Nghệ nhân trẻ nặng lòng với then

Chủ Nhật, 12/07/2020, 09:50
Nhiều người không khỏi bất ngờ khi nghệ nhân trẻ Xuân Bách bước vào tuổi 31 đã có một chặng đường dài gần 20 năm gắn bó với then và đã đưa then lan tỏa đến với công chúng ở trong và ngoài nước.

Gặp nghệ nhân trẻ Xuân Bách (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) ở bất cứ đâu cũng sôi sổi, tâm huyết với việc gìn giữ, bảo tồn giá trị nghệ thuật hát then trong đời sống đương đại.

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi người thanh niên bước vào tuổi 31 đã có một chặng đường dài gần 20 năm gắn bó với then và đã đưa then lan tỏa đến với công chúng ở trong và ngoài nước.

Ươm những mầm xanh then

Là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên trên đồng lúa Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), quê hương của điệu then Tò mạy nổi tiếng, vì thế ngay từ khi còn bé, Xuân Bách sớm được tiếp cận với then qua lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ. Người có ảnh hưởng lớn nhất đối với anh chính là mẹ của anh, nghệ sĩ Triệu Thị Thạc (Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn) và nghệ nhân Hà Thị Hà.

Nhờ có người mẹ ruột và "mẹ nghề" ấy, anh được sống trong không khí linh thiêng của then cổ và sự dìu dặt của then mới. Bởi vậy, anh đã sớm nhận thức được trách nhiệm là phải tiếp nối những dòng cảm xúc của bà, của mẹ để những làn điệu hát then còn vang mãi. Tốt nghiệp phổ thông, anh một mình khăn gói lên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, anh được giữ lại làm giảng viên.

Nghệ nhân Xuân Bách trong một nghi lễ biểu diễn then.

Hơn 10 năm học tập, giảng dạy về hát then chuyên nghiệp, anh cho rằng, giảng dạy về âm nhạc truyền thống có nhiều khác biệt so với giảng dạy về các loại hình âm nhạc khác. Vì âm nhạc truyền thống đang bị mai một nên làm sao để người học hiểu được nó một cách đầy đủ thì cũng là một vấn đề, rất cần phải có sự tìm tòi, nghiên cứu và phương pháp của người dạy.

Then khác so với các loại hình dân ca khác ở chỗ, người thực hành then phải vừa hát vừa tự đệm đàn cho mình theo bài bản và lề lối của từng vùng miền. Ngoài ra, dân ca còn là phương tiện truyền đạt của ngôn ngữ mà ngôn ngữ Tày hiện đã mai một đi rất nhiều, nên để đàn và hát sao cho ra cái "hồn", cái "chất" của then là không hề đơn giản.

Vì vậy, anh cũng như các thầy, cô đồng nghiệp phải luôn tư duy tìm ra phương pháp truyền đạt, không chỉ là truyền đạt được cái tinh túy cổ truyền mà còn có cả sự sáng tạo của từng cá nhân. Để làm được việc ấy, anh vừa dạy hát, dạy đàn, vừa phải dạy kèm cả ngôn ngữ cho học trò.

Ngoài ra, trải nghiệm luôn là yếu tố quan trọng trong trao truyền tri thức nên anh thường xuyên cho các em học sinh trải nghiệm không gian then thực thụ thông qua các chuyến thực tế tại bản làng để các em ngấm dần cái "chất" then mà không phải em nào cũng có điều kiện được tiếp xúc.

Song song với công việc giảng dạy chuyên nghiệp, suốt 5 năm qua, anh còn tâm huyết giảng dạy tại câu lạc bộ (CLB) Cẩu Pung, nơi hai người thầy của anh là nghệ nhân Đoàn Bích Khê và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông sáng lập tại quê nhà Tràng Định. Từ 24 hội viên khi thành lập (năm 2015) đến nay CLB có 170 hội viên, sinh hoạt ở 4 xã, thị trấn của huyện Tràng Định. Qua quá trình giảng dạy, anh thấy khâm phục các bác, các cô trong CLB tuy tuổi cao nhưng ý chí học tập, chinh phục tri thức rất lớn.

Thành quả của sự lao động không ngừng này chính là các làm điệu dân ca rất cổ như hát Tào, hát Mo, hát sliên, nàng Hai, khóc tang lễ, hát phường lợi,... được CLB đưa lên sân khấu và được giới chuyên môn đánh giá cao. Đây là một thành quả rất đáng nể của công tác sưu tầm mà có khi, ngay cả đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cũng chưa làm được.

