Nghề kiểm tra phần mềm cho người tự kỷ

Thứ Sáu, 21/10/2011, 11:30

Mỗi con người làm công việc kiểm tra phần mềm tại Công ty Aspiritech có một cá tính độc đáo riêng. Katie Levin nói huyên thuyên. Brian Tozzo ghét lái xe. Jamie Specht không ưa ánh sáng chói, máy hút bụi và có làn da nhạy cảm. Rider Hallenstein vẽ các nhân vật phim hoạt hình cứ như là một chiếc xe thể thao DeLorean vậy! Rick Alexander cảm thấy ngồi gần người khác là đáng sợ...

Đây là lực lượng lao động không bình thường của một công ty mới của Mỹ chuyên tìm kiếm lỗi phần mềm bằng cách khai thác tài năng của những người bị bệnh tự kỷ mới trưởng thành.

Một số đặc tính tạo nên những người đặc biệt thích hợp với công việc này - như tập trung cường độ cao, thoải mái lặp đi lặp lại, nhớ từng chi tiết - ngẫu nhiên cũng là những đặc điểm của bệnh tự kỷ. Người mắc hội chứng Asperger, một dạng bệnh tự kỷ nhẹ, thường có trí thông minh từ bình thường đến rất cao và thường có tay nghề cao siêu về máy vi tính. Aspiritech, một tổ chức phi lợi nhuận ở Highland Park (tiểu bang Illinois, Mỹ) nuôi dưỡng những kỹ năng này trong lúc bỏ qua những dị tật có thể khiến cho người lớn bị bệnh tự kỷ thất nghiệp: không có kỹ năng giao tiếp xã hội, kém tiếp xúc bằng mắt, dễ dàng bị choáng ngợp.

Tên của công ty (Aspiritech) gồm các từ "bệnh Asperger", "tâm hồn" và "công nghệ" ghép lại với nhau. Trong hai năm đầu tiên, Aspiritech đi vào hoạt động, 9 công ty khách hàng hoàn toàn hài lòng. ông Dan Tedesco, thuộc Công ty HandHold Adaptive có cơ sở tại Shelton (bang Connecticut), có cơ hội thử một ứng dụng của điện thoại iPhone tại Aspiritech, cho biết: "Họ làm tốt hơn cả mọi mong đợi của tôi. Sản phẩm của họ chứa đựng một niềm tự hào mà bạn không dễ nhìn thấy trong dạng công việc này".

Công ty Aspiritech do Moshe và Brenda Weitzberg thành lập sau khi con trai của họ, Oran (32 tuổi) bị sa thải khỏi công việc đóng gói hàng tạp phẩm. Oran được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger khi lên 14 tuổi. Anh đang làm việc tại Aspiritech. Brenda Weitzberg nói về con trai: "Từ chỗ bị đuổi việc, Oran đã vươn lên và trở thành một trong những người kiểm tra phần mềm tốt nhất trong đội ngũ nhân viên công ty". Weitzbergs thiết kế Aspiritech gần giống với một công ty thành đạt tại Đan Mạch gọi là "Specialisterne", có nghĩa là "Chuyên gia". Specialisterne cũng sử dụng đội ngũ mắc bệnh tự kỷ làm công việc test phần mềm. Khách hàng "mối ruột" của Specialisterne là các công ty lừng danh như Oracle, Microsoft… Nhiều công ty khác tại Bỉ, Nhật Bản và Israel tuyển dụng hoặc đào tạo người mắc bệnh tự kỷ trưởng thành làm công việc kiểm tra phần mềm. Năm nay, Aspiritech dự tính đạt doanh thu 120.000 USD, 60% đến từ sự đóng góp và 40% từ khách hàng.

