Nghệ sĩ hài Tự Long: Sợ nhất là làm “quan dở, hề nhạt”!

Thứ Ba, 22/02/2011, 17:30
Đầu quân về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần năm 1999, đến năm 2005 thì Tự Long khoác áo lính. Giờ, anh tiếp tôi trong màu áo xanh quân đội với quân hàm đại úy. Í ới gọi mọi người tập vở, thì ra anh đang là đội trưởng phụ trách 40 diễn viên ở đoàn chèo.

Mới là những ngày đầu năm mới, hương vị tết vẫn còn vương vất, đào quất rung rinh trong nhà, ngoài ngõ thì anh đã bảo chẳng có lấy ngày nghỉ để xả hơi. 1 giờ đêm qua anh mới đi diễn từ Thái Bình về Hà Nội, sáng nay có mặt ở nhà hát tập lại vở cũ để kịp chuyến lưu diễn sắp tới. Làm việc liên miên cả đêm lẫn ngày, công việc ngập đầu ngập cổ, vì thế cho nên cuộc trò chuyện của chúng tôi phải nhiều lần ngắt quãng vì những lúc anh lên sân khấu tập vai...

Phóng viên (PV): Anh làm việc giống như một con trâu cày, có vẻ như ngày sinh tháng đẻ có ảnh hưởng đến cuộc đời anh...

Nghệ sĩ Tự Long: Tôi đã nghiệm tất cả những người tuổi Trâu và đặc biệt là con trai tuổi Trâu, Quý Sửu sinh năm 1973 của tôi thì đều làm việc hùng hục như trâu húc mả, không biết mệt mỏi và đi lại nhiều. Kỳ thực, tuổi Trâu rất vất vả, vất vả về học hành, vất vả về tình cảm, công danh vô cùng lận đận.

PV: Anh nói thế nào ấy chứ, anh là của độc đấy thôi, một diễn viên hàng sao trên sân khấu hài, khán giả khắp cả nước biết tên, biết tiếng?

Nghệ sĩ Tự Long: Để mọi người biết đến thì tôi cũng phải mất bao nhiêu năm từ đi, đứng, bò, chạy ở trên sân khấu rồi. Có người, người ta nổi tiếng ở trên sân khấu nhanh lắm, nhưng tôi nổi tiếng để mọi người biết đến phải tính bằng thập niên, đấy là gian truân trong nghề. Nếu như mình không có bản lĩnh, không có lòng yêu nghề, không có sự say mê đã muốn làm cái gì thì phải làm bằng được, thì có lẽ là giờ phút này tôi đã phá ngang rồi. Có thể tôi làm nghề khác hoặc sẽ chuyển sang một chỗ khác chứ không ở đoàn quân đội này nữa.

PV: Trên sân khấu anh hài hước, dí dỏm, nhưng khi tiếp xúc ở đời thường thì thấy anh có nét trầm buồn sâu lắng, suy tư, có phải hai điều ấy cân bằng cho anh trong cuộc sống?

Nghệ sĩ Tự Long: Tôi không nghĩ nó cân bằng, nhưng với góc nhìn của người ngoài cuộc về điều ấy lại lý giải cho cái việc là tôi đã cảm thấy mình già đi, cảm thấy mình mệt mỏi hơn, cảm thấy mình quá căng thẳng vì áp lực công việc. Điều này bắt đầu xuất hiện một hai năm gần đây, khi khối lượng công việc của cả trong lẫn ngoài, sức ép quá nhiều.

Ở đoàn chèo, tôi không giữ chức vụ gì to tát cả, nhưng trọng trách thì có. Tôi là đội trưởng quản lý 40 diễn viên. Nếu tôi không làm thì cũng chẳng có vấn đề gì, nhưng trách nhiệm công việc mà xã hội phân công thì mình phải làm thôi. Nhất là với người lính thì sự gương mẫu, sự tận tụy phải có. Hơn nữa quân đội có câu "Nhiệm vụ đã giao thì phải hoàn thành". Tôi sinh ra không phải làm quản lý nhưng tôi là một đảng viên nên tính kỷ luật rất cao. Tôi quản lý đội nên sức ép lại phải lớn hơn. Chính vì vậy không căng thẳng mới là chuyện lạ.

