“Nghề báo không công nhận những phóng viên thích từ chối”

Thứ Ba, 21/06/2016, 17:55
Sally Sara trước đây là cộng tác viên nước ngoài của Tổng công ty phát thanh truyền hình Australia. Bà đã từng đưa tin từ hơn 30 quốc gia trong đó có Iraq, Lebanon và Sierra Leone.

Năm 2011, Sara làm việc với tư cách là phóng viên của đài ABC tại Afghanistan. Từ năm 2000- 2005, bà đưa tin tại châu Phi. Kể từ năm 2008-2010, bà hoạt động ở khu vực Nam Á. Sara theo dõi chiến sự ở Afghanistan, cuộc tấn công khủng bố ở  Mumbai năm 2008, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Darfur, vụ đánh bom năm 2005 tại Luân Đôn, các xung đột giữa Israel - Palestine, các vụ bạo lực tình dục trong đảng Dân chủ Congo và đại dịch AIDS ở châu Phi.

Bà cũng viết một quyển sách bán rất chạy với tựa đề "Gogo Mama - hành trình đến cuộc sống của 12 phụ nữ Châu Phi".

Nhà báo Sally Sara đang tác nghiệp tại thủ đô Kabul (Afghanistan), sau lưng bà là thánh đường Hồi Giáo "Mosque of the King of Two Swords" nổi tiếng.

Vào năm 2011, Sara được trao tặng Huân chương Australia do công sức lao động của bà trong lĩnh vực báo chí và những đóng góp đáng kể cho cộng đồng.

Dưới đây là những dòng hồi ức chân thật của Sally Sara về những trải nghiệm của bản thân khi đối mặt với chứng PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý.

Thông thường những câu chuyện như thế này chỉ mất một hoặc hai giờ để viết ra, nhưng phải mất đến gần ba tuần tôi mới hoàn tất được câu chuyện tôi sắp kể dưới đây. Đó là câu chuyện về tôi - một phóng viên chiến trường sau khi kết thúc nhiệm vụ và quay trở về quê nhà.

Khi mới trở về từ Afghanistan, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Niềm vui được trở về dường như kéo dài bất tận. Cuộc sống quả thực rất vui vẻ. Thế nhưng, niềm vui ấy cứ ngày một rời xa tôi. Thay vào đó là một khoảng trống khó hiểu ngăn cách tôi với thế giới. Tôi thấy mình như một kẻ ngoài cuộc. Tôi bỗng trở nên lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công và cảm thấy khó chịu khi những việc bất công xảy ra ở Afghanistan đã không còn liên quan gì đến tôi nữa.

Đến cuối tháng 10-2012, mọi chuyện đã trở nên xấu hơn.

Có những buổi sáng đi làm thậm chí tôi không thể nhìn được rõ mặt của những người đang đi lại trên tàu. Mọi thứ xung quanh tôi nhòe đi như thể người ta không hiện hữu ở đó nữa. Tôi không thể tập trung vào công việc của mình; còn khi ở nhà, tôi còn không thể làm những việc đơn giản như gọi điện thoại hay phân loại hóa đơn.

Trong suốt thời gian ở Afghanistan, tôi rất cẩn trọng. Cứ cách vài tháng tôi lại gọi điện thoại cho cố vấn riêng mà đài ABC đã chỉ định cho tôi để đúc kết lại những gì tôi đã thấy và trải qua. Khi đó, chiến trường đối với tôi không phải là vấn đề gì to tát. Tôi rất bình tĩnh và kiên định với một ý thức về mục tiêu rất rõ ràng. Ngay cả khi bom đạn dội xuống, trận chiến bắt đầu, tôi vẫn rất bình tĩnh, có thể nói là quá bình tĩnh. Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi, vượt xa những thứ tôi có thể cảm nhận, tôi đã mơ hồ thấy được những sự bất ổn.

Công việc của phóng viên chiến trường luôn đầy nguy hiểm.

Vào buổi sáng ngày 1-11-2012, khi thức dậy tôi thấy đầu óc mình trống rỗng đến nỗi tôi không biết tiếp theo mình phải làm gì, hay mình sẽ có những lịch trình nào trong ngày. Bạn biết đấy, mỗi người đều có một điểm giới hạn của riêng mình. Cho dù bạn là ai, dày dặn kinh nghiệm sống đến đâu hay chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng thế nào thì đó cũng là một phản ứng rất bản năng khi bạn phải trải qua quá nhiều năm làm nhân chứng sống.

Tôi đã sống hơn 8 năm ở chiến trường và thường xuyên chứng kiến những cảnh tượng thương đau. Có thể bạn sẽ trụ được lâu hơn tôi, hoặc cũng có thể bạn sẽ từ bỏ ngay từ tháng đầu tiên. Không ai biết trước được, nhưng ai cũng đều có giới hạn chịu đựng. Vấn đề là bạn không biết điểm giới hạn của bạn ở đâu cho tới khi bạn chạm được vào ngưỡng đó. Đó là ngày tôi chạm đến giới hạn của bản thân mình.

Chi tiết những gì xảy ra vào ngày hôm đó xin được giữ riêng cho tôi. Tất cả những gì tôi có thể nói là việc xảy ra đó rất kinh khủng. Có nhiều suy nghĩ, hỗn loạn, sợ hãi vượt xa tất cả những cảm xúc mà tôi đã từng trải qua trong đời. Nó khủng khiếp hơn cả những gì diễn ra trong một trận chiến. Tôi thực lòng không biết và không có một từ ngữ nào có thể miêu tả nó.

