Nghệ nhân ca trù 20 năm ẩn bóng

Thứ Ba, 14/08/2007, 16:30
Cuối năm 2006, người yêu ca trù cả nước hân hoan đón chào sự trở lại của NSƯT Kim Đức, một nghệ nhân ca trù được xếp vào hàng ngũ "đệ nhất thiên hạ", có tiếng "phách mê hồn" không mấy ai sánh được, đã ẩn bóng 20 năm.

Gặp bà trong căn hộ tập thể nhỏ trên phố Vĩnh Hồ, nghe bà tâm sự về cuộc đời mới chợt thấm thía câu Kiều "Đã mang lấy nghiệp vào thân...".

Thuở hàn vi nhọc nhằn và sênh, phách

Kim Đức sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có nhiều đời gắn bó với ca trù. Cha, anh trai, bác, cô, chú ruột của bà đều là những nghệ nhân ca trù ở phố Khâm Thiên - một “địa danh ca trù” đất Bắc những năm trước Cách mạng Tháng Tám.

Cụ thân sinh ra bà là nghệ nhân Phó Đình Ổn, một kép đàn tài danh đất Hà thành. Ngay từ khi còn nhỏ, Kim Đức đã được cha mình dạy cho từng lời ca, nhịp phách. 7 tuổi, Kim Đức đã chính thức bước chân vào hát ả đào, 13 tuổi Kim Đức bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.

Năm 1945, khi vừa 15 tuổi, hòa với làn sóng toàn dân tham gia kháng chiến, Kim Đức và nghệ nhân Quách Thị Hồ đã tổ chức một chương trình nghệ thuật từ thiện tại sân khấu Nhà hát Lớn ngay trong Tuần Lễ Vàng để quyên góp tiền ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một đào nương Kim Đức trẻ trung bên cạnh một Quách Thị Hồ chững chạc với giọng ca trù nổi đình nổi đám trong thiên hạ thực sự đã chinh phục được đông đảo người nghe.

Chiến tranh, loạn lạc, gia đình bà phải bỏ nghiệp hát đi tản cư khỏi Hà Nội. Anh trai và hai em theo mẹ, Kim Đức theo cha. Trên đường tản cư, Tây đuổi theo và bắn chết nghệ nhân Phó Đình Ổn, còn Kim Đức bị đạn bắn xuyên qua gót chân, được người tản cư đưa giúp vào trạm xá chữa chạy rồi tiếp tục lưu lạc khắp vùng Chúc Sơn, Vân Nội, Cống Áng...

Mấy ngày sau, nhờ người báo tin, ông Phó Đình Kỳ (anh trai bà) mới đến đón Kim Đức về Ngãi Cầu sơ tán. Đây là thời gian khổ nhất mà nghệ nhân Kim Đức trải qua trong cuộc đời.

Là con gái Hà thành lại quen hát xướng, giờ Đức phải quần quật gánh gồng đỡ đần cho bà mẹ đang bụng mang dạ chửa. Vừa làm lụng đầu tắt mặt tối, vừa lo tránh địch phát hiện, bà không dám hát to dù chỉ một câu ca trù cho đỡ nhớ mà cứ phải lẩm nhẩm trong miệng lúc vắng người.

Được một thời gian thì mấy mẹ con bà lại tất tả tìm đường ra Hà Nội định nương nhờ một bà dì nhưng việc không thành, mẹ con Đức lại phải lo xin một cái giấy phép ở ngoại thành tạm thời. Thời gian này Kim Đức đi phu lục lộ, suốt ngày dậy sớm đi cuốc đường ở tận khu vực Bến Phà Đen, Vĩnh Tuy, vất vả không kể xiết. Đến giờ nhớ lại, bà vẫn không giấu được sự nhọc nhằn trở về trên nét mặt.

Năm Kim Đức 17 tuổi, bà Đàm Mộng Hoàn, một nghệ nhân trong làng hát Hà Nội bấy giờ dọn nhà hát ở trên phố Bà Triệu, đánh tiếng mời Kim Đức lên hát.

Được ít ngày thì ông Phó Đình Kỳ ra tù, được sự giúp đỡ của nhiều người, hai anh em bà lại tay đàn, giọng hát ngang dọc phố Khâm Thiên. Khách cũ trở lại, khách mới tìm đến, lại ồn ào những lời ngâm ngợi, tán dương, trân trọng cũng có, mà quyến luyến để mong chút tình của giai nhân cũng có.

20 năm ẩn bóng

Hòa bình trở lại, bà Đức thôi không hát nữa. Sau năm 1954, Trường Ca kịch dân tộc đã mời bà đi học lớp giáo sinh, bà chuyển sang học chèo do cụ Cả Tam dạy.

Rồi năm 1959, bà cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam. Sang năm 1960, thấy bà hát “mầu” quá, người ta mời bà về công tác chính thức nhưng không hát ca trù mà chuyển sang hát chèo, ngâm thơ. Bà hát chèo mượt mà, uyển chuyển, lại đưa kỹ thuật ca trù vào góp phần làm cho cách hát chèo, ngâm thơ thêm phong phú, sinh động và sang trọng.

