Ngày xuân vang vẳng tiếng chuông chùa

Thứ Năm, 07/02/2019, 16:38
Mỗi độ bước sang năm mới, lòng người náo nức, chộn rộn, cỏ cây hoa lá đâm lộc non chồi biếc, vạn vật vui tươi mong một mùa xuân mới. Người ta lại muốn đến cửa chùa để được trầm mình trong bầu không khí linh thiêng, lắng lòng nghe tiếng chuông chùa vang xa ngân nga.

Hằng năm tôi đi lễ chùa/ Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn/ Chân đi đếm tiếng chuông chùa/ Tôi ngỡ năm tháng ngày xưa trở về”.

Tiếng chuông là một nhạc khí, pháp khí, gần gũi quen thuộc với mỗi người dân Việt từ làng quê cho tới thị thành, ăn sâu tự bao đời nay: “Tôi đến dân quê đón gió lành/ Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh/ Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi/ An ủi dân lành mọi mái tranh”. 

Câu chuyện thứ nhất

Lương Võ Đế là một người rất tin tưởng Phật giáo. Hoàng hậu Hy Thị được vua hết mực sủng ái thì lại chẳng kính Tam Bảo, coi thường Phật pháp. Một hôm, vua thỉnh hòa thượng Chí Công và 500 chư tăng vào cung để cúng dường trai tăng. Hoàng hậu Hy Thị sai người giết 100 con chó đem làm nhân bánh để cúng dường chư tăng.

Sau khi chư tăng thọ trai xong, ra về, hoàng hậu Hy Thị kể lại câu chuyện cho nhà vua và bảo: “Chư tăng ăn bánh nhân được làm bằng thịt của 100 con chó thì làm sao mà chứng đạo?”.

Nổi giận, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến chùa để xử chư tăng. Vừa đến cửa chùa, nhà vua đã thấy hòa thượng Chí Công đứng dưới gốc cây bồ đề. Nhà vua hỏi: “Hòa thượng ra đây làm gì?”. Chí Công đáp: “Ra đây đợi vua đến chém đầu, vì sợ ở trong chùa máu làm hoen ố cửa Phật”.

Lương Võ Đế rất ngạc nhiên. Hòa thượng Chí Công kể lại sự tình: Trong lúc ông thiền định, biết được ác tâm của hoàng hậu nên đã sai chư tăng làm bánh. Khi vào hoàng cung đã đổi bánh chay ra ăn, còn bánh vua ban giấu vào tay áo mang về đem chôn đi.

Nói rồi, hòa thượng đưa nhà vua ra chỗ chôn bánh và đọc thần chú. Lập tức số bánh đấy biến thành 100 con chó. Vua giật mình quỳ lạy, sám hối đi về kinh thành. Ít lâu sau thì hoàng hậu Hy Thị lâm trọng bệnh rồi qua đời.

Một đêm khuya thanh vắng, nhà vua nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết không ngừng. Vua mới hỏi: “Nhà ngươi là ai, sao đêm tĩnh mịch, lính canh nghiêm cẩn, lại vào được đây?”. Tiếng than ai oán: “Hoàng đế ơi, thần thiếp chính là Hy Thị vì quá độc ác, gây tội lớn nên chết đi phải đọa vào địa ngục, ngày đêm đau khổ vô cùng, xin bệ hạ cứu thiếp!”.

Lương Võ Đế nghe xong như tỉnh cơn mơ, cho mời hòa thượng Chí Công vào cung kể rõ sự tình. Hòa thượng đã cùng với các danh tăng soạn ra cuốn “Lương Hoàng Sám” lập trai đàn sám hối cho hoàng hậu Hy Thị và đúc đại hồng chung (chuông lớn). Giữa đêm khuya đàn tràng sám hối, tiếng đại hồng chung ngân nga vang xa, mùi thơm ngào ngạt khắp cả muôn vạn chúng sinh.

Hoàng hậu Hy Thị hiện thân tiên nữ xinh đẹp, tỏ lòng biết ơn hòa thượng, các chư tăng và hoàng đế, nói nhờ công đức làm đại hồng chung và đàn tràng sám hối mà bà thoát nạn và được sinh lên cung trời Đao Lợi.

Câu chuyện thứ hai

Trong ngôi chùa trang nghiêm thanh tịnh có một sư cụ và một chú tiểu. Chú tiểu có nhiệm vụ vào lúc sáng sớm và khi chiều tà phải đánh một hồi chuông. Thời kì đầu, chú tiểu rất hăng hái, ngày nào cũng 2 hồi chuông. Xong việc, chú mới làm việc khác. Thời gian trôi đi, chú tiểu cảm thấy công việc này thật là nhàm chán và không còn thích đánh chuông nữa nên chỉ đánh cho xong.