Đưa then xuất ngoại

Một trong những hoạt động mà Xuân Bách vinh dự được tham gia, đó là vào tháng 10-2017, anh cùng các các nghệ nhân, nghệ sĩ như: Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm và các nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, Chu Văn Minh, Nông Công Nam được tham gia biểu diễn tại Nhà hát Mandapa trong chương trình "Le then des Tày et Nùng" trong chuỗi Lễ hội âm nhạc thế giới do Viện Văn hóa thế giới Paris (Cộng hòa Pháp) tổ chức.

Nghệ nhân Xuân Bách (bên trái) biểu diễn trong chương trình "Câu then Việt Bắc" tại Hà Nội..

Anh kể, theo yêu cầu của nhà hát, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã thiết kế sân khấu biểu diễn theo không gian thờ tự truyền thống của các thầy then. Paris cách vùng then Việt Bắc gần nửa vòng trái đất nên tất cả phương tiện phục vụ đêm diễn, từ nén nhang đến bát gạo, các anh đều phải chuẩn bị từ Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên một sân khấu biểu diễn đậm chất then và khiến người xem như đang đắm chìm trong then Việt Bắc tại chính xứ sở người Tày, Nùng.

Khán phòng của nhà hát tuy nhỏ bé với số lượng ghế ngồi chỉ gần 200 nhưng lại là không gian rất thích hợp để biểu diễn then và vé vào xem buổi biểu diễn đã hết từ trước đó 5 tiếng đồng hồ. Bằng tâm huyết và sự tự hào dân tộc, tuy chỉ có 6 người ít ỏi nhưng các nghệ nhân, nghệ sĩ đã cố gắng làm bằng tất cả khả năng để đưa đến khán giả của "kinh đô ánh sáng" 12 trích đoạn then của các tỉnh vùng miền núi phía Bắc. Đáp lại sự nỗ lực ấy, trong suốt quá trình biểu diễn, khán giả đều ngồi thưởng thức chật kín nhà hát.

"Khán giả Paris say đắm với lời then và họ chăm chú nhìn ngắm chúng tôi như chiêm ngưỡng những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật đẹp với một tâm tình yêu mến vô cùng sâu sắc. Kết thúc đêm diễn thứ nhất, khán giả trong nhà hát đứng lên và vỗ tay tán thưởng gần 5 phút, sau đó họ nán ở lại để chia sẻ với chúng tôi. Đa phần khách của đêm diễn thứ nhất là người Pháp nên chúng tôi vẫn phải có phiên dịch làm trung gian. Tuy nhiên, sự hào hứng, niềm đam mê và tinh thần tự hào khiến chúng tôi và khán giả vượt qua ranh giới ấy để đến với nhau một cách trọn vẹn. Niềm xúc động và tự hào vô cùng lớn khi nhiều khán giả tâm sự rằng, đây là lần đầu họ được trải nghiệm về then Việt Nam. Họ ngây ngất và bị mê hoặc trước cây đàn tính, cây đàn chỉ có 3 dây nhưng đem lại rất nhiều cảm xúc không thể nói được thành lời. Không ít khán giả chia sẻ rằng nhất định họ sẽ đến Việt Nam để chiêm ngưỡng không gian then và đều đặt niềm tin rất lớn rằng then Việt Nam sẽ được quốc tế vinh danh một cách xứng đáng", nam nghệ nhân bày tỏ.

Lần đem then xuất ngoại ấy đã có đóng góp quan trọng để thực hành then của người Tày, Nùng, Thái chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 13/12/2019 (giờ Việt Nam). Việc then được ghi danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những sự kiện rất lớn và mang nhiều ý nghĩa không chỉ với các nghệ sĩ, nghệ nhân với tộc người Tày, Nùng, Thái nói riêng mà là còn cả của Việt Nam nói chung.

"Đây là tin rất vui nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi và mục tiêu cho chúng ta trong công tác bảo tồn, phát huy then. Bảo tồn sao cho then sống giữa cộng đồng một cách chân thực, đúng nghĩa và giữ được cái chất bản làng là yêu cầu và mục tiêu lớn nhất. Điều mà tôi và nhiều người lo lắng nhất đó là then sau vinh danh. Liệu nó có bị biến tướng hay lãng quên sau công nhận hay không? Đối với tôi, tôi chỉ luôn hy vọng then vẫn luôn là then chứ không vì được công nhận mà "hương đồng gió nội bay đi ít nhiều", nghệ nhân Xuân Bách tâm tư.

