Nghệ sĩ chung tay chống dịch

Thứ Tư, 25/03/2020, 11:30
Họ cất lên giai điệu vui tươi, lời ca hy vọng. Họ quyên góp hiện vật, hiện kim. Họ gửi lời cầu nguyện trong từng giờ, từng phút ngày trôi. Họ - những nghệ sĩ, nối dài một vòng tay lớn đầy san sẻ, yêu thương để tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID.


Từ tinh thần đến vật chất

Dịch bệnh càn quét khiến loài người như rơi vào thước phim kinh dị. Cả trái đất chững lại, lặng thinh như một thước phim quay chậm. Những quảng trường, đường phố sầm uất khắp nơi trên thế giới giờ trở nên vắng tanh bóng người. Trong hơi gió, người lữ khách bước đi, rùng mình như viễn cảnh của nỗi sợ hãi bao trùm.

Nhưng ở Vũ Hán - tâm dịch đầu tiên của thế giới, những cánh đào đầu tiên có vẻ như đã bung nở khoe sắc hồng. Ở Italy, trên ban công, bên bậu cửa sổ, là lá cờ phấp phới, là tiếng hát, tiếng đàn, là tiếng vỗ tay để nhắn nhủ rằng “tôi vẫn còn sống”, “tôi không cô đơn”. Và ở Việt Nam, những vòng tay ấm áp không ngừng nối rộng. Ở đó, có những người nghệ sĩ đang ngày đêm viết nên những câu chuyện thật đẹp giữa cơn đại dịch đang hoành hành.

Ca sĩ Chi Pu, Hà Anh Tuấn là những nghệ sĩ đầu tiên phát động phong trào nghệ sĩ chung tay chống dịch COVID-19.

Dịch bệnh làm bao ngành nghề rơi vào khốn đốn, nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Đời sống văn hóa giải trí ảm đạm, rạp phim đóng cửa, lịch diễn bị hủy hàng loạt. Nhưng, họ không ngồi đó mà ca thán, mà rên rỉ ôm cái chân đau của mình. Khi cả nước căng mình chống dịch, là người của công chúng, là thần tượng của số đông, họ ý thức được trách nhiệm của mình trong giờ phút nước sôi lửa bỏng này.

Mỗi người một cách, bằng tất cả những gì họ có để chung tay với cộng đồng. Đầu tiên những bài hát cổ động tinh thần người dân và y bác sĩ ra đời. Ca khúc “Ghen Cô Vy” lọt vào top những ca khúc hay nhất viết về dịch COVID do tạp chí âm nhạc danh tiếng Billboard xếp hạng.

Bài hát cùng vũ đạo vui nhộn khuyến khích mọi người chăm rửa tay và hướng dẫn cách phòng bệnh không chỉ lan tỏa trong nước mà còn được bạn bè quốc tế khen ngợi và hưởng ứng nhiệt tình. Các nghệ sĩ khác như bé Phương Mỹ Chi, hoa hậu Tiểu Vy... thi nhau thể hiện lại màn vũ đạo “Rửa tay” để vận động fan hâm mộ thực hành theo.

Ca sĩ Thái Thùy Linh thì cải biên bài “Ông bà anh” của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu thành “Ông bà anh thời COVID-19” với những câu hát dễ thương, truyền năng lượng tích cực như: “Ông bà anh hẹn hò thời Corona, mà đành ngồi cách xa trên chiếc ghế sô pha. Ông mua tặng bà anh chai nước rửa tay. Và đó là món quà đầu tiên...

Ôi Cô Vy, ngày xưa sợ lắm con ơi! Người dân xếp hàng chờ đợi mua khẩu trang đến khuya. Và thời ấy, kinh khủng lắm con ơi, chạm tay nhau một giây thôi là rửa tay đã đời... Ca khúc “Mắt nai cha cha cha” được chế thành “Khẩu trang nha nha nha” nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang nơi công cộng.

Dõi theo từng diễn biến của dịch bệnh, hoa hậu H'Hen Niê nhắn gửi đến những người đang trên tuyến đầu của cuộc chiến: “Tôi mong các nhân viên y tế và những người đang ở tuyến đầu luôn giữ được sức khỏe để chống chọi với dịch bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Nhìn hình ảnh các y, bác sĩ phải đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ suốt một ngày dài, nhìn họ phải căng sức để làm việc, tôi nghĩ ai cũng cảm thấy xúc động”.

