Nghệ sĩ nhân dân Trần Hoạt với Văn Cao

Thứ Sáu, 08/02/2019, 13:04
Đạo diễn Trần Hoạt là một trong những người bạn thân của nhạc sĩ Văn Cao. Thân trong công việc, thân trong gia đình, thân ở ngoài đời với nhiều đam mê trong nghệ thuật, trong ẩm thực và rượu. Trần Hoạt uống rượu nổi tiếng.

Những ngày mùa đông nơi xứ người, tuyết phủ kín mặt đất, ông không thể ra phố mua rượu được, trong khi cơn "đói" rượu nổi lên khiến ông ngồi trong thư viện đọc sách cũng không vào đầu được lấy một chữ. Không làm thế nào được, ông đành phải xuống phòng y tế xin một chai cồn về để uống cho ấm người. Cái tên Trần "Cồn" có từ đấy.

Trong giới sân khấu, đạo diễn Trần Hoạt là một tên tuổi lớn. Ông là một trong những đạo diễn hàng đầu có công xây dựng, phát triển và tạo bản sắc riêng cho sân khấu kịch nói của Việt Nam ngay từ khi nó mới được hình thành.

Năm 1953, Trần Hoạt được cử đi học lớp đạo diễn kịch nói tại Học viện Hý kịch Bắc Kinh - Trung Quốc. Năm 1960, ông trở về nước và được điều về công tác tại Đoàn kịch nói Trung ương khi đó mới được thành lập (tiền thân là đội kịch nói của Đoàn văn công Trung ương). Năm 1960, vở hài kịch "Quẫn" của nhà viết kịch Lộng Chương do Trần Hoạt làm đạo diễn đã ra mắt khán giả và trở thành một hiện tượng đột phá trong làng sân khấu kịch nói Việt Nam. “Quẫn” đã tung hoành trên sân khấu trong suốt cả thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX với hơn hai nghìn đêm diễn luôn đầy kín khán giả.

Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Hoạt.

Sau vở “Quẫn”, ông tiếp tục dàn dựng vở “Cửa mở hé” cũng của Lộng Chương cho Đoàn kịch Hải Phòng. “Cửa mở hé” đã được công diễn hằng trăm đêm vẫn chưa hết khách. Thành công của vở diễn này đã góp phần đưa tên tuổi của Đoàn kịch nói Hải Phòng trở nên nổi tiếng.

Sự thành công của hai vở hài kịch này đã đưa tên tuổi của Trần Hoạt trở thành đạo diễn bậc thầy, tạo ra một phong cách độc đáo với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hài kịch hiện đại mà ông đã tiếp thu được từ hệ thống lý thuyết Stanislavski với hài kịch dân gian của Việt Nam thông qua nghệ thuật tuồng chèo cổ đã ngấm vào trong máu của một người con đất Kinh Bắc.

Trần Hoạt quê ở làng Đình Bảng thuộc phủ Từ Sơn, Bắc Ninh xưa. Nhà ông nằm ngay sau đình làng Đình Bảng. Năm 1965, Đoàn kịch nói Hà Nội được thành lập, đạo diễn Trần Hoạt được cử về làm chỉ đạo nghệ thuật. Tháng 7-1965 Đoàn dựng vở “Đồng mía” của tác giả Paco Alfonso, Cu Ba, đạo diễn Trần Hoạt mời nhạc sĩ Văn Cao làm nhạc.

Vở kịch đã thành công lớn vì đây cũng là lần đầu tiên Đoàn kịch Hà Nội dựng một vở kịch nước ngoài. Đại sứ quán Cu Ba đã tổ chức một bữa tiệc trọng thể tại sứ quán, chiêu đãi toàn thể cán bộ và diễn viên của đoàn.