Một hôm, sư cụ đột nhiên bảo với chú tiểu thôi không đánh chuông nữa mà xuống hậu viện làm công việc chẻ củi, gánh nước. Chú tiểu giãy nảy, nói với sư cụ: “Thưa sư cụ, phải chăng sự cụ không hài lòng về tiếng chuông của con hay sao? Con đánh chuông không đúng giờ, không vang tiếng hay sao?”.

Sư cụ ôn tồn bảo: “Con đánh chuông rất là vang nhưng tiếng chuông rỗng, bởi vì trong lòng con không hiểu được ý nghĩa của việc đánh chuông nên con không chú tâm vào việc ấy. Tiếng chuông không những là thước đo cho thời gian làm việc, nghỉ ngơi trong chùa, mà quan trọng nhất chính là thức tỉnh tâm mê muội của chúng sinh. Người mà trong tâm không có chuông, có nghĩa là không trọng phật. Nếu không thành kính thì làm sao đảm đương được việc đánh chuông”.

Chú tiểu nghe xong, xấu hổ, từ đó dốc lòng tu học tinh tấn, chuyên cần, sau trở thành một cao tăng đắc đạo.

Tiếng chuông hướng thiện

Tiếng chuông lớn là tiếng đại hồng chung, là sự thức tỉnh, nhắc nhở con người ở trong cuộc đời này vô thường. Vô là không, thường là tồn tại vĩnh viễn. Vô thường có nghĩa là không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Bởi bất kể vật thể nào đã có hình danh sắc tướng, đều có sinh thì ắt có diệt. Có sinh có diệt, hiểu được vô thường thì con người nên làm việc chăm chỉ và tử tế.

Tiếng chuông buổi sáng cảnh tỉnh con người nên làm những điều thiện, trên nền tảng trí tuệ, đấy là cứu cánh của đạo Phật. Còn tiếng thu không vào buổi chiều là để xóa đi những điều phiền não, ở trong ngày hôm ấy, hay của tràng chuỗi thời gian nhất định. 

Tiếng chuông là tiếng của đạo và đời, của chính con người. Con người mà không có tâm đạo thì gõ chuông chỉ lấy tiếng to. Người gõ chuông phải gõ bằng tâm chứ không phải bằng chày. Tâm thanh, lòng tịnh, nghe tiếng chuông âm vang, len lỏi tới từng trái tim của mỗi con người mà hướng thiện.

Chúng ta đi đâu, làm gì rồi một ngày kia, trên chặng đường danh lợi nhọc nhằn mệt mỏi, trong mỗi bước chân đua chen cơm áo gạo tiền, sẽ thấy lòng thanh thản hơn khi thấy chợt đâu đó ngân nga một tiếng chuông chùa. Chúng ta được nghe tiếng chuông huyền diệu từ cõi u tịch nhưng thực sự văng vẳng trong lòng mình là tiếng chuông tận đáy lòng của chúng ta, tiếng chuông từ trong tâm ta phát ra. Tiếng chuông đó mới là tiếng chuông bất diệt, tiếng chuông đó mới là tiếng chuông hồn của dân tộc suốt từ ngàn xưa cho đến bây giờ và kéo đến cả ngàn sau.

Tiếng chuông chùa không xa lạ với cuộc sống của chúng ta nhưng ta nghe nó hợp thời, hợp với tâm của mình thì thấy mầu nhiệm vô cùng, như một tiếng âm thầm nhắc nhở mình phải làm việc gì đó để cuộc sống không phải khổ đau nữa. Chúng ta có quyền ước mơ cho cuộc sống của mình bình yên, cuộc sống của tha nhân ngày một an lạc. Nhưng, ước mơ mãi mãi là ước mơ nếu chúng ta không dốc lòng thực hiện.

Vào đến cửa chùa, tiếng chuông khiến người ta thức tỉnh, buông bỏ trần tục thế gian, để lắng lại và gửi tâm sự bằng tiếng lòng của mình tự nhiên thấy tiếng chuông rất hay. Có bài kệ: “Cầu tiếng chuông này thấu các pháp giới/ Trong Thiết Vi tối tăm thảy đều nghe/ Việc trần trong sạch chứng bực viên thông/ Tất cả chúng sanh thành chánh giác”.

* Ảnh: Đình Nguyễn.

Trần Mỹ Hiền
.
.