PV: Và, anh bị stress chứ?

Nghệ sĩ Tự Long: Tất nhiên, áp lực công việc làm cho mình căng thẳng, dẫn đến stress. Ví dụ tôi đi tập Táo cuối năm, 5 giờ sáng tôi mới rời khỏi trường quay của VFC nhưng tôi đâu được về nhà ngủ mà lại phải đến cơ quan ngủ để ít nhất 7 giờ rưỡi tôi thức dậy để còn điểm danh hoặc là có mặt đúng giờ. Nếu không thì tôi không phải là một nghệ sĩ gương mẫu. Có nhiều điều mà tôi bị căng thẳng hơn các nghệ sĩ khác về sức ép công việc. Ví dụ như Công Lý, Xuân Bắc, hay Quang Thắng, khi tập xong họ có thể ngủ đến 4h chiều lấy được lượng calo của mình đã mất đi. Và họ được tạo điều kiện để làm việc ấy.

Còn tôi không phải là không được tạo điều kiện nhưng tôi không thể làm như thế được là bởi vì ở nhà hát một mình tôi đi làm như vậy thôi, còn lại tất cả mấy chục con người khác vẫn phải làm việc bình thường, cho nên mình vẫn phải theo cái guồng quay ấy. Chứ mình không thể lấy cái tôi của mình là một nghệ sĩ lớn hay cái tôi của mình là một người làm việc ở bên ngoài nhiều, hay cái tôi này, tôi nọ để mà mình tự cho mình cái quyền được nghỉ hay được xả hơi. Chính vì vậy cho nên là rất mệt chứ không phải mệt bình thường nữa.

Nghệ sĩ hài Tự Long đang luyện tập vở kịch “Ben - Cậu bé biến thể”.

PV: Mọi người cũng hiểu mà, và thông cảm với anh cả thôi.

Nghệ sĩ Tự Long: Có người thông cảm, người không. Ngay như ở cơ quan mọi người không có cùng chung một chiến hào với mình, họ làm việc một cái kênh khác, mình làm việc ở một kênh khác, rất khó đòi hỏi được sự đồng cảm. Bởi vì 10 người cùng đi buôn, họ sẽ hiểu được nỗi khổ của người đi buôn nhưng cả một cái phường ấy thì chỉ có một người đi buôn thôi, còn 9 người kia dệt cửi thì họ làm sao hiểu được. Và họ nghĩ tôi dệt cửi thì tôi chỉ thế này rồi hết ngày thôi, là tôi về thôi.

Người ta bảo người đi buôn là: Mày làm nhiều tiền thì mày phải chịu chứ? Mày gánh nhiều công việc thì mày phải chịu chứ? Cái gì mày cũng muốn ôm thì mày khổ là đúng rồi. Thực ra đôi khi họ đâu có hiểu rằng, con người có phải là lúc nào cũng muốn làm nhiều việc như thế để làm gì đâu.

PV: Mỗi người có một lẽ sống của đời mình, anh làm việc nhiều như thế là vì gì?

Nghệ sĩ Tự Long: Nhiều người bảo mình tham quyền cố vị nhưng không phải. Tôi nghĩ mình có nghề, có chuyên môn, mình sống đàng hoàng lịch sự thì xã hội phân công mình làm thôi, chứ mình không phải đi hầu hạ, bưng bê rót nước, điếu đóm cho một cái ông mà ông ấy tuổi đời và tuổi nghề làm bậc đàn em của mình. Chính vì nhiều lý do thì mình phải cố gắng phấn đấu vươn lên. Mệt mỏi mấy cũng vẫn phải làm.

PV: "Lao động là hạnh phúc" mà, xã hội có rất nhiều người làm việc quên chết, đâu cứ riêng gì anh, anh kêu gì nhiều thế?

