Nghệ sĩ Kế Đoàn và trẻ khuyết tật: Cho đi và không cần nhận lại

Thứ Ba, 27/08/2013, 12:40

Nơi đâu có tình thương, lòng nhân ái, niềm đam mê, sự hết mình, nơi đó sẽ có sự vị tha và nghệ thuật sẽ được thăng hoa. Có nhiều người sống bằng tiền của người khác, nhưng có những người kiếm tiền để cho người khác sống. Người thầy giáo ấy đã sống như thế. Và đấy là lý do để có bài viết này.

Đó là một ngày Hà Nội mưa tầm tã, ba người chúng tôi trong một quán cà phê chờ ngớt mưa, cơn mưa xối xả tung bọt trắng xóa dưới lòng đường… Mưa, mưa suốt, mưa triền miên, bầu trời u ám… Một cô gái xuất hiện. Cô gái bé nhỏ ướt lướt thướt vì mưa. Trên tấm thân mảnh dẻ của cô ấy là một cái khay để trước ngực, ở đó bày những cây bút bi, vài ba cái bật lửa, một lố kẹo cao su các loại. Cô không nói gì, chỉ lẳng lặng đưa bút bi và kẹo cho chúng tôi, khi chúng tôi còn đang ngần ngừ, cô đưa ra một tờ giấy: "Tôi bị câm điếc, xin hãy mua để ủng hộ".

Tự nhiên cả ba chúng tôi đều mủi lòng và lục tiền mua đồ cho cô gái. Cô gái cảm ơn bằng cái gật đầu và chắp tay mà chúng tôi tạm dịch là lời cảm ơn. Sau khi bán đồ cho chúng tôi xong, cô vẫn chưa đi ngay mà ngước đôi mắt nhìn quanh xem còn có thể bán đồ cho người khách nào nữa không.

Bỗng dưng, một tiếng nói chanh chua, cất lên: "Đi đi, đi ra chỗ khác mà bán, đây không phải là chỗ của mày. Ướt hết nhà của tao rồi…". Chúng tôi bị giật mình bởi cái âm thanh to tướng thô lỗ ấy. Còn cô gái, cô bị điếc nên không nghe được, nhưng cái điệu bộ dữ tợn và khuôn mặt cau có của bà chủ quán khiến cô khiếp sợ. Cô nhanh chóng rời khỏi quán. Chúng tôi ái ngại nhìn theo bóng cô nhỏ bé, liêu xiêu lẫn vào mưa. Dáng người mong manh như hình hạc, hình như không phải cô đang đi mà đang múa dưới mưa.

Tôi cam đoan rằng, nếu là một họa sĩ nhạy cảm và tài năng, bạn sẽ có một bức tranh tuyệt đẹp trong một khung cảnh như thế này. Còn nếu bạn là một nhà văn với trí tưởng tượng phong phú và ngòi bút dồi dào nội lực cảm xúc, bạn sẽ có một truyện ngắn hay. Cả ba chúng tôi ngồi đấy, NSND Lan Hương cùng  một diễn viên xinh đẹp trong nhà hát và tôi, không ai là nhà văn hay họa sĩ cả nhưng vô tình tôi lại được nghe một câu chuyện hay.

Cô bạn thân diễn viên xinh đẹp của tôi nói: "Chương trình truyền hình tối qua hay quá, có một phóng sự về anh Kế Đoàn tự đi thu nhận trẻ câm điếc, rồi dạy kịch câm không công cho chúng để đi biểu diễn. Đã lâu rồi mới được xem một chương trình cảm động như thế". NSND Lan Hương bảo: "Anh Kế Đoàn ở trong nhà hát cùng đoàn chị đấy. Anh dạy kịch câm cho trẻ câm điếc từ lâu rồi mà say sưa lắm…".

Bạn tôi bảo: "Giờ ai chẳng cần tiền, lòng tốt thì cứ ít và nghèo đi, người ta mưu sinh làm đủ nghề cũng chẳng qua là vì đồng tiền, còn với năng lực của anh Kế Đoàn không thiếu gì nơi mời anh ấy dạy. Còn muốn kiếm tiền thì anh đã dạy dansport, vừa đỡ cực lại dư dả tiền chứ việc gì lại dạy cho trẻ câm điếc không công".