Ngay sau “Đồng mía”, cuối năm 1965, đạo diễn Trần Hoạt dàn dựng tiếp vở “Hà Nội đầu năm 1946” của tác giả Bùi Nguyên Cát. Nhạc sĩ Văn Cao được ông tin tưởng mời làm cả phần âm nhạc lẫn trang trí sân khấu. Hai người rất hiểu nhau, họ thường xuyên bàn bạc với nhau về kịch bản, chỉnh sửa lời thoại, góp ý cho nhau về chủ đề âm nhạc của vở diễn, thiết kế mỹ thuật cho từng màn…

Nhiều hôm, nhạc sĩ Văn Cao cùng ông uống rượu và bàn công việc đến tận nửa đêm. Những năm tháng đó, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, đời sống nhân dân vô cùng gian khổ, diễn viên của đoàn nhiều khi nhịn đói để lên sàn diễn. Trần Hoạt rất thương anh chị em. Ông thường an ủi, động viên mọi người những lúc khó khăn. Ngoài đời ông sống rất giản dị, hòa đồng với mọi người.

Anh em chúng tôi thường hay bá vai bá cổ trêu chọc ông, có lúc còn tháo cả cái kính cận dày như hai cái "đít chai" giấu đi. Ông cười khì khì mắt tít lại la lên: "Chúng mày giả kính cho bố, không có kính tao gắp thức ăn làm sao được". Nhìn tay ông quờ quạng tìm chén rượu, anh em tôi cười phá lên…

Ấy vậy mà khi làm việc ông lại rất nghiêm khắc. Ông bắt các diễn viên đọc kỹ kịch bản, phân tích rõ tính cách từng nhân vật cho từng vai diễn. Ông cho phép các diễn viên chủ động sáng tạo trong diễn xuất. Chỉ những khi cần thiết ông mới thị phạm, uốn nắn từng động tác diễn xuất cho diễn viên, đặc biệt là những diễn viên đóng vai hài. Ông thường lấy những vai hài đặc sắc truyền thống của cha ông ta trong những tác phẩm chèo, tuồng cổ ra phân tích cho diễn viên.

Ông bảo với mọi người khó nhất cái anh đóng hài, làm sao khi xuất hiện, khán giả chỉ nhìn thấy  điệu bộ của anh là người ta đã muốn cười rồi chứ chưa cần phải nói. Càng ít nói càng tốt. Lời thoại mà dài quá thì còn diễn làm sao được? Cái hài nó phải hiện lên trong nét mặt, trong dáng đi, điệu đứng, trong từng động tác, lời nói khi diễn...

Diễn viên đều yêu quý ông. Ngoài đời, họ coi ông như một người cha. Trong công việc họ kính trọng và nể phục ông, coi ông như một người thầy. Nhiều kịch bản rất nhạt nhẽo, nhưng qua bàn tay đạo diễn của ông, vở diễn đã trở nên sống động.

Đạo diễn Trần Hoạt và gia đình.

Một lần, ngồi uống rượu với nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao tủm tỉm: "Tôi từng cộng tác với Trần Hoạt nhiều vở. Phải công nhận "hắn" giỏi thật. Nhiều vở, kịch bản quá kém, phải đạo diễn khác non tay thì không dám nhận. Đưa kịch bản hắn đọc, xem xong hắn bảo tác giả nếu cậu đồng ý thì tớ phải phá ra viết lại. Có chuyện mà không có trò để cù khán giả thì ai xem? Cứ cố mà dựng thì lại xếp vào kho mà thôi".

Nhạc sĩ Văn Cao ngừng lời. Ông với chén rượu, thong thả nhấp một ngụm. Còn nhà văn Nguyễn Tuân lặng lẽ móc túi lấy ra một hộp thuốc, bình thản nhồi thuốc vào tẩu, bật diêm châm lửa, rít một hơi dài rồi ngả người vào chiếc ghế mây từ từ nhả khói… Khói thuốc đặc quánh, thơm lừng tuôn ra từ hai cánh mũi to quá khổ của ông như một màn sương trắng tỏa lan khắp căn phòng. Khuôn mặt ông với cặp kính lão gọng đồi mồi trễ xuống hai cánh mũi ẩn hiện trong màn khói huyền ảo.