Nghệ sĩ Tự Long: Tôi phải làm việc gấp hai người bình thường bởi lúc người ta chơi thì tôi biểu diễn phục vụ, còn lúc người ta làm thì tôi cũng làm việc cật lực để lúc người ta chơi, tôi còn có cái để phục vụ. Mọi người được hưởng thụ thì tôi lại phải phục vụ, tôi không chơi được. Đấy, riêng việc ấy thôi thì sức ép và khối lượng công việc đã lên như thế nào. Xong việc ở cơ quan, lại đến việc nhóm tập ở ngoài... Mọi người ở nhà hát nói rằng: "Không ai khổ bằng thằng Long. Lúc mọi người được ăn uống đàng hoàng thì nó lại phải đang ở trường quay...". Sau khi trường quay xong việc là tôi phải đi mua vội hộp cơm để trên xe và khi đến nơi, diễn viên hóa trang, thay quần áo thì lúc bấy giờ tôi mới ăn vội ăn vàng để còn biểu diễn. Cho nên cái bữa ăn cũng không được đàng hoàng lắm.

Tôi thấy mình vất vả hơn, mình thiệt thòi hơn người bình thường, như mọi người có thời gian dành cho gia đình, bạn bè, nhưng bây giờ tôi cũng không có thời gian để dành cho gia đình và bạn bè nữa bởi công việc cứ cuốn mình đi. Nhiều người nói: "Có ai bắt ông phải làm việc này, việc khác đâu, mà ông phải khổ thế?". Thật ra nếu mà bắt thì không thể bắt được, chỉ có điều tất cả những điều đó ăn vào cái nghiệp rồi. Guồng quay cứ quay thế thôi, mình mà không quay đúng thì sẽ tự bật khỏi cái guồng quay đấy.

PV: Thấy anh trăn trở với nghiệp diễn, nghề diễn. Nghề diễn mang đến cho anh nhiều niềm vui, và anh đã bao giờ cảm thấy chán nản?

Nghệ sĩ Tự Long: Ông Tào Mạt có một câu rất hay là đã làm quan thì đừng làm hề mà đã làm hề thì đừng làm quan. Bởi vì làm như vậy thì quan dở mà hề nhạt thì không ai người ta xem cả. Thật ra để làm tốt hai công việc ấy vừa quản lý lại vừa biểu diễn được đã là khó đằng này lại phải biểu diễn với các sân chơi khác nhau. Tôi nghĩ nếu như tôi ở Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, Nhà hát chèo Quân đội này tôi làm tròn trách nhiệm của mình, làm tròn vai diễn của mình thì giờ này tôi đã giữ chức vụ, cương vị nào đó rồi. Tôi nghĩ hạnh phúc nhất đời là được biểu diễn trên sân khấu. Hạnh phúc nhất là được làm nghệ sĩ.

Tôi vẫn thường nói vui với mọi người, nghề diễn chèo đối với tôi là chân chính, lúc nào tôi cũng thích làm một nghệ sĩ chân chính. Nhưng cuộc sống có bao giờ người ta chống bằng cái chân chống chính mấy đâu. Người ta phải chống bằng chân chống phụ. Nói gì thì nói mình vẫn thích làm một nghệ sĩ chân chính nhưng nếu  không có chân chống phụ thì chưa chắc người ta đã biết đến mình là nghệ sĩ chân chính. Bởi vậy nên tôi cũng hết sức trăn trở nghề diễn và nghiệp diễn. Tôi không nghĩ sau này tôi phải làm cái gì trong cuộc đời này cả, làm một ông trưởng đoàn, làm một ông giám đốc, hay làm một phó giám đốc... Tôi chỉ mong muốn cống hiến và làm nghề cho tốt.

Chỉ có điều trong cuộc sống đến một lúc nào đó xã hội phân công mà công việc đấy mình làm được thì mình vẫn làm, và cố gắng làm cho tốt. Nhưng với tôi để làm tốt công việc ấy thì đòi hỏi phải cố gắng rất lớn trong cuộc sống.

Nghệ sĩ hài Tự Long và Xuân Bắc.

PV: Làm một nghệ sĩ của công chúng thì thường có sự ma mị với đám đông và tham vọng chiếm hữu là rất lớn. Anh muốn mình ở ngoài xã hội được yêu thích đặc biệt chứ?

