Nghệ sĩ Nhân dân Diệp Lang: “Ông Hội đồng” ngày ấy và bây giờ

Thứ Hai, 31/12/2007, 13:30
Cho đến tận ngày nay, nhiều khán giả miền Tây vẫn giữ thói quen gọi Diệp Lang là "Ông Hội đồng". Bởi, hai vai diễn mà Diệp Lang hóa thân là ông Hội đồng Thăng (vở "Đời cô Lựu") và Hội đồng Dư (vở "Tiếng hò sông Hậu"). Nhưng ở đời thường, hiện tại, ngày ngày "Ông Hội đồng" năm xưa ấy ngồi lặng lẽ ở căn hộ nhỏ tại một khu chung cư cũ nằm trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM.

Chú bé nhà quê trở thành ngôi sao cải lương

Cha Diệp Lang là thầy đờn Ba Diệp. Cái thời ấy, thầy đờn phục vụ trong các đoàn hát cải lương thì cứ như người của... giang hồ, hay xê dịch nay đây mai đó. Ông Ba Diệp bỏ quê lên Sài Gòn, học cách “ăn quán ngủ đình” để theo đuổi những điệu “xáng, ư, liêu, phạn...” mỗi đêm.

Cuộc sống của Ba Diệp cứ lang bạt như thế cho đến lúc ông gặp bà. Sống tài tử, nên yêu nhau cũng tài tử. Bà là nghệ sĩ trong đoàn, một đờn một ca, bén duyên nhau lúc nào không hay. Yêu nhau, chỉ quây một tấm riđô, che cái ghế bố rồi gá nghĩa vợ chồng.

Bà có mang trong  khoảng không gian nhỏ hẹp và đậm mùi đờn ca. Cái thai mỗi ngày mỗi lớn, bà không thể tiếp tục theo gánh hát. Ba Diệp đưa vợ về gửi cho cha mẹ ở quê, miệt Sa Đéc (Đồng Tháp) chờ ngày sinh.

Còn ông, lại tiếp tục “rong chơi” ở Sài Gòn. Cha đi ít lâu thì cậu bé Dương Công Thuấn (tức Diệp Lang về sau) chào đời.

Mẹ Diệp Lang sau vài năm đợi chồng, đã quyết định gửi con cho ông bà nội để lên Sài Gòn tìm chồng. Nghe đâu, khi bà gặp ông, cả hai người xảy ra hục hặc rồi thôi nhau. Diệp Lang cũng không còn được gặp lại mẹ mình sau bận đó, ông ở quê với ông bà nội, tuổi thơ trôi qua thiếu sự quan tâm chăm sóc của cả mẹ lẫn cha.

Có lần ông nội dẫn Diệp Lang lên Sài Gòn tìm gặp Ba Diệp ở khu giải trí Đại Thế Giới (nay là Trung tâm Văn hóa quận 5). Đó là nơi phá tiền của các nghệ sĩ, là đất của những kẻ cho vay nặng lãi, là nhà đám anh chị xã hội đen...

Chẳng nói chẳng rằng, Ba Diệp dắt Diệp Lang theo mình ra tận Huế để diễn. Về sau, sợ con thất học, ông gửi Diệp Lang về quê theo học trường làng.

Năm Diệp Lang 13 tuổi, cha ông về quê, đưa ông lên Sài Gòn với mục đích ban đầu là hướng ông vào nghiệp đờn ca. Sài Gòn những ngày này, các đoàn cải lương thường sinh sống và tập họp tại các ngôi đình, như: đình Tân An, đình Tân Kiểng, đình Phú Hòa, đình Hòa Hưng...

Đoàn nào diễn tốt thì trụ được vài năm, không có vở diễn hay thì chỉ vài tháng là quay trở lại đình tạm trú tiếp. Đời người nghệ sĩ cứ thế xoay vòng, ở đình rồi lại về đình.

Cái thời đó mê hát cải lương thì chuyện trốn nhà, xin làm chân “sai vặt” trong các đoàn hát là chuyện thường, may mắn của Diệp Lang là có cha đỡ đầu.

