Nghệ sĩ Văn Vượng - người nhìn đời bằng sâu thẳm trái tim

Thứ Hai, 31/12/2007, 14:30
Giờ tuy đã qua tuổi 60, người nghệ sĩ tài hoa Văn Vượng vẫn cháy bỏng một tình yêu thiết tha, một ước mơ vô tận với cuộc đời. Để rồi những khi dây đàn rung lên, lớp lớp giai điệu trữ tình êm ái lại đổ tràn trong lòng Hà Nội. Ông nói: “Nhiều người nói với tôi rằng Hà Nội của chúng mình đẹp lắm. Có điều cái đẹp trong mắt mỗi người hình như không mấy ai giống ai...”.

Không hiểu sao cứ mỗi lần được xem ông biểu diễn, tôi lại không thể nào quên những lời đầu trong bộ phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, phát trên truyền hình năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX: "Hà Nội nhiều người quen biết Văn Vượng ở phố Hàng Giấy, hình như tiếng đàn của anh thiên về tả cảnh vật quanh mình.

Nhưng có điều bất hạnh, anh chưa một lần được thấy cảnh trí Hà Nội. Một tiếng còi tàu vào ga đầu cầu, một tiếng chim gù bên cửa sổ, một tiếng võng đưa bên hàng xóm, một tiếng rao đêm... Vượng có một ước mơ, ước mơ trở thành khát vọng, đơn giản thôi, được trông thấy cảnh vật quanh nơi mình ở, trông thấy Hà Nội dù chỉ một lần trong đời".

Văn Vượng giờ đây không còn ở phố Hàng Giấy, ông đã chuyển về một căn hộ nhỏ ở khu tập thể Nghĩa Tân sống hạnh phúc cùng với gia đình. Tuy vậy, cái ước mơ đã trở thành khát vọng (nhìn thấy Hà Nội dù chỉ một lần trong đời) vẫn day dứt cuộc đời ông.

Làm bạn với cây đàn guitar trong bóng tối

Bị mất thị giác từ năm lên 4 tuổi bởi căn bệnh đậu mùa quái ác, mẹ ông đã đưa ông đến nhà thương Dốc Hàng Gà (nay là Bệnh viện mắt Trung ương) để chờ phẫu thuật.

Nhưng không may cho ông, chỉ 2 ngày sau thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai (12/1946). Mẹ ông cũng như bao gia đình khác phải đặt ông vào một cái thúng, gánh gồng cùng đồ đạc chạy ra vùng tự do.

Bóng tối sập xuống cuộc đời ông từ đó. Chán nản và thất vọng, nhưng bất ngờ, năm lên 7 tuổi, ông đã tìm được cho mình một người bạn chí thân chí cốt. Đó là âm nhạc.

Ông lấy chiếc âu trầu của mẹ, đổ hết trầu ra và căng lên đấy một sợi dây cao su rất nhỏ. Chiếc âu trầu đã tạo ra âm thanh cũng có cao độ, trường độ. Một năm sau, người bạn thân của gia đình ông đã phát hiện ra ở ông một tài năng âm nhạc, khuyên gia đình mua cho ông cây đàn và trực tiếp dạy đàn cho ông.

Mỗi buổi học, Văn Vượng học ít nhất là 3 bài và nhiều nhất là 12 bài. Trong 5 tháng, ông đã học hết 3 tập giáo trình Fernando Caruli. Năm 1955, ông được tiếp xúc với chữ nổi Brai và biết cách chép nhạc.

Ông còn nhớ mãi có lần bị nhốt ở nhà một mình, chỉ có cây guitar làm bạn. Gia đình dặn không được cho người lạ vào nhà. Buồn quá, ông đã buộc cây kèn ắcmônica vào chấn song cửa sổ, tự tạo ra một người bạn để cùng hòa nhạc. Và từ những thập niên 70, rất nhiều khán giả Hà Nội đã được nghe tiếng đàn của nghệ sĩ guitar Văn Vượng.

Văn Vượng cũng chính là người đã chuyển soạn nhạc phẩm nổi tiếng của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi “Người Hà Nội” cho guitar.

Một chiều mùa hè năm 1968, ông được người anh ruột đèo từ nơi sơ tán Hưng Yên lên Hà Nội. Khi nghe chiếc loa công cộng ở Bờ Hồ phát bài “Người Hà Nội”, ông đã bắt anh dừng xe lại để nghe cho hết. Đêm ấy, ông không ngủ. Một cảm giác bồi hồi khó tả cứ dồn dập trong trái tim ông. Ngày hôm sau, bản chuyển soạn bài hát thành nhạc hoàn thành.

Năm 1971, nhà thơ Nguyễn Đình Thi mời Văn Vượng đến Hội Nhà văn Việt Nam biểu diễn một chương trình. Sau khi những giai điệu tuyệt vời của “Người Hà Nội” lắng xuống, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cầm tay Văn Vượng quệt vào mắt ông để cảm nhận được những giọt nước mắt nóng hổi đang rơi xuống. “Khi tôi chuyển soạn tác phẩm này, tôi không thuộc lời của nó và thậm chí không có cả bản nhạc. Tôi nhờ một người bạn hát cho nghe giai điệu”.

Về sau này, nhạc sĩ Văn Chung, một người bạn của ông, nói rằng: “Muốn chuyển soạn một ca khúc sang nhạc cụ nào đó thì phải biết lời mới hiểu được nội dung của nó, mới soạn được. Nhưng rất may là Văn Vượng đã làm được điều mà Nguyễn Đình Thi mong muốn”.