Nhiều người bây giờ vẫn nhớ và mến yêu giọng hát chèo, giọng ngâm trong trẻo của bà khi gửi tới bạn nghe đài cả nước bài thơ "Chúc Tết" của Bác Hồ vào những đêm giao thừa. Nhiều lần, nghệ sĩ Kim Đức được ông Vũ Kỳ đón vào Phủ Chủ tịch, hát chèo, ngâm thơ cho Bác nghe, lại biểu diễn nhân nhiều dịp đón tiếp các đại biểu, khách quốc tế. Lần nào về, bà cũng được Bác tặng nhiều kẹo bánh cho chồng con.

Bà gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến năm 1986 thì về hưu. Như vậy, một phần ba cuộc đời, Kim Đức gắn liền với hát chèo và bà được phong tặng danh hiệu NSƯT ngành chèo chứ không phải là ca trù.

Bà rất buồn và ngậm ngùi cho ca trù cũng như số phận ca nương của mình. Đó là những năm tháng mà vì nhiều lý do khác nhau, ca trù bị lãng quên, chưa được tôn vinh đúng mức, thậm chí bị nhầm lẫn với “dân ca”. 

Có lẽ cũng vì thế mà khi về nghỉ hưu bà lặng lẽ đi vào sự im ắng. Bà không hát nữa dù rất nhiều lời mời đi kèm với những khoản thù lao hậu hĩnh. Trong khi đồng lương hưu ít ỏi của bà chỉ đủ để gói ghém một cách đạm bạc cuộc sống hàng ngày. Chuyến đi hát phá lệ duy nhất của bà thời gian này là chuyến viễn du 11 nước cùng nghệ sĩ múa Ea Sola Thủy khi chương trình “Cánh đồng âm nhạc”, “Khúc cầu nguyện”, “Như thế, như thế...” lưu diễn các nước.

 Ngồi với tôi, bà bảo: “Không phải vì tôi kiêu căng nên người ta mời không đi đâu. Đấy là do tôi sợ phải biểu diễn cùng chương trình với một số người mà hát ca trù vẫn còn sai lời lạc phách. Người ta mời tôi dạy ca trù trong thời gian hai tháng tôi cũng đành từ chối vì khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể truyền đạt nổi bất cứ một nội dung nào của nghệ thuật ca trù.

Nhóm học trò của tôi có những người học đã ngót nghét chục năm, người gọi là mới học cũng luyện tập đến 6 năm thế mà nhiều khi tiếng phách gõ còn chưa chuẩn nói gì đến học vài ba tháng”.

Truyền nghề, truyền tâm và hy vọng

Tính đến nay, NSƯT Kim Đức đã tìm được một số học trò mà bà yên tâm truyền dạy ca trù. Năm 1998, Kim Đức bắt đầu truyền nghề cho Đặng Công Hưng (nay là NSƯT). Đến năm 2000, có thêm anh Nguyễn Văn Hải, chị Nguyễn Thị Bạch Dương và gần đây nhất là Đoàn Thanh Bình (NSƯT).

Nói về học trò của mình, bà vui vẻ tâm sự: “Các học trò của tôi bây giờ khác tôi ngày xưa lắm. Ngày xưa tôi có được học hành chữ nào đâu. Ca trù cũng toàn học truyền khẩu, truyền tay. Giờ lớp trẻ có những hiểu biết rất rộng, cộng với cái vốn cổ được truyền đạt lại, biết đâu năm mười năm nữa, ca trù lại vang danh. Tôi đã đi biểu diễn ca trù ở nước ngoài thấy có nhiều người hiểu rõ nghệ thuật ca trù của người Việt Nam mình lắm”.

Để có thể truyền đạt toàn bộ nghệ thuật ca trù một cách bài bản và đúng đắn cho học trò, bà không ngại nói thẳng về những sai sót, không đúng trong việc biểu diễn của cả những nghệ nhân tên tuổi. “Mình nói ra thì mếch lòng người ta nhưng không nói ra thì con cháu cứ theo đó học sai lệch đi, mai sau lại truyền những cái sai lệch lại chẳng phải có hại lắm sao”.

Thành lập địa chỉ Văn hóa Ca trù Tràng An, bà chỉ đeo đuổi một mục đích là lưu lại một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Bà gọi Tràng An là nhóm ca trù chứ không phải Câu lạc bộ Ca trù vì bà chẳng thích những ban bệ, rồi tổ chức, rồi xin phép và phải có cả kế hoạch phô trương, quảng bá của mình.

Gọi là địa chỉ văn hóa như thế vì bà muốn nhóm Tràng An là một gia đình, mọi người đến với nhau để cùng giữ nghề, luyện nghề và mai này sẽ làm cho thăng hoa hơn nữa những tinh túy của nghệ thuật ca trù mà một đời bà chắt lọc 

Hải Châu
.
.