Nhưng đỡ đầu thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải chạy lăng xăng mua cái này cái nọ cho đoàn, giặt đồ cho kép, nấu cơm cho đào... Ngày đó, cậu bé Diệp Lang chỉ giữ vai quân lý cầm cờ hiệu chạy loăng quăng trên sân khấu để “kích động” không khí sàn diễn ở đoàn Kim Thoa.

Vào khoảng đầu những năm 50, đoàn Kim Thoa diễn vở “Lấp sông Gianh” ở rạp Nguyễn Văn Hảo (tức là rạp Công Nhân ngày nay), vở cải lương nói lên mong muốn thống nhất đất nước. Đang diễn nửa chừng, bỗng có... lựu đạn từ phía dưới ném lên. Đoàn thiệt hại lớn cả về người lẫn của. May thay, cha con Diệp Lang bình an vô sự.

Hơn năm sau sự cố đó, đoàn Kim Thoa giải tán. Cha con ông dắt díu nhau gia nhập đoàn Việt Hùng – Minh Chí. Tham gia đoàn được khoảng một năm thì Ba Diệp  mắc bệnh phải bỏ đoàn, về quê chạy chữa.

Còn lại một mình, Diệp Lang tiếp tục rong ruổi theo đoàn. Ngày cha mất, Diệp Lang đang diễn xa. Cả nhà không biết ông ở đâu để báo tin. Khi Diệp Lang trở về thăm quê, thì mồ của cha đã xanh cỏ.

Nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ cải lương thường tin vào những cơ duyên ngẫu nhiên (gọi khác đi là “Tổ đãi”), như là một yếu tố may rủi. Diệp Lang tin nhiều lắm vào điều đó.

Ông kể là có lần tham gia đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ, anh kép chính bận không diễn được, ông bầu chỉ định Diệp Lang thay thế. Vậy là chỉ trong vòng một ngày, Diệp Lang đã học xong lớp tuồng cho vai diễn của mình – vai vua, trong vở “Chiếc nhẫn kim cương”.

Vừa học xong là lên sân khấu diễn ngay, sau đêm diễn, nhiều khán giả ngạc nhiên trước lối diễn tươi mới của ông. Rồi Diệp Lang ký được hợp đồng chính thức với giá 25 ngàn với đoàn Hữu Tâm. Ông nói 25 ngàn ngày đó lớn lắm, vì 1 lượng vàng giá chỉ hơn 2 ngàn đồng.

Nhưng, vừa ký hợp đồng với Hữu Tâm xong thì Diệp Lang mất giọng. Khi chạy chữa xong, thì giọng lại trở nên khàn, không còn hơi như ngày xưa. Thế là hết, đã theo nghiệp kép hát mà mất hơi thì coi như bỏ đi. May mắn là trong những ngày buồn nản đó, ông có dịp quan sát anh kép độc trong đoàn Hữu Tâm tập luyện.

Trong cải lương, kép được chia thành nhiều dạng, phổ biến nhất là kép độc và kép hát. Kép độc thuần về diễn, kép hát chuyên về luyến láy giọng. Giọng đã không còn như xưa, cứu cánh của Diệp Lang là phải học để trở thành kép độc.         

Cải lương thời đó chuyện lôi kéo kép giữa đoàn này với đoàn kia xảy ra như cơm bữa. Nhưng lôi kéo phải khéo, chứ không dễ xảy ra mâu thuẫn nhiều khi dẫn đến án mạng.

Trong những lần chèo kéo giữa các đoàn ấy, Diệp Lang về đầu quân cho đoàn Kim Chưởng với bản hợp đồng có giá 30 ngàn đồng. Ở đoàn này, dưới sự nhào nặn của “Phù thủy cải lương” soạn giả Thu An, Diệp Lang vụt lên thành ngôi sao kép độc của cải lương toàn miền Nam vào thời điểm bấy giờ.

"Cải lương như một người tình"

Sau nhiều vai diễn gây tiếng vang, Diệp Lang đã được Ban tuyển chọn giải thưởng Thanh Tâm (tiền thân của giải Trần Hữu Trang ngày nay) trao giải cho ông. Theo quy định của giải thưởng Thanh Tâm, nghệ sĩ nào sau khi đoạt giải mà trong năm sau vẫn hoạt động nghệ thuật tốt thì sẽ nhận được thêm giải Danh Dự.