Weitzbergs hy vọng nâng cao doanh thu khách hàng đến 50% vào năm tới. Scott Standifer thuộc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách người khuyết tật của Trường đại học Missouri, từng tổ chức hội nghị quốc gia về người lớn với chứng tự kỷ và việc làm, khẳng định đã có nhiều nỗ lực ở Mỹ và Aspiritech là một trong số đó: "Chưa ai biết chính xác tỉ lệ thất nghiệp cho người bị bệnh tự kỷ trưởng thành là bao nhiêu, nhưng hẳn là cao và họ đang gặp khó khăn trong chuyện tìm việc làm".

Một khảo sát hồi năm 2009 của Bộ Giáo dục Mỹ cho thấy tỷ lệ việc làm cho người mắc bệnh tự kỷ trưởng thành là ngang bằng với người khiếm thính và khiếm thị trưởng thành, và thấp hơn tỷ lệ việc làm cho những người chỉ mù hoặc kém khả năng học hoặc tổn thương não sau tai nạn. Vì hội chứng Asperger mới được chẩn đoán chuẩn xác từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, nhiều người kiểm tra phần mềm trong Công ty Aspiritech đã trưởng thành khi lần đầu tiên họ biết mình mắc chứng tự kỷ. Họ là những người tiên phong, thế hệ người trưởng thành đầu tiên mắc bệnh Asperger.

Katie Levin, 35 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ ở độ tuổi 20. Hồi trẻ, cô bị xem là người mắc bệnh tâm thần. Cô nói: "Asperger không phải là bệnh tâm thần. Tôi cảm thấy mình thực sự thuộc về cộng đồng Asperger nhiều hơn là cộng đồng bệnh tâm thần". Cô kiểm tra phần mềm và vận hành trang mạng xã hội Facebook và Twitter cho Công ty Aspiritech.

Rick Alexander, 24 tuổi, một nhân viên kiểm tra phần mềm khác, được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger từ tuổi thiếu niên. Anh có bằng cử nhân khoa học máy tính của Viện Công nghệ Illinois và hoàn thành một phần mềm phát triển nội bộ cho thành phố Chicago. Anh tâm sự: "Tôi có nhiều nỗi lo ngoài xã hội, tôi không thích gặp những người mới". Giống như nhiều nhân viên kiểm tra phần mềm khác, anh sống với cha mẹ. Anh thích trở thành nhà phát triển phần mềm hơn là làm một nhân viên kiểm tra phần mềm. Tuy nhiên, anh tự biết mình khó vượt qua vòng phỏng vấn việc làm: "Khi bạn là một đứa trẻ, trường học rất quan tâm đến bạn, nhà nước rất quan tâm đến bạn. Nhưng sau tuổi trưởng thành, người mắc chứng tự kỷ cần sự giúp đỡ về việc làm hơn. Có nhiều tổ chức giúp đỡ người lớn bị bệnh tự kỷ, nhưng cần phải tiếp cận họ vì thực tế chứng minh là tiếp cận họ rất khó khăn".

ISI hài lòng với công việc và đã thuê Aspiritech thực hiện dự án thứ hai. Aspiritech cung cấp công việc hợp lý (lương 12-15 USD/giờ) trong một môi trường hết sức thư thái, nơi mà ông chủ không bao giờ hét toáng lên khi bạn trễ nải và chẳng ai dám làm phiền nếu bạn cần yên tĩnh một lát. Ngoài ra, công ty đang tạo dựng các quan hệ về kỹ năng xã hội. Những nhân viên trong độ tuổi 20 và 30, được đào tạo để làm việc chung với nhau và tham gia các hoạt động ngoài trời có tổ chức: chơi sân golf mini, chơi bowling, ăn uống tại nhà hàng.

Marc Lazar, chuyên gia về bệnh tự kỷ Aspiritech, cho biết: "Chúng tôi muốn nâng cao kỹ năng xã hội giữa những người có xu hướng bị cô lập ngoài xã hội. Đối với nhiều người trong số họ, thử nghiệm phần mềm không chắc là nghề họ làm suốt đời, nhưng trong thời gian ở đây, họ có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề và học thêm hành vi dự kiến có ích cho công việc trong tương lai"

Lệ Đào (theo Forbes)
.
.