Với xu thế hòa nhập thế giới như hiện nay, anh mong sẽ có dịp lại được đem then đi trình diễn ở các nước khác, bốn biển năm châu, cứ nơi nào có khán giả yêu thích là anh sẵn sàng đến. Anh nhấn mạnh, thông tin đại chúng, internet và mạng xã hội chính là phương tiện hữu hiệu nhất để lan tỏa then.

Bằng chứng là hiện nay một số hội nhóm trên Facebook như nhóm "Đam mê hát then, hát cho nhau nghe" với hơn 2.000 hội viên đang làm rất tốt công tác quảng bá then. Năm 2018, khi anh và một số nghệ nhân, nghệ sĩ tổ chức chương trình diễn xướng then "Câu then Việt Bắc" tại Hà Nội gây được tiếng vang rất lớn cũng chính nhờ nhóm "Đình làng Việt" kết nối.

"Hiến kế" để quảng bá then

Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy, Xuân Bách luôn trăn trở về việc quảng bá, bảo tồn then. Anh nhấn mạnh, một trong những phương pháp quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của thực hành then hữu hiệu hiện nay chính là xây dựng các sản phẩm du lịch từ thực hành then. Việc đưa then vào du lịch sẽ tạo ra sự tác động theo chiều tương - hỗ, then hỗ trợ hoạt động du lịch tại các địa phương có người Tày, Nùng, Thái phát triển và ngược lại, hoạt động du lịch cũng giúp tiếng tính, lời then bay xa hơn đến với bạn bè muôn phương.

Nghệ nhân Xuân Bách (đứng phía sau), Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên (ngồi, thứ 3 từ trái sang) cùng câu lạc bộ then Cẩu Pung tại xã Cao Minh, huyện Tràng Định.

Đồng thời, việc xây dựng được các sản phẩm từ thực hành then sẽ trở thành thế mạnh và mũi nhọn cho 53 điểm du lịch ở vùng có then và người Tày, Nùng cư trú. Tuy nhiên, anh cũng băn khoăn về việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ thực hành then phải tiến hành một cách thận trọng và cần phải có đội ngũ thực hiện có sự am hiểu sâu về thực hành then nếu không sẽ dẫn đến sự sai lệch về nhận thức của du khách đối với thực hành then.

Theo anh, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ thực hành then có thể thực hiện theo 2 hướng cơ bản. Trong đó, cần trọng tâm các sản phẩm gắn với diễn xướng then nghi lễ truyền thống. Sở dĩ anh lựa chọn diễn xướng then nghi lễ truyền thống để làm trọng tâm xây dựng các sản phẩm du lịch vì then nghi lễ hội tụ những giá trị đặc sắc nhất của thực hành then.

Đặc biệt, khác với then mới, then nghi lễ truyền thống còn mang giá trị tâm linh nên phục vụ rất hữu hiệu cho việc phục vụ nhu cầu tâm linh, cầu mong sự bình an, may mắn của khách du lịch.

Nghệ nhân Xuân Bách giãi bày: "Hướng thứ nhất là thiết kế đồ lưu niệm từ thực hành then. Việc thiết kế các sản phẩm này không chỉ giúp các nghệ nhân có thêm nguồn thu nhập từ việc chế tác và bán sản phẩm mà còn giúp đem hình ảnh thực hành then đến với du khách thập phương. Có thể thiết kế các sản phẩm lưu niệm theo các hình thức, như: tranh ảnh và các tờ bưu thiếp, các nhạc cụ đạo cụ gắn với thực hành then, các con giống đeo chìa khóa xe, con cù treo ô tô theo hình con vật thiêng trong then, các hiện vật tâm linh gắn với thực hành then, các băng đĩa về hát then. Hướng thứ hai là xây dựng các chương trình, tiết mục và các sự kiện về thực hành then như: Xây dựng các chương trình tiết mục thực hành then để phục vụ khách tham quan tại chỗ hay tổ chức các sự kiện lớn gắn với thực hành then".

Ngô Khiêm
.
.