Ngay năm sau, Diệp Lang vinh dự được nhận thêm giải Danh Dự từ Ban tuyển chọn giải Thanh Tâm. Tưởng rằng, với hai giải thưởng uy tín nhất trong hoạt động nghệ thuật được trao cho mình liên tiếp, Diệp Lang chắc chắn sẽ bước lên ngôi “vua cải lương” trong tương lai không xa. Nhưng, chuyện đời mấy ai học được chữ ngờ.--PageBreak--

Vào một đêm diễn năm 1965, Diệp Lang đang vỗ vai xưng vương trên sàn diễn thì có tiếng phanh xe gấp trước cửa rạp hát. Với tờ lệnh từ Nha Quân dịch, Diệp Lang đã không còn cơ hội đứng dưới ánh đèn sân khấu mỗi đêm.

Cái đêm khắc nghiệt ấy, chẳng bao giờ Diệp Lang quên được. 10 năm dằng dặc trôi qua, chắc có lúc khán giả mê cải lương đã quên bẵng lối diễn và giọng hát của kép độc Diệp Lang ngày nào.

Sẽ vắng bặt một giọng ca cải lương tài hoa từ đó nếu như không có ngày đất nước thống nhất. Sau năm 1975, ông trở lại sân khấu. Ngày ông về với cải lương, đã qua lâu rồi cái thời ngồi xe đò đi hát hay len ghe vào các luồng rạch để diễn. Cũng xa luôn cái thời còn hát là còn cơm, ngưng hát là cả đoàn đói. Nhưng với Diệp Lang, để trở lại với nghề, thì khốn khó vẫn hoàn khốn khó.

Có lẽ, điều may mắn nhất cho Diệp Lang vào thời điểm này là gặp được cô sinh viên Trường Văn khoa tên Thu Phong, vợ của ông sau này. Thu Phong từng là hoa khôi của Trường Gia Long ngày xưa, là con của nghệ sĩ nổi tiếng Tô Huệ.

Ngày ông gặp bà, ông mới lọ mọ về đoàn Sài Gòn 2 diễn, bà ngưng học xin làm soát vé nhà hát cải lương. Một kép, một soát vé gặp nhau. Ban đầu, ông chê bà có cái tên xấu nên không thèm để ý. Còn bà ngại ông về khoảng cách tuổi tác. Nhưng rồi, họ yêu nhau hồi nào không hay.

Yêu được 2 năm, đoàn hát chuẩn bị tổ chức đám cưới thì gia đình bà phản đối, bởi cha bà không thích nghệ thuật. Ngay từ ban đầu, cha đã chọn cho bà học trường Tây, được giáo dục theo phong cách Pháp... 

Tuy nhiên, Diệp Lang cũng khiến ông nhạc khó tính ấy thương... được mình. Đám cưới diễn ra đơn sơ nhưng ấm cúng, khách mời chỉ được tiêu chuẩn một cái bánh bao cộng bánh ngọt.

Đôi vợ chồng trẻ dắt nhau về căn nhà cũ ở ký túc xá Trần Hưng Đạo hưởng tuần trăng mật. Bà có mang, nhưng cái thời khốn khó ăn cơm chỉ toàn độn khoai lang, bo bo... cái thai đã không đủ chất dinh dưỡng, Diệp Lang lại còn bận rộn với những vở diễn để kiếm tiền mưu sinh.

Có thương vợ đến thắt ruột thì Diệp Lang cũng chỉ có thể biểu hiện theo kiểu “mình ráng lên mà sống. Tui thương mình lắm”. Rủi thay có lần, bà tự xách nước lên lầu hai đã bị ngã và sẩy thai. Cú sốc này khiến cả ông lẫn bà gần như ngã quị.

Giữa thập niên 80, Diệp Lang được vinh dự sang châu Âu biểu diễn. Vai Hội đồng Thăng trong vở “Đời cô Lựu” do ông thủ vai khiến kiều bào đều rơi nước mắt.

Ngồi giữa lòng Paris, nghe được giọng hát của mình qua sóng phát thanh, Diệp Lang đã khóc vì hạnh phúc. Nhưng, sau khi đi lưu diễn về, cái hạnh phúc ngồi giữa Paris nghe giọng mình thay thế bằng những lời ong tiếng ve về quá khứ của ông, sự u uất không thể tiêu tan. Lúc này, bà lại thành chỗ dựa của ông.

