian chuẩn bị cho việc đóng cửa này và đã yêu cầu 60 doanh nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm phù hợp cho những công nhân lắp ráp ôtô. Tình hình hàng chục nghìn lao động mất việc sẽ gây sức ép lên Chính phủ Australia trong việc hỗ trợ những người mất việc tìm kiếm việc làm ở bang “chiến địa” trước khi diễn ra cuộc bầu cử Liên bang trong hơn một năm nữa.

Cách đây hơn 3 năm, ông Akio Toyoda - Giám đốc điều hành Tập đoàn Toyota - đã đến thị sát nhà máy sản xuất ở Altona, ngoại ô thành phố Melbourne và thông báo về ngày Toyota đóng cửa: đó là ngày 3-10 vừa qua. Tháng trước, chiếc Camry cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất của Toyota Australia.

Chiếc xe được nhân viên đặt cái tên đặc biệt: “chiếc xe tốt nhất chúng tôi từng sản xuất” - sơn bên ngoài hình lá cờ Australia cùng hình ảnh trên cao của nhà máy và cảnh quan thành phố Altona. Một chiếc xe đặc biệt làm vật kỷ niệm của một thời vàng son đã qua.

Ngành công nghiệp ôtô đóng vai rất quan trọng trong nền kinh tế bang New South Wales - bang miền Nam Australia. Khi bị khai tử, nó sẽ để lại khoảng trống lớn về kinh tế, đầu tư và nhân lực tại bang này.

“Nếu Australia tỉnh táo, ngành công nghiệp ôtô có lẽ đã có thể tồn tại, và có thể tận dụng các công nghệ mới như xe không người lái hay xe chạy cả điện và xăng” - Tim Harcourt - nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh UNSW thuộc Đại học New South Wales nhận xét trên Bloomberg, “Australia đã thất bại, khiến ngành sản xuất xe ôtô khai tử là điều rất đáng buồn”.

Câu chuyện của ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô của Australia có thể sẽ là một ví dụ về cách mà một nền công nghiệp của một quốc gia tàn lụi vì sự suy giảm sức cạnh tranh mà không có cách gì chống lại.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.