Bạn tôi nhíu mày nói thêm: "Tớ đang đi học dansport đây này, một buổi dạy nhảy ở một lớp học trả không dưới tiền triệu đâu. Đôi khi bắt gặp ở cuộc đời những con người như thế. Họ lao động, làm việc say mê không vì tiền cũng chẳng vì danh. Họ làm vì yêu thích, vì cái tâm…".

Nghệ sĩ Kế Đoàn (bên phải) và nghệ sĩ Sỹ Tiến trong một vở diễn.

Tôi gặp anh Kế Đoàn, một người đàn ông cao khoảng 1m7, da đen giòn. Tôi đã nhận ra anh ngay. Tôi nhớ lần đầu gặp anh là năm tôi đang học lớp 1, nhà trường cho học sinh xem tiết mục văn nghệ, trong đó có kịch câm. Trẻ con thời nào và ở đâu bao giờ cũng vậy, vốn đã rất yêu thích những chú hề. Năm nào nhà trường cũng tổ chức xem văn nghệ, và năm nào tôi cũng gặp lại chú hề của mình. Tất nhiên là chỉ trên sân khấu. Và là người có trí nhớ khá tốt nên giấc mơ về chú hề với những trái bóng bay và những giỏ hoa cứ in đậm vào tâm hồn tôi.

Sau này, khi đi xem kịch hình thể của NSND Lan Hương, tôi đã nhận ra ngay chú hề của mình. Anh đóng rất nhiều vai trên sân khấu. Nhưng chẳng hiểu sao anh lại hay vào vai phản diện đại diện cho cái ác hoành hành: một con nhện đen hung dữ, một thế lực hắc ám, ma quái. Còn ở ngoài đời, trong ngôi nhà nhỏ của mình đang có gần chục em tập kịch. Cậu lớn nhất gần 20 tuổi. Bé gái ít tuổi nhất năm nay lên 10. Bọn trẻ giống nhau đều không nói và cũng chẳng nghe được.

Chúng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cử chỉ. Những đôi bàn tay đan xen như đang múa mà một người thường như tôi sẽ chẳng thể hiểu gì. Anh Đoàn bảo: "Em xem, trông có đáng yêu và sinh động không?!".

Anh Đoàn năm nay cũng đã 50 nhưng trông anh trẻ so với tuổi. Nghệ sĩ mà. Tôi tin là khi người ta gắn bó lâu với cái gì thì đều có duyên nợ. Cách đây dễ đến 30 năm, anh Đoàn lúc đó là một sinh viên ở nhà hát, trẻ măng và nhiều hoài bão. Trong khi các bạn cùng trang lứa tập những vở kịch có thể đối thoại bằng những câu thoại trong kịch bản gãy gọn, giàu tính triết lý thì Kế Đoàn lại thể hiện mình bằng những động tác múa mềm mại, uyển chuyển trên sân khấu.

Lần đầu tiên đi biểu diễn phục vụ một trường trẻ khuyết tật ở Sóc Sơn và sau buổi biểu diễn đó về anh bị ám ảnh đến độ, những đứa trẻ câm điếc đấy cứ lởn vởn trong đầu anh. Nó trở đi, trở lại. Một chút băn khoăn. Xót xa. Ngơ ngác… Nhiều nghệ sĩ phải công nhận rằng biểu diễn cho trẻ khuyết tật là một điều gì đó vô cùng ám ảnh, nhất là với những ai mới vào nghề.

Gần 10 năm sau, lúc này chàng thanh niên xưa đã trưởng thành và chững chạc hơn nhiều. Nghệ sĩ Kế Đoàn được mời làm giảng viên dạy kịch câm cho các em nhỏ ở Trường câm điếc Xã Đàn. Người nghệ sĩ được thử thách lăn lộn với nghề. Cái nhìn trẻ nhỏ với anh có một cái gì lớn hơn, tha thiết hơn, nồng nàn hơn. Qua lăng kính giàu cảm xúc của người nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ của kịch hình thể, Kế Đoàn nhìn các em thấy chúng thật đáng yêu và vô cùng sinh động. Nhóm này, nhóm kia đang khoa chân múa tay, ngôn ngữ riêng của người khuyết tật mà không phải ai cũng dễ để có thể hiểu được người ta muốn nói điều gì.