Những ngày khốn khó về vật chất lẫn tinh thần này, ông bà dắt díu nhau về ở trong căn phòng nhỏ ở lầu 1 khu chung cư Lý Thường Kiệt. Thương người nghệ sĩ tài hoa, chú Hai Tâm – Chánh văn phòng Công an TP HCM ngày ấy nói với bà: “Ngày mai anh Sáu Ngọc (Giám đốc Công an TP HCM hồi đó) có gặp gỡ anh em nghệ sĩ, chị kêu Diệp Lang xin cái nhà dưới đất ở để đi lại cho thoải mái”.

Bà bảo ông, nhưng Diệp Lang từ chối. Ông nói là được ở căn hộ chung cư này là sướng hơn thời ở ký túc xá Trần Hưng Đạo rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Chắc có điều Diệp Lang không biết, nhiều nghệ sĩ cùng thời với ông đã xin được nhà mặt tiền hẳn hoi vào thời điểm này.

Diệp Lang là vậy, cái gì thấy có rồi thì thôi, không kỳ kèo hay so đo. Như cái hồi ông xin rút khỏi Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM một cách đột ngột, có ai hỏi ông chỉ cười nói: “Sắp bầu nhiệm kỳ mới, mình nên để cho lớp trẻ làm”.

Hay mấy lần đi đám cưới ngồi taxi, anh tài xế taxi thấy nghệ sĩ nổi tiếng sao ở cái chung cư cũ quá nên ái ngại hỏi thăm. Diệp Lang cười khề khà nói: “Ở chung cư là nhất rồi. Vừa mát vừa vui, còn đòi gì nữa hả chú?”.

Hỏi ông là bao năm qua, ông đã đóng góp được cho cải lương những gì? Diệp Lang ngồi lâu lắm rồi mới chậm rãi trả lời: “Chú hỏi tui đóng góp được gì thì tui chịu. Vì tui chẳng biết mình đã làm được gì nữa (?)”.

Nhưng mặc những điều đó, tình cảm của người hâm mộ dành cho ông vẫn không phai nhạt, như có lần vào quán ăn, khi ông gọi tính tiền, chủ quán cười bảo có hai vị khách bàn bên đã trả cho ông rồi. Thực ra, bữa ăn không đáng bao nhiêu tiền, cái tình giữa khán giả dành cho ông mới là vô giá.

Sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003, Diệp Lang thôi đi hát. Ở nhà một thời gian, gần như tất cả các căn bệnh cứ kéo đến tìm... ông, như bệnh tim, bệnh huyết áp cao, hẹp động mạch thận, phình động mạch chủ...

Diệp Lang kể: Ông cảm ơn nhiều về sự quan tâm của UBND TP HCM, Sở VH-TT, các bác sĩ Văn Tần, Nguyễn Ngọc Chiếu, Đỗ Quang Quân, Phan Thanh Hải, Trần Phong Cảnh đối với ông trong những ngày bị bệnh.

Những người đã giúp đỡ ông bằng cả tấm lòng. Chứ với cuộc sống kinh tế hiện tại, Diệp Lang lấy đâu ra tiền để chạy chữa những căn bệnh mà ông mắc phải.

Bây giờ, Diệp Lang không còn đứng dưới ánh đèn sân khấu mỗi đêm. Thỉnh thoảng, có vai diễn nhỏ, anh em nghệ sĩ nhớ ông nên mời, ông cũng tham gia cho vui. Bởi sức đâu mà Diệp Lang có thể đi hát mỗi đêm.

Ông thèm viết về những vui buồn của nghề, nhưng khổ nỗi, thị lực không cho phép ông làm được điều đó. Mỗi sáng, Diệp Lang sau khi đi tập thể dục về, pha trà uống, đọc vài tờ báo, còn lại là ngồi đăm chiêu nhớ về cái thời ông đã sống hết mình cho cải lương.

Có thể Diệp Lang đã qua thời để cống hiến, để mang lại cảm xúc cho khán giả thông qua những vai diễn của mình. Nhưng chắc chắn, bài vọng cổ luôn âm ỉ vang trong lòng người Nghệ sĩ Nhân dân ấy. Bởi đơn giản với ông, “cải lương như là một người tình"

Ngô Kinh Luân
.
.