Nghệ sĩ Tự Long: Đôi khi ở một chỗ nào đó thì tôi cũng không mong muốn rằng ai cũng yêu mến, ai cũng đồng cảm, ai cũng yêu thích tôi cả bởi sống như vậy rất là khó. Ở đâu chẳng có người ghét, ở đâu chẳng có người yêu. Mình không thể sống lúc nào cũng trở thành con rối, lúc nào cũng luôn luôn nở nụ cười toe toét ở trên môi như vậy là hơi giả tạo. Mình sống có cuộc đời của mình, có lúc vui lúc buồn, có lúc buồn muốn khóc, có lúc thấy đau khổ chứ, nhưng đâu có phải lúc nào mình cũng cười đùa tếu táo được? Giấu đi những cái ở bên trong để cho nó tích tụ thêm thì mình còn đau khổ hơn nhiều.

PV: Do đặc thù nghề nghiệp, anh đi nhiều, vắng mặt thường xuyên trong gia đình như thế, vợ anh có...

Nghệ sĩ Tự Long: Thi thoảng vợ tôi phàn nàn, thật ra người phụ nữ nào lại không muốn gia đình mình có những phút quây quần. Những lúc cao điểm nhất là tôi một tuần không ăn cơm ở nhà là chuyện bình thường. Bởi vì từ nơi làm việc về đến nhà mình ăn một bữa cơm trong thời điểm tắc đường như hiện nay thì khi đến nơi làm việc kiểu gì cũng bị nhỡ giờ. Nên tốt nhất là ăn tạm đâu đấy hay là đến nơi bảo anh em ở đấy mua cho cái gì mang vào ăn rồi tranh thủ ngủ tạm một tí.

Con trai tôi lên 4 tuổi rồi, nhiều lúc tôi chỉ gọi được điện cho con tôi thôi. Khi mình đi con còn đang ngủ, đến khi về con cũng đang ngủ nên không có cả thời gian để đi chơi với con. Lúc được nghỉ chút thôi thì tôi thường đưa con đi công viên hoặc  hai bố con lái xe đi lòng vòng dạo phố. Cũng may con tôi rất yêu bố, lúc nào cháu cũng thích được đi biểu diễn cùng bố. Hoặc những lúc tôi làm chương trình, tôi thường cho cháu đến, cháu rất thích. Tôi nghĩ chỉ có mỗi cách đấy là con không quên mình, còn chứ nếu không thì con sẽ quên mất bố nó là ai?

Người nghệ sĩ thì rất nhạy cảm, ngoài cuộc sống mà không vui sẽ bị chi phối ảnh hưởng lớn đến công việc, và với người nghệ sĩ họ rất đặt nặng về tình cảm. Trong ấm ngoài êm thì mới làm việc được.

Về gia đình mỗi một năm lại có góc độ quan hệ có cấp độ khác nhau, phát triển khác nhau. Tại sao người ta bảo ngày xưa nghèo hèn thế mà gia đình hạnh phúc, còn bây giờ có tiền thì lại không có hạnh phúc. Đó chính là sự phát triển không đồng đều về công việc cũng như về gia đình. Nhiều gia đình ở xã hội hiện đại này mắc phải, nó là căn nguyên của nhiều sự tan vỡ. Thế cho nên đòi hỏi sự đồng bộ gia đình cũng như xã hội.

Tôi mong muốn năm mới mình tràn đầy sức khỏe và sinh lực để làm tốt công việc mà mình đã hoặc định ra trong một năm. Thực ra gia đình là nơi luôn luôn làm cho tôi trăn trở nhất, bởi vì công việc  của mình dành quá nhiều cho xã hội, gia đình trong lòng mình lúc nào cũng cảm thấy thiếu xót, bị khuyết về mặt gia đình. Đặc biệt với những người yêu và quý trọng tình cảm như tôi, tôi nghĩ gia đình là nơi để làm nên nhiều thứ, nếu gia đình không ổn định, gia đình làm cho mình đau đớn thì mình sẽ không thể làm tốt được công việc. Đó là điều mà tôi thật sự rất trăn trở

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.