Văn Cao thủng thẳng kể tiếp - Nửa tháng sau Trần Hoạt mang đến cho tôi 5 cân lạc, hắn cười hì hì: "Xong rồi! Vở dựng xong rồi. Khán giả đến xem cười vỡ cả rạp. Lãnh đạo tỉnh vui như tết vì có tiết mục tham gia hội diễn… Thế mà nhuận bút cho mình bèo bọt quá. Nhưng mà thôi. Cũng được dăm bữa rượu”.

Đối với đạo diễn Trần Hoạt, nhạc sĩ Văn Cao đã có lần nhận xét: Trần Hoạt là một đạo diễn bậc thầy về hài kịch. Chất hài của ông khiến người ta có lúc cười vỡ bụng, có lúc lại cười ra nước mắt. Hài của Trần Hoạt là cái hài hiện đại mà vẫn đậm chất hài của dân gian. Là người thông minh nên chỉ cần liếc qua kịch bản là ông đã biết phải "gẩy gót" vào chỗ nào để có trò cù khán giả khỏi ngủ gật. Trần Hoạt là vua "chữa cháy" cho những vở đang “chết cháy". Ông đáng được gọi là bậc "thầy phù thủy" trong làng sân khấu Việt Nam.

Trần Hoạt được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là lẽ đương nhiên. Nhưng ngay từ khi còn sống, ông đã là "đạo diễn của nhân dân" từ lâu rồi. Còn với nhạc sĩ Văn Cao, không chỉ có kịch nói, ông còn trang trí mỹ thuật cho một số vở chèo của Hà Nội và một số tỉnh thành khác của miền Bắc.

Bước vào lĩnh vực trang trí sân khấu, mặc dù chưa kinh qua một trường đào tạo nào, nhưng ông đã khiến cả làng sân khấu ngạc nhiên và kính nể. Chỉ với gần hai chục vở diễn mà ông tham gia đã đưa tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng và là một trong những họa sĩ trang trí sân khấu tạo ra một phong cách riêng, không lẫn với ai.

Trong hai thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước chỉ có ba họa sĩ tạo lập được dấu ấn để các họa sĩ kế tiếp học tập và tôn vinh. Đó là họa sỹ Bùi Huy Hiếu là một bậc thầy chuyên sử dụng chất liệu mềm (vải, lụa) làm chủ đạo trong trang trí sân khấu.

Còn họa sĩ Phùng Huy Bính có sở trường về sử dụng chất liệu cứng sử dụng nhiều bục bệ trong cách trang trí, tạo ra nhiều tầng không gian cho diễn viên diễn. Tuy nhiên những trang trí của ông chỉ hợp với các sân khấu cố định ở nhà hát, còn nếu đi diễn lưu động thì việc vận chuyển sẽ rất vất vả cho cánh hậu đài.

Vì thế ông còn "được" mọi người gọi là họa sĩ "Phùng Huy Bục". Và cuối cùng là Văn Cao, người kết hợp nhuần nhuyễn các chất liệu. Trang trí của ông có bố cục hiện đại, tinh giản và không cầu kỳ, mang tính ước lệ cao, tạo không gian mở cho sân khấu.

Văn Cao rất coi trọng những người thiết kế ánh sáng cho sân khấu. Trong những trang trí của mình, ông đều bàn bạc cặn kẽ với họ để cho việc sử dụng ánh sáng đạt hiệu quả nhất. Chính ánh sáng đã giúp cho sân khấu có thể thay đổi thời gian, không gian mà không cần phải chuyển cảnh nhiều.

Có những vở ông trang trí đẹp như một bức tranh. Nhiều họa sỹ trẻ thế hệ sau như Doãn Châu, Tường Vân, Lê Huy Quang đã ảnh hưởng tư duy sáng tác của Văn Cao và cũng đã tạo nên tên tuổi của mình trong giới sân khấu và trong lòng khán giả.

Kỳ Sơn, tháng 10-2018

Văn Thao
.
.