Những hình ảnh lạ mắt đó, chập chờn như những thước phim sinh động cứ trở đi, trở lại trong tâm trí của anh. Qua 3 tháng kiên trì luyện tập cho các em nhỏ ở đây, cuộc thi năng khiếu nghệ thuật  của các trường trong toàn thành phố Hà Nội diễn ra, tiết mục Kế Đoàn dàn dựng cho các em Trường câm điếc Xã Đàn năm đấy vô cùng ấn tượng và được coi là một tiết mục xuất sắc giành Huy chương Vàng.

Ít lâu sau, anh lại được mời dạy múa đương đại cho trẻ câm điếc ở Nhân Chính. Cứ mỗi ngày tiếp xúc với những đứa trẻ khuyết tật, một nỗi buồn len lỏi, một niềm vui nho nhỏ, một tình thương ấm áp… Tất cả mớ cảm xúc hỗn độn khiến cho anh càng ngày càng ám ảnh. Sau mỗi khóa học ngắn là thầy và trò chia tay nhau, tò mò, xót xa, yêu thương, tiếc nuối, vấn vương.

Ngày nọ anh dọn dẹp lại tủ sách của mình, một vài tấm hình rơi ra. Anh nhặt chúng lên. Đó là những khuôn mặt thân yêu vừa gần vừa xa, vừa quen vừa lạ. Ôi! Mấy năm rồi mà như vừa mới hôm qua. Những bức hình ghi lại từng khoảnh khắc, bọn trẻ câm điếc cùng thầy đang tập kịch, và đây nữa, những khuôn mặt rạng rỡ, tươi rói sáng bừng trên sân khấu nhận giải thưởng. Kế Đoàn vô cùng hứng thú, một ý nghĩ bất chợt lóe lên: "Tại sao không?!".

Nghệ sĩ Kế Đoàn và các diễn viên trong đoàn nghệ thuật UIA.

Năm 2005, trước ngôi nhà nhỏ của anh có một tấm biển treo: "Câu lạc bộ Nghệ thuật đương đại những điều kỳ diệu dành cho trẻ khiếm thính". Tự anh thân chinh đến những ngôi trường dành cho trẻ câm điếc trong thành phố xem em nào thích học kịch câm thì anh dạy không công cho các em. Lớp học có khoảng hơn 20 em. Đám trẻ vô cùng hào hứng, thích thú với "món mới" này. Muốn có trò hay cần phải có thầy nghiêm khắc, nhưng làm thầy đám trẻ câm điếc này hoàn toàn không dễ chút nào. Vì bọn trẻ tính cách khá thất thường, ương bướng, thậm chí là khó khăn. Đôi khi chúng giận dỗi rất chi vô cớ.

Anh bảo: "Phải thực sự yêu lắm và kiên trì lắm mới rèn giũa được các em chứ nếu không thì rất nản". Ngôi nhà của anh trở thành câu lạc bộ thu nhỏ rộn rã, tấp nập. Bọn trẻ đến nhà thầy vui vẻ như ở nhà chúng. Được thầy nấu cho ăn, thậm chí, thầy dọn rửa chén bát luôn. Bọn nhỏ khoảng 9 - 10 tuổi tỏ ra vô cùng hào hứng, chúng thích thú nói cười không ngớt (tất nhiên là bằng ngôn ngữ múa tay quen thuộc").

Đứa lớn hơn bắt đầu biết xấu hổ, thường liếc nhìn nhau đầy ẩn ý. Anh yêu chúng và cũng nhanh chóng tự mình mày mò ra ngôn ngữ để đối thoại với chúng. Có lẽ tình yêu làm cho người ta thăng hoa  hơn và cũng làm cho con người ta thánh thiện và cao đẹp hơn.