Như một món quà gửi tặng các y, bác sĩ, những ngày này, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cùng NSND Tạ Minh Tâm, nhóm Mắt Ngọc, ca sĩ Vy Oanh, Quế Trân, Nam Cường... cùng nhau thực hiện MV “Bao la những trái tim hồng”.

Ca sĩ Thái Thùy Linh cải biên bài “Ông bà anh” thành “Ông bà anh thời COVID-19”.

Anh tâm sự: “Thông qua tác phẩm âm nhạc, tôi muốn giúp khán giả hiểu rõ hơn về sự hi sinh, tận tụy và đôi khi là quên mình của đội ngũ y, bác sĩ trên đất nước chúng ta suốt thời gian qua. Qua đó tiếp thêm sức mạnh để các bác sĩ kiên cường trên trận chiến chống dịch COVID”. 

Bên cạnh lời ca tiếng hát là sự chung tay đóng góp hiện vật, gây quỹ hỗ trợ. Ngay đầu mùa dịch đã có vài nghệ sĩ ra đường tham gia quyên góp, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người dân như Khắc Việt, Pha Lê, Giang Hồng Ngọc, Đại Nghĩa, Nhật Kim Anh, Võ Tấn Phát, hoa hậu Khánh Vân... 

Nhưng phải đến khi ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng hai người bạn (đạo diễn Cao Trung Hiếu và nhà sản xuất Minh Hoàng) quyên góp gần 2 tỷ đồng để lắp đặt 3 phòng cách ly áp lực âm cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh vào giữa tháng 3 này thì phong trào nghệ sĩ chung sức chống dịch mới chính thức lan tỏa mạnh mẽ.

Hưởng ứng theo, ca sĩ Chi Pu góp 1 tỉ đồng cho một phòng cách ly áp lực âm theo công nghệ Đức tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và 5.000 bộ trang phục bảo hộ cho các y bác sĩ cả nước.

Chi Pu cho hay: “Dịch bùng phát mạnh khiến chúng tôi biết rằng lúc này mình phải hành động chứ không thể đứng ngoài cuộc. Tôi liên hệ Sở Y tế Hà Nội để tìm ra phương án thiết thực nhất. Chúng tôi được khuyên nên hỗ trợ các vật tư, trang thiết bị y tế vì chúng đang rất thiếu thốn. Tôi cũng nhờ Sở kết nối với các bệnh viện trong thành phố để đem các món quà đến tận nơi, trao tận tay và trực tiếp cảm ơn các y, bác sĩ đã ngày đêm vất vả, san sẻ những khó khăn của họ”.

Đến nay, danh sách ngôi sao quyên góp tiền cho cuộc chiến chống dịch ngày càng dài. Tại Hà Nội, ca sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung đóng góp 2.000 bộ quần áo bảo hộ cho y bác sĩ. Ca sĩ Min ủng hộ 10.000 khẩu trang y tế và 500 chai nước rửa tay cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Tóc Tiên hỗ trợ 100 triệu đồng.

Hồ Ngọc Hà cùng nhà thiết kế Lý Quý Khánh và bạn bè trích 1 tỷ đồng quyên góp để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Đây là số tiền mà ê-kíp của cô đã âm thầm vận động từ đầu tháng 3. Hồ Ngọc Hà cũng liên hệ với Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để phối hợp thực hiện tài trợ phòng chống dịch. Trước nghĩa cử cao đẹp của thần tượng, rất nhiều khán giả trẻ cho biết sẽ bắt tay ủng hộ và góp sức cùng cộng đồng.

“Chúng ta chỉ còn biết bảo vệ chính mình bằng việc có trách nhiệm sống với chính mình và với cộng đồng. Tôi hy vọng sự kêu gọi hôm nay sẽ tạo ra làn sóng lan tỏa cộng hưởng hơn nữa. Tôi cũng mong các bạn đồng nghiệp nghệ sĩ hãy cùng tiếp tục góp sức mình cho cuộc chiến đẩy lùi COVID-19” - ca sĩ Tùng Dương kêu gọi.

Những “Alan” của xứ Việt

Trong tiểu thuyết châm biếm “Cửa hiệu tự sát” của nhà văn người Pháp Jean Teulé có chú bé Alan. Đây là tiểu thuyết giả tưởng kể về một thời đại mà nhân loại chìm trong mọi thông tin tiêu cực về dịch bệnh, chiến tranh, biến đổi khí hậu, tội phạm gia tăng... Một đứa trẻ được coi là bình thường khi nó phải sống với bộ mặt đưa đám và vật vờ, chán nản không biết ngày mai.