Nghệ sĩ ưu tú Văn Vượng luôn quan niệm: Khi ra sân khấu thì phải diễn thật hay, không hay là có lỗi và mỗi khán, thính giả ở dưới đều là những người thầy phán xét vô cùng nghiêm khắc.

Có lần ông biểu diễn bài Sibone (nhạc Cuba), do ông chuyển soạn, ở Cung Văn hóa Hữu nghị. Đang biểu diễn thì dây Son bị đứt. Gần hết bài lại đứt tiếp dây Là. Ngay lập tức, ông đã biểu diễn tác phẩm này bằng cây đàn chỉ còn có 4 dây. Buổi biểu diễn vẫn thành công xuất sắc.--PageBreak--

Tiếng đàn mang tới tình yêu và hạnh phúc

Vừa chuyển soạn bài hát thành bản nhạc, biểu diễn phục vụ, Văn Vượng còn dạy guitar. Đến nay, nghệ sĩ Văn Vượng đã có hàng nghìn học trò theo học, trong đó có những người đã thành danh với cây đàn guitar.

Bản thân người vợ bây giờ của ông, bác sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt, cũng là một người học trò mê guitar và mê luôn cả người thầy tài hoa, đầy nghị lực. 

Tuy đang rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình nhưng nghệ sĩ Văn Vượng vẫn có những tâm sự rất thật: “Đời sống vợ chồng tôi dù rất hạnh phúc nhưng vẫn có không ít những lần bát đũa xô nhau vì tôi có quá nhiều người hâm mộ, mà đa số là phái đẹp. Điều đó làm cho vợ tôi quả cũng không dễ dàng gì có thể quen được trong những ngày đầu chung sống. Sống với nhau lâu, tôi hiểu ra, vợ tôi sinh trưởng trong một gia đình bộ đội, nên chân chất, thật thà, ít giao tiếp ngoài xã hội, đặc biệt là ít giao tiếp với giới văn nghệ sĩ.

Khi tôi quen Nguyệt lúc cô ấy đang là sinh viên năm cuối của ĐH Y khoa, đến xin học đàn guitar ở lớp của tôi. Tôi để ý đến cô học trò này vì cô ấy hiền lành, ít nói và hình như cũng có cảm tình với tôi.

Nhà tôi có 4 anh em, tôi sống với anh cả nhưng anh ấy hay đi công tác xa nên tôi thường rơi vào thế “bí” trong việc nội trợ. Tôi vẫn thường phải nhờ anh em bạn bè đi chợ, nấu nướng giúp. Có vài lần Nguyệt đến học, tôi có nhờ cô mua mớ rau, miếng thịt và chế biến hộ.

Khi chúng tôi bắt đầu yêu nhau thì gặp phải sự ngăn cản của gia đình Nguyệt. Bố mẹ cô ấy sợ con gái sẽ khổ khi lấy một người không nhìn thấy gì như tôi. Nhưng dù thế nào, Nguyệt vẫn nhất quyết đến với tôi vì tình yêu chân thành đã xóa nhòa mọi khoảng cách giữa tôi và cô ấy. Sau một thời gian dài thuyết phục, cuối năm 1983, chúng tôi đã tổ chức một đám cưới rất đông vui và trang trọng”.

Giờ đây, mỗi lần đi biểu diễn hoặc giao lưu ở đâu, Văn Vượng đều đưa vợ đi cùng để giới thiệu với bạn bè và tập cho vợ mình quen dần với những cử chỉ thân mật trong giao tiếp. Rồi vợ ông cũng hiểu ra và thông cảm cho cách sống của ông.

Ông cười sảng khoái: “Cô ấy không còn ghen tuông khi tôi hôn hay đón nhận một nụ hôn từ một fan nữ nào đó. Hiện tại, vợ chồng tôi đang sống rất hạnh phúc. Tôi vừa dạy đàn vừa đi biểu diễn. Chúng tôi có một cậu con trai đang học lớp 8 Trường THCS Nghĩa Tân, và cháu đang vào năm thứ 7 Sơ cấp Piano ở Nhạc viện Hà Nội. Cả hai lĩnh vực cháu đều học rất xuất sắc. Vợ con tôi luôn là niềm tự hào của tôi".

Là một nghệ sĩ đã thành danh với cây đàn guitar, đạt giải A1 Hội diễn Guitar TP Hà Nội nhiều năm liền nhưng năm nào ông cũng dành thời gian để đến biểu diễn tại một số trường đại học.

Khi tôi đến thăm, ông nhờ tôi đọc hộ lá thư của một nữ sinh viên gửi tới, trong đó có đoạn: “Dù bận học chính trị đầu khóa nhưng tôi vẫn đến đầy đủ các buổi biểu diễn của chú ở trường. Những lúc khó khăn tôi vẫn nghĩ về chú như một động lực cho mình vươn tới...”.

Đây cũng là ý mà NSND Quý Dương đã tâm sự trong chương trình Dành cho người hâm mộ mang tên “Người nghệ sĩ và giấc mơ ánh sáng” do VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cách đây chưa lâu: “Trong cuộc sống, nghị lực của Vượng là phi thường. Nếu như tôi có học và kính trọng ông em này thì chính là kính trọng và phục điều đó”.

Giờ tuy đã qua tuổi 60, người nghệ sĩ tài hoa ấy vẫn cháy bỏng một tình yêu thiết tha, một ước mơ vô tận với cuộc đời. Để rồi những khi dây đàn rung lên, lớp lớp giai điệu trữ tình êm ái lại đổ tràn trong lòng Hà Nội. Ông nói: “Nhiều người nói với tôi rằng Hà Nội của chúng mình đẹp lắm. Có điều cái đẹp trong mắt mỗi người hình như không mấy ai giống ai...”

Hải Châu
.
.