Khi bọn trẻ 9 - 10 tuổi, cái tuổi vô lo vô nghĩ thì tỏ ra hào hứng thích thú, mỗi một buổi học mang lại một trạng thái tinh thần đầy phấn khích thì những anh chị lớn hơn khoảng 16 -17 tuổi tính khí lại vô cùng thất thường. Chỉ một lần buồn chán với  người yêu là không đến lớp. Chỉ một nỗi thất vọng với bạn trai hay gái là ngay lập tức có thể cáu điên lên rồi đùng đùng bỏ tập. Thậm chí, có đứa nóng nảy bẻ trụi hết cả cành lá cây xanh vô phúc trong tầm tay của chúng.

Kể cả khi lên lịch cho các em diễn ở một điểm nào đó, một cậu bé hoặc một cô bé hẹn hò với người yêu thì sẵn sàng bỏ cả buổi diễn để đi chơi với người yêu, mặc dù chúng biết hôm đấy là buổi diễn quan trọng. Để rồi sáng hôm sau các em ló mặt vào lớp học và ngước đôi mắt năn nỉ, giơ tay rụt rè: "Em xin lỗi, từ sau em hứa em sẽ không thế nữa đâu, thầy ạ!". Những nỗi bực dọc của ngày hôm qua lại tan biến.  Thầy đáp lại trò cũng bằng ngôn ngữ cử chỉ: "Em biết đấy! Hôm qua em đã làm tôi điên đầu lên như thế nào không? Em không đến và tôi thì cuống lên tìm bạn khác để thay em…".

Giận có giận mà thương thì càng thương. Bọn trẻ vốn đã không được may mắn, muốn bù đắp phần nào cho chúng.  Anh như một con thoi lao vào các hợp đồng biểu diễn ở nhà hát, để có chút ít kinh tế mà yên tâm dạy dỗ các em.

Ngoài những buổi dạy kịch câm, anh còn dạy vẽ cho các em. Dạy cả điêu khắc, dạy gấp giấy… Hơn ai hết anh hiểu rằng, để đến được với một môn nghệ thuật là các em phải có cảm thụ về nghệ thuật tốt. Anh lại đi tìm những người bạn nhạc sĩ để cho học sinh của mình, nghe nhạc và giải thích nhạc. Học vẽ tranh để tâm hồn thêm phong phú. Với tất cả khả năng của mình, anh tự học cái ngôn ngữ cơ thể để truyền tải cho các em tiếp cận một cách nhanh và dễ hiểu nhất.

Kế Đoàn là một nghệ sĩ có nhiều bạn. Bạn anh cũng là những nghệ sĩ. Thấy Kế Đoàn mở lớp học dạy kịch câm miễn phí khổ luyện cho các em, nên không có người bạn nào lại nỡ nhận thù lao dạy nhạc, dạy vẽ cho trẻ ở câu lạc bộ đấy. Anh mua đủ bút giấy, màu mực cho các em học vẽ. Trò chơi gấp giấy cũng hay, vì nó mà anh lục tung các cửa hàng văn phòng phẩm để tìm cho ra bảng màu sinh động nhất.

Năm 2010, "Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp UIA" thuộc (Hội Liên hiệp Khoa học Việt Nam)  ra đời. Tại trung tâm giờ đây có hơn 20 em, tất cả là những đứa trẻ câm điếc về để được học một chuyên ngành kịch câm. Lớp học đấy có những khuôn mặt cả gần chục năm nay đã gắn bó với thầy, với bộ môn kịch câm, có múa đương đại… Đó là Huy, Tiến, Thảo… Đoàn nghệ thuật đó do một tay nghệ sĩ Kế Đoàn dạy dỗ và mang lại. Năm vừa qua, cậu bé Phạm Viết Vương 15 tuổi thuộc Đoàn nghệ thuật hướng nghiệp từ thiện đã giành Huy chương Vàng giải dành cho trẻ khuyết tật tại Ấn Độ trong một tiết mục múa đương đại.

Kế Đoàn trầm ngâm, anh mong có một nơi, rồi mai này khi các em lớn lên, các nhà hảo tâm nào đó sẽ đón các em. Một xưởng may gia công cho trẻ câm điếc, hoặc một cơ sở thêu cho các em gái, một xưởng mộc, hoặc đơn vị lắp ráp điện tử cho các em trai. Để cho các em yên tâm, vững bước vào đời

Trần Mỹ Hiền
.
.