Những ngày tiếp theo sau, tôi ở trong trạng thái bị sốc và run rẩy. Tôi cảm thấy rất buồn và xấu hổ vì mình đã gục ngã. Đó là một cảm giác giống với sự đau khổ khi bạn nhận ra mình không mạnh mẽ như mình vẫn nghĩ. Tôi liên tục suy nghĩ rằng việc này sẽ ám ảnh mình suốt đời và lo lắng rằng mình có thể sẽ mất việc, cuộc sống sẽ bấp bênh.

Điều giúp tôi thay đổi và vực dậy tinh thần chính là đi gặp chuyên gia tâm lý. Bác sĩ của tôi là một phụ nữ lớn tuổi có nhiều năm kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm chữa trị cho những nhà báo mắc chứng PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý như tôi. Bà ấy là người lịch sự và đáng tin cậy. Ngay sau lần điều trị đầu tiên, tôi đi bộ về nhà và có cảm giác được cứu rỗi.

Bà ấy giải thích rằng những thứ xảy đến với tôi là do hậu quả của quá nhiều năm chứng kiến và đối mặt với thương đau. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, con người chúng ta luôn có một ác cảm sâu sắc đối với những mối nguy hiểm đe dọa cuộc sống của mình. Khi bạn đi ngược lại bản năng đó, những tình huống nguy nan hay những cảnh tượng thương đau liên tục lặp đi lặp lại trong một thời gian dài thì bạn quen dần với việc bị tổn thương, không còn sợ hãi nữa; nhưng một ngày nào đó, những vết thương sẽ quay lại, trỗi dậy cùng một lúc và tấn công bạn. Đó chính là những gì đã xảy ra với tôi.

Những phóng viên chiến trường như tôi thường dễ bị ảnh hưởng bởi PTSD hơn những đồng nghiệp khác. Đặc biệt các phóng viên càng ở lâu trên chiến trường thì tình hình càng tồi tệ hơn. Đối với những phóng viên độc lập thì nguy cơ còn cao hơn nữa. Có một điều quan trọng cần lưu ý, đó chính là tính trì hoãn của chứng PTSD.

Các phóng viên chiến trường thường gặp phải hội chứng PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý.

Hội chứng này có thể xuất hiện sớm trong vòng vài tháng hoặc có khi trễ đến vài năm. Như trường hợp của tôi là 11 tháng sau khi tôi từ Afghanistan trở về. Một trong những quan niệm sai lầm về PTSD chính là người ta thường nghĩ rằng hội chứng này chủ yếu liên quan đến máu me, bom đạn và nỗi sợ hãi. Trên thực tế, nó phức tạp hơn thế nhiều.

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần sử dụng một thuật ngữ gọi là "tổn thương tinh thần" - nghĩa là những thứ mà bạn chứng kiến không chỉ đơn thuần là sự đương đầu về mặt vật lý của cơ thể mà còn là sự chịu đựng của cả tinh thần. Chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy người ta giết hoặc tấn công một đứa trẻ mà bạn không thể làm gì để giúp đứa bé ấy; cảm giác tội lỗi vì đã bỏ rơi người khác, day dứt vì đã không thể giúp gì sẽ ám ảnh bạn suốt đời. Bạn sẽ không thoát ra được nếu không có ai đó giúp bạn.

Với tư cách là một người làm báo, tôi cho rằng chúng ta nên tôn vinh những đồng nghiệp đã vượt qua giới hạn của bản thân họ. Dũng cảm, liều lĩnh và ngoan cường là những điều kiện mà chúng ta cần phải có, nhưng chúng ta không khuyến khích việc tự đặt ra giới hạn cho chính mình. Nghề báo không công nhận những phóng viên thích từ chối hay những người luôn cho rằng vậy là đã đủ. Đôi khi dũng cảm chính là dám nhận sự giúp đỡ và biết dừng ở đâu là đúng. Tôi mong rằng những phóng viên, nhà báo trẻ sau này hiểu rằng không có gì là sai nếu biết từ chối đúng lúc.

Tôi lặng lẽ quay trở lại với công việc chỉ vài tuần sau cơn suy sụp. Đó là một trải nghiệm vô cùng lạ lẫm với tôi. Tôi nói với đồng nghiệp rằng tôi xin nghỉ phép để chuyển nhà. Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn khi tôi không ở đây, còn hiện giờ thì tôi đã quay trở lại và cố gắng sống như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bởi vì những trải nghiệm với PTSD vẫn là nỗi đau mà tôi vẫn muốn giữ cho riêng mình.

Trong nhiều tuần và nhiều tháng sau đó, tôi bắt đầu kể cho một số đồng nghiệp thân thiết nhất nghe chi tiết về những chuyện đã xảy ra. Tôi cũng dần cởi mở hơn với những quản lý cấp cao của đài ABC để đảm bảo rằng việc tư vấn của chúng tôi và các dịch vụ khác đang hoạt động ở mức tốt nhất có thể. Việc trò chuyện đã khiến mọi thứ thay đổi, cảm giác hổ thẹn trong tôi giảm dần đi.

Chứng căng thẳng hậu chấn thương và những tổn thương cấp tính của bệnh tâm thần có thể cực kỳ đáng sợ, nhưng đó không hẳn là hồi kết. Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ và mang lại hy vọng cho bạn khi bạn cần. Không có gì đáng xấu hổ khi giãi bày tình trạng của mình.

Đối với tôi, cuộc sống hiện tại luôn ngập tràn niềm vui, nhiều điều hấp dẫn thú vị và tôi hài lòng về mọi thứ. Những góc khuất của cuộc chiến đã lùi xa. Thật không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết cuộc sống tươi đẹp mà tôi giờ đang có.

Hiếu Thảo (lược dịch nguồn Dart Center)
.
.