Người dân lâm vào thế tuyệt vọng và để làm một con người đúng nghĩa, họ chỉ còn cách là chết đi, giải thoát khỏi cuộc đời tệ hại. Thời cuộc như thế là cơ hội để những cửa hiệu bán đồ tự sát như dây treo cổ, lưỡi dao cạo, thuốc độc, túi nilon làm ngạt khí, viên đá nhảy lầu... ăn nên làm ra. Gia đình Alan là một trong những cửa hiệu đó. Nhưng khác hoàn toàn với mọi người xung quanh, cậu bé Alan lại rất vui vẻ, yêu đời.

Trong khi cha cậu ngày đêm phát minh ra cách tự sát nhanh nhất cho khách hàng, mẹ cậu thuyết phục khách lựa chọn những món đồ tự sát ưng ý thì Alan lại lén làm hư hỏng món đồ ấy đi. Alan luôn cười, là tia nắng ấm xua đi màn đêm u ám, để người ta sống, để người ta yêu, để người gần người hơn...

Ngoài dịch bệnh, tình hình Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, diễn biến Trung Đông phức tạp, nỗi lo bóng ma suy thoái kinh tế đè nặng... Ở xứ Việt, miền Tây oằn mình trong hạn mặn. Miền Trung khát khô sông ngòi trong cái nắng như thiêu, như đốt. Những tai họa của thiên nhiên giáng lên loài người vẫn chưa dứt. Con người quay cuồng trong sự sợ hãi, lo âu. Đáng buồn thay, đâu đó vẫn có những nghệ sĩ gieo rắc sự sợ hãi cho cộng đồng. Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân từng bị phạt vì lan truyền thông tin thất thiệt về dịch COVID-19.

Ca sĩ Pha Lê phát khẩu trang miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện.

Nói về điều này, “cha đẻ” của vũ điệu “Rửa tay” - vũ công Quang Đăng kêu gọi: “Đối với các bạn thanh thiếu niên, những người bị ảnh hưởng nhiều bởi mạng xã hội thì nghệ sĩ mà các em thần tượng có tác động không hề nhỏ tới nhận thức và sự phát triển của các em. Do vậy người nghệ sĩ có vai trò quan trọng trong việc lan truyền thông tin đúng, chính xác tới công chúng, nhất là cộng đồng những người hâm mộ, yêu mến họ. Đây cũng là một trong những việc làm cần thiết mà mỗi nghệ sĩ nên lưu ý trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những chuyển biến phức tạp”.

Đáng sợ nhất vẫn là thái độ vô cảm, thậm chí là độc ác. Một số nghệ sĩ công khai bênh vực cho những bệnh nhân không chịu cách ly hoặc khai báo không thành khẩn với cơ quan chức năng. Mới đây, cô diễn viên nổi tiếng T.M đăng đàn trên Facebook để phán một câu độc địa, vô nhân đạo: “Nghĩ lại nên cảm ơn cô Vy, dân số thế giới đã quá tải rồi nên chết bớt đi cho rộng chỗ!”. Những nghệ sĩ này lập tức nhận lãnh làn sóng phẫn nộ, tẩy chay của công chúng. 

Nhưng trong những ngày u ám sẽ đi vào lịch sử nhân loại ấy, đã xuất hiện “Alan”. Không phải một mà rất nhiều. Những “Alan” trong chiếc áo blouse trắng, những “Alan” trong bộ cảnh phục, những “Alan” trong hình hài nhà khoa học ngày đêm chạy đua điều chế vaccin, những “Alan” trong hình hài nghệ sĩ và cả những “Alan” là người dân chân đất...

Trong “Cửa hiệu tự sát”, chỉ một mình Alan gieo niềm tin yêu, lạc quan sống mà thế giới dần bừng tỉnh, nỗi đau dần xua tan. Vậy thì chúng ta sợ gì khi ở thế giới thực này đã và đang có hàng ngàn, hàng triệu “Alan”?

Người góp công, người góp sức để cùng dìu nhau bước qua cơn đại dịch thế kỷ. Họ đã và đang ghi vào ký ức những ngày đang sống này những câu chuyện thật đẹp. Một mai bước qua đại dịch, khi nhìn lại, người ta mới hiểu thế nào là ý nghĩa của sự sống, của hòa bình, của tình người. Những điều đó, không vàng bạc châu báu nào có thể đánh đổi nổi...

Mai Quỳnh Nga
.
.